Nguyễn Tường Bách *
Quê tôi xứ Huế mỗi năm lụt vài lần, đó là điều ai cũng biết.
Như một người đẹp khó tính, sông Hương có nhiều khuôn mặt. Sông
chảy từ Tây sang Đông nên trong buổi hoàng hôn, ánh chiều đọng lại dọc theo
dòng, sông sáng lên như một giải lụa giữa hai bờ sẩm tối. Nếu trong bầu trời mọc
một mảnh trăng non, dòng sông sẽ mềm mại không sao tả xiết. Thế nhưng vào mùa lụt
thì cũng chính dòng sông đó lại vùng lên tràn bờ, ào ạt chảy một thứ nước đục
ngầu, mang theo vô số củi đen, cây gãy.
Thứ nước lụt mà người Huế gọi là "nước bạc" là một
thứ nước đục nhờ nhờ, trẻ con như tôi ngày xưa không biết từ đâu mà có. Hỏi người
lớn thì được nghe nói "trên nguồn chảy xuống" nhưng hỏi "nguồn"
ở đâu thì không ai biết. Giữa dòng thì nước chảy cuồn cuộn đáng sợ, nhưng khi
lên đến đường, tràn vào hóc hẻm mọi nhà thì nước hiền lành trở thành bạn của
chúng tôi. Trong thứ nước bạc đó có cơ man nào là tép, đưa rổ xuống là xúc được
tép. Thỉnh thoảng chúng tôi may mắn câu được cá ngạnh, bụng đầy trứng. Mùa lụt
chúng tôi được ăn cá ngạnh, cá chình. Cá ngạnh giống cá trê nhưng nhỏ hơn, nghe
nói cũng "trên nguồn" đổ xuống. Tôi nghiệm ra những thứ gì không ai
biết xuất xứ thì được người Huế cho là "trên nguồn" đổ xuống cả. Cá
chính cũng là thứ cá nguồn, có con to như bắp đùi, mùi thịt rất lạ, mỗi năm
chúng tôi chỉ ăn được một hai lần. Trong thứ nước bạc đục ngầu đó, tôi chỉ sợ
nhất là rắn đẽn. Người lớn nói ai cũng rắn đẽn cắn là chết liền. Nhưng tôi chưa
nghe ai bị rắn đẽn cắn cả. Nước tràn lên bờ thì dĩ nhiên trường học đóng cửa,
con nít nghỉ học, chúng tôi tha hồ chơi. Trò chơi của các nít xứ Huế bốn mươi
năm trước chỉ là thả tàu bằng cái lon sắt tây đựng cá mòi, đôi khi có buồm làm
bằng vải rẻo. Người lớn bày cho chúng tôi cột một miếng xà-phòng sau tàu,
xà-phòng nhả ra một thứ bọt lăn tăn, có sức đẩy tàu tiến lên. Cứ thế mà chúng
tôi chơi từ sáng đến chiều.
Lụt là niềm vui con nít, chúng tôi nào cần biết đến nỗi lo của
người lớn. Không có gì sung sướng hơn khi trong đêm lắng nghe mưa to gió lớn,
sáng ra trước đường đã có nước. Chúng tôi nghe người lớn nhìn trời ngóng gió, nếu
họ buột miệng nói mưa nay là mưa lụt đây, gió này là gió ngược sông đây, sắp lụt
to đây...chúng tôi sẽ khấp khởi mừng thầm. Người lớn chuẩn bị đôn bàn ghế lên,
còn chúng tôi sửa soạn chiếc tàu con, chiếc vợt bằng vải mùng để bắt tép, thau
nhôm đựng cá.
Trong mùa lụt, người ta vừa nhàn hạ vừa bận rộn. Xem ra ai
cũng gấp rút, xung quanh lúc nào cũng có tiếng kêu ơi ới. Nhưng người lớn có
người khỏi đi dạy, miễn đi làm...lại thú vị lấy sách ra đọc, lấy cờ ra chơi hay
cùng trẻ con đi lội lụt. Chúng tôi thì có việc làm của mình vì con đường đã biến
thành dòng sông, chuyện gì cũng đáng thích cả. Trên dòng sông đó, những chiếc
thuyền cót trét dầu rái chở vô số người và hàng hóa xuôi ngược. Họ vẫn đi buôn
đi bán, đi thăm ông bà cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo, đến nhà này nhà kia để đôn
bàn ghế. Người lớn chỉ biết lo chuyện bàn ghế bị hư, hàng hóa bị trôi, sách vở
bị ướt, chắng ai hơi đâu mà la rầy chúng tôi. Thế nhưng, lụt ở Huế chỉ kéo dài
chứng vài ba ngày là nhiều, lúc chân trời hừng sáng là lúc nước rút, lòng trẻ
con buồn như chiều mồng hai tết. Nước rút rồi thì người lớn rút chổi rành ra
quét bùn non, con nít lấy sách vở ra học lại.
Về sau tôi không còn ở quê mà lên phố. Sau mỗi đêm mưa to giớ
lớn, tôi lại chạy ra ban-công, nhìn sông Hương và xem Đập Đá. Đập Đá là đoạn đường
ngắn cắt sông Hương, nối thành phố với Vĩ Dạ. Đập Đá tràn nước thì quê tôi lụt,
đó là kinh nghiệm lâu năm của tôi. Nhưng quan trọng nhất là khi Đập Đá đã tràn
thì trường học đóng cửa vì thầy trò có nhiều người từ Vĩ Dạ đi lên. Thế là tôi
lấy cớ đi thăm ông bà, thốc áo mưa lên thuyền về quê. Lớn hơn đôi chút, tôi vẫn
còn ham nước bạc, vẫn đưa mắt nhìn chừng rắn đẽn, nhưng đã thấy cái vất vả của
người lớn trong mùa lụt. Thuyền càng đi, nước bạc vào nhà càng sâu, có nơi tới
bụng tới ngực. Tôi khám phá ra một điều mới. Trẻ con như tôi đâu phải ai cũng
yêu thích lụt lội, chúng cũng vô cùng khốn khổ vì đôn bàn ghế và vớt vát những
gia sản nhỏ bé của mình. Nước mắt của chúng cũng đã đổ khá nhiều vì người lớn
nóng tính và tiếc của. Thuyền của tôi đi qua vạn nhà đò, họ cũng chộn rộn sợ sệt
khi nước lớn và chảy xiết. Trẻ con nhà đò không hề bình chân như vại như tôi thầm
tưởng.
Mưa gió lụt lội là một phần của thời thơ ấu tôi. Về sau khi
ra nước ngoài học tập, tôi vẫn nhớ mùa mưa bão xứ Huế và hay mua gửi về thứ áo
mưa thật tốt để thay cho chiếc tơi lá mà cha ông tôi hay dùng. Tôi vẫn mơ về Huế
đúng mùa lụt để đi đò, để nhớ lại cảnh đời xưa. Gia đình tôi lại khuyên phải
tránh những tháng tám tháng chín để đỡ bão lụt, nhưng tôi vẫn thầm mong.
Năm ngoái tôi về lại Huế, may thay đúng những ngày lụt. Tôi
vội lấy Honda về Đập Đá. Nước tràn mạnh qua đập, cảnh sát đề bảng cấm xe người
vượt qua. Nhiều người tụm năm tụm ba đứng ngó nước chảy, đúng là phong cách Huế.
Nước đã lên Hàng Bè. Tôi chạy xe về cầu Đông Ba, gửi xe, xắn quần, lội nước bạc
lên ghe. Ôi, thời gian như dừng lại, xem ra nó chẳng chịu trôi trong xứ Huế
này. Sau bốn mươi năm vẫn là những chiếc ghe bằng cót phết dầu rái. Thế nhưng
chúng vẫn đủ sức chở đầy người và hoa quả. Ghe hướng về Bao Vinh, vẫn thứ nước
bạc trăm năm không hề thay đổi. Nước sông chảy mạnh, người ta rớ cá cũng vẫn bằng
chiếc rớ với bốn cây tre buộc chụm lại. Người lớn kéo lưới, một đám trẻ con bu
lại đứng coi. Có tiếng chửi thề, càm ràm năm nay ít cá.
Người ta vẫn đi lội lụt, áo tơi lá ngày xưa đã nhường chỗ
cho những chiếc áo mưa mang chữ sport. Té ra cũng có thay đổi. Con nít chơi với
những chiếc tàu hẳn hoi bằng ni-lông, có thứ chạy bằng pin. Thau nhôm ngày xưa
không còn, ngày nay người ta xài thau ni-lông xanh đỏ, nhiều kích cỡ khác nhau,
cái này nằm gọn trong cái kia. Nhưng các vạn nhà đò đã bị giải tỏa, những cuộc
đời nhỏ bé và ướt át đó nay đi vể đâu ?
Bao Vinh đây, nước bạc đã ngập ngang ngực. Bên kia sông,
Tiên Nộn xa tít. Cả nhà trố mắt ngạc nhiên khi tôi sùm sụp áo mưa đi vào. "Đi
chi vất vả rứa? Trời ni gọi tê-lê-phôn thăm được rồi!". Thì ra, sau bốn
mươi năm, Huế tôi cũng có thay đổi, bây giờ nhiều nhà đã có điện thoại. Tôi cười
dấu ý nghĩ của mình. Tôi về thăm bà ngoại tỏ lòng hiếu thảo cũng có, nhưng thật
ra là đi thăm thời thơ ấu của mình. Nước vô đầy trong nhà, tôi hỏi thăm và biết
trước câu trả lời, lụt xứ Huế là chuyện cơm ngày ba bữa. Tôi hỏi chuyện ăn, ở
nhà biết ý tôi cho hay cá chình mấy năm sau này rất hiếm, rất đắt, chỉ khách sạn
mới có. Vì thế mà người ta ráo riết bắt cá chình trong mùa lụt. Thì ra tiếng
càm ràm "ít cá" hồi nãy cũng có lý. Tôi hỏi chuyện sống và biết tuy lụt
lội thế thôi nhưng năm nay bà con dễ thở, "gạo hăm hai", tức là mười
ngàn mua được hăm hai lon gạo. Tính nhẩm thì chị chèo đò hôm nay ăn không hết
cơm rồi. Kể chuyện áo mưa thì bây giờ người ta văn minh lắm, có thứ áo mưa mặc
một lần là vứt. Quần áo thì đâu còn ai mặc áo rách, áo không mô-đen thì không
ai mặc. Xứ Huế mình cũng ghê thật, tôi nói theo và lòng thầm nghĩ thời gian
không dừng lại bao giờ, quê mình cũng đã khá lên rồi. Có tiếng điện thoại reo,
ông cậu tôi bên Canada gọi về hỏi thăm, nghe bên nhà lụt. Xứ Bao Vinh này cũng
đã "hội nhập" vào quốc tế rồi chứ không phải tầm thường.
Nói chuyện với trẻ con đang hớn hở chơi nước lụt, tôi giả bộ
ngó trời mây, nói chân trời đã sáng, chắc ngày mai nước rút. Chúng nhìn tôi
không tin hẳn vì chúng nghi ngờ khả năng thiên văn của tôi đã đành mà tâm lý
chúng vẫn mong nước chưa rút. Thì ra có một điều trăm năm không hề thay đổi, đó
là tâm lý con người. Rồi chúng sẽ lớn như tôi, chúng sẽ nhớ những chiếc tàu
xanh đỏ đó, chúng sẽ bồi hồi trong một ngày nước dâng ngập bờ.
7.1997
Chú thích: * “Tùy Bút Mùa Lụt” trích từ
tuyển tập “Mộng Đời Bất Tuyệt” của Nguyễn Tường Bách, phát hành tháng 2- 2006,
nxb Văn Nghệ, tp HCM. Nhà văn Nguyễn Tường Bách, với văn phong tự nhiên chân
tình đã từng lôi cuốn bao người đọc qua tập ký “Mùi Hương Trầm” về những chuyến
đi tìm đến xứ Phật huyền nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét