ngày . . . tháng . . . năm . . .
Em đang bị stress, đúng không? Em không nên lo lắng quá nhiều như vậy, việc gì rồi cũng sẽ có cách giải quyết thôi. Em sợ không hoàn thành được nguyện vọng của cha mẹ mong con mình sớm học thành tài để về quê giúp đỡ bà con? Em sợ sẽ học không kịp chương trình vì bài vở quá nhiều mà học bài lại lâu thuộc? Chắc em chưa quen học những bài giảng quá dài của cấp đại học , không như những bài học của thời trung học.
Chắc em còn nhớ, khi hướng dẫn sinh viên thực tập tại bệnh viện, thầy hay hỏi thử các em xem mục tiêu học y của các em là gì, nhiều em trả lời thầy "học để phục vụ nhân dân", hay "học để cứu người" . . . các em đó trả lời cũng không sai, nhưng đã quên mất rằng ngoài các "mục tiêu cao cả" như trên, còn phải có những "mục tiêu gần" hơn mà một sinh viên y khoa cũng như tất cả các ngành học khác nên hoàn thành trước, đó là "học để thi đậu". Thật vậy, nếu không thi đậu, em sẽ chẳng được hành nghề y, làm sao còn có cơ hội để phục vụ nhân dân, làm sao còn có cơ hội để "cứu nhân độ thế" ?
Vậy, mục tiêu trước mắt của em là phải thi đậu, năm nào đậu ngay năm ấy.
Em nhớ nhé, cố gắng đừng để mắc nợ bất cứ môn học nào. Chương trình học của ngành y mình rất nặng, nếu cứ để nợ chồng chất những môn học, em sẽ bị quá tải và có nhiều nguy cơ bị . . . vỡ nợ!
Em học bài lâu thuộc. Đúng đấy, học có một bài "nhiễm trùng tiểu" của thầy mà em phải mất đến hơn 3 tiếng đồng hồ thì đúng là lâu thật. Thầy đã phải chỉnh sửa bài đó nhiều lần rồi, cho câu văn trở nên rõ ràng dễ hiểu hơn, mong sao các em dễ nhớ. Thật vậy, khi còn là sinh viên như em, thầy đã rất sợ phải học những bài giảng viết lủng ca lủng củng, "nhai" hoài mà vẫn "nuốt" không trôi. Nhưng thật ra, phần lớn thầy cô, đã được làm giảng viên, đều có khả năng truyền đạt tốt và thường viết bài giảng rất rõ ràng, dễ học thuộc. Thầy còn nhớ, khi học năm thứ ba, môn chấn thương chỉnh hình được thầy Hoàng tiến Bảo dạy, sau khi nghe thầy ấy giảng xong, ra khỏi giảng đường là các sinh viên đã thuộc bài đến hơn 50 %, sau này khi học ôn thi, chỉ cần đọc lướt sơ qua là đã thuộc rồi. Dù sao, bài dễ học hay khó học thì em cũng phải tìm cách học thuộc cho thật nhanh để còn học qua các bài khác nũa chứ,phải không? Khả năng tiếp thu một bài giảng không ai giống ai đâu, nhưng cũng tùy thuộc một phần lớn vào cách em học bài như thế nào nữa.
Để thầy cho em biết vài kinh nghiệm học bài của mình, biết đâu em dùng được?
Thứ nhất, thầy cố gắng không bao giờ học dồn hay để nước đến chân mới nhảy.
Thứ hai, rất quan trọng, nếu muốn mau thuộc bài, thầy phải tìm cách để không bị "phân tâm" khi đang học bài.
Không biết em thế nào, chứ thầy mà phải ngồi học bài ở chỗ nào sinh hoạt ồn ào thì chắc chắn học không "vô". Thầy thuộc loại thích học "solo" tức là học không theo nhóm. Thích ngồi học một mình, học chỗ yên tĩnh và khi học bài thì không làm thêm bất cứ thứ gì khác. Em nhớ nhé, cố gắng tránh cái kiểu vừa học vừa tám chuyện với các bạn hay vừa "chat" trên mạng. Củng không nên vừa học vừa nghe nhạc hoặc thỉnh thoảng ngó xem TV một tí . . . Em cũng đừng chờ hoặc nhắn tin qua điện thoại di động, nên tắt điện thoại luôn, cho khỏi bị phân tâm. Nếu nhà bên cạnh gây quá nhiều tiếng ồn, như có đám ma, đám cưới (!) . . . em nên dọn sách vở vào thư viện học. Nếu suốt đêm, họ vẫn ca hát ầm ĩ, tốt nhất, em nên . . . đi ngũ, nhớ đừng quên nhét bông gòn kín 2 tai, để mai dậy học tiếp. Em cũng nên chọn thời gian học phù hợp cho mình, sẽ giúp em dễ tập trung hơn. Có người thích học bài ban ngày, có người thích học ban đêm. Thầy chuyên học ban đêm vì lúc này thường ít tiếng ồn và không khí cũng thường mát mẻ, thầy rất dẽ tập trung. Em thích học buổi nào? Nếu thích học ban đêm, em nhớ đừng thức quá vì càng khuya sẽ học càng lâu thuộc ( bộ não của em đã phải "nạp" quá nhiều thứ trong ngày rồi, cần refresh ).
Thứ ba, thầy thích tìm một số phương pháp để có thể khái quát được bài học cho mau thuộc và nhớ lâu hơn.
Thầy tự soạn ra một dàn bài chi tiết hay tự đặt ra khoảng 8 hay 10 câu hỏi cho mổi bài học, đại khái như: "vì sao bị nhiễm trùng tiểu?" - " tác nhân nào hay gây nhiễm trùng tiểu?" - " làm sao chẩn đoán chính xác?" - "bệnh nào có thể chẩn đoán lầm với nhiễm trùng tiểu?" . . . cũng có khi, thầy tìm một số hình vẽ, các ký tự, chữ cái, hay một câu nói vui vui nào đó để giúp liên hệ nhanh đến các vấn đề cần nhớ, kiểu giúp trí nhớ này gọi là MNEMONIC. Các thầy cô có kinh nghiệm và vui tính rất hay dùng cách này để giúp cho sinh viên dễ nhớ bài. Em có nhớ bài cấp cứu ngưng tim ngưng thở học ở bộ môn kỹ năng lâm sang không? ABC là chử cái giúp em nhớ các bước cấp cứu đầu tiên Airway - Breathing - Compressions. Trong bài lao thận, cũng có thể dùng một câu có thể nêu bật được đặc tính lâm sàng của bệnh: " bàng quang kêu to tổn thương của mình trong khi thận chết âm thầm!" vì bàng quang viêm mạn nên bệnh nhan cứ tiểu gắt, lắt nhắt kéo dài mà rất ít khi đau hông lưng, dù thận có thể có nhiều áp xe do lao. Thầy gửi em xem một mnemonic bằng hình vẽ của thầy để dễ nhớ các tiêu chuẩn chẩn đóan bệnh lupus, thầy vẽ một cô gái, vì bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ mà, đúng không? (xem thêm ... )
Em thử áp dụng các phương pháp học bài của thầy xem có mau thuộc bài hơn không, có gì trở ngại, cứ viết ngay cho thầy.
Chúc em thành công trong học tập.
Chào em.
7 nhận xét:
Chắc là thầy nói đúng rồi, sinh viên y không ngại bài học khó ( vì đã thi vô trường này thì IQ hẳn không thấp),mà chỉ ngại không tập trung khi học.
Em rất thích loạt bài "Thư gửi sinh viên Y khoa" của thầy, hy vọng thầy sẽ còn tiếp tục chủ đề này.
Em cũng xin có một câu hỏi mong sẽ được thầy trả lời cho bài viết sắp tới đó là: Sau khi ra trường, ngoài con đường thi nội trú, nếu em muốn theo một chuyên khoa nào đó (như Nội thận chẳng hạn) thì còn con đường nào khác không ạ? (Em nghĩ đây cũng là sự quan tâm của nhiều bạn vì Nội trú mỗi năm lấy rất ít và tiêu chuẩn để thi là điểm trên 7,0)
Xin chúc thầy sống vui sống khỏe.
Em xin cảm ơn thầy
có lẽ em nên xin làm ở một bệnh viện nào có chuyên khoa đó, làm trong chuyên khoa một thời gian, em xin đi học sau đại học. Thực ra, học sau đại học không gỉoi bằng vừa làm vừa tự học trong chuyên khoa mình yêu thích đâu, quan trọng là mình biết cách tự học và sẵn sàng hỏi các thầy cô, các đàn anh kinh nghiệm!
Chân thành cảm ơn thầy . Thầy nói rất đúng ạ, không để thi trả nợ, và không phân tâm khi làm bất cứ việc gì chứ không chỉ học bài .
Mong thầy sẽ gửi thêm nhiều kinh nghiệm học tập cũng như lâm sàng cho sinh viên y khoa chúng em nữa ạ !
Em chao Thay, Em cám ơn Thầy rất nhiều. Thầy đã chia xẻ những kinh nghiệm và phương pháp giúp sinh viên học tốt. Theo Em phương pháp học rất quan trong Thầy a. Em cũng học như cách Thầy hướng dẫn vẽ mapping, Em thấy rất hiệu quả Thầy a, dễ nhớ, và nhớ lâu nữa.
Khi Em học ở nước ngoài Em thấy phương pháp học này rất hữu hiệu và các Giáo sư cũng dạy phương pháp học bằng concept mapping nữa Thầy a.
Thân chào Thầy,
Nga Ho.
em chia sẽ với các bạn SV về phương pháp học bằng concept mapping đi Nga Ho
Em chao Thầy,
Thầy cho Em xin địa chỉ email của Thầy. Em sẽ gửi bài Thầy a.
Thân chào Thầy
Nga Ho
Nga Ho, email của thầy là : bsthyanhdhyd@gmail.com
Đăng nhận xét