Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

MỘT TRƯỜNG HỢP CHẾT ĐUỐI HI HỮU

Atul Gawande


Gần đây, tôi đọc được một báo cáo trong cuốn Lịch sử ngành phẫu thuật lồng ngực. Do mang đặc trưng thường thấy của các tập san y học nên các bài viết trong đó khá khô khan. 
Báo cáo kể lại câu chuyện kinh hoàng xảy ra tại một thị trấn nhỏ nước Áo, trên dãy núi Alps. Cặp vợ chồng nọ cùng cô con gái ba tuổi xinh xắn đang dạo chơi trong khu rừng, bỗng nhiên họ mất dấu đứa bé và mọi chuyện bắt đầu từ đây.
Cô bé đã trượt chân rơi xuống một hồ cá đang đóng băng. Hai vợ chồng vội nhảy xuống tìm. Phải mất hơn 30 phút, họ mới phát hiện con gái mình đã chìm dưới đáy hồ. Họ lập tức đưa bé lên bờ và gọi cấp cứu. Trong lúc chở đợi, họ thực hiện các thao tác hồi sức theo hướng dẫn qua điện thoại di động của đội cấp cứu.
Tám phút sau, nhân viên cấp cứu có mặt và nhanh chóng kiểm tra tình trạng của cô bé. Bé đã mất hết phản ứng, huyết áp và mạch không đo được, hơi thở cũng không còn. Nhiệt độ cơ thể bé hạ xuống 19 0C, đồng tử giãn không phản ứng với ánh sáng - dấu hiệu cho thấy não đã ngưng hoạt động. Cô bé đã chết.
Nhưng các nhân viên cấp cứu vẫn cố hồi sức tim phổi. Một chiếc trực thăng được gọi tới để đưa bé đến bệnh viện gần nhất, nơi bé được chuyển thẳng vào phòng mổ, trong khi nhân viên cứu thương vẫn không ngừng thực hiện ép tim ngoài lồng ngực. Ê kíp phẫu thuật tức tốc gắn máy tim phổi nhân tạo vào người cô bé. Bác sĩ phẫu thuật phải cắt lớp da ở đùi phải và khâu một ống cao su với động mạch đùi để truyền máu trở lại. Người phụ trách truyền dịch ấn nút khởi động, sau đó điều chỉnh nhiệt độ và lượng oxy lưu thông giữa máy với người bệnh. Chỉ đến lúc này họ mới ngưng phương pháp ép tim.
Cô bé đã xem như không còn sự sống trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, kể từ khi trực thăng đưa bé tới bệnh viện và cho đến lúc chiếc máy tim phổi nhân tạo này hoạt động. Tuy nhiên, sau 2 giờ theo dõi, nhiệt độ cơ thể tăng thêm được gần 4 0C, và tim bắt đầu đập. Đó là cơ quan đầu tiên hoạt động trở lại. Tình hình cô bé dần tốt hơn sau 6 giờ và thân nhiện đã đạt 37 0C - mức nhiệt độ bình thường của cơ thể. Toàn bộ ê kíp thử chuyển cô bé sang thở máy, nhưng nước hồ và các mảnh băng vỡ đã làm tổn thương phổi nghiêm trọng, đến mức không thể đưa oxy qua ống thở để vào máu. Vì thế, họ quyết định chuyển sang sử dụng hệ thống hô hấp nhân tạo ECMO*, một loại máy trao đổi oxy ngoài cơ thể. Các bác sĩ phải dùng cua máy để mở lồng ngực, sau đó nối hệ thống dây từ máy ECMO với động mạch chủ và tim của bệnh nhân.
Rồi các bác sĩ gỡ hệ thống ống của máy tim phổi nhân tạo ra khỏi người bệnh nhân, hồi phục các mạch máu, may lại vết rách trên đùi và chuyển bé vào khoa săn sóc đặc biệt với lồng ngực đang mở toang, chỉ được đậy bằng một miếng nhựa vô trùng. Suốt cả ngày lẫn đêm hôm đó, các nhân viê y tế liên tục dùng ống nội soi phế quản hút nước từ hai lá phổi của bé. Ngày hôm sau, phổi đã được phục hồi đáng kể, đủ để chuyển bé sang thở máy thay cho hệ thống ECMO. Thế là các bác sĩ đưa bé vào phòng mổ để tháo các loại dây, ống, may các vết mổ và đóng lồng ngực lại.
Hai ngày sau, tất cả các cơ quan chức năng như gan, thận, ruột của bé đã phục hồi, chỉ trừ bộ não. Kết quả chụp CT cho thấy não bị sưng, dấu hiệu bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng trên diện rộng. Nhưng thật may mắn khi không có vùng nào đã thực sự chết. Cả ê kíp bắt tay thực hiện các bước tiếp theo. Họ khoan hộp sọ, luồn ống dò vào trong não để theo dõi áp suất và kiểm soát áp suất não thật chặt chẽ bằng cách không ngừng điều chỉnh liều lượng thuốc và dịch truyền cho cô bé. Hơn một tuần sau, dù vẫn còn trong tình trạng hôn mê nhưng cô bé đang có những dấu hiệu hồi phục.
Những dấu hiệu khả quan đầu tiên là đồng tử bắt đầu có phản ứng với ánh sáng. Rồi bé bắt đầu tự thở. Một ngày sau, cô bé mở mắt. Hai tuần kể từ lúc bị tai nạn, cô bé được xuất viện về nhà tuy một phần chân phải và tay trái vẫn chưa cử động được. Giọng nói nghe vẫn còn sền sệt. Cô bé được tiếp tục điều trị ngoại trú. Khi lên năm tuổi, tất cả các cơ quan chức năng của bé đều phục hồi hoàn toàn. Các đợt kiểm tra vật lý trị liệu và thần kinh đều cho kết quả bình thường. Cô bé lại giống như bao bạn bè cùng trang lứa.
Câu chuyện trong báo cáo khiến người đọc không khỏi kinh ngạc. Họ không ngạc nhiên vì khả năng cứu người thoát khỏi tình trạng tưởng như đã chết sau hai giờ đồng hồ mà vì ê kíp bác sĩ đã hoàn thành những công việc cực kỳ khó khăn phức tạp chỉ trong từng ấy thời gian. Việc cứu sống một nạn nhân chết đuối không giống như những gì mà ta thường thấy trên truyền hình. Không phải chỉ với vài động tác ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt là có thể làm bệnh nhân đang ngưng thở vì bị nước tràn vào phổi bật ho sù sụ, miệng phun nước phì phì rồi sống trở lại.
Trên thực tế, để cứu sống cô bé này, toàn bộ ê kíp điều trị đã phải thực hiện hàng ngàn thao tác một cách chuẩn xác, như nối hệ thống máy trợ tim vào người cô bé mà không để bong bóng khí lọt vào đường ống, đảm bảo các vết mổ, lồng ngực đang mở toang  và dịch não được vô trùng tuyệt đối; trong khi vẫn phải giữ cho hệ thống máy móc hoạt động liên tục. Thực hiện một thao tác đã khó, phối hợp được chúng với nhau theo một trình tự hợp lý mà không bỏ sót một chi tiết nào còn khó hơn gấp bội. Đó là chưa kể họ luôn phải dự phòng những sự cố có thể xảy ra.
Cũng có khi nạn nhân nào đó rơi vào tình huống như trên sẽ không được cứu sống chỉ vì những lý do như máy móc trục trặc, đội cứu thương không đến kịp, hay có ai đó quên rửa tay gây biến chứng nhiễm trùng cho bệnh nhân . . . Những trường hợp như vậy vẫn thường xảy ra, dù không được nhắc đến trong cuốn Lịch sử ngành giải phẫu lồng ngực.
Y học ngày nay đã trở thành nghê thuật sử lý các tình huống phức tạp. đúng hơn là cuộc thử nghiệm liệu con người có khả năng làm chủ những tình huống khó khăn, phức tạp ấy hay không.
    The Checklist Manifesto - tên bài do blog tự đặt
*Chú thích: extracorporeal membrane oxygenation (ECMO) a technique of providing respiratory support; the blood is circulated through an artificial lung consisting of two compartments separated by a gas-permeable membrane, with the blood on one side and the ventilating gas on the other. It was originally used exclusively in newborns but is now being used more and more in adults.

1 nhận xét:

trung nói...

Hay quá, mở mang tầm nhìn