Bài viết của Nguyễn Thy Anh
Ngày . . . tháng . . . năm
Thật vậy, nếu đậu vào bác sĩ nội trú sau này em sẽ rất dễ xin việc. nhưng kỳ thi tuyển này quá khó. Nếu không đậu nội trú và muốn theo chuyên khoa nội thận, em cũng sẽ gập khó khăn không kém. Một sinh viên y sáu mới tốt nghiệp, khả năng chuyên môn còn hạn chế, cần phải làm việc tại bệnh viện ít nhất sáu tháng đến một năm mới quen việc. Có thể, em xin làm “công quả “ trong chuyên khoa một thời gian, hy vọng lãnh đạo khoa nhìn ra, biết đâu sau này sẽ nhận em vào làm? Chẳng có gì là chắc chắn, nhưng em đừng xem thất bại trong vấn đề xin việc là tuyệt vọng rồi đâm ra chán ghét mọi người và xã hội. Thật vậy, rất nhiều người có cùng hòan cảnh như em, có khi còn tệ hơn.
Chúng ta hãy mổ xẻ vấn đề này thật kỹ xem sao.
Công ăn việc làm luôn là vấn đề nóng bỏng và khó khăn với các sinh viên mới ra trường. ở nước ta hiện nay, nguồn nhân lực cung vượt quá cầu nên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc phải làm những nghề không phù hợp nguyện vọng chuyên môn ngày càng cao. Sinh viên vốn quen sống trong môi trường giảng đường, chưa có cơ hội sống trong môi trường thực tế nên khi bước vào xã hội, phải đối diện với muôn vàn cạnh tranh khốc liệt và những mối quan hệ phức tạp, họ thường không có đủ bản lĩnh để thích ứng, dẫn đến việc phải thất nghiệp họăc phải thay đội công việc lien tục.
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, một thiền sư nổi tiếng với các chương trình giáo dục trên đài truyền hình Đài Loan, kể, có một cậu sinh viên tốt nghiệp đại học đã ba năm chưa có việc làm được bố mẹ đưa đến ông xin ý kiến. hòa thượng nói: “cậu ấy tuổi trẻ, có thể học nghề mộc hoặc thợ hồ hoặc các công việc lao động tay chân khác . . “ Bố mẹ cậu không phục: ”thế làm sao được, con tôi tốt nghiệp đại học không thể làm các công việc như vậy!”. Theo hòa thượng, đây là một quan niệm sai lầm. ông cho biết, ông cũng có quen con trai của một luật sư ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đã học nghề mộc. cậu không ngừng học hỏi nên tay nghề ngày càng nâng cao, cuối cùng trở thành thầy giáo trong trường mộc, chuyên đào tạo những ai muốn có tay nghề cao về ngành mộc. cậu có việc làm rất ổn định, thu nhập khá và ai cũng kính trong. Tài tữ nổi tiếng của Mỹ Harrison Ford của bộ phim Indiana Jones, trước khi đóng phim cũng là thợ mộc.
Hầu hết mọi người đều nghĩ sau khi ra trường phải làm đúng ngành nghề, nhưng thực tế, không ít người phải làm khác chuyên môn. Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm kể, có một sinh viên luật nhưng khi tốt nghiệp lại làm ngành bưu chính, ông ngạc nhiên hỏi thì cậu ta trả lời:”vì khó xin vào các cơ quan theo đúng chuyên ngành đã học, hơn nữa, ngành bưu chính thiếu người nên tôi đã trúng tuyển và được làm việc, thế không tốt hay sao?” theo hòa thượng, các bạn trẻ , sau khi tốt nghiê5p không nên kén chọn quá. Hễ cứ tìm được việc làm là hãy làm trước đã, sau đó hãy quan tâm xem công việc nào thích hợp với mình.
Tìm việc phải biết thuận theo nhân duyên, do duyên chin muồi mà có. Khi duyên đã hội đủ thì việc gì cũng hạnh thông, xin là được. Khi nhân duyên chưa hội đủ, dù ta có đánh đổi với bất kỳ giá nào rồi cũng thành công cốc. Chữ “Duyên” đây có thể hiểu như các” yếu tố thúc đẩy”, “yếu tố thuận lợi” trong các bài giảng bệnh học, y khoa.
Em sẽ dễ dàng chấp nhận làm các công việc khác ngành nghề để không phải thất nghiệp nếu biết sống theo quan điểm chân chính sau đây: công việc không phải chỉ để kiếm tiền mưu sinh, không phải để làm giàu, vơ vét của cải, cũng không phải để mưu cầu danh lợi hay được mọi người ca tụng, mà bản than công việc chính là trách nhiệm và quyền lợi đối với đời sống, đồng thời còn là ý nghĩa, giá trị nội tại của cuộc sống.Chỉ cần một ngày còn sống là phải làm việc, nếu không, ta chẳng khác gì con sâu róm. Sự sống mỗi người chỉ có ý nghĩa khi biết phải nỗ lực cống hiến cho người khác.
Em cũng sẽ dễ dàng chấp nhận mức thù lao vừa phải nếu biết triết lý sống giản đơn và nếu hiểu rằng: cống hiến không phải dựa vào tiền lương ít hay nhiều để so đo, tiền lương chỉ là một khỏan thù lao trong công việc mà người ta mượn nó để thể hiện sự biết ơn của ho với ta mà thôi. Giá trị công việc không được dựa vào số tiền làm trong từng giờ để cân đong đo đếm.
Vậy, nếu ra trường mà em vẫn chưa tìm được công việc theo đúng chuyên khoa phù hợp theo nguyện vọng thì . . . cũng chẳng sao, hãy cứ làm một công việc nào đó, nếu ít nhiều lien quan đến ngành y của mình thì càng tốt. Biết mình sẽ được sống đến bao lâu mà chờ, mà đợi, phải không? Em hãy nhận ngay các cơ hội nào đến với mình, biết đâu sau này mình lại say mê công việc ấy?
Em biết không, thầy ra trường năm 1977, điểm tốt nghiệp chuyên khoa nhi của thầy rất cao, được thầy cô của bệnh viện nhi đồng lúc đó khen ngợi và thầy rất mê chuyên khoa này. Nhưng khi về công tác tại huyện Giồng Trôm, một huyện ngheo nhất tỉnh Bến Tre, tiền lương lúc đó chỉ có 49 đồng một tháng (đủ mua 3 kg thịt heo ! ) , thầy ăn cơm tập thể trộn khoai và cao lương, không được làm chuyên khoa nhi, phải làm tại phòng khám đa khoa, làm tiểu phẫu, đỡ đẻ và có đến hai năm phải ôm bình thuốc đi phun DDT chống sốt rét . . . và bây giờ, thầy làm chuyên khoa nội tiết, thận, tại thành phố HCM đã được hơn hai mươi năm, nhưng em biết không, làm ở đâu, thầy cũng tìm được niềm vui ở công việc, ở các bệnh nhân nghèo khổ nhưng chân chất của thầy.
Hạnh phúc không phải do hòan cảnh thuận lợi tạo ra mà do cách ta nhìn nhận hòan cảnh ấy như thế nào. Nếu em tìm được một động cơ làm việc chân chính thì cho dù em có làm công việc gì đi nữa em cũng vẫn thấy trong tâm tràn đầy an lạc
Nào, em hãy tự xem xét bản thân xem,có phải em đã chuẩn bị tìm việc khi ra trường với những quan điểm như thầy đã nêu ở phần trên hay không? Nếu đúng, em sẽ chẳng phải lo lắng gì nữa, thầy chắc chắn, làm việc gì và ở đâu em cũng sẽ thành công thôi.
Dù sao, cũng chúc em thi đậu bác sĩ nội trú.
Chào em.
3 nhận xét:
Bác sĩ nội trú là con đường tốt nhất nhưng không phải là duy nhất Thầy nhỉ.
Nhưng muốn giỏi chuyên môn thì chỉ có cách theo học Nội trú đúng không thầy?
muốn giỏi tay nghề, đặc biệt trong ngành y, 3 yếu tố chính là 1/tự học và biết cách học, 2/có điều kiện làm việc tại 1 bệnh viện lớn. 3/ sẵn sàng khiêm tốn học hỏi.
3 điều này đâ cần phải là nội trú mới đạt được? phải kh?
Đăng nhận xét