Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

MỘT TRƯỜNG HỢP NGƯNG TIM TRÊN BÀN MỔ

Atul Gawande

John kể tôi nghe một câu chuyện. Một bệnh nhân đang được phẩu thuật cắt khối u dạ dày thì bất ngờ tim ngưng đập. John nhớ lúc nhìn vào máy theo dõi điện tim, anh đã quay sang hỏi bác sĩ gây mê: "Này, có nhịp tim không?". Trên màn hình hiện lên một đường thẳng như thể máy điện tim không được kết nối với bệnh nhân vậy.
Bác sĩ gây mê cho rằng có lẽ phích cắm điện bị tuột, vì việc bệnh nhân này bị ngưng tim là điều không thể xảy ra. Ông ta mới khoảng gần 50 tuổi, với tình trạng sức khỏe trước đó hoàn toàn tốt. Khối u được phát hiện tình cờ trong một lần ông ta đi khám bệnh vì một vấn đề khác, hình như là bị ho, và ông có nói với bác sĩ khám bệnh rằng mình hay bị ợ hơi. Thỉnh thoảng ông cảm thấy ăn không tiêu, thức ăn hay bị nghẽn ở thực quản tạo cảm giác buồn nôn, khó chịu. Bác sĩ đã yêu cầu ông uống một ly nước chứa chất cản quang rồi tiến hành chụp X-quang. Kết quả cho thấy một khối u cỡ bằng nắm tay ở gần cuống dạ dày, thỉnh thoảng lại chặn ở thực quản như một cái nút. Rất may là khối u được phát hiện sớm và chưa có dấu hiệu di căn. Trong trường hợp này, biện pháp duy nhất là cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Đây là một loại phẫu thuật khó và thường kéo dài khoảng bốn giờ.
Ê kíp phẫu thuật đã đi được nửa chặng đường. Khối u được lấy ra mà không có bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Các bác sĩ đang chuẩn bị khôi phục lại bộ máy tiêu hóa  cho bệnh nhân thì đột nhiên màn hình báo không có nhịp tim. Phải mất năm giây mọi người mới phát hiện là phích cắm vẫn nằm trong ổ điện. Chuyên viên gây mê cũng không thấy mạch đập ở động mạch cảnh. Tim bệnh nhân đã ngưng đập!
John lập tức giật tấm vải vô trùng khỏi người bệnh nhân để tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Phần ruột bệnh nhân cứ phập phồng trong khoang bụng còn mở toang theo từng động tác của John. Y tá bấm nút báo động xanh dùng trong trường hợp tim bệnh nhân ngừng đập.
Dừng câu chuyện, John quay sang hỏi nếu gặp trường hợp như vậy, tôi sẽ làm gì? Tôi cố nghĩ. Tim ngừng đập giữa một ca đại phẫu khiến chúng ta phải nghĩ ngay đến việc bệnh nhân mất quá nhiều máu. Nếu là tôi, tôi sẽ tìm xem máu chảy ở đâu và lập tức sẽ cho truyền máu.
Bác sĩ gây mê cũng nhận định như tôi. Nhưng trường hợp này lại không thấy hiện tượng chảy máu vì khoang bụng bệnh nhân vẫn còn đang mở. Anh ta không tin nổi và cứ luôn miệng nói: "Chắc chắn đang chảy máu ồ ạt. Chắc chắn phải vậy!". Nhưng thực tế lại không phải vậy.
Thiếu oxy cũng là một khả năng. Tôi sẽ vặn nút điều chỉnh oxy lên tối đa và kiểm tra đường hô hấp. Ngay sau đó sẽ khẩn cấp lấy máu bệnh nhân kiểm tra xem có điều gì bất thường không.
John nói rằng các bác sĩ trong ê kíp cũng đã nghĩ đến điều ấy. Nhưng đường hô hấp vẫn bình thường. Còn về phần kiểm tra máu, chắc chắn tính mạng bệnh nhân se bị đe dọa khi phải chờ kết quả đến 20 phút.
Cũng có thể là tràn dịch phổi. Nhưng không có dấu hiệu gì của việc đó. Các bác sĩ đã dùng ống nghe để kiểm tra nhịp thở và không tìm thấy dấu hiệu nào bất thường.
Nguyên nhân tiếp theo là tắc mạch phổi. Rất có thể một cục máu đông đã di chuyển vào tim và cản trở quá trình tuần hoàn máu. Khả năng này rất hiếm, nhưng với những bệnh nhân phẫu thuật điều trị ung thư vẫn có thể gặp rủi ro này, và khi đó sẽ rất khó cứu chữa. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ dùng một liều epinephrine cực mạnh để cố gắng kích thích tim, nhưng có vẻ tình hình không mấy khả quan.
John nói rằng cả ê kíp đã đưa ra những kết luận tương tự. Sau 15 phút cấp cứu bằng phương pháp ép tim, điện tâm đồ vẫn cứ hiện lên một đường thẳng băng, tuyệt vọng.
Tuy nhiên, trong số những người đến hỗ trợ ca cấp cứu hôm ấy có một bác sĩ gây mê nhiều kinh nghiệm - Người đã có mặt trong phòng mổ khi bệnh nhân bắt đầu ngủ thiếp đi. Khi ông ra ngoài, mọi việc vẫn ở trong tầm kiểm soát. Ông nghĩ rằng có thể đã có một sai sót nào đó. Ông hỏi mọi người có làm điều gì khác thường trong vòng 15 phút trước khi sự cố xảy ra không.
Câu trả lời là không. Nhưng khoan đã, hình như là có. Như thường lệ, bệnh nhân được kiểm tra tổng quát và không thấy vấn đề gì, ngoại trừ lượng potassium thấp. Bác sĩ gây mê đã tiêm thêm cho bệnh nhân một liều potassium nữa để điều chỉnh lại.
Tôi giật mình vì quên mất khả năng này. Môt lượng potassium đột ngột là nguyên nhân kinh điển gây ra hiện tượng tim ngừng đập. Điều này được ghi trong tất cả mọi cuốn sách y khoa. Tôi không thể nào tin là mình đã bỏ qua chi tiết đó. Lượng potassium thấp hơn mức bình thường có thể làm tim ngưng đập và chỉ có thể khắc phục bằng cách bù một lượng thích hợp. Nhưng một lượng potassium quá cao cũng gây ra kết quả tương tự, và đây cũng chính là cách mà người ta dùng để hành quyết các tử tù.
Vị bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm yêu cầu xem lại hộp potassium đã dùng cho bệnh nhân. Họ tìm được chiếc hộp trong thùng rác và mọi chuyện đã sáng tỏ: bác sĩ gây mê đã sử dụng liều potassium có nống độ cao gấp 100 lần mức cần thiết. Nói cách khác, anh ta đã cho bệnh nhân quá liều potassium - liều đủ để gây tử vong.
Sau khi mất quá nhiều thời gian để tìm nguyên nhân, không một ai dám chắc bệnh nhân sẽ sống sót. Sự việc dường như đã quá muộn. Nhưng từ khi tìm được nguyên nhân, cả ê kíp đã cố gắng hết sức có thể. Họ nhanh chóng tiêm insulin và glucose để giảm lượng potassium trong máu. Cả ê kíp đều biết rằng họ phải mất khoảng 15 phút để thuốc có tác dụng - một quãng thời gian quá dài đối với một tình huống cấp bách. Họ kết hợp truyền thêm calcium vào tĩnh mạch và cho bệnh nhân hít albuterol (thường dùng trị hen suyễn), là những phương pháp có tác dụng tức thời, để đẩy nhanh hiệu quả cấp cứu. Qủa nhiên, lượng potassium của bệnh nhân giảm nhanh chóng và điều kỳ diệu cuối cùng đã đến: tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại.
Ê kíp phẫu thuật đã gần như mất hết bình tĩnh, đến độ họ không dám chắc có thể kết thúc ca mổ. Họ không chỉ suýt hại chết bệnh nhân mà còn không biết nguyên nhân gây ra cái chết đó. Nhưng cuối cùng, họ đã thành công. John ra khỏi phòng mổ và thông báo tin tốt cho gia đình bệnh nhân. Anh cảm thấy cả mình và người bệnh đều rất may mắn. Sau đó, bệnh nhân hồi phục, sức khỏe trở lại bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Những câu chuyện nghề mà các bác sĩ phẫu thuật chia sẻ với nhau thường là những tình huống bất ngờ như chiếc lưỡi lê ở San Francisco (xem : Môt chuyện trong phòng mổ), hay tim ngừng đập đúng lúc mọi thứ tưởng như đang diễn ra tốt đẹp. Và đôi khi là sự hối tiếc vì đã bỏ lỡ những cơ hội mang lại sự sống cho bệnh nhân. Chúng tôi kể về những ca cứu người thành công, và cả những lần thất bại. Tất cả đều là một phần công việc mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi luôn cho rằng mình có khả năng kiểm soát mọi thứ nhưng câu chuyện của John chia sẻ  đã khiến tôi phải suy nghĩ về những gì chúng ta thực sự kiểm soát được và điều gì không.
"The Checklist Manifesto" - tên bài do blog tự đặt


4 nhận xét:

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Unknown nói...

Câu chuyện như đùa, nhưng có thể có thật nếu những tình tiết sau cùng xảy ra:
- Bs phẫu thuật và gây mê không điều chỉnh Kali máu trước mổ,lại là mổ chương trình, ít khí xảy ra.
- Bs gây mê không biết gì về cách dùng kali đường tĩnh mạch,cực kỳ hiếm.
- Sau hơn 30 phút hồi sinh tim phổi mà: <> và << Bệnh nhân hồi phục, sức khỏe trở lại bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra>>. Việc này càng hiếm hơn. Trừ khi bác sĩ này không biết gì ngoài cái dạ dày.

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

tai nguyen nên nhớ ca này không có tiền căn bệnh mạn tính hay tim mạch trước đó, phát hiện ngưng tim kịp thời trong khi chung quanh đầy bác sĩ và đã được đặt NKQ để mổ nên vấn đề hô hấp là OK, khác những ca ngưng tim ngưng thở chưa được chuẩn bị đường thở ở các bệnh viện nước ta, nếu ca này nằm trong khoa dù là ngoại hay nội khoa ở VN thì cũng chưa chắc CPR kịp thời, hơn nữa,m đây là ngưng tim có nguyên nhân RL điện giải nên khi điều chỉnh được thường là qua khỏi ngon lành! Tôi đã gập những ca suy thận tăng kali nặng nhập viện loạn nhịp ngưng tim, vừa cấp cứu CPR vừa chỉnh kali, BN sống ngoạn mục!