Surya Das
Hai trăm năm sau ngày Phật Cồ-đàm nhập diệt, một viên tướng
tên là A-dục (Ashoka) nắm quyền lãnh đạo Ấn Độ. Là một vị vua nay uy quyền, ông
thống nhất sứ xở chia năm sẻ bảy, cho xây đường xá, đào giếng, bệnh viện nhà
nghỉ và nhất là bảo tháp, đền miếu, mà ngày nay người ta vẫn còn xem là một
trong những công trình to lớn của con người. Mới đầu A-dục vương là một con người
hiếu chiến, nhưng về sau ông được một tăng sĩ Phật giáo khuyên nên theo chủ
trương hoà hiếu, bất bạo động. Nhà vua gặp vị tăng sĩ này lần đầu trên đường đầy
bụi bặm và thấy xót thương. Nhưng khi tới gần, ông nhận ra ánh sáng an tịnh
trên khuôn mặt vị tu sĩ, và ông thấy nơi người du khất này một cái gì mà một quốc
vương như ông tìm kiếm lâu ngày chưa được.
A-dục gia nhập tăng đoàn và bắt đầu thiền định. Ông đi sâu
vào giáo lý của Phật và nhiều lần hành hương đến thăm cây Bồ-đề tại Giác Thành,
một gốc cây thánh vì đây là nơi Phật Cồ-đàm thành đạo. Trước đó không lâu, vua
A-dục lấy vợ, nàng tên là Tisja Rakscha. Vị hoàng hậu này không vui khi thấy
nhà vua cứ đến tham vấn tăng đoàn, không quan tâm đến nàng.
Tisja Rakscha cảm giác bị bỏ bê và ghen tức đến mức nàng sai
cận thần ghi chép giờ giấc nhà vua đến Giác Thành bao nhiêu và thời gian dành
cho nàng bao nhiêu. Cuối cùng khi so sánh, nàng giận dữ tới mức sai cận thần
cho đốn chặt cây Bồ-đề. Cây đó bị chặt thật nhưng lạ lùng thay, qua ngày mai nó
lại mọc lên như cũ.
Sau đó Tisja tìm mọi cách quyến rũ người con trai lớn của
A-dục. Thái tử Kunala là con ghẻ của nàng và là người thừa kế ngôi cha. Nhưng
Kunala biết rõ âm mưu của nàng lên thẳng thừng từ chối. Vị hoàng hậu trẻ tuổi hậm
hực và quyết báo thù hai cha con.
Nhân dịp nhà vua lại đi thăm đền ở Giác Thành, hoàng hậu âm
mưu với triều đình bắt tội Kunala nhốt vào ngục, bộ hạ của nàng lẻn vào ngục
khoét mắt chàng.
Không ai cứu chàng kịp, chàng trở thành mù loà. Trong cơn
tuyệt vọng, chàng nhớ lời một vị hiền nhân đã già nói cách đó nhiều năm: “Không
có gì trên đời này là thường hằng. Bất cứ điều gì ngươi sẽ có, rồi nó cũng sẽ mất.
Vì vậy hãy giữ những gì mà ngươi là, và lúc đó những cái mất lớn nhất sẽ trở
thành những cái được lớn nhất”.
Cai ngục lấy mất ánh sáng của mắt chàng thì ngay lúc đó ánh
sáng trí tuệ bùng lên và Kunala thấy tất cả sự vật đúng như chúng là, vượt ra
ngoài thông thường cảm nhận của thế gian. Bay giơ chàng biết vị hiền nhân nọ đã
biết trước số phận của chàng nhưng không ra tay cứu giải.
Càng lúc, Kunala càng đi sâu vào thế giới bên trong và để mặc
cho trời đất muốn xử sao với người có tội cũng được. Chàng không cần khai báo
gì cả vì A-dục không bao lâu sau đã biết ai là người gây tội khoét mắt con mình
và cho Tisja Rakscha hưởng hình phạt xứng đáng.
Kunala rời bỏ ngai vàng và nhường ngôi cho con trai làm vua Ấn
Độ. Sau đó ông rút vào rừng miền Tây Bắc, sống như một tu sĩ và an nhiên tu tập
thiền định. Cuối cùng, chàng đối trị được lòng sân hận luôn luôn quay trở về
trong tâm và hoàn toàn xả bỏ. Rồi cũng tới ngày mà chàng cảm tạ Tisja Rakscha về
hành động xấu ác đó, vì cũng nhờ đó mà chàng mở được con mắt trí tuệ và lên
ngôi vua của sứ xở nằm ngay trong tâm mình. Từ một con người mù loà Kunala đã
sinh ra một bậc A-la-hán có thiên nhãn, một bậc hiền nhân. Vô số con ngưòi đã
tìm được an ủi và sự cứu độ với vị đó.
SƯ TỬ TUYẾT BỜM XANH - Nguyên tác: Surya Das - Nguyễn Tường Bách dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét