Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

KHI BẠN CHO LÀ BẠN SẼ NHẬN

David Michie


Ngoài những lợi ích cố hữu trong việc sống với lòng từ bi, luật nhân quả còn dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ được hưởng những lợi ích thật sự trong tương lai.

Ngay cả những chúng sinh tâm thức thô sơ, mải mê theo đuổi mục đích riêng, thì những mong cầu nẩy sinh từ hạnh bố thí cũng tạo nên sự diệt khổ.

(Chandrakirti, Bước theo Trung Đạo)

Thực hiện hạnh bố thí bằng vật chất là nghiệp nhân để chúng ta hưởng được nghiệp quả tốt lành trong tương lai - mặc dù chúng ta làm vậy cũng chỉ vì mục đích này. Chẳng có quả nào mà không có nhân - bằng cách bố thí, chúng ta đang tạo nhân an lạc cho chính mình và ngược lại, bằng cách không thực hiện hạnh bố thí, chúng ta đang bắt buộc chính mình phải nhận một tương lai nghèo khó, hoặc trong kiếp này hoặc vào kiếp sau.
Đối với những người hoài nghi ý tưởng kiếp sau, lý luận như vậy có thể chưa thuyết phục. Nhưng, liệu chúng ta có dám chắc 100% rằng chúng ta sẽ không còn hiện hữu sau kiếp này không?
Thí tài (cho đồ vật hoặc tiền của) chỉ là một hình thức của bố thí. Phật giáo còn giảng về sự thí pháp (truyền giảng giáo lý) nữa. Theo Geshe Loden giải thích, "món quà tốt nhất bạn có thể tặng cho người khác là thí pháp, bởi vì bạn đang mang đến cho họ những quan niệm cho phép họ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu ...".
Làm cách nào chúng ta có thể thực hiện được hình thức bố thí này khi mà bản thân mình chưa chắc đã hiểu hết lời pháp? Hết sức đơn giản, hãy học để hiểu rõ giáo lý hơn. Mỗi lần chúng ta đọc một quyển sách pháp, thiền định, hay suy nghĩ về lời Phật dạy, chúng ta đang tạo ra vô lượng công đức và trang bị cho mình tốt hơn để truyền giảng giáo pháp sau này.
Chúng ta cũng có thể bố thí sự bảo vệ, nghĩa là giúp người khác thoát khỏi những cảnh ngộ nguy hiểm. Việc lấy con kiến ra khỏi quả bóng trước khi đập nó xuống sân có thể có vẻ quá tầm thường - nhưng đó lại là vấn đề sinh tử đối với con kiến ấy. Và khi được làm với động cơ bồ đề tâm, hành động đơn giản này tạo nên công đức vô lượng.
Tôi từng được nghe câu chuyện về một phụ nữ cứu những con sao biển bị mắc cạn. Rất nhiều con bị sóng đánh dạt vào bờ, và khi đi bộ hàng ngày vào buổi sáng, bà đã cúi xuống nhặt chúng lên và đưa chúng trở lại biển.
"Làm gì cho mệt vậy?" bà bị những người cùng đi phản đối vì không thấy được tầm vóc của vấn đề. "Chị có giúp được bao nhiêu đâu".
"Phải,bà đồng ý, "nhưng với cái số ít mà tôi đã cứu thì thật sự là cả vấn đề".
Không ai trong chúng ta có thể giải quyết được tất cả những khó khăn trên thế gian này, nhưng đừng để điều đó làm chúng ta từ bỏ những gì mình có thể làm. Nghịch lý đáng ngạc nhiên của sự phát triển lòng từ bi và hạnh bố thí là sự trải nghiệm được rất nhiều hạnh phúc mà chúng ta đang tạo ra cho chính mình.
Trong một chuyến du lịch quan sát động vật hoang dã ở Châu Phi, bạn chuẩn bị thưởng thức một bữa tiệc trong rừng. Đó là một bữa ăn trưa trên bãi đá granite giữa bầu không khí mát mẻ. Bạn đang bày biện mọi thứ - bàn ghế mây, khăn ăn trắng và cảnh tượng thật ngoạn mục. Mọi thứ có vẻ thật hoàn hảo - cho đến khi có tiếng huyên náo, một con hươu đực thình lình chạy đến và nhảy ngang qua bụi cây thấp. Thấy đoàn người, nó lập tức rẽ sang trái, chạy bừa trở lại đồng cỏ.
Bạn có hơi giật mình nhưng không nhiều lắm. Nhưng ngay sau đó, nhân viên giám sát săn bắn xuất hiện, rồi một thợ săn người Mỹ, thở hổn hển, súng trường lăm lăm trên tay.
"Nó chạy hướng nào?" họ nói lớn.
Một câu hỏi đơn giản nhưng việc trả lời chẳng dễ chút nào. Và nếu là một phật tử, điều đó có thể khiến bạn đứng trước tình thế lưỡng nan quan trọng về mặt đạo đức. Bạn tạo ác nghiệp bởi sự nói dối hay bạn sẽ nói thật? và sẽ tiếp tay trong việc sát hại một sinh linh?
Đây không phải là câu đố đạo đức hóc búa do tôi đặt ra, mà là của đức Phật, một câu hỏi mà ngài thường sử dụng để minh họa cho việc các vấn đề đạo đức thường chẳng dễ dàng. Nhưng điều đó không phải là lý do khiến bạn không cố gắng sống đời đức hạnh, mà là để nhận ra rằng cái danh sách gồm"những điều nên làm và không nên làm" không phải lúc nào cũng đơn giản và có một yếu tố quan trọng hơn luôn cần phải được xem trọng.
Phật giáo khuyến khích chúng ta phải sống đạo hạnh. Tuy việc thực hiện hạnh bố thí có thể mang tính chuyển biến, nhưng nếu bố thí đi liền với đạo đức giả  thì kết quả cuối cùng cũng không thể khiến  cho chúng ta hạnh phúc.Do đó, mối quan hệ giữa chúng đôi khi được ví như đôi cánh của một con chim - cả hai đều cần thiết cho việc bay lên.
Như chính đức Phật đã gợi ý, chẳng có điều gì dễ dàng trong vấn đề đạo đức, ngay cả khi chúng ta đang cố gắng để làm điều đúng. Trong thế giới hiện đại, những khái niệm xã hội nhắc nhở chúng ta rằng các tiêu chuẩn đạo đức có thể dễ dàng bị đổ vỡ đến mức nào. Chúng ta có thể thích tự nhủ mình đang làm điều tốt, nhưng chỉ đến lúc đặt tấm gương trước mặt thì chúng ta mới chịu đối diện với sự thật chẳng có gì thú vị.
Mặc dù muốn làm điều tốt, nhưng chúng ta lại có thể lo ngại rằng khi gắn bó với chuyện đạo đức, chúng ta sẽ tự đặt mình vào thế yếu. Nếu chúng ta đang làm việc trong một môi trường mà ai cũng phải giả dối để tự vệ, chúng ta sẽ ra sao nếu KHÔNG làm giống vậy? Phần thưởng nhân-quả ở kiếp sau có thể tuyệt vời nhưng chúng ta sẽ sống ra sao ở kiếp này?
Còn về phần hạnh bố thí, Phật giáo khuyến khia1ch chúng ta phân t5i1ch đạo đức theo quan điểm cả những bất lợi lẫn những có lợi. Nói theo lời của Geshe Loden, "Đức Phật dạy rằng người muốn được giải thoát nhưng lại không tạo ra đức hạnh thì chẳng khác gì người mù nhìn gương - một sự tu tập vô nghĩa". Giống như người khiếm thị không thể nhìn thấy được bất kỳ vật gì theo đúng nghĩa đen, một người khiếm khuyết đạo đức cũng vậy, sẽ không thể nào nhìn thấy chân lý khi hành pháp. Chúng ta có thể dành ra nhiều giờ theo ý thích để thiền định, nhưng nếu vẫn cứ tham gia vào những việc làm có tính chất xấu xa, tâm chúng ta sẽ vẫn náo loạn.
Hạnh phúc xuất phát từ đạo đức chẳng liên quan gì đến phần thưởng đời sau. Những người thật sự đạo đức - chứ không phải là làm ra vẻ đạo đức - thường là những người rất thú vị khi giao tiếp. Họ luôn cởi mở thay vì thủ thế, vì họ chẳng có lý do gì để sợ "bị lộ" cả. Họ thoải mái, vì không phải sợ rằng nhửng việc làm trước đây có thể quay trở lại ám ảnh. Do đó, hạnh phúc xuất phát từ đạo đức chẳng phải chỉ đến trong tương lai mà còn cả ở ngay đây, và ngay bây giờ.

Không có nhận xét nào: