Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

SÓNG THẦN - tạp bút về một thảm họa

bài viết của nguyễn thy Anh
Nhiều tuần nay, các tin tức về thảm họa kinh hoàng do động đất, sóng thần ở Nhật Bản tràn ngập các trang báo và các chương trình thời sự trên TV, đã làm đau lòng cả thế giới.
Các thảm họa từ thiên nhiên sẽ không chừa một đất nước nào, dù đó là một nước phát triển hay đang phát triển.
động đất, sóng thần ở Nhật Bản
Có những thảm họa thiên nhiên do chính con người gây nên vì đã ra tay tàn phá môi trường sống , vì đã không hạn chế lượng rác thải, khí thải, hệ quả làm trái đất nóng dần lên, dẫn đến lụt lội, Chẳng có loài nào khác trên trái đất lại có quyền lực  đủ để phá hủy thiên nhiên trong  mái nhà chung như loài người. Loại thảm họa này hoàn toàn có thể phòng tránh được nhưng con người lại  cứ loay hoay mãi như không có khả năng giải quyết . Cũng có những thảm họa thiên nhiên, không phải do con người và không thể phòng tránh được, buộc phải chấp nhận hậu quả, như đợt động đất sóng thần ở Nhật Bản lần này. Thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản lần này lại kéo theo một thảm họa thứ hai vô cùng nguy hiểm , thảm họa hạt nhân, do  các lò hạt nhân bị phá hủy. Thật trớ trêu, một đất nước vốn có truyền thống yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường nổi tiếng trên thế giới, nay lại bị ô nhiễm phóng xạ từ chính những sản phẩm của mình. Đây là cái giá phải trả  cho việc sử dụng hạt nhân làm năng lượng? Năng lượng hạt nhân như một con dao hai lưỡi. Những nước không được thiên nhiên ưu đãi như Nhật Bản thường phải dùng bài toán hạt nhân để giải quyết vấn đề năng lượng của mình. Đây cũng là một bài học rất thiết thực cho những nước, vốn được thiên nhiên ưu đãi, nhưng lại không biết tiết kiệm năng lượng, không biết bảo vệ môi sinh, học đòi đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Nên chăng, trước khi phải cần đến năng lượng hạt nhân, hãy thử có kế hoạch thật hiệu quả để tiết kiệm tối đa năng lượng cho đất nước? (xem thêm ...)
 Nhiều người cho rằng nước ta không nằm trong vùng có nhiều nguy cơ về động đất, nên cũng có ít nguy cơ sóng thần và không sợ các hậu quả như Nhật Bàn. Nhưng "ít nguy cơ" có nghĩa  là vẫn "có thể" xảy ra. Thật vậy, Chúng ta đã từng có những thảm họa giống Nhật Bản.
thảm họa hạt nhân
Theo ghi chép của Sơn Nam, tỉnh Gò công vốn ít xảy ra thiên tai, nhưng năm giáp thìn (1904) trận bão lớn từ biển khơi kéo đến thình lình, vào tháng 5 dương lịch, theo âm lịch là 16 yháng 3. Số người chết quá lớn, mấy làng sát biển gần như 65% dân số. Nên nhớ, bấy giờ vào mùa nắng hạn, đất ruộng còn khô cằn, nứt nẻ, chẳng ai đề phòng vì bình thường bão chỉ xảy ra vào cuối mùa mưa, tháng 9 hoặc tháng 10. Các nhà khí tượng mãi đến nay đặt giả thuyết: đó là loại "sóng thần". Do động đất từ đáy biển ngoài khơi. Nước biển dâng lên đột ngột hơn 4 mét, sóng to tràn vào bờ, ngập nhà cửa, trong dân gian còn phổ biến bài vè về trận bão này, ảnh hưởng lây lan đến Mỹ Tho, Rạch Gía, tận Lộc Ninh, Hớn Quản miền đông nhưng miền biển Gò Công là nơi đứng "đầu sóng ngọn gió".
Hôm ấy, có làng đang bày lễ kỳ yên ở đình, mời gánh hát bội đến. Sau khi nước giật, người từ địa phương khác đến cứu trợ phát hiện vài xác chết tận trên ngọn tre, nạn nhân còn áo mão, râu ria. Trâu bò chết, nước giật xuống, chẳng ai chôn, mùi hôi thối gây bệnh tật. Bọn cướp nọ, đến nhà điền chủ, bao vây vòng ngoài, chờ xông vào "ăn hàng". Bão nổi lên, dân làng hoảng sơ chỉ biết nơi tạm trú an toàn nhất là ngôi nhà vách tường của ông điền chủ. Dân chạy bão lụt quá đông, khi bọn cướp đến chỉ là thiểu số, chúng hoảng sợ, để rồi lát sau, phần lớn chịu chết, nếu không biết bơi lội giỏi, ở miền biển, ai mà chẳng biết lội nước, cái khó là khi giông bão nổi lên thì luôn luôn trời tối như mực, ngâm mình dưới nước lạnh suốt ba bốn tiếng đồng hồ, tay chân bủn rủn, lại thêm đói. Biết bơi lội gỉoi cũng chết. Thời buổi nào cũng có dân bất lương, làm giàu nhờ cái chết của kẻ khác. Mười ngày sau, lắm kẻ từ vùng lân cận đến vơ vét nào vàng bạc trong tử thi, nào tủ cẩn xà cừ, nào bộ ván gõ, đem công khai về xứ. Hằng năm, ở Gò Công vẫn giữ lệ Giỗ Hội ( giỗ tập thể) ngày 16 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ ông bà tử nạn hồi năm xưa.
Cũng còn một điều nữa rất đáng cho chúng ta suy ngẫm từ các thông tin của những  phóng viên, từ các nhận xét của những nhân viên cứu trợ  sau thảm họa của Nhật Bản, đó là vấn đề "thái độ ứng xử của người dân Nhật" khi xảy ra thảm họa.

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 16 tháng ba năm 2011   Kich bản quen thuộc trong những lần thảm họa gần đây: Trước tiên là thảm họa xảy ra, sau đó là hôi của. Trong trận lụt ở phía tây nước Anh năm 2007, những kẻ hôi của đã đập vỡ cửa kính của những xe hơi bị bỏ lại và cướp giật những chai nước uống cứu trợ. Tại New Orleans năm 2005, Chính phủ Mỹ đã phải đưa quân đội tới để giải quyết cảnh hỗn loạn trong thành phố - các vụ đọ súng, cướp của diễn ra thường xuyên đến độ người ta đã không cho những người tình nguyện đến hỗ trợ vì quá nguy hiểm.  Còn ở Haiti, cho đến bây giờ người ta vẫn còn ghi nhận các vụ hãm hiếp và cướp bóc tại những khu vực đổ nát mà chính phủ chưa thể dọn dẹp, một năm sau khi động đất xảy ra.
Thế nhưng tại Nhật Bản, không có ai bất chợt “để mắt” đến những đống đổ nát dù tình hình thật sự tuyệt vọng. Tại tỉnh Miyagi - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất, người dân đang trải qua cảnh thiếu thốn lương thực và nước uống. “Đường ống gas và nước đã ngừng hoạt động ở Miyagi và thành phố Sendai. Ở vài nơi thì điện cũng không có - một nhân viên cứu hộ nói với RIA Novosti - nhưng không có cảnh hoảng loạn trên đường phố và cửa hàng”. CNN ghi lại cảnh người dân đứng xếp hàng trật tự bên ngoài những cửa hàng không còn cửa chính cũng như cửa sổ do bị trận động đất tàn phá. Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.  Không hề có tình trạng đầu cơ - các siêu thị giảm giá và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người - tất cả cùng đoàn kết để tồn tại, tờ Telegraph ghi nhận.
“Hiện tượng” này đang gây ngạc nhiên khắp thế giới. Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờTelegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Trang web tìm kiếm Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West. “Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” - ông Ed West viết trên tờ Telegraph.
 “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này” - Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.
Giáo sư Pflugfelder, người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm họa, kể với CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ nền văn hóa Nhật Bản, theo ông Pflugfelder, bởi mỗi người Nhật Bản đều cảm thấy mình có trách nhiệm trước hết là đối với xã hội. Nền tảng văn hóa Nhật, theo ông, được xoay quanh một tinh thần cộng đồng cao độ, “có vẻ như được phát huy còn tốt hơn ngay cả khi có thảm họa”.
“Người Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” - ông Pflugfelder phân tích.
Mặt khác, CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”.
Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston (Mỹ), nói hôi của xuất phát từ sự phân hóa xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Xã hội Nhật Bản không phải là không có hiện tượng đó, tuy nhiên “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật”.
Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật giáo, và theo như giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco, người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống. “Khi gặp sự việc tính cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo”, theo ông Nelson.
Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.
“Đối với người Nhật, quan trọng nhất là phản ứng một cách tích cực và kiên trì mỗi khi đối mặt với khó khăn, điều đó phản ánh qua tôn giáo của họ” - giáo sư Bocking thuộc Đại học Cork nói với CNN. (xem thêm)

1 nhận xét:

SV Y5 nói...

Phật giáo có câu:Gieo nhân nào ắt gặt quả nấy. Thảm họa thiên nhiên là một trong những hình thức chọn lọc của tự nhiên nhưng mức độ thiệt hại nặng hay nhẹ là do tác động trước đó của con người.
Có vẻ thật bất công với người Nhật khi đất nước của họ vốn nghèo tài nguyên, lại nằm trên thềm lục địa không vững chắc. Vì nghèo tài nguyên nên họ phải dựa vào năng lượng hạt nhân, vì nằm trên thềm lục địa không vững chắc nên khi thời điểm Mặt Trăng ở gần Trái Đất mảng lục địa này lại lung lay. Chính 2 yếu tố này đã dẫn đến thảm họa vừa qua tại Nhật.
Nhưng qua thảm họa vừa rồi, có lẽ thế giới nên học theo cách giáo dục của người Nhật về văn hóa sống và tinh thần đoàn kết.