Thy Anh
ngày . . . tháng . . . năm . . .
Lên năm thứ ba, năm thứ tư, em bắt đầu đi thực tập tại các bệnh viện học triệu chứng học và các phương pháp biện luận chẩn đoán. Giai đoạn này là giai đoạn rất quan trọng trong sáu năm học vì sẽ giúp hình thành một thói quen làm việc cơ bản cho một bác sĩ tương lai.
Các em đang như một tờ giấy trắng, nên phải được viết vào đấy những thông tin đúng đắn ngay từ đầu, phải viết thật nắn nót, thật cẩn thận để không phải bôi, phải xóa, vì điều này sẽ làm xấu tờ giấy đi mãi mãi.
Vậy, sinh viêm năm ba, thứ tư, các em nên làm gì khi bắt đầu đi thực tập tại bệnh viện?
Theo thầy, trước khi đến một bệnh viện thực tập, em nên hỏi thăm các anh chị sinh viên năm trên xem tình hình các khoa phòng của bệnh viện có thường gây khó khăn gì cho sinh viên thực tập không, các giảng viên tại chổ như thế nào, ai dạy nhiệt tình, ai la mắng thì nhiều mà dạy thì . . . ít, để có biện pháp ứng xử thích hợp.
Ngoài các dụng cụ khám bệnh như ống nghe, em phải chuẩn bị một cuốn sổ tay, luôn mang trong túi áo blouse, để có thể ghi chép mọi lúc mọi nơi, và cũng nên mang thêm một cuốn handbook hay một cuốn bệnh học (đã được photocopy thu nhỏ lại) để tiện tham khảo ngay tại chỗ. Thầy đã gập nhiều em khi nghe trình bệnh tại giường,chẵng chịu ghi chép gì cả, đến cuối đợt thực tập, khi hỏi thi vấn đáp, các em không nhớ gì hết, kết quả thi rất tệ. Em không thể nhớ hết được tất cả những gì đã nghe đâu vì khối lượng kiến thức sẽ dồn đến rất nhiều, mỗi ngày.
Khi đến khoa, nhóm của em sẽ được giao cho một bác sĩ nội trú hay một giảng viên chịu trách nhiệm . Em phải tìm hiểu ngay để làm quen cách ghi chép các mẫu bảng biểu, các phiếu xét nghiệm và bệnh án của bệnh viên.
Em cũng phải tìm biết ngay vị trí các khoa phòng trong bệnh viện để tiện việc giúp các giảng viên, các bác sĩ nội trú ( hay các bác sĩ điều trị của khoa) mang mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm, hoặc đi lấy dùm họ các kết quả X quang, kết quả xét nghiệm cấp cứu . . . Điều này sẽ tạo được mối quan hệ tích cực giữa sinh viên với khoa phòng, sẽ gây được cảm tình rất tốt với các bác sĩ bệnh viện, rất có lợi cho tương lai của em sau này, khi cần xin việc .
Em cũng sẽ được giao phụ trách một hay hai giường bệnh gì đó, nên nhớ, khi đã được giao bệnh nhân nào, phải nắm thật vững các thông tin của bệnh nhân đó, cụ thể em phải phát hiện được các triệu chứng, tình trạng, diễn biến mới xuất hiện của bệnh nhân và cập nhât ngay các kết quả các xét nghiệm mới về của bệnh nhân, để bất cứ lúc nào cũng trả lời được các bác sĩ giảng viên.
Cũng đâu khó khăn gì lắm, phải không em?
Ngoài ra, còn những điều "phải làm" và "không được làm" khác nữa là:
# phải luôn bắt kịp được tốc độ làm việc của các bác sĩ nội trú và các giảng viên, đừng làm chậm chân họ, vì những người này thường giải quyết công việc với tốc độ rất nhanh đối với một sinh viên còn chân ướt chân ráo.
# phải luôn sẵn sàng giúp đỡ, săn sóc bệnh nhân của mình và các bệnh nhân khác trong khoa khi cần, ví dụ: dìu bệnh nhân đi vệ sinh, đỡ bệnh nhân lên giường, hút đàm nhớt, cho thở oxy, bóp bóng cấp cứu ngưng tim ngưng thở . . .
# phải tìm cơ hội phụ tá cho các bác sĩ làm các thủ thuật thật nhiều cho quen tay, ví dụ đặt đường truyền tĩnh mạch, lấy máu động mạch, chọc màng bụng, màng phổi . . . muốn có nhiều cơ hội này, em nên theo các bác sĩ trực ngoài giờ.
# phải vui vẽ và làm thật nhanh các công việc được giao như đi lấy kết quả xét nghiệm, kết quả X quang.
# phải tập khám đi khám lại các triệu chứng cho đến khi thật nhuần nhuyễn.
# phải sẵn sàng hõi các bác sĩ nội trú, các giảng viên để giải đáp ngay tất cả các thắc mắc của em tại bệnh viện.
# không được hỏi các bác sĩ giảng viên những câu hỏi ngớ ngẩn, có thể bị xem là coi thường, ví dụ hỏi các kết quả xét nghiệm, hoặc những câu hỏi gây sốc, đại loại như: "tại sao không chẩn đoán giống bác sĩ này, bác sĩ kia . . ?" hoặc "có phải bệnh trở nặng là do mình đã sai lầm trong . . . ?"
# không được "xỏ mũi" các bác sĩ nội trú trẻ, ví dụ dám "cả gan" chỉ cho họ một chẩn đoán khác với chẩn đoán của họ hoặc "nói lén" với giảng viên rằng các bác sĩ nội trú làm chưa đúng , chẩn đoán chưa phù hợp
Những điều thầy viết cho em trên đây chỉ là những "thủ tục ban đầu" mà một sinh viên mới đi thực tập tại bệnh viện nên biết.
Các em nên nhớ, Lên năm thứ ba,năm thứ tư , các điểm thi cuối học kỳ của em vẫn là cần thiết. Nhưng việc học nhuần nhuyễn cách khám bệnh, học cách nhận biết các triệu chứng bênh và học cách trình bày một ca bệnh, làm được một bệnh án hoàn chỉnh, mới là mục tiêu chính trong các năm này. Những kiến thức này sẽ giúp em rất nhiều trong suốt cuộc đời của một bác sĩ, cho đến ngày nào em muốn về hưu hoặc không còn muốn khám bệnh nữa.
Thư đã khá dài, thầy tạm dừng bút, có lẽ trong các lá thư sau, thầy sẽ chỉ cách cho em biết làm thế nào để trình bày được một ca bệnh, làm được một bệnh án cho thật hoàn hảo .
Chúc em đi thực tập thật tốt và luôn được mọi người yêu mến.
Chào em.
6 nhận xét:
Em thật không muốn nói điều này, nhưng phải chi em đọc được bài viết của thầy sớm hơn 2 năm thì việc học của em có lẽ đã khác T.T
đâu có muộn?
thời gian vẫn đủ cho năm y6 và các kỳ thi sau đại học nữa chứ!
chúc em thi đâu đậu đó!
Em cám ơn lời động viên của thầy, em cũng đang "chạy nước rút" để tới đích với hy vọng rằng sẽ không làm trái ngành nghề của mình sau khi ra trường.
Em xin cảm ơn bài viết của thầy.
Chúc thầy nhiều sức khỏe.
cám ơn thầy nhiều :)) hihi em mới vào năm 3
e là sv y4 rồi, e rất cám ơn thầy về bài viết, hơi muộn rồi nhưng e sẽ cố gắng thật nhiều ạ.
Đăng nhận xét