David Michie
Bố thí là phương cách
cơ bản nhất mà chúng ta có để thể hiện sự quan tâm của mình đối với người khác.
Chúng ta đều biết rõ câu ngạn ngữ CHO VẪN TỐT HƠN LÀ NHẬN - nhưng tại sao chúng
ta lại thấy việc cho là khó vậy?
Nỗi sợ rằng chùng ta
sẽ không có đủ cho bản thân mình nếu cho đi quá nhiều có lẽ là một phần của
câu trả lời, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Đây chẳng phải là việc liên quan đến
mức độ thịnh vượng, mà liên quan đến tâm thức của chúng ta. Vợ tôi có bản chất
nhân ái hơn tôi rất nhiều - sự khác biệt là cô ấy quan tâm đến những người
đang cần được giúp đỡ và phản ứng của cô ấy có tính chất tự động hơn tôi rất
nhiều. Khi chúng ta bước ngang qua một siêu thị, tôi đắm mình vào những suy
nghĩ miên man đến mức thậm chí không nhận ra một ông lão đang phải vất vả nâng
một chiếc xe đẩy lên vỉa hè cho đến khi vợ tôi bắt đầu phụ giúp cho ông. Chẳng
phải vì tôi không sẵn lòng giúp người - chẳng qua là vì tôi không để ý đến nhu
cầu đó mà thôi.
Là những người bận rộn
với cuộc sống bươn chải, chúng ta dễ dàng để tâm đến những lo toan của mình nhiều
hơn là cảnh ngộ khó khăn của những người mà chúng ta đang đi ngang qua. Một lần
nửa, sự quan tâm chú ý là một thực hành hết sức cơ bản.
Ngay cả khi đã biết
được nhu cầu của người khác, chúng ta vẫn có thể có thái độ chần chừ, đơn giả
là vì chúng ta chưa quen cho đi. Phật giáo hết sức thực tế trong cách tiếp cận
đối với vấn đề bố thí, bằng cách đề nghị chúng ta hãy bắt đầu từ chuyện nhỏ rồi
tiến dần lên. Một phụ nữ đã khốn khổ suốt mấy tháng trời vì tâm trạng u uất
căng thẳng đã nói chị bắt đầu bình phục vào một ngày chị đến mua hàng ở một cửa
hiệu thực phẩm. Nhân viên quầy tính tiền bình phẩm thích thú về một hộp sô cô
la gồm những gói nhỏ trong đó mà chị mới vừa mua - thế là chị tặng cho cô ấy
hai gói. Phản ứng của cô nhân viên trước món quà bất ngờ đó đã làm chị trào
dâng cảm xúc tốt đẹp đến mức chị đã có được trạng thái hạnh phúc đến hết ngày
hôm đó. Lần đầu tiên, sau nhiều tháng, chị mới lại có được cảm giác tốt đẹp về
mình.
Có một số điều tốt và
một số điều xấu trong tất cả chúng ta. Những gì chúng ta khám phá khi thực hành
hạnh bố thí, ngay cả với mức độ nhỏ là việc làm đó tăng cường sức mạnh cho mặt
thiện trong tự tính của chúng ta, và củng cố thêm khả năng hành động vị tha một
lần nữa. Chính trong trạng thái bác ái này mà chúng ta mới đạt được sự viên mãn
thật sự.
Tina Noble đã có một
cuộc sống phi thường. Sinh ra và lớn lên ở Dublin, chị là một trong tám đứa con
của một bà mẹ đau ốm và qua đời năm chị mới lên mười tuổi, và của một người cha
nghiện rượu. Chị đã trải qua cảnh bạo lực, bị lạm dụng tình dục, mang thai và
sinh con để rồi đứa con cũng bị cướp khỏi tay chị, tất cả diễn ra khi chị chưa
đầy hai mươi tuổi.
Phải trải qua khổ đau
và mất mát còn nhiều hơn những gì mà hầu hết chúng ta từng trải nghiệm, Tina đã
kiếm sự cứu rỗi cho chính mình bằng cách xây dựng một trại nuôi dưỡng trẻ mồ
côi ở Việt Nam. Là người phương Tây trung niên, không tiền, không học vấn,
không thân thế, trong một lần đến Việt Nam, cảnh đói nghèo đã nhắc đến tuổi thơ
của chính mình và chị cảm thấy phải làm một điều gì đó. Bước ngang qua những đứa
trẻ ăn xin trên đường phố, chị xúc động khi một bé gái rách rưới cầm tay chị,
không phải để xin tiền mà là để được âu yếm vuốt ve.
Trại trẻ mồ côi do chị
lập ra giờ đây đang nuôi dưỡng 500 trẻ vãng lai, và 80 trẻ sống thường xuyên ở
đó. Hành động ấy được mọi người hoan nghênh bởi không thể không thừa nhận lòng
vị tha của chị.
Đối với bản thân
Tina, chị cảm thấy mình hạnh phúc tràn trề. Chị đã phản ứng với các trải nghiệm
khủng khiếp thời ấu thơ bằng một tấm lòng từ bi đầy cảm hứng. 'Có khi tôi đang
đi trên phố và một trong những đứa trẻ tôi nuôi kêu lớn tên tôi từ đàng xa làm
tôi hạnh phúc đến độ cười lớn và chạy ào đến", chị nói. Quyển tự truyện của
chị thật có ý nghĩa - Bridge across my sorrows. Đối với Tina, việc hồi phục khỏi
cảnh cơ cực thuở ấu thơ của mình không phải đến từ tình yêu của người bạn đời
lãng mạn hay với tư cách một phụ nữ có sự nghiệp, mà là qua việc thực hành hạnh
bố thí bằng tấm lòng nhân ái chân thành nhất.
Sự thật đơn giản nhưng
hết sức mạnh mẽ là, nếu muốn trải nghiệm hạnh phúc, trước tiên chúng ta phải bố
thí nó. Bố thí là phương thuốc điều trị trực tiếp đối với bất hạnh. Nếu chúng
ta quá bận rộn đến độ không thực hành hạnh bố thí, thế thì chúng ta cũng sẽ quá
bận rộn đến độ không hưởng được hạnh phúc - và cái gì mới quan trọng?
Tặng sô cô la cho
nhân viên ở quầy tính tiền, giúp người già kéo chiếc xe đẩy ở siêu thị có thể
là quá tầm thường so với câu chuyện của Tina Noble. Nhưng nếu đây là cấu trúc
cuộc sống thường nhật của chúng ta thì chính là những gì chúng ta nên làm. Điều
quan trọng phải nhấn mạnh là , không chỉ những hành động chúng ta làm, mà cả những
động cơ thúc đẩy các cách cư xử của chúng ta mới là quan trọng.
Phật giáo dạy chúng
ta rằng nếu chúng ta biết nghĩ đến hạnh phúc tất cả chúng sinh, không một ngoại
lệ nào hết, thì khi đó, ngay một hành động bố thí nhỏ cũng mang ý nghĩa to lớn.
Khi cho bầy chim ăn trong vườn, nếu chúng ta nghĩ "qua hành động bố thí
này, cầu cho tôi và tất cả chúng sinh, chẳng bao giờ bị đói, và cầu cho tất cả
đạt được giác ngộ", chúng ta đã mở rộng nền tảng động lực của mình vượt xa
hơn cả việc chỉ cho vài con chim ăn. Chúng ta cũng đang nhắc nhở bản thân mình
về mục đích cao cả hơn của cuộc sống. Bằng cách làm như vậy, ngay những hành vi
nhân ái nhỏ cũng sẽ có tác động lên tập khí của chúng ta lớn hơn cả mức chúng
ta tưởng. Trên cơ sở thường nhật, chúng ta ngày càng giúp định hướng lại sự chú
ý của tâm thức từ TÔI sang NGƯỜI KHÁC, và sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống,
từ quan tâm trước mắt sang cái nhìn thoáng rộng và bao trùm hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét