Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

ĐỌC “JOHN ĐI TÌM HÙNG” – TẬP BÚT KÝ CỦA CHÀNG LỮ KHÁCH 8X “COME FROM USA”

Tran Hung John

Tác giả đang ký tặng sách trong buổi giao lưu ngày 1 tháng 6 - 2013 tại Sài Gòn

Xin giới thiệu với các bạn đọc của blog một tập bút ký rất thú vị “JOHN ĐI TÌM HÙNG” của Tran Hung John.
Suốt 80 ngày rong ruổi trên những cung đường đất Việt, Tran Hung John - lữ khách 8X đời chót, "come from USA", du lịch bụi với chiếc ví rỗng, đã đi qua thật nhiều con phố, huyện lỵ, thôn xóm, làng bản... dọc theo dải đất hình chữ S mang tên Việt Nam để được sống, trải nghiệm và cảm nhận ... Đó là một hành trình bền bỉ, kiên cường và can đãm của chàng thanh niên tuổi hai mươi người Mĩ  Tran Hung John. Nhưng đó cũng là hành trình của những hoài niệm qua chuyện kể của bà của mẹ, của những người xa xứ về quê ngoại cách trở bởi biển trời Thái Bình Dương và một tuổi ấu thơ không trọn vẹn, tất cả ùa về, lan tỏa và xích gần lại tâm thức trong trìu mến, yêu thương. Tuy đây là tác phẩm của một chàng thanh niên mới bước vào đời nhưng, theo tôi, nó không chỉ dành cho các đọc giả trẻ thế hệ 9X hay 8X mà ngay cả một đọc giả 5X đời đầu như tôi cũng say mê. Không ngờ một người trẻ tuổi như vậy lại có những suy ngẫm cực kì sâu sắc làm rung động lòng người.
Sau đây là một trích đoạn từ chương 6 . Tựa bài do blog tự đặt.

TUỔI TRẺ, HÃY HỌC ĐỂ BIẾT HOÀI NGHI NHỮNG QUY ƯỚC VÀ ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI VÌ SAO?
Một giáo viên xoàng sẽ dạy bạn cách học thuộc lòng. Một giáo viên giỏi sẽ giải thích để bạn hiểu vấn đề. Nhưng một giáo viên xuất sắc sẽ truyền cảm hứng để bạn học, để bạn hoài nghi những quy ước và đặt câu hỏi vì sao? Như câu chuyện "Thầy bói xem voi" của bác Vờn, thế giới không chỉ có hai màu đen và trắng. Thế giới là một bảng màu vô cùng đẹp với rất nhiều màu sắc. Hãy chấp nhận thế giới như nó vốn có. Hãy trở thành một người biết tự học và đam mê khám phá thế giới.
Một tô bún bò Huế cuối cùng, một vòng xe cuối cùng quanh thành phố. Bác Vờn chạy xe máy đưa tôi ra bến xe buýt, dáng thư sinh gầy gò của bác xem chừng phải vật lộn với cân nặng của tôi. "Hãy nhớ những điều cháu đã học được nhé. Cháu là một học trò giỏi, một đứa trẻ ngoan. Chúng ta sẽ còn gặp lại."
Tôi được người phụ xế dẫn xuống phía cuối xe. Tôi ngồi ghép với bốn nam thanh niên. Chân chúng tôi bị chà xát vào nhau mỗi lần xe đi phải chỗ xóc. Cái nóng của buổi sáng đã biến chiếc xe buýt thành phòng tắm xông hơi. Tôi nhìn quanh, những gương mặt khổ sở đang cố hớp lấy chút không khí. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tới Lăng Cô, một vài người phụ nữ lớn tuổi xuống xe. Tôi cũng đứng dậy và xuống theo. Bác Vờn đã trả tiền xe cho tôi đến Đà Nẵng, nhưng tôi chắc rằng bác sẽ hiểu cho tôi vì quyết định này.
Xuyên qua lối vào của một khu nghỉ dưỡng cao cấp, tôi tìm thấy một con đường dẫn tới bờ biển. Ngoài một vài người nước ngoài đi lại xung quanh, bờ biển giống như một thiên đường được dấu kín. Không có bóng dáng một người Việt Nam nào dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Mặt trời dường như bị cho là thuốc độc cho làn da trắng sáng của họ. Sự ám ảnh về nước da trắng này khá nực cười, bởi Việt Nam vốn là một đất nước nhiều ánh nắng. Mọi người bảo tôi rằng việc này bắt nguồn từ những ngày xưa, khi da trắng được coi là biểu tượng của tầng lớp cao quý và sự giàu sang, còn làn da tối màu thì nói lên rằng bạn hẳn là một nông dân và phải làm việc ngoài đồng lúa cả ngày.
"Đen không đẹp". Tôi nhớ có một người phụ nữ đã từng nói vậy với tôi. "Nhưng ở bên Mĩ, người ta thích làm da rám nắng. Da như vậy mới đẹp", tôi nói với cô ấy và chỉ cho cô xem nước da ngăm ngăm của tôi. "Da cháu mà đen như thế này không đẹp đâu. Cô tưởng cháu là người châu Phi".
Tôi tìm và ngồi dưới bóng mát của một cái dù. Môt người đàn ông ngoại quốc đi ngang qua, béo phì và làn da chảy xệ. Ông này mặc trên người một bộ đồ tiêu biểu của một du khách: quần sóoc, áo cộc tay, đầu đội mũ và máy ảnh đeo lủng lẳng trước cổ. "Thời tiết thật kinh khủng", ông ta nói. Một cô gái Việt Nam trẻ tuổi hơn ông ta rất nhiều đi theo phía sau. Tôi lập tức thấy như máu mình sôi lên.
Tôi rất không ưa hình ảnh mà mấy người đàn ông như ông khách du lịch này đã tạo nên; Một người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi tìm cách lợi dụng nạn mại dâm tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tôi đã nhìn thấy điều này trước đây. Quanh khu "Tây ba lô" tại Sài Gòn và phố cổ Hà Nội, nhưng người đàn ông đã già đi cùng những cô gái Việt Nam có lẽ chỉ bằng tuổi cháu của họ.
Hai năm trước, tôi suýt chút nữa đã đánh nhau với hai người đàn ông Pháp lớn tuổi tại Quy Nhơn. Họ ra sức chụp ảnh khi tôi và các bạn cùng lớp đang bơi trong hồ bơi của khách sạn vào một buổi tối. Tôi cùng một vài thằng con trai trong nhóm tiến tới. "Các ông đang làm gì đó?", tôi hỏi lớn. "Không có gì. Xin lỗi. Không biết tiếng Anh", Tôi giật chiếc máy ảnh từ tay ông ta . Trong máy đầy những bức ảnh của các bạn nữ trong nhóm chúng tôi, được chụp ở những góc nhìn nhạy cảm.
Những tiếng nói lớn đã kéo sự chú ý của một vài nhân viên khách sạn. Họ bước đến và tỏ vẻ muốn bảo vệ những vị khách ngọai quốc. Phần lớn nhóm chúng tôi là người Mĩ gốc Việt , và có vẻ ngoài rất Việt Nam. "Các anh đang làm gì đó?", một nhân viên an ninh hơi gằn giọng hỏi chúng tôi. Một người bạn trong nhóm giải thích cho họ bằng tiếng Việt. Tôi đã biết trước họ sẽ chẳng đứng về phía chúng tôi. Nhiều người Việt Nam thường thấy lép vế trước người nước ngoài. Có lẽ hàng thập kỉ sống dưới chế độ thuộc địa đã khiến họ xem người da trắng là siêu việt hơn. Nếu được giao vào tay tôi, hẳn là công lí đã được thực hiện. Nhưng những người đàn ông lỗ mãng đó đã bỏ đi, thoát được khỏi một trận đòn.
Tôi quyết định bơi thêm một vòng để hạ nhiệt cơn nóng giận của mình. Bơi trong làn nước biển trong mát khiến tôi thấy thoải mái hơn. Không lâu sau, một người đàn ông Việt Nam cùng đến bơi, anh nhìn tương đối trẻ.
"Hello. Where are you from?" - Xin chào. Bạn từ đâu tới? anh hỏi tôi bằng tiếng Anh. "Em là người Mĩ gốc Việt nhưng em đang sống ở Việt Nam", tôi trả lời bằng tiếng Việt. Anh ta tiếp tục nói bằng tiếng Anh. "Sorry but I thought you were Korean - Xin lỗi, anh tưởng em là người Hàn Quốc."
"Anh là người ở đây à?", tôi hỏi lại bằng tiếng Việt. "Anh ở Hà Nội, nhưng đi nhiều lắm vì công việc. Anh là họa sỉ. Lăng Cô là biển đẹp nhất ở Việt Nam. Có núi Hải Vân ở đằng kia," anh vừa nói vừa chỉ ra xa. "Anh đến đây để lấy cảm hứng. Cuộc đời với tranh vẽ giống nhau lắm em ạ."
"Tại sao như thế?"
"Cuộc sống giống như là một tấm vải trắng tinh đang chờ người nghệ sĩ làm cho nó sống động với những bức tranh đẹp đẽ. Mỗi sự kiện trong cuộc đời chúng ta giống như một nét vẽ, và qua bao nhiêu năm tháng cuộc đời ta, nhiều nét vẽ, nhiều màu sắc lại được thêm vào. Mỗi người là họa sĩ của chính bức tranh cuộc đời người ấy. Trong khi một số người chọn được chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm của những họa sĩ khác, một số khác lại chọn việc tự do sáng tác cho tác phẩm của mình và không cần đem đi trưng bày".
"Anh chọn làm họa sĩ. Gia đình anh muốn anh làm kinh doanh hoặc đi theo ngành ngân hàng như nhiều người trong gia đình, nhưng mà anh chọn tự do. Chắc anh phải già hơn chú đến hai mươi tuổi. Đến tuổi này, anh thấy chưa ân hận gì. Thích đi đâu là anh đi đấy và vẽ khi nào có hứng," Khác xa với những quan niệm tôi thường thấy, anh ấy có suy nghĩ và lối sống rất kiểu Mĩ, rất thú vị. Nhưng cách sống kiểu này có vẻ hơi ít thấy ở Việt Nam.
Cuộc sống của một người Việt Nam điển hình phần nhiều đã được định đoạt sẵn. Đi học, lên đại học, tốt nghiệp, tìm một việc làm ổn định được trả lương tốt, làm trong nhiều năm để được thăng tiến dần dần. Đối với phần lớn người Việt Nam, theo đuổi giấc mơ hình như là chuyện viển vông. Bố mẹ không trả tiền cho bạn đi học để bạn theo đuổi giấc mơ. Bạn cần phải tìm một công việc tốt để có thể giúp đỡ gia đình.
Với những ai có hoàn cảnh gai đình khá giả hơn, nỗi sợ lại là điều giữ chân họ. Họ e ngại việc phá vỡ những nguyên tắc xã hội. Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải những người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn. Đi lệch hướng là một điều đáng sợ không nên làm.

2 nhận xét:

Rutìnhhươnglài nói...

Chào chú, con tên Diễm đang tìm hiểu về Trần Hùng John qua mạng và tìm cách có quyển sách "John đi tìm Hùng" để đọc. Và tìm cờ biết được trang blog này của chú. Và có xem lướt qua 2 trang facebook. Hiện tại con có thời gian đọc sách nên rất muốn có được quyển sách "John đi tìm Hùng" để đọc, con đang nhờ đứa cháu tìm mua, nhưng sách đã hết, xin hỏi chú có ý kiến nào giúp con sớm có quyển sách này để đọc không? thí dụ như ai đó đọc rồi và gởi cho con mượn (sẽ gởi trả lại với món quà cảm ơn) hoặc như con có thể mua lại, hoặc như đọc xong và tặng lại cho con... và con sẽ cảm ơn bằng cách "trả ơn chuyển tiếp"... (xin nói rõ thêm là con hiện đang sống tại Sweden E-mail: diem_nguyen_se@yahoo.com)

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

con tìm tại các nhà sách của nhà XB Kim Đồng xem sao