Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Nếu tôi được chọn lại lần nữa...

Kangaroo Phương (facebook)


       
       Nếu tôi được chọn lại lần nữa,
       tôi sẽ vẫn chọn con đường mình đang đi.
       Nếu tôi được chọn lại lần nữa,
       tôi sẽ vẫn chọn nghề điều dưỡng thầm lặng này.
       Bởi...nó giống như một duyên số,
       mà mãi mãi không thể tách rời.
   
       Sáng này, sau khi xong chương trình, ngồi nói chuyện hàn huyên tâm sự cùng anh mà nước mắt tôi tự nhiên lăn dài trên má nóng hổi vì bỗng nhiên sao, tôi lại nhớ về cái ngày đầu tiên, cái lần đầu tiên tôi quyết định lựa chọn con đường mà tôi vẫn đang tiếp bước. Càng kể, càng cố ngăn nước mắt thì nó lại tuôn ra nhiều hơn. Đã từng ấy năm trôi qua, cái khoảng thời gian 7 năm ròng nó dài lắm, dài đằng đẵng, vậy nhưng kỷ niệm ký ức vẫn còn lưu lại hoài như chưa từng là nỗi mất mát.

      Ngày ấy, tôi chỉ là học sinh lớp 12, hoàn toàn chưa có suy nghĩ hay định nghĩa gì về trách nhiệm của mình đối với xã hội và khi đó lại đang rơi vào thời kỳ "khủng hoảng" tâm lý cuối cấp, lại càng muốn thoát ra khỏi những điều nhập nhằng xung quanh bằng mọi cách. Trong những ngày đó, tình cờ đọc được thông tin cần hỗ trợ từ gia đình một em bé mắc phải căn bệnh ung thư máu (ngày ấy, vẫn chưa thể nhận thức rõ hoàn toàn về căn bệnh này, mà chỉ hiểu về nó như một thứ gì đó vô cùng tàn độc, hủy hoại cơ thể và cuối cùng là cái chết đau đớn), mình lạ lẫm, lặn lội lên bv Ung bướu với số tiền ít ỏi để dành được đem tặng cho em. Nhưng...lên đến phòng rồi, mình không gặp được em mà bắt gặp một cô bé khác, tròn xoe như hột mít, nhanh nhẹn, miệng luôn mỉm cười. Và từ đó, giống như một cái duyên sâu nặng, tôi, em - Anh Thi và Nhung - một cô bé cùng phòng 4 cũng đang điều trị ung thư máu như Thi, như Tín trở thành một bộ ba quen thuộc. Gần như chiều nào sau giờ học, tôi cũng lên khoa thăm các em. Tôi coi Tín như bé út, Tín mới 4 tuổi, bệnh tình lúc lên lúc xuống, những ngày ở bên em là những ngày tôi tin vào phép tiên của trời Phật phù hộ, là tin vào các y, bs, điều dưỡng đang ngày đêm ở kề cạnh điều trị cho em, kéo em ra xa khỏi bàn tay thần chết. Vậy mà...vài tháng sau, suy kiệt vì bệnh tật, em ra đi. Ra đi đột ngột ngay sau khi tôi vừa rời bước, quay gót trở về nhà khoảng 3 tiếng. 20g, em nhắm mắt vĩnh viễn.

     Nỗi đau đầu tiên ấy càng khiến tôi bỗng dưng day dứt. Nó là cái chớm mồi, cho ngọn lửa niềm tin trong tôi, về cái nghề nghiệp sau này tôi theo đuổi. Tôi cũng chỉ mong sao mình sẽ chăm sóc cho các em thật tốt, nhìn đau đáu những gì các em đang phải chịu, tôi chẳng thể không nhói lòng.

      Quãng thời gian sau, trong một lần ngồi trò chuyện với nhau, Thi bỗng ngước nhìn ánh mắt trong veo của cô bé nhìn tôi, khiến tôi thoáng giật mình, rồi em hỏi nhẹ:
- Sau này, chị sẽ làm nghề gì?
- Ừ, có lẽ sẽ học bs để chữa bệnh cho mấy đứa.
- Nhưng, học bs lâu không?
- Ừ, khoảng 10 năm gì đó.
- Lâu quá!
...

      Em im lặng một chốc suy nghĩ rồi lại hỏi:
- Hay, chị học điều dưỡng đi, giống chị Y kìa. Nhưng mà... chị Y giỏi thì giỏi, chứ...chị ấy dữ lắm. Rất hay la tụi em, tụi em buồn lắm!
      Tôi im lặng. 
- Chị, chị làm điều dưỡng, chị sẽ rất hiền và thương tụi em. 
- Ừ...
- Nhưng...học bao lâu hả chị?

      Khi này, trong đầu tôi chỉ bật ra được câu trả lời ngắn cũn "2 năm" - tương ứng với trình độ điều dưỡng đa khoa trung cấp hiện tại. 2 năm là khoảng thời gian không ngắn, không dài, nhưng đối với các em, đang phải chịu căn bệnh không biết sẽ ra đi lúc nào thì nó dài, dài lắm, tôi biết, tôi biết, chỉ có điều...chẳng làm được gì hơn. Nghe tôi nói xong, em suy nghĩ, đưa tay ra đếm rồi quay người qua nói với Nhung một cách hồn nhiên nhưng tôi lại thấy như luồng điện chạy qua người, bàng hoàng, sửng sốt:
- Uhm... Đến lúc đó, chắc tụi mình chết rồi ha, Nhung?

     Lời nói của em quá nhanh. Quá nhanh đến không ai kịp ngăn cản lại thì đã nói ra rồi. Lặng nhìn em, tôi mãi còn chưa hiểu tại sao một cô bé 7 tuổi hồn nhiên đến thế, lại có thể nói ra điều mà không ai, không một ai muốn tin? Em còn bắt tôi hứa, bắt tôi hứa rằng dù trên thế gian này, dù trên bước đường phía trước, tôi có gặp khó khăn gì đi nữa, tôi vẫn sẽ cố vượt qua được nó để trở thành điều dưỡng giỏi, trở về chăm sóc mọi người. Tôi cười với em, cười nhưng trong lòng đau nhói và gật đầu. Tuy vậy, trong thâm tâm vẫn nghĩ đó chỉ là một lời hứa vu vơ với một đứa trẻ, tôi không tin rằng nó sẽ là định mệnh mãi mãi của mình.

      Thời gian trôi đi, dường như nó không chỉ trôi mà còn muốn như chứng minh lời nói của em với tôi là sự thật. Bệnh của em trở nặng, đã có di căn sang phổi. Em không còn nhiều giây phút tỉnh táo nữa, bắt đầu lâm vào thiếu oxy, thiếu tiểu cầu, bạch cầu, lắm lúc thiếu cả máu toàn phần, da em bắt đầu xuất hiện những nốt chấm, biểu hiện của xuất huyết do thiếu tiểu cầu, em có những giờ mê man, sốt cao, các bác sĩ phải liên tục túc trực và truyền thuốc, bù dịch. Quãng thời gian tôi ở bên em nhiều hơn dù khá bận học. Vào một ngày tỉnh táo, lấy chút sức lực cuối cùng của mình, em đòi mẹ cha đưa về quê nhà Long An, thăm và chào tất cả mọi người. Được bv đồng ý, mẹ cha đưa em về trên chiếc xe cấp cứu hụ vang. Về đến nơi, em cho mời gọi tất cả người thân, bạn bè, thầy cô đến bên và chào lần cuối, còn với đứa em trai còn quá nhỏ, em chỉ gọi lại dặn dò "nhớ, ở lại chăm sóc cho cha mẹ thay chị, đừng bỏ cha mẹ đi như chị,  nhe em!". Khi nghe mẹ em kể, tôi bật khóc vừa lo sợ. Lo sợ rằng ngày nào đó em đột ngột ra đi khỏi thế gian này. Về được một ngày, em trở cơn khó thở, phải trở lại thành phố gấp. 

       Cuộc hồi sức giằng co thành công cũng chỉ khiến em dễ thở hơn khi lót gối cao sau lưng. Sau đó thì...hoàn toàn phải ngồi thẳng mới thở nổi. Oxy 24/24, bình hết lại thay. Lúc tỉnh, em đòi tôi nấu cháo mang lên. Nồi cháo trắng tôi nấu cho em khá loãng vs chút thịt bằm. Không phải tôi keo kiệt không thương em, mà vì lúc này em hầu như chẳng ăn được thứ gì. Mang lên em cũng không ăn, phải đem cất. Đầu giờ chiều, bv báo hết máu truyền cho em, tôi lập tức lên khoa làm thủ tục truyền máu cho em gấp vì tôi và em cùng nhóm máu. Bv làm thủ tục chậm quá, lên đến viện truyền máu HH thì hết giờ nên đành về. Tối, em trở nặng. 5h30' sáng sau, cầu trời khấn Phật, tôi đạp xe một mạch lên viện mà không hề biết mệt. Nhưng...ông trời như không thương em, thương tôi. Vào đúng giờ khắc tôi chuẩn bị kiểm tra máu để cho thì bé Nhung nhắn tin bảo tôi đừng truyền nữa vì Thi đã đi rồi. Đất trời sụt lở dưới chân tôi cũng không màng bằng thông báo này. Hai lần tin nhắn đến là hai lần tôi không tin, tôi không muốn tin cho đến khi mẹ em gọi...

      Vội vã chạy về bv, quăng xe đạp ngoài đường tôi lên khoa. Ập vào phòng ICU, tôi bật khóc. Tôi khóc vì hối hận, vì sợ và cũng vì bất lực vì đã không thể có máu kịp truyền cứu cho em. Khi mở tấm khăn che mặt, tôi vẫn không muốn tin đó là em, ngay cả khi một luồng điện chạy ngang người tôi lúc đó như những niềm tin em gửi hết cho tôi, tôi cũng không hề tin. Vậy mà thật. Nước mắt tôi tuôn ra như suối. Tiễn em về lòng quặn thắt khôn nguôi. Mẹ bảo rằng trước khi ra đi, nó đòi ăn cháo con nấu. Nhưng...nó chỉ ăn được một, hai muỗng rồi thôi. Rồi, nó lấy tấm hình em nó ra nhìn, dặn dò em nó như đang có em nó ở đó. Rồi...nó...gửi lời chào con.

     Suốt những ngày sau em mất, tôi biết mình phải làm gì. Tôi buồn, shock vô cùng nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành ước nguyện của em và những gì em đã đặt niềm tin vào tôi. Một thời gian sau có bí mật tôi mới được một người bạn kể lại rằng "Thi nó thương bà lắm. Nó yêu thương, bảo vệ bà mà bà cũng không biết. Tất cả món đồ gì của bà, nó đều gìn giữ kỹ lưỡng, thậm chí tui là bạn thân của bà, nó cũng cấm không cho tui đụng vào. Cái gì nó cũng nhắc bà hết!". Thi ơi, chị biết thì cũng đã quá muộn phải không em?

     Lời hứa của tôi và Thi như trở thành định mệnh. Chính những lúc tôi khó khăn nhất trong học tập, hành nghề, thấy chán nản, muốn bỏ cuộc thì lại chính lời hứa đó hiện lên, lại có những người thầy, người bạn xung quanh tôi giúp đỡ, đồng hành cùng tôi như muốn cùng tôi hoàn thành ước nguyện ấy. Một mối duyên nào đó đã làm tôi không thể rời bỏ nghề nghiệp của mình. Muốn buông tay nhưng thực chất lại là đang nắm cho chặt hơn và lại níu kéo. Quá khư đau thương, buồn bã bao nhiêu lại càng làm cho tôi thêm gắn bó với những gì mình đã chọn. Tôi không biết sau này bệnh nhân của tôi là ai, vì có lẽ tôi sẽ không được lựa chọn, nhưng dù với ai thì tôi luôn thương quý và chăm sóc họ hết mình, để không bao giờ có sự hối hận khi không cứu được ai đó do sai lầm của mình. Và, tự ghi nhớ rằng: "Su ơi, người dân, họ nghèo và tội lắm!".

     Mỗi lần kể lại cho ai đó nghe về định mệnh này, tôi đều bật khóc dù trong lòng không muốn. Thời gian không níu kéo lại được đau khổ nhưng sẽ làm cho người ta bước nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Kể từ ngày em đi, tôi chưa bao giờ dám bước chân trở lại về nơi ấy, cái nơi chứa đong đầy quá nhiều yêu thương cùng nỗi mất mát. Ngày trở lại thực tập, tôi chẳng có lòng dạ nào xin về khoa nhi của các em, tôi chỉ ghé thăm, được biết rằng hầu hết các bé ngày xưa tôi chăm đều có sức khỏe khả quan, chỉ cần lên bv kiểm tra định kỳ rồi uống thuốc đều đặn duy trì [gọi là chế độ điều trị duy trì], có bé đã đi học, học rất giỏi, là niềm tin hy vọng của bố mẹ. Tôi rất mừng. Mùa trung thu, tôi cố lấy hết can đảm để cùng nhóm bạn lên khoa vui chơi và tặng quà cho các em. Nhìn những nụ cười ấy, tôi lại không muốn quên đi quá khứ cũ.  Vì đó là em và đó là tình yêu thương, một tình yêu thương mãi bùng cháy trong trái tim.
     
  


1 nhận xét:

Unknown nói...

Bài viết rất thật và rất cảm động. Mong sao mọi người đến với ngành y cũng với một cái tâm như bạn.