Nguyễn Hữu Tài
Thiếu nữ - tranh sơn dầu của Nguyễn Sơn |
Lâm là người bạn duy nhất của Thu suốt thời niên thiếu. Qua
đây sống mười mấy năm, kí ức về Việt Nam của Thu hầu như không còn, muốn cũng
chẳng có gì để nhớ ngoại trừ Lâm. Má hay nói má chẳng thèm gả Thu cho ai hết, để
chờ Lâm, nhưng chẳng biết khi nào Lâm thu xếp qua đây thăm gia đình. Lâm nè, I
just want to say that I really love you.
Thu hay gọi cho tôi vào bất kể giờ nào trong ngày, có khi mới
sáng bảnh mắt chưa kịp đánh răng, họp trên công ty, ăn trưa, cuối tuần, thậm
chí nửa đêm đang ngủ vùi chăn chiếu. Cằn nhằn thì cô cười bảo quên là tôi đang ở
miền Đông còn Thu thì ở phía Tây nước Mỹ cách nhau những ba múi giờ. Nhiều khi
thấy đầu số Seattle, tôi cũng ngán vì cô nói cả tiếng đồng hồ. Rảnh thì tôi bắt
máy, không thì cứ để chuông rung cỡ chục lần, trước sau gì cũng có một mớ voice
messages hối thúc gọi lại gấp, chứ không là tui khùng, tui tự tử mất. Mà lần
nào cũng thế, Thu liên tu bất tận than phiền về lão bồ già hơn cô chục tuổi.
Nào là bữa nay lão khốn nạn không thèm tới công ty đón tui về, đi coi phim mà cứ
nhắn tin cho một con nào đó, thậm chí kỉ niệm hai năm quen nhau lão cũng chẳng
nhớ mua tặng một bông hồng…Kết thúc câu chuyện, tôi luôn thòng một câu, bỏ
quách lão già ấy cho rồi, có con bồ đẹp mà không biết giữ, có gì tui bay qua cưới
bà cho.
- Tui chả hiểu sao lão đối xử rất tệ mà chẳng bao giờ tui rứt
ra được. Chắc nợ nần từ kiếp trước thì phải.
Thu sống ở Mỹ đã mười lăm năm mà giọng điệu vẫn y chang mấy
cô gái quê bên nhà mỗi khi nói về sự cam chịu trong tình yêu.
Cô rất biết ơn anh vì đã giúp mình rất nhiều về vấn đề tài
chính. Lương làm bank teller được cái ổn định chứ không cao, chẳng thể nuôi nổi
hai mẹ con cô và thỉnh thoảng phải cho anh Long gửi về giúp cô người yêu hồi
còn ở bển. Hai ngày cuối tuần anh giao cô nhiều hồ sơ để approve loan,
commission được bao nhiêu anh đưa cô hết, chả giữ lại đồng nào.
Dì Sáu mà nghe tôi nói sang cưới Thu chắc sướng rơn và chuẩn
bị mọi thứ sẵn sàng chờ tôi qua làm đám cưới, dẫu mười mấy năm nay hai dì cháu
chưa một lần gặp lại. Dì chẳng biết tôi mặt ngang mặt dọc ra sao, chắc luôn
nghĩ tôi còn là một thằng bé ốm nhom, cao kều và hiền lành có tiếng. Dì không
ưa gì người yêu của con gái. Với dì, tất cả mọi thằng con trai trên thế gian
này chả đứa nào bằng…tôi. Mỗi lần cô dắt ai đó về giới thiệu, dì trề môi cả thước
chê bủng chê beo, thằng gì già, đứa lùn quá, mày coi bụng nó bự như cái trống
chầu, nó đẹp trai quá ưng mày về vài bữa nữa tháng cũng bỏ đi chơi gái…Chê xong
lật đật gọi điện thoại hối tôi qua sớm sớm rước giùm cái của nợ này đi. “Tao chẳng
gả con Thu cho ai khác ngoài mày. Qua mau nhen con!”. Hồi ba má còn sống, tôi
điện thoại về hỏi hai nhà có hứa hẹn gì không mà dì cứ nói như đinh đóng cột.
Má nói cũng không nhớ nữa, chuyện lâu quá còn gì. Nhưng tôi đoán là không bởi
ba má không có tánh đàn áp con cái về mặt hôn nhân, gia đình.
Thu bằng tuổi tôi, cùng quê Ninh Hòa, học chung với nhau từ
mẫu giáo tới lớp năm, lên lớp sáu cô thi rớt chuyển cấp nên học bán công, còn
tôi vào trường công của thị trấn. Chơi với nhau từ hồi nhỏ xíu, từng nắm đầu
ghì xuống đường đánh lộn u đầu chảy máu, về nhà méc má thì hai bà đánh thêm vì
cái tội bạn bè chung xóm mà không biết nhường nhịn. Gia đình Thu đi Mỹ năm
1994, nhà tôi thì trục trặc giấy tờ mãi sáu năm sau mới chân ướt chân ráo sang
bên này. Mười lăm năm, tụi tôi gặp nhau được một lần ở Việt Nam, giữ tin tức
qua vài lá thư tay Thu viết ngoằn ngèo từ Seattle, Washington và sau này là những
cú điện thoại gọi từ hai miền Đông Tây nước Mỹ. Nhờ sang Mỹ, uống nhiều sữa bò
nên cô nhổ giò cao ráo hẳn lên, da dẻ hồng hào, khác xa với con nhỏ xấu đau xấu
đớn lúc ở quê.
Dì Sáu là một phụ nữ mạnh mẽ và quả quyết. Không có một mảnh
giấy lận lưng, thế mà dì làm đủ mọi cách để sang Mỹ đổi đời. Khi phong trào vượt
biên rầm rộ, dì bán hết nhà cửa, vay mượn tứ tung, kiếm đủ vàng chung cho chủ
ghe để vượt biên tới mấy bận mà lần nào cũng bị bắt lại. Hết vàng, nhà cửa tiêu
tan, trại tị nạn đóng cửa, dì gầy dựng lại từ đầu bằng nghề may vá và buôn gạo.
Chương trình con lai bắt đầu, dì lặn lội cả tỉnh Phú Khánh hy vọng tìm một đứa
Mỹ lai để làm giấy tờ đi Mỹ. Không có, dì đành gá nghĩa với ông hàng xóm, ghép
con anh, con em thành con chúng mình để hợp thức hóa giấy tờ. Mà nếu còn ở Ninh
Hòa, chắc giờ này Thu đã thành một thiếu phụ xấu xí, con cái đùm đề, còn dì vẫn
ngồi còng lưng trên chiếc máy may Tàu hiệu hai con bướm, kiếm đồng lặn đồng mọc
đắp đổi qua ngày.
Cuộc sống bên Seattle cũng chật vật, chẳng khá giả gì hơn.
Gá nghĩa với nhau nên sang đây anh đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi
mình có thế thôi, thậm chí chẳng thèm nhìn mặt nhau nữa. Dì mất sức lao động, mỗi
tháng được vài trăm đô trợ cấp, ở nhà nhà housing, giữ nghề cũ may vá kiếm
thêm. Anh Long làm đủ nghề, bản thân còn lo chưa xong thì nói gì đến giúp má.
Thu học xong mười hai, tính theo đuổi ngành fashion designer bởi có cái gen may
vá của mẹ nhưng đành bỏ dở nửa chừng không thể xa nhà sang California hay New
York để học. Cô làm teller trong ngân hàng, cuối tuần đi làm part time cho vay
tín dụng mua nhà trong office của người tình già, có lần còn dụ dỗ tôi vào con
đường kinh doanh đa cấp sản phẩm đẹp da, tiêu trừ mụn.
- Tui đã chia tay lão ấy rồi?
- Thế ư? Được bao lâu? Khi nào quay trở lại? Bản tình ca này
tui nghe hoài.
- Lần này tui làm thiệt.
- Mạnh miệng ghê chưa. Mà sao lại quyết đoán vậy?
- Hôm qua tui thấy ổng đi coi phim với một con nhỏ khác, tay
trong tay rất tình tứ. Hình như có cả hôn môi nữa.
- Tui kêu bà bỏ lão từ rất lâu rồi. Ngay từ lúc đầu đã không
hạnh phúc mà cứ miễn cưỡng rốt cục cũng chẳng được gì. Thôi đừng buồn nữa. Vui
lên nghe chưa.
Cô tắt máy và tôi chắc đó là lần chia tay thực sự bởi hơn cả
tháng trời, Thu không gọi tôi lấy một lần để than phiền hay trách móc về
gã người yêu già gàn dở và thiếu thủy chung đó nữa. Cô chẳng kêu tôi bay qua
thăm vào mùa Xuân để ngắm những thảm tulip đủ màu sắc nở rộ giữa tiết trời ấm
áp không thì sang đó mùa Hè để ngó…mưa (sau này coi đọc Twilight mới biết người
dân Washington và Oregon ví mưa như đặc sản của bang mình). Bạn bè mang tiếng ở
chung một nước, cách nhau vài giờ bay, nhưng hiếm khi nào có dịp gặp gỡ chuyện
trò. Khác với Việt Nam, rảnh thì gọi nhau đi cà phê hay ra vỉa hè làm vài chai
rồi mặc sức mà hú hí, còn không thì ba ngày tết về quê gặp nhau cha muộn.
Bên đây, đứa này rảnh thì đứa kia bận, đứa kia muốn lấy vacation vài ngày
sang thăm nhưng công việc bộn bề chẳng sắp xếp được. Thôi thì đành giữ liên lạc
với nhau qua điện thoại, facebook hay Yahoo. Sống chủ yếu với nhau bằng niềm
tin là chính.
Và Thu gọi cho tôi lần cuối cùng từ Seattle vào một buổi chiều
tháng chín. Cô hỏi tôi muốn nghe bằng tiếng Anh hay Việt? Tôi bảo Việt đi cho dễ
hiểu. Thu bắt tôi im lặng, nghe xong mới được trả lời.
- Thiệt ra Thu quyết định chia tay với lão ấy do không còn
tình cảm nữa, một phần vì lão ấy có người khác nhưng nguyên nhân chính là tại
Lâm. Thu nhớ như in cái hồi tụi mình còn nhỏ nhà nghèo thí mồ, hai đứa đi học
chung chia nhau từng cái bánh. Lúc đó Thu xấu òm, học thì dở, bữa nào cũng mũi
dãi lòng thòng, tay chân dính đầy mực. Trừ Lâm ra, hổng ai thèm chơi với Thu.
Lâm là người bạn duy nhất của Thu suốt thời niên thiếu. Qua đây sống mười mấy
năm, kí ức về Việt Nam của Thu hầu như không còn, muốn cũng chẳng có gì để nhớ
ngoại trừ Lâm. Má hay nói má chẳng thèm gả Thu cho ai hết, để chờ Lâm, nhưng chẳng
biết khi nào Lâm thu xếp qua đây thăm gia đình. Lâm nè, I just want to say that
I really love you.
Câu tiếng Anh cuối cùng cô thẹn thùng nói lí nhí trong miệng
nhưng tôi vẫn nghe được. Hai bên im lặng, điện thoại vẫn áp vào tai, tôi nghe
được tiếng thở gấp gáp bên kia đầu dây. Một đỗi khá lâu, chả hiểu sao tôi lại
phá lên cười sằng sặc:
- Nãy giờ bà nói thiệt hay nói chơi vậy?
- Thu nói thiệt, bộ Lâm không tin hả?
- Trời ơi! Tui với bà chơi mấy chục năm nay, cái gì cũng biết
mà giờ nói tiếng yêu đương nghe kì chết. Thôi đi bà nội! Đừng có nói xàm nữa
làm tui tưởng thiệt bây giờ. Hahaha
Thu tắt máy và không bao giờ gọi cho tôi từ Seattle nữa. Chắc
cô ấy giận vì quê, có khi Thu thấy tôi vô duyên tệ vì đã cười đùa trên tình cảm
chân thành của mình. Tôi có gọi vài lần, cô không bắt máy. Cho đến một ngày dì
Sáu kêu tôi qua ăn đám cưới. “Tao chờ riết mà chẳng thấy bây qua nên tao gả nó
cho rồi. Nhớ qua nhen con!” Thu lấy Tong, một chàng trai người Lào nhỏ tuổi hơn
mà cô từng kể anh ta đã theo đuổi cô từ ngày mới sang Mỹ (lúc mười hai mười ba
tuổi gì đấy). Ngày nào đi học, Tong cũng ngồi school bus về tới tận nhà Thu rồi
đi bộ ngược về nhà mình. Mấy năm trước anh được lệnh qua chiến trường Iraq. Trước
ngày đi, Tong tha thiết mong cô hãy ráng chờ, nếu anh sống sót trở về sẽ nhờ
người sang hỏi cưới. Muốn anh yên tâm ra trận, cô gật đầu đại cho yên chuyện.
Tôi hay cười nói tình yêu của hai người y như chuyện tình đậm màu áo lính Việt
những năm 60, 70 của thế kỉ trước.
Thu cưới vào tháng hai. Tôi viện lý do bị dị ứng mặt nổi đầy
mụn không dám chường mặt cho thiên hạ thấy nên chỉ gửi check làm quà mừng. Thu
im lặng, còn dì Sáu cứ trách hoài vì cô ấy luôn khoe với mọi người tôi là đứa bạn
thân nhất mà lại vắng mặt trong ngày trọng đại đó. Tôi không muốn gợi lên trong
cô bất cứ điều gì về tình cảm hai đứa, mà có khi Thu cũng không muốn gặp tôi
khi thuyền tình đã tìm về bến đỗ. Cô dọn về tiểu bang Wisconsin lạnh lẽo ở miền
Bắc nước Mỹ với gia đình Tong, một năm rước dì Sáu sang phụng dưỡng.
Có lần điện thoại, tôi hỏi Thu “có yêu chồng không?”. Cô ngập
ngừng khá lâu rồi ậm ừ “chắc có…”
Nguồn: http://www.ninhhoatoday.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét