Thy Anh
"Nằm viện
được 2 tuần, mẹ bắt đầu nhúc nhích được tay chân bên liệt, nói ú ớ, biết được
con cháu. Bác sĩ nói mẹ bị xuất huyết não, đã ổn định. Chiều hôm qua, đang cho
ăn qua ống thông thì mẹ bị ói, sặc, dãy dụa tím tái rồi thở ngáp. Bác sĩ trực đặt nội khí quản hoài không được phải chuyển khoa hồi sức. Sáng nay, mẹ mê sâu,
lại ngưng tim, bác sĩ cho về. Nguyên nhân tử vong ghi là xuất huyết não, nhồi
máu cơ tim. Không hiểu mẹ chết vì xuất huyết não, vì bị nhồi máu, vì bị sặc hay
vì bác sĩ không đặt được ống nội khí quản kịp thời?” Cậu học trò cũ buồn bã tâm
sự.
Ra trường đã hơn 10 năm, làm ở bệnh viện huyện, cũng phải trực gác, nhưng cậu
thú thật, chưa bào giờ tự tay đặt nội khí quản. Có lần cấp cứu, lấy đèn soi
thanh quản trong tủ trực ra thì đã hết pin từ đời nào, phải chuyển đại bệnh
nhân xuống hồi sức... Nghĩ bụng, nếu xem xét cho thiệt kỹ thì ca tử vong nào
trong bệnh viện cũng có “vấn đề”. Một nguyên nhân có khi cũng cần thêm vô số yếu
tố thúc đẩy mới đưa bệnh nhân đến được một kết cục nào đó. Nhớ lại một câu chuyện
kiểu bác “Ba Phi", nghe được hồi còn làm việc tại bệnh viện Giồng Trôm, Bến
Tre - "Đứt một sợi dây đàn, chìm nguyên chiếc đò"- Câu chuyện như thế
này: Có anh chàng dân miệt vườn, rất mê đờn; hôm đó đang đờn sáu câu thì đứt
dây, nhà lại hết dây "sơ cua". Muốn mua được dây đờn phải đi ghe lên tận
thị xã. Chàng tới bến đò thì đò đã đầy khách, lại đang mùa gió chướng nên sóng
to, nên chủ đò không chịu chở. Năn nỉ ỷ ôi thế nào mà cuối cùng chàng ta cũng
leo được lên đò. Ra sông lớn, sóng càng lúc càng to, lại chở khẳm, thế là chìm
nguyên chiếc đò ...
Rõ ràng, nếu dây đờn không đứt, chưa chắc đò đã bị chìm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét