Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Làm thế nào để phát hiện và điều trị biến chứng Thần Kinh của bệnh Đái Tháo Đường?


PGS, TS Nguyễn Thy Khuê

Loét bàn chân đái tháo đường

Chẩn đoán:
Bệnh thần kinh ĐTĐ được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng cơ năng thí dụ tê, nhức, chóng mặt khi thay đổi tư thế từ nằm sang đứng… Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân để phát hiện các bất thường.
Ở giai đoạn sớm, bệnh thần kinh ĐTĐ có thể không có triệu chứng.
Kiểm tra sức mạnh của cơ bắp, sức căng của cơ, phản xạ gân cơ, cảm nhận của bệnh nhân với cảm giác xúc giác, nóng lạnh, độ rung của âm thoa.
Bàn chân bệnh nhân cũng cần được kiểm tra mỗi năm một lần.
Một phương pháp đơn giản để phát hiện biến chứng thần kinh là bác sĩ sẽ dùng một sợi cước ngắn chạm vào 1 số điểm ở bàn chân của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không nhận biết cảm giác va chạm từ sợi cước, bệnh nhân đã bắt đầu có tổn thương thần kinh.
Ngoài ra cũng cần tìm các biến dạng xương và khớp ở bàn chân, các vết chai, bóng nước, các vết nứt ở da.
Khi nghi ngờ có biến chứng thần kinh tự chủ, bác sĩ sẽ tìm sự thay đổi huyết áp khi bệnh nhân thay đổi tư thế, sự tiết mồ hôi của da.
Một số nghiệm pháp phức tạp hơn, chỉ thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa:
Đo vận tốc dẫn truyền thần kinh
Đo điện cơ
Định lượng cảm giác: khảo sát đáp ứng của sợi thần kinh với độ rung và sự thay đổi về nhiệt độ.

Dùng một sợi cước ngắn chạm vào 1 số điểm ở bàn chân của bệnh nhân

Điều trị và thuốc
Không có thuốc điều trị khỏi bệnh thần kinh đái tháo đường. Điều trị chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau đây:
a-      Làm chậm diễn tiến bệnh
b-      Giảm đau
c-       Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng

1- Làm chậm diễn tiến bệnh
Kiểm soát glucose huyết tích cực có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh thần kinh ĐTĐ được khoảng 60%. Mục tiêu glucose huyết cần đạt
Glucose huyết khi đói hoặc trước ăn: 70 - 130 mg/dL (3.9 - 7.2 mmol/L)
Glucose huyế 2 giờ sau ăn: nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/L)
HbA1c nhỏ hơn  7% ( HbA1c cho biết tình trạng kiểm soát glucose huyết trong vòng 8-12 tuần lễ trước khi đo, trị số ở người bình thường vào khoảng 4-6%)
Các biện pháp sau đây cũng giúp giảm tổn thương thần kinh:
Chăm sóc bàn chân kỹ để tránh  các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có.
Kiểm soát huyết áp
Ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Luyện tập thể lực phù hợp với sức khỏe
Duy trì cân nặng thích hợp
Ngưng hút thuốc
Không uống rượu

2- Giảm đau
Một số thuốc giúp giảm đau nhưng không phải luôn luôn có tác dụng trên tất cả các bệnh nhân, ngoài ra các thuốc cũng có tác dụng phu. Các thuốc thường được xử dụng gồm có:
Thuốc chống động kinh: gabapentin (Neurontin), pregabalin (Lyrica) và carbamazepine (Tegretol) dùng để chữa động kinh nhưng có tác dụng giảm đau do thần kinh ở một số bệnh nhân ĐTĐ. Tác dụng phụ là buồn ngủ, chóng mặt, xưng phù. Carbamazepine có thể gây dị ứng da kiểu hội chứng Stevens Johnson.
Thuốc chống trầm cảm. Thuốc chông trầm cảm 3 vòng như  amitriptyline, nortriptyline (Pamelor), desipramine (Norpramin) và imipramine (Tofranil), có thể giảm triệu chứng đau nhẹ và vừa. Tác dụng phụ của nhóm này gồm khô miệng, đổ mồ hôi, buồn ngủ, chóng mặt. Nhóm thuốc ngăn tái thu nhập serotonin và norepinephrine thí dụ duloxetine (Cymbalta) hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn. Tác dụng phụ của duloxetine gồm buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, ăn mất ngon, táo bón.
Miếng dán có tẩm Lidocaine: dùng dán tại chỗ nào đau nặng nhất, thuốc có thể gây đỏ da. 
Thuốc giảm đau giống thuốc phiện: tramadol hoặc oxycodone không thể dùng lâu dài vì có thể gây nghiện ngoài các tác dụng phụ khác như buồn ngủ, nhức đầu, táo bón. Gần đây cơ quan quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ cảnh báo tramadol có thể làm tăng nguy cơ động kinh và khuynh hướng tự sát ở người rối loạn cảm xúc.
Điều trị tạm thời
Một số phương pháp giúp giảm đau do nguyên nhân thần kinh:
Capsaicin: kem thoa được chế từ ớt, khi thoa trên da có thể giảm đau ở một số người, tác dụng phụ có thể gặp là cảm giác bỏng rát và da bị kích thích.
Alpha-lipoic acid. Chế phẩm có tính chống oxyd hóa được điều chế từ thực phẩm, có thể giảm đau hiệu quả ở bệnh thần kinh ĐTĐ, nhưng cần dùng sớm và lâu dài.
Kích hoạt thần kinh bằng điện xuyên da: ngăn cản tín hiệu đau truyền từ da lên não. Tuy an toàn nhưng phương pháp này không có hiệu quả trên tất cả mọi người và tất cả các kiểu đau.
Châm cứu:  châm cứu giúp giảm đau, đôi khi cần vài buổi mới phát huy tác dụng. Nếu thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm, châm cứu không có tác dụng phụ.   

3- Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng
Các biến chứng của bệnh lý thần kinh ĐTĐ thường gây khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cần được theo dõi điều trị ở các cơ sở chuyên khoa.
Bàng quang thần kinh gây ứ đọng nước tiểu, tiểu không hết, nhiễm trùng tiểu.
Rối loạn nhu động dạ dày
Hạ áp tư thế
Loét chân do ĐTĐ
Rối loạn cương dương
Xem thêm: Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì?
                     Trường hợp lâm sàng

2 nhận xét:

phi phạm nói...

font chữ lỗi bác ơi

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

phi phạm bác sửa lại font rồi