Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

MỘT CHUYẾN ĐI LÀM THIỆN NGUYỆN

Tran Hung John*


Tôi có mong muốn được làm việc thiện nguyện ở Thanh Hóa. Với sự chú ý mà nhiều người dành cho hành trình của tôi, tôi nhận ra đây là cơ hội để làm thay đổi ấn tượng của mọi người đối với Thanh Hóa (**). Tôi muốn tập trung một nhóm các bạn trẻ để cùng nhau làm gì có ý nghĩa. Nhưng đi làm thiện nguyện ở Việt Nam, nhiều người có vẻ như muốn chụp ảnh nhiều hơn là giúp đỡ. Nhiều người không tự nhận thức được rằng lý do chính khiến họ đi làm thiện nguyện là để tự họ học hỏi được điều gì bổ ích và thấy vui.
Tôi đã từng đi làm tình nguyện nhiều lần trong đời. Tôi đã giúp gây quỹ hàng nghìn đô la Mĩ cho nhiều tổ chức. Trong những năm học trung học, tôi đã nhận được nhiều giải thưởng và được thị trưởng cùng nghị sĩ quốc hội khen ngợi và trao thưởng danh hiệu Tuổi Trẻ Tiêu Biểu của năm vì những việc tôi đã làm cho cộng đồng. Nhưng tôi đi làm tình nguyện không phải vì bị bắt buộc mà vì mẹ tôi luôn dạy tôi "Nếu con có cơ hội giúp những người kém may mắn hơn, tại sao không làm? Không phải chỉ cho họ tiền. Đó còn là những việc nhỏ con có thể làm để giúp cuộc sống của một ai đó trở nên tốt đẹp hơn. Làm như vậy hầu như con không mất gì cả, có chăng chỉ là thời gian của con thôi."
Sáng hôm sau tôi gặp với nhóm học sinh từ trường trung học chuyên phổ thông Lam Sơn. Các em ấy quyết định đi tới làng trẻ SOS, một làng trẻ mồ côi. Tôi đã tới một làng trẻ SOS ở Hà Nội và tôi cảm giác môi trường sống ở đó thực sự không tốt cho sự phát triển của những đứa trẻ mồ côi. Đương nhiên lũ trẻ được bao bọc, được cho chỗ ở và đồ ăn, được tới trường. Nhưng họ chưa cho được các em một môi trường nuôi dưỡng lành mạnh và những mối quan hệ có ý nghĩa.
Tôi cảm thấy làng trẻ SOS như một rạp xiếc, những đứa trẻ đôi khi được đem ra trưng bày. Những người tới thăm thỉnh thoảng chơi với chúng, cho các em ít bánh kẹo, chụp vài kiểu ảnh và rồi lại ra về và chẳng bao giờ trở lại. Tôi cũng đã tình nguyện làm việc tại một trại trẻ, tôi đã lui tới đó thường xuyên trong vòng hai năm. Thực lòng mà nói, lũ trẻ không cần đồ chơi hay quà, chúng cần những người mà chúng có thể tin cậy và mở lòng cùng mình.
Tôi không mấy ngạc nhiên, bọn trẻ khá dè dặt. Các em không tươi cười chạy đến đón chúng tôi. Sau khi ghé qua một vài ngôi nhà, một cô bé quan sát và nói với tôi, "Anh ơi, em không hiểu tại sao các em có vẻ không thích mình". Tôi kéo chàng trai dẫn đường cho chúng tôi qua một bên. Tôi hỏi có thể để cho chúng tôi tự đi xung quanh một chút không, cậu ta có vẻ miễn cưỡng chấp nhận điều đó.
Trước khi để các em học sinh tự đi, tôi gọi các em tập trung thành vòng tròn. "Các em bé ở đây không chào đón chúng ta, vì các em đã gặp quá nhiều người đến và đi rồi. Điều anh muốn các em làm bây giờ là đến đây và tạo sự khác biệt. Thực sự đến và nói chuyện để hiểu hơn về một hay hai em nhỏ, để các em có thể trở lại thăm thường xuyên. Các em ấy không cần nhiều kẹo hay quà cáp, điều các em ấy cần là những người anh người chị để các em ấy có thể noi gương theo. Các em ấy cần người thực sự quan tâm đến các em. Nếu các em có anh hay chị, các em chắc là biết cảm giác đó. Hãy cho các em bé điều đó." Tôi kết luận. Tôi cố khiến sự việc trở nên nghiêm trọng để các em ấy có thể chú ý đến vấn đề. "Vâng ạ, Bọn em hiểu", một cô bé nói.
Với một cách nhìn mới được trang bị, các em học sinh tách nhau ra đi quanh làng trẻ. Tối hôm đó tôi về nhà và rất vui khi đọc được lời nhắn của một em gái trên facebook:
"Lần đầu tiên đi làm từ thiện đấy! Thích đi từ lâu lắm rồi nhưng nếu anh John không đi qua Thanh Hóa thì không biết lúc nào mới có cơ hội. Đi phát quà cho từng em trong nhà Hoa Lan, thấy các em cười mà mình cũng vui quá, lần đầu tiên được biết thế nào là mẹ, là dì nuôi, biết các em sống như thế nào.
Em bé hai tuổi mà mình đang ôm, trời ơi đẹp trai và đáng yêu kinh khủng, sau này mình sẽ khắp nơi khoe được hotboy thơm má.
Các em ở đây sống tình cảm lắm nên sẽ rất buồn khi mọi người chỉ đến, gửi quà rồi không quay lại nữa. Chị hứa rồi mà, nhất định chị sẽ đến nhiều nữa! Đi về còn được mấy em gái ra ôm với chụp ảnh, đúng là đẹp trai có khác."

Chú thích
* Trích đoạn từ chương 2 trong tập bút ký “John đi tìm Hùng“, tên bài do blog tự đặt.
** tác giả đã được khuyến cáo từ một người bạn: "Thanh Hóa là khét tiếng nhất. Có hai loại người ở Thanh Hóa. Có những người học hành chăm chỉ và được giáo dục tốt, còn lại thì rất nguy hiểm. Họ sẽ sẵn sàng lừa anh."

Không có nhận xét nào: