Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

ĐI TÌM HẠNH PHÚC TRONG THẾ GIAN VÔ THƯỜNG

David Michie
Palden Gyatso

Một trong những điều khiến tôi tâm đắc với Phật giáo là tính thực dụng của nó. Giống như một cái hộp đựng dụng cụ khổng lồ vậy, có những quan niệm và những kỹ thuật phù hợp với bất kỳ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kể bận rộn đến đâu, đang yếm thế hay căng thẳng đến mức nào. Lợi ích của những tư tưởng lớn như lòng từ bi chẳng hạn, được đề xướng bằng những lý lẽ hết sức rõ ràng. Việc đi theo hạnh đó, cách vận dụng chúng cho thật đúng trong cuộc sống thường nhật ra sao cũng được giải thích rõ ràng.
Phật pháp nói về các ba la mật (sự viên mãn), cung cấp những hướng dẫn để đưa bồ đề tâm vào hành động. Điều này bao gồm những pháp môn như bố thí, đức hạnh và lòng kiên nhẫn, những điều chủ yếu liên quan đến sự tương tác của chúng ta với thế giới bên ngoài. Chúng cũng bao gồm những chỉ dạy về cách làm thế nào  để tiến bộ trong hành trình nội tâm. Cộng lại, tất cả những điều đó cung cấp một sự quân bình toàn diện.
Lần đầu tiên khi nghe đến những điều này, bạn có thể mang cảm giác "có vẻ quen quen". Ngoài việc nhấn mạnh đến thiền định, các tư tưởng Phật giáo về lòng bao dung và sự đức hạnh khác biệt ra sao với những lời dạy căn bản của Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay Hồi giáo?
Chẳng có truyền thống nào là độc tôn về giáo pháp lòng từ bi cả, nhưng có sự khác biệt giữa "bố thí ba la mật", theo cách mô tả của nhà Phật, với sự bố thí thông thường. Có thể tóm tắt sự khác biệt đó trong mấy chữ: động cơ của bồ đề tâm. Theo quan điểm nhà Phật, việc trao tặng cho ai đó với suy nghĩ rằng "Cầu cho hành động bố thí này trở thành nhân nghiệp trực tiếp cho tất cả chúng sinh, trong đó có tôi, đạt đến giác ngộ", là một chuyện hoàn toàn khác hẳn với việc chỉ trao tặng đơn thuần. Động cơ khác nhau, và kết quả duyên nghiệp thì không thể giống nhau được.
Như đã giải thích về luật nhân quả, động cơ là một trong những yếu tố chính quyết định tạo quả của một duyên nghiệp nào đó. Cũng vậy, động cơ của bồ đề tâm làm cho hành động bố thí, việc sống đức hạnh và sự nhẫn nại trở nên hoàn toàn khác hẳn - mặc dù kết quả đối với người khác có thể vẫn như nhau.
Lần đầu tiên khi nghe pháp này, tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi gắn vào đó một động cơ không thực tế đối với điều tôi dự định làm bằng bất cứ giá nào. Ví dụ việc mua một ly cà phê capuccino tại quán mà tôi yêu thích chẳng hạn, chẳng liên quan gì đến lòng cầu mong cho tất cả chúng sinh đạt được giác ngộ so với nhu cầu đạt được sự phấn chấn vào buổi sáng.Lúc mở hộp thức ăn dành cho mèo, tôi không làm như vậy để cứu giúp tất cả chúng sinhthoa1t khỏi luân hồi gì hết, mà là vì nếu không thì con mèo của tôi cứ gặm mắt cá chân tôi hoài. Việc gắn vào đó một động cơ không thật sự thích hợp làm sự việc có vẻ giả tạo, thậm chí là giả dối.
Nhưng việc nhớ đến động cơ này trong suốt cả ngày lại là một tâm lý rất hiệu quả.
Lúc đầu chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy giả tạo, nhưng chẳng mấy chốc, những hành động hay những dịp nào đó sẽ trở thành đòn bẩy cho thói quen mới, và chúng ta thấy mình đang nghĩ  đến sự giác ngộ của tất cả chúng sinh, không chỉ khi ngồi thiền định hay đọc kinh sách, mà là ở các cơ hội trong ngày. Hãy giữ vững điều này trong một thời gian, và các suy nghĩ bồ đề tâm sẽ trở thành một phần phát triển dần lên trong tập khí của chúng ta, đến mức chúng ta bắt đầu tích cực tìm kiếm những cơ hội để thể hiện sự bao dung, nhẫn nại và xử sự đức hạnh. Theo thời gian, những gì từng bị cảm thấy là giả tạo đã trở thành một ước muốn chân thành làm ảnh hưởng đến các hành động của thân, khẩu và ý. Động cơ bồ đề tâm trở thành một lời tiên tri có tính chất tự chứng.

Không có nhận xét nào: