Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

AN NINH THẬT SỰ

Sulak Sivaraksa


Tái cấu trúc các thể chế chính trị và kinh tế không thể tự thân chúng đem lại sự giải phóng. Sự chuyển hóa bản thân là nơi khởi đầu. Hòa bình chỉ có thể ưu thắng trong một xã hội khi các cá nhân trong xã hội đó cùng sống hòa bình với nhau. Khi tham, sân, si cai quản các sự việc của bản thân thì chúng cũng sẽ hiện diện nơi các thể chế xã hội, ngăn cản sự thay đổi xã hội lâu bền. An ninh thật sự tùy thuộc vào việc tác động lên tự thân chúng ta.
Tôi không đề nghị rằng chúng ta chỉ cần tác động nội tâm mà loại trừ các đường lối hoạt động xã hội. Khi chúng ta chấp nhận các hệ thống có hành vi sai quấy tức là chúng ta đã ngầm khẳng định rằng hành vi đó là chấp nhận được. Sự giải phóng bản thân và xã hội là hai mặt của cùng một đồng tiền. Chúng ta tác động lên bản thân trong lúc chúng ta đương đầu với các hệ thống xã hội áp bức. Nếu chúng ta làm điều này, khi giáp mặt với sự đề kháng hoặc ngay cả sự trả đũa từ những kẻ muốn duy trì thể chế hiện hành, sự tỉnh thức của chúng ta sẽ giúp đo được mối hiểm nguy, tránh rắc rối, và tha thứ cả cho kẻ thù.
Khi đảng chính trị của bà Aung San Suu Kyi , tên gọi the National League for Democracy, thắng áp đảo ở Myanmar, giới quân phiệt từ chối việc chuyển quyền cho họ. Thay vào đó, họ đặt bà Aung San Suu Kyi dưới chế độ quản thúc và vùi giập tàn bạo những người ủng hộ bà. Trong tác phẩm Freedom from Fear, bà giải thích bà đã tranh đấumột cách bất bạo động như thế nào để chống lại những kẻ độc tài từ lúc đó - bằng cách thiền định mỗi ngày về việc rải tâm từ và mỡ rộng lòng từ bi đối với những người bị áp bức và cả những kẻ áp bức.
Mấy năm trước đây, tôi tham gia một cuộc tuần hành ngang qua khu đầu não của Ngân Hàng Thế Gioi, tới sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington DC để phản đối một kế hoạch xây dựng một cái đập khổng lồ ở Tây Tạng. Trung Quốc đang tìm kiếm sự trợ giúp tài chính từ Ngân Hàng Thế Gioi cho dự án này. Qua cuộc biểu tình, chúng tôi đã có thể thuyết phục ngân hàng này không trợ giúp cho dự án đó nữa, vì những tác động xã hội và cảnh quan của nó ắt sẽ bị hủy hoại. Một trong những người bạn đồng hành cùng biểu tình với tôi, một nhà sư Tây Tạng trên 70 tuổi, bảo tôi rằng ông đã bị người Trung Quốc bỏ tù và tra tấn trong 18 năm. Sau khi được phóng thích, ông trốn sang Ấn Độ và gặp đức Đạt Lai Lạt Ma. Vị Đạt Lai Lạt Ma hỏi ông đã có sợ hãi hay không, ông đáp lại rằng ông chẳng hề sợ đau đớn hoặc cái chết, mà chỉ sợ đánh mất lòng từ bi với hành hạ ông thôi. Ông không coi họ như kẻ thù mà như những con người đồng loại bị bó buộc phải làm phận sự của mình.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là tấm gương gây hứng khởi của một người phản đối áp bức trong lúc vẫn vun xới hòa bình nội tâm. Ông đã nhìn thấy nỗi khổ sâu xa của người dân nước ông dước sự cai trị của người Trung Quốc. Tuy thế, ông vẫn tiếp tục sống hạnh phúc và đơn sơ. Tôi vững tin rằng một ngày kia Tây Tạng sẽ tự do, thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc và sự can đảm tinh thần của Aung San Suu Kyi một ngày kia sẽ giải phóng cho nhân dân Myanmar.

Không có nhận xét nào: