ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Mục đích của tham dục là sự thoả
mãn. Nếu bị dục vọng chi phối và ta cứ tiếp tục muốn được nhiều hơn nữa thì mục
đích tìm thoả mãn của ta sẽ chẳng bao giờ đạt được. Thay vì đạt được hạnh
phúc ta chỉ tìm thấy khổ đau mà thôi. Ngày nay, người ta đề cập rất nhiều đến
vấn đề tự do tình dục. Tuy nhiên, nếu ta buông thả để chạy theo tình dục vì sự
khoái lạc mà không một chút kìm hãm thì ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự thoả
mãn lâu bền. Trái lại ta sẽ còn tạo ra vô số khó khăn, đưa đến những hậu
quả thật là tiêu cực – khổ đau cho người phối ngẫu, đời sống lứa đôi bị tan vỡ,
đời sống con cái bị xáo lộn, vướng bệnh hoa liễu, sida AIDS/ HIV – thật không
đáng một chút nào so với những phút giây thích thú ngắn ngủi tai hại.
Trên thực tế thì ngay từ bản chất,
tham dục luôn luôn bùng lên thật mãnh liệt, kể cả trường hợp ta nghĩ là đã thoả
mãn. Những người rơi vào cạm bẫy của nó cũng giống như người khát nước mà lại
uống toàn nước biển : càng uống lại càng khát.
Hơn nữa bất cứ thứ gì cũng có những
giới hạn. Nếu muốn giàu có, biết đâu ta cũng có thể thành công và kiếm được vô
số tiền bạc, nhưng một ngày nào đó hoàn cảnh thay đổi không còn cho phép kiếm
được nhiều như thế nữa thì ta sẽ thất vọng. Thay vì phải chịu đựng những giới
hạn áp đặt từ bên ngoài thì tốt hơn là ta nên tự chọn lựa những tiêu chuẩn cho
mình. Hãy giảm bớt tham dục và an phận với những gì mình có.
Tham lam là nguồn gốc gây ra những
khó khăn bất tận. Càng tham lam thì càng phải tính toán và ra sức để thực hiện.
Cách nay không lâu, một doanh nhân có nói với tôi rằng càng khuếch trương xí
nghiệp, anh ta lại càng muốn cho xí nghiệp của mình ngày càng lớn hơn nữa, vì
thế anh ta cần phải nói dối nhiều hơn, phải tranh đấu không thương tiếc để đối
phó với những đối thủ cạnh tranh. Sau cùng, anh ta nhận thấy rằng việc muốn
được nhiều hơn không mang một ý nghĩa gì cả, mà trái lại nên thu nhỏ hoạt động
để sự cạnh tranh bớt khốc liệt hơn và nhất là có thể làm ăn lương thiện hơn.
Tôi nhận thấy những lời anh ta nói
rất đúng. Tuy nhiên tôi không có ý muốn khuyên đừng làm việc thương mại hay
đừng khuếch trương nữa. Sự thành công về kinh tế là một điều rất tốt. Sự thành
công đó sẽ đặc biệt giúp tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp ; như
thế rất tốt cho mình và cho kẻ khác, kể cả cho toàn thể xã hội nữa. Nếu tất cả
mọi người đều đi tu và sống khất thực thì kinh tế sẽ sụp đổ và tất cả chúng ta
đều sẽ chết đói ! (Ngài cười to). Tôi tin chắc Đức Phật sẽ phải làm gì trong
hoàn cảnh đó. Ngài sẽ nói với tất cả đám sư sãi như sau : « Thôi, bây giờ tất
cả phải bắt tay vào làm việc đi nhé ! » (Ngài lại tiếp tục cười to). Tuy nhiên
kinh tế không được phép phát triển bằng cách vi phạm những giá trị con người.
Phải biết giữ cách làm ăn trung thực, không nên hy sinh sự an bình nội tâm của
mình để tìm cách thu lợi nhiều hơn. Nếu nhân danh lợi nhuận để có thể làm bất
cứ điều gì và tất cả mọi thứ đều hợp pháp thì tại sao người ta lại bãi bỏ chế
độ nô lệ làm gì ? Tôi cho rằng những lý tưởng cao thượng là những yếu tố đã
mang lại sự tiến bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét