Bài viết của Nguyễn Thy Anh
ngày . . . tháng . . . năm . . .
Có lẽ trước giờ, em vẫn cho rằng các bác sĩ phải là người biết tất cả và họ sẽ cho bệnh nhân mọi phương pháp trị liệu hợp lý nhất?
Giờ chắc em đã nhận ra, em không thể hoàn toàn trao sinh mạng của mình hay của người thân cho người khác. Em cần có trách nhiệm hiểu biết về chính căn bệnh của mình hay của người thân. Em chưa học qua chuyên khoa nội tiết nên có lẽ chưa biết nhiều về bệnh bướu cổ. Bệnh bướu giáp nhân của mẹ em là loại bệnh nội tiết thường gập nhất, may mắn, chỉ có khoảng một phần mười nhân là ác tính. Thường thì em chỉ cần theo dõi và siêu âm tuyến giáp định kỳ mỗi năm hai lần, ngoại trừ các nhân bị nghi ngờ ác tính hoặc to quá gây nghẹn cổ, khó thở hoặc mất thẩm mỹ thì mới có chỉ định phẫu thuật.
Em thắc mắc tại sao mẹ đi khám ba bác sĩ tại địa phương thì có đến . . . ba hướng giải quyết khác nhau? Có bác sĩ lại dứt khóat đòi mổ, có bác sĩ lại bảo mổ thì chết?
Để thầy kể cho em câu chuyện về một bà cụ có bướu cổ của thầy, em rút kinh nghiệm.
Bà T. là một bệnh nhân 80 tuổi, theo thầy điều trị tiểu đường đã ba năm nay. Bà có một bướu giáp với nhiều nhân đã phát hiện hơn 20 năm. Hàng năm, bà được theo dõi bằng siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm chức năng tuyến giáp định kỳ và bà vẫn sống chung hòa bình với nó. Một ngày nọ, trong một lần dự tiệc cưới đứa cháu, một bà khách ngồi chung bàn tiệc đột nhiên nhìn chăm chú vào cổ của bà T. rồi phán: " sao bác không mổ bướu cổ đi, bác có thể bị ung thư đấy, bác không biết à?" rồi bà này tận tình giới thiệu cho bà T. một bác sĩ phẫu thuật của một bệnh viện tư nhân quen thuộc của mình, đồng thời không quên chìa cổ mình ra cho bà T. xem, một vệt sẹo mảnh, chạy theo nếp da cổ, thật là đẹp. Về nhà, bà T. tự nhiên cảm giác thấy cổ của mình không bình thường như trước, mỗi khi bị đau họng, ngứa họng hay ho khan bà đều nghĩ do bướu cổ hành . . . Theo địa chỉ trên danh thiếp của bác sĩ phẫu thuật, bà đến khám và được tư vấn phải mổ ngay, chi phí khoảng hơn mười mấy triệu. Bà hoang mang, bắt con gái đưa đến thầy. Xem danh thiếp của vị bác sĩ nọ, thì ra đó là bác sĩ của một bệnh viện tư nhân nổi tiếng có viện phí khá đắt trong thành phố. Hỏi bà lý do được tư vấn phải mổ, bà trả lời vị bác sĩ ấy chỉ vừa tặc lưỡi vừa khuyên bà cần phải mỗ, khi người nhà hỏi nếu không mổ sẽ ra sao, bác sĩ chỉ nói để sẽ không tốt, có thể thành ung thư . . . Chẳng có guideline nào lại cho hướng xử trí bệnh nhân bướu giáp đa nhân một cách mơ hồ như vậy, nhưng thấy bà lo âu quá, có thể ảnh hưỡng đến đường huyết và huyết áp, thầy giới thiệu bà đến một bác sĩ ngọai khoa có kinh nghiệm mổ tuyến giáp. Vị bác sĩ này cũng nhất trí với thầy, khuyên bà không nên phẫu thuật vì chẳng có bằng chứng nào sẽ có nguy cơ ung thư, trong khi, bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp và tuổi già lại là những rủi ro rất lớn khi phẫu thuật.
Em thấy chưa, một lời khuyên chân chính, một chọn lựa điều trị đúng đắn là rất cần thiết cho những người bệnh, những người đáng thương chỉ còn biết trông cậy vào bác sĩ để bảo đảm sức khỏe cho mình. Một chọn lựa, không dựa trên quyền lợi của người bệnh mà dựa trên ích lợi của cá nhân bác sĩ điều trị hay quyền lợi của một bệnh viện nào đấy, thì rất có thể sẽ biến một bệnh nhân trở thành một “nạn nhân”.
Em chưa ra trường nên chưa biết đâu, Thầy biết có nhiều bệnh viện tư nhân, khi doanh thu không đạt đúng kế họach, ban lãnh đạo ra chỉ thị các khoa phải tìm mọi cách làm tăng số bệnh nhân nhập viện, tăng số ca mổ . . thế là các khoa phòng tư vấn bệnh nhân nhập viện ào ạt, nhiểm siêu vi cũng nằm viện vài ngày, đái gắt, đau lưng sơ sơ cũng nằm viện vài tuần, bướu mỡ dưới da bé xíu cũng mổ, bướu giáp to, nhỏ, lọai nào cũng mỗ . . . không cần biết cơ địa người bệnh có nhiều nguy cơ như thế nào. Tình trạng này gọi là “điều trị quá chỉ định”, và để đạt được điều này, các bác sĩ phải tìm cách nói dối bệnh nhân, bệnh nhẹ thì bảo là nặng, tiên lượng tốt lại bảo là tiên lượng xấu, nếu không muốn nói dối trắng trợn như vậy, các bác sĩ sẽ tìm cách tư vấn không rõ rang, lửng lơ, nước đôi, mơ hồ nhưng lại cố ý nhấn mạnh nhiều hơn về các nguy cơ khi không chịu nằm viện hay không chịu phẫu thuật, mục đích để hù dọa bệnh nhân, lái quyết định của bệnh nhân hoặc của thân nhân theo đúng ý đồ của bác sĩ hay theo chỉ đạo của bệnh viện.
Tuy vậy, nói dối trong ngành y mình không phải lúc nào cũng là xấu cả, em ạ. Cũng có những lời nói dối có thể làm cho người bệnh tự tin hơn, chóng khỏi bệnh hay giúp bệnh nhân an tâm hơn trong khi đang hấp hối, ví dụ các bệnh nhân thập tử nhất sinh, bác sĩ cần động viên họ hãy an tâm như “các bác sĩ chúng tôi đang cố gắng hết sức” và “cũng có nhiều người đã từng qua khỏi . . .” đây là những lời “nói dối chân thực” nên thực hiện. Em rất nên học thêm những điều này.
Trở lại trường hợp của mẹ em, tại sao lại có quá nhiều ý kiến điều trị cho một người bệnh như vậy? Phải chăng do trình độ chuyên khoa của các bác sĩ không như nhau vì được đào tạo từ các nguồn khác nhau? Phải chăng đây là các lời khuyên vì mục đích cá nhân của các bác sĩ như trường hợp bà T. của thầy? Cũng có thể chỉ đơn giản là các bác sĩ của mẹ em chưa phải là bác sĩ chuyên khoa nội tiết, chuyên khoa thích hợp nhất cho bệnh của mẹ, thật vậy, vùng sâu vùng xa của ta hiện nay vẫn còn thiếu các bác sĩ nội tiết, em ạ.
Tóm lại, em có thể nhờ các bác sĩ tư vấn, nhưng sức khỏe của mẹ phải do chính em lựa chọn. Điều rất cần lúc này là em phải tìm cách có được những thông tin đầy đủ, chính xác nhất về căn bệnh của mẹ mình mắc phải để biết đâu là quyết định đúng đắn nhất. Ngòai sách vở, em có thể xin các bác sĩ đàn anh, đàn chị, các thầy, cô, giảng viên trong trường y mình để cho những lời khuyên chân thực.
Chúc mẹ em sớm khỏi bệnh
Chào em
TB. Sao em không thử đưa mẹ đến cho thầy xem qua nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét