Ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức thể hiện sự phản
đối đầy bi phẫn bằng việc tẩm xăng tự thiêu ngay giữa một giao lộ đông đúc ở
Sài Gòn.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng sục sôi giữa Phật
giáo miền Nam và chính quyền Ngô Đình Diệm, một người theo Công giáo và bị cho
là có những hành động đàn áp Phật giáo.
Sự kiện này có thể đã không được cả thế giới biết tới nếu
không nhờ ký giả Malcolm Browne của hãng tin AP.
Ông Malcome Browne khi đó đang là Trưởng văn phòng của AP tại
Sài Gòn và đã tác nghiệp ở Việt Nam được 3 năm.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí TIME, ông Browne thuật
lại rằng vào thời điểm đó quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm
trở nên xấu hơn, nhất là sau sự kiện cảnh sát ở Huế dùng vũ lực với Phật tử biểu
tình phản đối việc chính quyền cấm treo Phật kỳ trong ngày Lễ Phật Đản.
Ông Browne nói lúc bấy giờ ông quan tâm nhiều hơn đến người
theo Phật giáo ở Việt Nam vì ông dự cảm rằng họ sẽ là những người làm biến chuyển
thế cuộc.
Mùa xuân năm 1963, giới tăng sư ngụ ý rằng họ sẽ thể hiện một
sự phản kháng chưa từng có. Ông Browne nói họ còn gọi điện thoại đánh tiếng với
báo giới nước ngoài vào đêm hôm trước rằng một “điều gì đó rất quan trọng” sắp
sửa xảy ra.
Cảnh báo này bị hầu hết các nhà báo phớt lờ vì trước đây
cũng đã có những lời đe dọa tương tự, nhưng ông Browne vẫn quyết định xách theo
máy ảnh vào sáng hôm sau.
Nhận xét về quyết định này của ông Browne, Richard Pyle, Trưởng
văn phòng AP ở Sài Gòn từ năm 1970 đến năm 1973, nói:
“Malcolm chụp ảnh với khả năng nhìn xa trông rộng xuất sắc.
Tôi biết là Horst Fass, chủ biên nhiếp ảnh của Malcolm, từng nói với anh ấy rằng
đi đâu cũng phải xách theo máy chụp ảnh và đó là lý do tại sao Malcolm xách máy
theo vào hôm đó. Nếu Horst Fass mà biết Malcolm không mang máy, ông ta sẽ nhảy
dựng lên mắng nhiếc. Và một phóng viên người Việt nữa tên Ha Van Tran đi cùng
Malcolm cũng mang theo máy. Vậy là AP có 2 máy chụp ảnh ở đó và không hãng nào
có máy ảnh cả.”
‘Ký ức kinh hoàng’
Khi ông Browne đến ngôi chùa nơi các tăng ni đang tề tựu,
ông thấy mọi thứ có vẻ đang được tiến hành. Họ đang tụng kinh cầu siêu. Ông biết
rằng lần này họ không nói suông.
Rồi theo hiệu lệnh của những người lãnh đạo, tất cả tăng ni
đổ ra đường và tuần hành về trung tâm Sài Gòn.
Khi đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là
đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), họ đứng thành vòng tròn vây
quanh chiếc xe Austin Westminster màu xanh dẫn đầu đoàn tuần hành trong suốt chặng
đường.
Ông Browne thuật lại chi tiết những diễn biến sau đó trong một
cuộc phỏng vấn do AP thực hiện:
Phóng viên Malcolm Browne phỏng vấn hòa thượng Quảng Liên,
phát ngôn viên chính của chùa Xá Lợi, ngày 27/6/1963.
“Và một vị cao tăng bước ra khỏi xe, người mà sau này tôi mới
biết tên là Thích Quảng Đức, rồi thêm hai vị sư trẻ tuổi khác. Hai người họ dìu
ông ấy ra giữa vòng tròn, đặt một cái gối xuống đường rải nhựa. Quả là ký ức
kinh hoàng! Một người họ quay trở lại xe và lấy ra một can nhựa polyethylene đựng
đầy xăng màu hồng, sau này tôi mới biết là có pha thêm nhiên liệu máy bay phản
lực để cháy lâu hơn, rồi người này đổ xăng từ trên đầu xuống và lùi lại mấy bước
(H1).
Ngay lúc đó, vị hòa thượng rút ra một hộp diêm, quẹt một que
và thả nó rơi vào lòng (H2). Ngọn lửa lập tức phừng lên trùm kín cả thân người.
Mặt ông ấy nhăn nhúm lại. Nhìn nét mặt ấy là biết ông ấy đang đau đớn khôn xiết
nhưng ông ấy không kêu lên một tiếng. Tôi nghĩ ông ấy tự thiêu khoảng 10 phút,
có lẽ lâu hơn một chút, nhưng cảm thấy như kéo dài đến vô tận vậy. Tất nhiên, cả
giao lộ nồng lên mùi thịt cháy và tăng ni thì khóc than kêu gào. Xe cứu hỏa tới
và cố len qua vòng người, nhưng mấy vị sư lao tới chèn người dưới bánh xe trước
và nằm ra giữa đường, nên thành ra xe muốn tiến lên chỉ có cách là cán qua người
họ. Mọi thứ diễn ra khi tôi đang chụp ảnh.”
Lúc đó trong đầu ông Browne chỉ nghĩ đến việc phải chụp như
thế nào để làm nổi bật đối tượng. Trả lời phỏng vấn của TIME, ông nói:
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc đối tượng chụp là đối tượng tự
phát sáng nên phải chỉnh khẩu độ ống kính về f10 hoặc đại loại thế. Tôi dùng
máy chụp ảnh rẻ tiền của Nhật tên là Petri. Tôi dùng rất thạo máy này nên tôi
muốn đoan chắc rằng không những phải chỉnh chế độ chụp cho đúng mỗi lần bấm máy
mà còn phải canh cho chuẩn, rồi còn phải thao tác thật nhanh để theo kịp diễn
tiến. Tôi xài khoảng 10 cuộn phim vì chụp luôn tay.”
Phản ứng và hệ quả
Biết mình đã chụp được những bức ảnh quan trọng, phóng viên
Malcolm Browne tức tốc gửi phim qua văn phòng AP ở Manila, Philippines, nơi có
thiết bị đánh điện bằng radio gửi về trụ sở AP ở Mỹ.
Và khi AP công bố bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi kiết
già giữa ngọn lửa ngùn ngụt, cả thế giới choáng váng.
Được biết Tổng thống Mỹ Kennedy khi nhìn thấy bức ảnh đã
nói: “Không bức ảnh thời sự nào trong lịch sử khơi lên nhiều cảm xúc khắp thế
giới như bức ảnh đó.”
AP nói bức ảnh này đã khiến chính quyền Kennedy nghiêm túc
xem xét lại chính sách ủng hộ của Mỹ đối với chế độ Ngô Đình Diệm.
Ông Hal Buell, Giám đốc Nhiếp ảnh của AP đánh giá:
“Bức ảnh của Malcolm đưa cuộc chiến ở Việt Nam lên trang nhất,
và nó ở đó trong suốt hơn 10 năm. Bức ảnh đó gây sốc và khiến người ta chú ý đến
mức người ta bắt đầu hỏi, ‘Việt Nam này là nước nào? Chuyện gì xảy ra ở đó? Bao
nhiêu người Mỹ ở đó?’ Tất cả những câu hỏi kiểu như vậy.”
Đến tháng 11 năm 1963, ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị ám
sát cùng với người em trai Ngô Đình Nhu trong một cuộc đảo chính khi cuộc khủng
hoảng Phật giáo ngày càng trầm trọng.
Từ năm 1964, Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến ở Việt Nam và
mãi cho đến năm 1975 mới rút đi hoàn toàn khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp
đổ.
Bức ảnh mang về cho Malcolm Browne giải thưởng Ảnh Báo chí
Thế giới của Năm năm 1963. Năm 1964, Browne giành luôn giải Pulitzer danh giá
cho tường trình của ông về cuộc chiến ở Việt Nam và vụ lật đổ ông Diệm.
Malcolm Browne sau này rời AP về làm việc với báo The New
York Times.
Ông qua đời vào ngày 27 tháng 8 năm 2012 tại Mỹ, thọ 81 tuổi.
2 nhận xét:
Về sự kiện này, những hình ảnh trên cho thấy dường như ông Thích quảng Đức bị "giết hại", hành vi của 2 nhà sư xốc ông từ trên xe xuống, và rồi tưới xăng châm lửa....là hành vi giết người.
Xét cho kỹ thì không phải vậy, bạn Dương Thường Trực ạ. Chuyện này xảy ra khi tôi đang học trung học đệ nhất cấp ở Sài Gòn ...
Đăng nhận xét