Nguyễn Tường Bách *
Phép tu Chõd không phải
là một trường phái, không phát triển trong các tu viện như các trường phái khác
của Phật giáo Tây Tạng. Phép tu Chõd thật ra có nhiều dòng truyền khẩu khác
nhau, rải rác trên cao nguyên Tây Tạng.
Theo truyền thống chủ
yếu, hành giả Chõd tu Đoạn giáo bằng cách xem chính thân thể mình như là vật
cúng dường trong các buổi hành lễ Mật tông Tantra, trong các "bữa tiệc"
cho các chúng sinh cần đến. Qua đó các vị hành giả đạt được hai mức độ cao quý,
được biểu hiện bằng hai biểu tượng: Ngọn cờ chiến thắng Dhavaja và Đao đoạn diệt
Kartika. Ngọn cờ tượng trưng cho trở ngại đã bị diệt trừ và Đao biểu hiện tự
ngã đã bị đoạn tuyệt.
Hành giả Chod được gọi
là Chõdpa, thường có trong tay một cái kèn Kangling bằng xương ống chân của người
chết và một cái trống hai mặt Damaru. Khi hành lễ các vị Chõdpa thổi kèn và
đánh trống để gọi thần linh ma quỷ đến để cúng dường chính bản thân mình.
Chúng tôi đến chào hỏi
vị Chõdpa và xin xem kèn bằng xương người của ông. Ông rút chiếc kèn được bọc cẩn
thận trong lụa ra. Đây rõ ràng là một chiếc xương ống chân, một đầu bịt kim loại.
Chúng tôi xin thổi thử. Nhiều anh em trong đoàn ráng sức thổi thử nhưng không
ai phát được ra tiếng. Vị Chõdpa cầm kèn, khuôn mặt có chút tập trung và cầu
nguyện. Một tiếng kèn rất dài phát ra, một thứ tiếng thê lương tôi chưa bao giờ
được nghe. Dường như toàn thể ma quỷ đang tụ hội trong một chớp mắt. Thú thật,
tôi không rõ nó "thê lương" thật hay do tâm tôi tự nghĩ.
Mi nghe Tâm đang "vận hành". Nhưng Tâm"duyên"
với âm thanh bên ngoài để vận hành nên Tâm chứa toàn thể "lịch sử thê
lương" của tiếng kèn.
Tiếng kèn là lời mời
gọi quen thuộc cho ma quỷ, tôi tự nhủ. Trong một đêm tối trời, giữa nơi thiêu
xác hay nghĩa địa, vốn là chốn hành lễ quen thuộc của các vị Chõdpa, hẳn tiếng
kèn này còn vang vọng hơn nữa, trong thế giới riêng của nó.
Phép Đoạn giáo của
Tây Tạng, tuy không thuộc 4 trường phái chính của nền Phật giáo chính thống tại
đó, nhưng vẫn được thừa nhận là một phép tu nghiêm túc. Nhìn các pháp khí và
cách tu hành của họ, người ta dễ có cảm tưởng đây là một phép tu có tính chất
phù thủy, làm bạn với ma quái. Thế nhưng nếu trở lại nguồn gốc lý thuyết của
Chõd, ta có thể nói đây là một phép trừ đoạn ngã chấp bằng một phương pháp kỳ lạ.
Nhìn khuôn mặt của vị
hành giả Chõd này, tôi không thấy có gì đáng sợ như khi ta nghĩ đến một ông phù
thủy. Ngược lại, khuôn mặt hiền hậu thậm chí từ bi của ông làm tôi mở ra một
tri kiến mới lạ. Đó là tất cả những gì ta biết thường gắn liền với khái niệm,
ngôn từ mà nội dung của nó đã bị quy định từ trước mà ta tin chắc là sự thực.
"Phù thủy" hay "Ma quái" đầu là những khái niệm xấu xa, đã
bị định nghĩa. Nếu ta nhìn được sự vật đúng như nó là, không bị quá khứ quy định,
thì đó là điều đáng quý nhật trên con đường tu sửa bản thân.
Hiểu thấu tất cả những
điều đã bị quy định trong chính tâm mình chính là mục đích của mọi hành giả, dù
theo phép tu nào. Trong những điều bị quy định thì tự ngã là điều xấu xa nhất,
cơ bản nhất, nguồn gốc của mọi vô minh của con người. Thoát khỏi ràng buộc về tự
ngã chính là nội dung tu hành của phép"Đoạn giáo" mà hôm nay tôi được
thấy một hành giả thực sự.
Chú thích * Trích trong bút ký Đường Xa Nắng Mới - Tên bài viết
do
blog tự đặt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét