Huỳnh Trịnh Tuyết Hoa
Viết về chuyến đi cứu trợ làng phong ở Đăk Hà và
Đăk Tô – Kon Tum, cuối năm 2012.
Hành trình bắt đầu với chuyến xe 50 chỗ ngồi.
Ba mươi hành khách nhưng một số người phải ngồi ở giữa lối đi trên
những bao quần áo, vì phải nhường ghế cho mì gói, nước tương, dầu
ăn, bột ngọt, bánh kẹo… cho chuyến cứu trợ cách điểm xuất phát gần
700 cây số. Cô gái trẻ nhất trong đoàn mở điện thoại dò đường thong
báo như vậy. Chúng tôi ngủ đêm trên xe suốt quốc lộ 14, chiếc xe nặng
hàng leo núi như tay đua đang kiệt sức, có đoạn đường dài người trên
xe lắc lư như đang đưa võng. Một bác lớn tuổi kêu lên, bác tài cho
mượn túi bỏ xương để về nhà ráp lại, mọi người cùng cười và chia
nhau vài viên kẹo cay. Tiếp xăng ở Bù Đăng, đêm miền núi rét mướt - áo
ấm, khăn choàng, vẫn nghe tiếng xuýt xoa. 19 giờ mới đến được thành
phố Kon Tum, ghé chùa ăn điểm tâm đã gần 9 giờ sáng, rồi vội vã lên
đường… Đi tiếp thêm 2 giờ lên đèo xuống dốc, hết đường nhựa tới
đường đất, hai bên đường không thấy nóc nhà, chỉ thấy lùm buội vườn
sắn mì, vườn café phủ lên lớp bụi nâu vàng khô hanh dưới nắng. Đến
lúc không còn ai sốt ruột hỏi về điểm dừng thì người dẫn
đường cho xe ngừng lại bên đường.
Núi bao quanh trùng điệp nhấp nhô lên xuống và mút
tầm mắt thì núi và mây nhập vào nhau thành một vùng mờ ảo xa xăm.
Chúng tôi nhanh chóng trải tấm nhựa cũ khá rộng ra
dưới bóng tre có căn nhà nhỏ, hình như là trụ sở chính quyền đóng
cửa im lìm. Dưới lùm cây to trước sân, có rất nhiều trẻ nít từ một cho
đến mười hai, mười ba tuổi đứng ngồi la liệt. Khắp sân, nắng, bụi và
cỏ trộn lẫn với người. Những người ngồi mang gùi, bao chờ đợi từ
lúc nào… Nhàu nhĩ, rối bù, u tối, vật vờ, khoắc khoải… là những
từ ngữ tôi có thể nghĩ tới trong lúc nhìn về phía đám người kia. Vẻ
chịu đựng hầu như vô cảm trong ánh nhìn của họ khiến người ta nghĩ
đến địa ngục, không lối thoát, không cứu rỗi từ đời này đến kiếp
khác.
Tôi hỏi một người : Nhà ở đâu? Sau đôi mắt ngơ ngác
họ chỉ tay về phía núi: Ơ kia, ơ kia… Trưởng làng nói giúp là họ cắt
núi đi từ nửa đêm đến sáng mới tới được đây. Ngoài phần cứu trợ
được phân đều, mỗi người còn kèm thêm một ổ bánh mì kẹp chả để họ
chống đói và cắt núi về nhà. Có trường hợp nhận quà xong, cầm ổ
bánh mì chưa kịp ăn thì ngã ra xỉu vì đói.
Đứng giữa một rừng đôi tay nhỏ xíu lấm lem, đen đúa,
giơ ra để nhận kẹo, tôi mới nhìn thật gần những mái tóc nâu hoe,
những đôi mắt lấp lánh của những đứa bé con, bàn tay run quá không
giữ được những viên kẹo màu, có bé không mở được kẹo đành bỏ luôn
vào miệng ngậm. Bỗng nhiên, sát bên tôi một bóng đen đứng lặng, quần
áo dơ bẩn nhàu nát, tóc phủ trùm cả mặt, chìa ra trước tôi
hai-nửa-bàn-tay ! Tôi bỏ nắm kẹo, nhưng bàn tay không ngón chỉ giữ
được vài chiếc bằng cách áp lòng tay vào nhau ! Tôi nhặt lên và bỏ
giúp vào vào túi áo, tích tắc ánh mắt của người đàn ông nhìn lên
buồn thảm đến hoang dại làm tôi se lòng. Đây là làng bệnh phong
Kon Kring, Đăk Hà, Kon Tum.
Những chiếc gùi, chiếc bao bắt đầu đi về phía núi,
vật vờ đen đúa còn hơn những bóng ma trong phim kinh dị. Không thể nào
đoán được cảm xúc trên những khuôn mặt câm nín kia. Bệnh tật, đói nghèo
là thế giới của họ, thế giới bị lãng quên. Họ sống và chấp nhận
tự nhiên, tự nhiên như những bà mẹ rất trẻ cho ra đời lũ trẻ con như
một lẽ sinh tồn của vạn vật – cảm xúc buồn vui như là một thứ xa
xỉ nơi đây. Đầu đội trời chân đạp đất hiểu theo nghĩa đơn giản nhất
lại phù hợp trong lúc này. Hàng người cõng gạo cúi gập người lầm
lũi bước, lũ bé con khấp khểnh theo sau, cái nắng giữa trưa không làm
họ nao núng. Phóng tầm mắt về hướng núi, tôi thầm mong trên đường về
nhà của họ có những bóng cây. Nhưng tuyệt nhiên chỉ thấy những sườn
núi xám trơ khấc cỏ úa. Ôi ! Về đâu những kiếp người với những con
đường xuyên núi.
Đồi Sạc - li bây giờ
|
Xe quay đầu về hướng khác, thêm vài giờ đường đèo
núi, đường hẹp nên khi có xe ngược chiều thì một xe phải dừng lại
nép bên đường tuôn cả vào bụi rậm. Mặt trời giữa ngọ, nắng chói
mắt, không khí khô hanh, tôi có cảm giác xe đi vào vòng xoáy trôn ốc
mà chung quanh là núi. Đang mệt mỏi chợp mắt thì xe dừng lại bên
đường, ngôi nhà sàn cũ, có mấy bậc thang gỗ lung lay, treo trước cửa
là miếng ván dài có chữ xã Đăk Ring. Có đám đông chờ đợi từ lúc
nào, dưới đất, giữa nắng, vài người leo lên nhà sàn phủi bụi để
làm bánh mì kẹp chả.
Người đàn ông cao to, nâu đen là trưởng làng mang dáng
vẻ phố chợ, nhanh nhẹn sắp xếp mọi người nhận quà trong trật tự.
Tôi thấy ở đây sáng sủa hơn. Những đôi mắt biết
cười, những đôi tay bớt lấm lem, cũng nghe được nhiều lời cám ơn.
Nhận quà cứu trợ xong, mọi người đứng lại bên đường chờ xe lăn bánh,
một rừng cánh tay vẫy chào tạm biệt. Bỗng có một người đàn ông
chạy ra giữa đường, nơi chiếc xe vừa rời đi, gối khuỵu xuống, đôi tay
chắp lại đưa lên cao rồi hạ xuống cùng với tấm lưng cong. Nắng xế
chiếu xiên, người và bóng thành một vệt đen đổ dài trên nền đất nâu
đỏ. Dáng quỳ như hối lỗi, vì họ (những người đói nghèo bệnh tật)
mà những con người ở thành phố hoa lệ kia phải cất công lặn lội tới
đây. Trên xe, những ánh mắt quay ngược lại bối rối ngỡ ngàng… Chút
quà nhỏ mọn kia mà là một ân sũng lớn lao cho người nhận đến thế
sao? Một ngụm nước giữa sa mạc hoang vu giúp họ kéo dài sự sống đến
bao lâu? Những đôi mắt mở lớn trân trân không dám chớp vì sợ rơi ra vài
giọt lệ xót thương trong lúc này sẽ giống như sự làm màu giả tạo,
sợ giống như hồi kết của những vở kịch có hậu, hạ màn có nước
mắt rơi cho hạnh phúc vỡ òa. Rồi diễn viên vào cánh gà chùi vội
nước mắt cười thỏa mãn cho vở diễn thành công. Thế nên mọi người
đều yên lặng, nỗi nghẹn ngào vẫn chưa kịp tan. Chỉ trong 6 giờ, biết
bao sự kiện và hình ảnh bóp nghẹn trái tim tôi, giá mà bớt một
chút tay gấu trên bàn tiệc, bớt đi chuyến tham quan nước ngoài, hay
bớt đi vài phòng trong biệt điện…sẽ có nhiều số phận được đổi thay,
những đứa trẻ sinh ra với chân tay lành lặn…mới thoát ra được sự vây
hãm của nghèo đói.
Chiếc xe nhẹ tênh tiếp tục hành trình leo lên dốc
rồi xuống dốc, người dẫn đường giờ mới lên tiếng : - Các
bác nhìn ra phía trái là UBND huyện Đăk Tô, nhìn về phía phải là
đồi Sạc-li (Charlie).
Qua kính xe rất gần đường là những ngọn đồi trọc
xám nâu, hoang hoải trong nắng chiều vắng lặng. Qua tay chỉ, tôi thấy
ngọn đồi gần bên là có chóp cao nhất giữa trùng điệp núi đồi. Có
lẽ đó là đồi Sạc-li đẫm máu, ai đó nhắc đến cái tên Nguyễn Đình
Bảo. Giở lại lịch sử 40 năm trước, những địa danh Đăk Tô, Tân Cảnh,
Sạc-li - đồi Máu… nhắc nhở người ta sự kinh khiếp của chiến tranh.
Bao nhiêu thịt xương để đổi lấy hòa bình. Người nằm xuống có ai biết
sự hy sinh của họ đi về đâu qua những thăng trầm thế sự. Những người nằm
lại trận địa kia “miên viễn chiêm bao”. “Sạc-li - đồi Máu”, là nốt
trầm ai oán của bài ca chiến tranh, đã chấm dứt vẫn còn vang những
âm hưởng ngậm ngùi.
Chuyến xe xuống núi về thành, đĩa niệm Phật được
bật lên để ru mọi người qua cung đường dằn xóc. Ánh nhìn đau đáu của
đại ngàn còn dõi theo rất lâu, rất xa …
Nguồn: http://www.ninhhoatoday.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét