Bài viết của Nguyễn Thy Anh
ngày . . . tháng . . . năm . . .
Trước hết, thầy cảm ơn em đã hỏi thăm sức khỏe của thầy và đã tin tưởng để viết thư mong thầy cho một số lời khuyên trong học tập. Thầy vẫn còn khỏe tuy râu tóc đã . . . bạc phơ (!)
Em biết không, y khoa là một trong những ngành có chương trình học nặng nhọc nhất trong các ngành đại học. Chắc chắn khi vào trường y, em đã phải chuẩn bị tinh thần cho 6 năm học thật tích cực, học nhiều giờ mỗi ngày, nhiều ngày thiếu ngủ và phải trải qua hết kỳ thi này đến kỳ thi khác . . . do đó, một kỹ năng học tập tốt sẽ rất có ích cho các bác sĩ tương lai như em.
Một bác sĩ đã tốt nghiệp lâu năm như thầy, vừa được làm công việc điều trị, vừa giảng dạy có thể khuyên em một số điều nên tuân thủ trong học tập để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất . Đây chỉ là lời những khuyên chung theo kinh nghiệm của một người đi trước, nên chính em phải tự tìm cho mình một hướng đi riêng, một phương pháp học tập phù hợp nhất cho bản thân, vì khả năng tiếp thu và điều kiện học tập của mỗi người chẳng ai giống ai đâu.
Em than với thầy rằng có một số giờ giảng mà các thầy cô dạy không được hay cho lắm, làm em buồn ngủ, thiếu tập trung nên không hiểu bài . . . Đúng vậy, không phải thầy cô nào cũng có năng khiếu giảng dạy thật hay để tạo được những giây phút hấp dẫn, sinh động cho bài giảng của mình. Ngày xưa, thầy cũng đã từng bỏ học các giờ giảng "buồn ngủ" rồi photocopy các bài viết của các giảng viên đó về nhà tự học. Nhưng em biết không, sau này, khi lên các năm cuối đại học, thầy mới thấy mình đã thật sai lầm. Học bài mà chưa được trực tiếp nghe giảng, em sẽ rất khó thuộc bài và nếu gập phải những đoạn bài giảng khó hiểu, em chẳng biết hỏi ai như đang nghe bài trong lớp. Do đó, Thầy vẫn khuyên em nên tham dự tất cả các giờ giảng và dù thế nào đi nữa, cũng cố gắng đừng bao giờ bỏ lớp. Việc nghe các bài giảng trên giảng đường vẫn là một trong những biện pháp tốt nhất để thu thập kiến thức cho nghề nghiệp của em sau này. Nếu có thể, em nên đọc lướt qua các bài giảng trước khi nghe giảng, thầy thấy điều này rất hay, vì sẽ giúp em hiểu bài nhanh hơn và em cũng sẽ biết trước những gì cần quan tâm khi nghe giảng, hoặc những gì cần hỏi để giảng viên giải thích thêm sau giờ giảng.
Em không kịp học bài đúng theo chương trình và đang rất lo lắng cho kỳ kiểm tra sắp tới? Thầy đoán, chắc em không gập phải khó khăn gì về vấn đề tiếp thu các kiến thức của bài giảng chuyên ngành đâu, vì các quan niệm trong y khoa thường rõ ràng dễ hiểu, nhưng vấn đề chính có lẽ do khối lượng của càc bài giảng quá nhiều. Em đã phân chia lịch học của mình chưa hợp lý phải không? Em có để xảy ra tình trạng nước đến chân mới nhảy không đấy?
Học dồn trong vài tuần lễ trước mỗi kỳ kiểm tra là điều nên tránh!
Thầy đã từng có kinh nghiệm thức đến 3 giờ sáng mỗi ngày trong nhiều tuần để học thi vì đã lở học tà tà suốt đầu học kỳ, trong những năm đầu đại học. Ngủ và nghỉ ngơi không đủ sẽ làm em khó thuộc bài và dẽ lẫn lộn từ vấn đề này sang vấn đề khác vì bộ não con người cũng cần được em cho cơ hội nghỉ ngơi để refresh.
Học dồn trong một thời gian quá ngắn, em cũng không thể học mỗi bài được nhiều lần. Học đi học lại một bài giảng từ 4 đến 5 lần trước mỗi kỳ kiểm tra chắc chắn sẽ giúp em làm được bài với kết quả tốt nhất. Đó là những kinh nghiệm mà thầy sử dụng rất hữu hiệu cho đến ngày tốt nghiệp.
Mong em có thể ứng dụng được vài điều cho kế hoạch học tập của riêng mình.
Chúc em may mắn trong kỳ kiểm tra sắp tới.
Chào em
3 nhận xét:
Cám ơn lời khuyên của thầy, giờ nhìn lại em mới thấy là mình học chưa đúng cách.
Thầy ơi em đã đọc các "Thư gửi sinh viên y khoa" của thầy hướng dẫn về phương pháp học tập y khoa rồi nhưng em vẫn còn thắc mắc về phương pháp đọc sách y khoa ạ. Thầy có thể hướng dẫn em các bước đọc hay 1 cách chi tiết hơn cách đọc 1 bài trong SGK được không ạ. VD như bài Nhiễm trùng tiểu của thầy chẳng hạn... Mục đích đọc của em là gì thầy? Để hiểu bài hay để nhớ bài thầy, để làm được bài thi trắc nghiệm hay để ứng dụng thực tập lâm sàng trên BV? Có bắt buộc em phải học thuộc như cháo không thầy hay chỉ cần đọc hiểu nhiều lần là được thầy? Em cám ơn thầy ạ.
nhớ càng nhiều + càng lâu --> càng tốt em ạ. Sau đó đi thực tập tìm cách áp dụng vào bệnh nhân xem sao, thắc mắc hỏi ngay đàn anh ... thế thôi
Đăng nhận xét