SGTT.VN - Làm từ thiện,
chỉ có cái tâm và vật chất thôi thì chưa đủ. Tiêu chí và hướng thực hiện đúng,
vẫn chưa đủ. Từ thiện còn đòi hỏi sự cố gắng, một sự cố gắng hầu như không có
điểm dừng.
Chuyện thứ nhất
Tôi có một cô bạn nhà báo quê Quảng Nam, dù viết mảng đối
ngoại nhưng rất quan tâm tới mảng xã hội, đặc biệt là từ thiện. Một lần trở về
từ K., cô điện thoại cho tôi đầy xúc động: “Chị ơi, không thể tưởng tượng được,
trẻ con ở đó đi học phải đu dây qua sông, rồi đi bộ hàng chục cây số tới trường”.
Rồi khi nghe tôi bày tỏ sự quan tâm và hứa đi tìm nguồn để xây một cây cầu
bêtông, cô rốt ráo liên lạc với địa phương, hướng dẫn và lãnh toàn bộ công việc,
thu thập hồ sơ, hình ảnh, trình bày đơn xin tài trợ, dịch hết sang tiếng Anh.
Cô làm tất cả bằng thời gian vốn rất eo hẹp của mình, và tự trả chi phí để một
lần nữa lặn lội tới đó hoàn tất hồ sơ. Gửi giấy tờ đi rồi, chúng tôi hồi hộp chờ…
và thất vọng não nề khi dự án bị từ chối với lý do nhà tài trợ “nghe nói” vùng
đó có rất nhiều lâm tặc. Họ không xây cầu để phá rừng, đơn giản thế. Và họ
không xây cầu chỉ để phục vụ 30 đứa trẻ của một buôn làng heo hút.
Chuyện thứ hai
Đầu những năm 1990, tôi đưa một cặp vợ chồng người Đức đi
xuyên Việt. Người chồng là nhà báo, còn vợ là thư ký văn phòng. Bẵng đi mười
năm sau, tôi nhận được một cú điện thoại: họ đã quay trở lại Việt Nam. Trong cuộc
gặp năm ấy, tôi được biết người chồng đã là chủ bút của năm tờ báo và tạp chí
thể thao danh tiếng tại miền Nam nước Đức, người vợ đã nghỉ việc, họ là những tỉ
phú. Và ngạc nhiên hơn nữa: sau chuyến đi duy nhất ấy, họ đã đóng góp rất nhiều
vào những quỹ từ thiện dành cho trẻ em Việt Nam, đã nhận đỡ đầu cho một em bé
nghèo ở Sài Gòn... để rồi khi đã ngấp nghé tuổi hưu, họ muốn lập ra một quỹ từ
thiện hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam trên con đường học vấn. Nhưng họ không muốn
đi theo lối mòn của những quỹ khác mà muốn làm thật cụ thể, kết nối và tạo quan
hệ cá nhân với từng em trong dự án. Dự án đầu tiên dành cho năm thiếu niên
nghèo từ phổ thông cơ sở tới trung học tại một tỉnh miền Tây Nam bộ. Các em được
hỗ trợ xe đạp, đồ dùng học tập, các khoá học tiếng Anh và cả gia đình cũng được
giúp đỡ. Những năm đầu, tất cả mọi người đều phấn khởi, sự giúp đỡ mang lại hiệu
quả thấy rõ. Nhưng cùng với thời gian, sự phấn khích ban đầu, lòng say mê học tập
giảm sút rõ rệt. Các em mang tâm lý của những-người-may-mắn-hơn-người-khác, và
vì thế thái độ đối với bạn bè, trường lớp thay đổi rất nhiều. Rồi những yêu cầu
theo kiểu “mọi sự phải hoàn hảo” theo quan điểm phương Tây từ nhà tài trợ, dần
dần làm các em nản chí. Nhà tài trợ thất vọng và giảm dần mức độ tài trợ…
Chuyện thứ ba
Người đàn ông ấy lúc nào cũng tất bật. Không tất bật sao được
khi phải dậy từ 2 giờ sáng để cùng vợ chồng người bạn nấu 1.000 phần cháo cho kịp
phát vào lúc 4 giờ trước cửa bệnh viện Ung bướu, từ thứ ba tới thứ sáu. Chủ nhật
nào cũng 3 giờ sáng, anh cùng nhóm từ thiện nấu 500 phần cơm trưa để kịp phát
lúc 7 giờ, rồi quay lại tiếp tục nấu cơm chay miễn phí cho người nghèo tại một
ngôi chùa. Tuần nào cũng vậy, gần 20 năm nay. Anh còn đi tìm nhà tài trợ cho dự
án xe lăn, xe lắc, đi xin tiền xây nhà tình thương cho người nghèo, người dân tộc.
Rồi tháng nào cũng kêu gọi một xe đầy nhóc người, đi tắm cho bệnh nhân tâm thần,
gây dựng bếp ăn miễn phí tại những bệnh viện vùng xa. Những lần đưa người khiếm
thị đi mổ mắt, anh lo cho họ chu đáo từ chi phí mổ, phương tiện đi lại tới những
cái khăn lau mồ hôi, hộp sữa... Chiếc xe cứu thương cũ kỹ của anh đã vượt hàng
trăm ngàn cây số, chở miễn phí những bệnh nhân nghèo hấp hối về nhà để họ được
ra đi trong vòng tay gia đình. Biết bao lần anh thấy đuối sức, nhưng rồi cứ
nhìn thấy hàng ngàn thân nhân người bệnh xếp hàng từ 2 giờ sáng trước cửa bệnh
viện chờ nhận cháo, nhìn thấy những người hấp hối mở mắt nhìn ngôi nhà họ đã
sinh ra rồi mới ra đi là anh lại tiếp tục.
Chuyện thứ tư nhưng
chưa phải là cuối cùng
Kết thúc chuyến làm việc tại Q., chúng tôi có lịch làm việc
với đối tác tại Đ. về dự án khoan giếng tại một số huyện của Đ. Đối tác là một
tổ chức xã hội của Nhà nước, đã nhiều lần xin tài trợ một số dự án nhưng chưa
thành, cả hai phía đều hết sức mong chờ vào đợt gặp này. Đối tác đón chúng tôi
vào buổi sáng, mọi việc đều suôn sẻ và hai bên hẹn nhau sẽ ký hợp đồng vào buổi
chiều. Nhưng trong tôi cứ gợn lên một điều gì đó không bình thường về thái độ của
người dân trong vùng dự án. Trái với vẻ hồ hởi của cán bộ xã, dân tiếp chúng
tôi không mấy mặn mà. Chúng tôi quyết định dời cuộc hẹn và âm thầm quay đầu xe
trở lại vùng dự án thăm những xã khác mà không vào uỷ ban xã. Những người dân
cho biết: nước ở đây nhiễm phèn, dù cho có áp dụng mọi biện pháp để tẩy phèn
cũng không thể nào dùng được nước giếng. Đã có nhiều đoàn về xem xét và những
nơi có thể thì người ta đều đã khoan giếng! Tìm hiểu thêm thông tin của một quỹ
nước ngoài đang hoạt động tại đó, chúng tôi có đủ những bản xét nghiệm chất lượng
nước với rất nhiều điểm không trùng khớp với hồ sơ mà đối tác đã trình bày. Đồng
thời những tính toán về chi phí dự án cũng vượt xa con số thực tế tại địa
phương.
Rời Đ. mà lòng trĩu nặng. Không thể quên hình ảnh những người
dân ở vùng đất khô cằn khắc nghiệt ấy. Không thể quên những bộ mặt đang hồ hởi
bỗng cúi gằm trước những gì chúng tôi đưa ra…
Những câu chuyện như thế còn nhiều lắm. Nhưng chặng đường vẫn
tiếp tục. Người vẫn đi. Và tôi chợt nhớ tới câu ca của nhạc sĩ họ Trịnh: “Tôi
ơi, đừng tuyệt vọng…”
bài và ảnh: Trần Thuỳ
Linh
1 nhận xét:
vâng đúng vậy những công việc từ thiện luôn phải cẩn trọng vì hai mặt của một vấn đề
Đăng nhận xét