Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

NGƯỜI TÀI VÀ TÌM KIẾM DANH PHẬN

   Nguyễn Văn Trọng


          Trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” Lê Quý Đôn có viết một chương “Tài phẩm” đề cập đến diễn biến lịch sử của phẩm tính tinh thần trong những người tài của nước Việt. Sau khi ca ngợi phẩm cách của 5 người cao sĩ triều nhà Trần (Chu An, Đặng Tảo, Trương Đỗ, Bùi Mộng Hoa, Trần Đình Thâm) Lê Quý Đôn nhận xét:
          “Đấy là những người trong trẻo,cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế! Người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được! Từ bản triều trở về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa.
          Tôi thường bàn luận, triều đại Tiền Lê, phong độ sĩ phu đại khái có ba lần biến đổi:
          +Hồi Lê sơ, vì sau loạn lạc, nho sĩ thưa thớt. Người đem thân chầu chực trong triều đường như Nguyễn Thiện Tích, Bùi Cầm Hổ, phần nhiều bộc lộ chí khí sáng suốt, có những lời nói quả cảm, còn những người ngao du nơi sông núi như Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung, giữ tiết tháo trong trắng, không mơ tưởng đến giàu sang. Đấy là một thời kỳ thay đổi.
          +Khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức, mở rộng khoa cử, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử tập lối văn bóng bẩy, đục gọt từng câu, mong sao được đỗ để ra làm quan. Nay muốn tìm lấy hạng người khí tiết khảng khái trong thời nay xem ra có phần thưa thớt. Nhưng con đường bổng lộc đã mở ra, thì phương pháp thi cử cũng nghiêm ngặt, người điềm tĩnh được tiến lên, người cầu may bị sàng sảy, cho nên người tại chức ít thói cầu cạnh mà trong nước biết quý danh nghĩa. Đấy là một thời kỳ thay đổ.
          +Từ năm Đoan Khánh [Uy mục đế (1505-1509)] trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày mỗi thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy nước nguy thì bán nước để toàn thân, dầu người gọi là bậc danh nho, cũng đều nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được.[1]

          Lê Quý Đôn đã phát hiện ra tình trạng hiền tài văn hóa cứ thưa thớt dần đi theo thời gian, sau khi đã có sự phát triển rực rỡ vào đời Trần. Ông viết rằng:" Từ bản triều trở về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa." Ông ghi nhận tình trạng ngày càng thiếu vắng hiền tài đỉnh cao mà không có lời bàn luận vì sao lại như thế. Thế nhưng câu chữ "từ bản triều trở về sau" có ý gì sâu xa hay không? Điều gì đã xảy ra với "bản triều" của Lê Quý Đôn (tức triều Hậu Lê khởi đầu với vị anh hùng dân tộc Lê Lợi) để cho cái "bản triều" ấy cứ dần dần vắng bóng hiền tài? Phải chăng một bước ngoặt văn hoá đầy tai họa đã xảy ra với dân tộc Việt vào thời điểm ấy?
         
Tôi ngờ rằng những biến cố lịch sử trong giới quyền uy chính trị ở nước ta đã khiến cho bầu không khí tự do tư tưởng vốn có ở triều đại Lý Trần không còn nữa. Các chuẩn mực đạo đức xã hội mang tính nô lệ trước quyền uy đã hướng những năng lượng tinh thần của người dân vào con đường độc đạo tìm kiếm danh phận trong thi cử nhằm thoát khỏi thân phận dân đen. Khao khát của con người cá nhân muốn khẳng định danh phận của mình trước xã hội vốn là một nhu cầu nhân bản. Nhưng vì sao trong thực tế lịch sử ở xã hội ta nó lại luôn bộc lộ ra với nhiều nét tiêu cực kèm theo đến thế? Tôi ngờ rằng giá trị danh phận ở xã hội ta đã bị đẩy lên thành một giá trị tuyệt đối lấn át mọi giá trị văn hóa khác. Ở địa vị tuyệt đối ấy danh phận đã bị méo mó đi, trở thành nỗi ám ảnh của mọi thành viên xã hội. Triết gia Anh I. Berlin (1909-1997) cho rằng các giá trị nhân bản mà con người theo đuổi là rất đa dạng và không phải mọi giá trị đều hòa hợp với nhau. Việc theo đuổi một giá trị nhất định thường kéo theo việc hy sinh hay làm suy giảm những giá trị khác, nhiều khi lại là những giá trị quan trọng hơn.
          Tôi có viết bài Tìm kiếm danh phận công bố trên tạp chí Tia sáng năm 2011 bàn về vấn đề này.[2] Bài báo trên khi công bố đã được một vài người chú ý, nhưng có vẻ như bị dư luận chung bỏ qua. Mặc dù cá biệt đã có những trường hợp từ chối giải thưởng này hay danh hiệu nọ, nhưng ở đâu đó trong các bài viết của các cây bút danh tiếng, vẫn thấy khẳng định nhu cầu tìm kiếm danh phận như một giá trị văn hóa tốt đẹp cần phải duy trì. Khoảng đầu năm 2013 cái chết của một số nghệ nhân cao tuổi được công chúng ái mộ vì những cống hiến xuất sắc của họ lúc sinh thời, đã gây nên cảm xúc thương xót và bất mãn trong công chúng: công chúng và một số đồng nghiệp của họ chợt phát hiện ra là những nghệ nhân này chưa hề có được danh hiệu hay giải thưởng nào. Nhiều người đòi xét truy tặng danh hiệu cho họ. Chỉ có một ít bài viết đề nghị để cho họ được yên, tình yêu của công chúng đối với họ là đủ cho họ rồi, không cần phải lôi họ ra để cân đong đo đếm trong quá trình xét tặng danh hiệu, vì làm như vậy là xúc phạm đến linh hồn họ. Đối với tôi sự ồn ào này là chỉ dấu cho thấy nhiệt tình khao khát danh phận của chúng ta hiện nay vẫn chưa hề giảm sút đi bao nhiêu.
          Tôi vẫn giữ ý kiến cho rằng khao khát tìm kiếm danh phận của người Việt có tính bệnh hoạn. Con người theo tự nhiên mong muốn được đồng loại chấp nhận, đây là nhu cầu nhân bản.
Thế nhưng con người tìm kiếm danh phận ở ta lại muốn là người "vua biết mặt, chúa biết tên", hay là được toàn thể xã hội thừa nhận. Lòng khao khát danh phận theo lối sống sở hữu có căn nguyên từ việc ngoại hiện hóa các giá trị tinh thần thành những bằng cấp, danh hiệu, chức tước, giải thưởng để con người tranh đua chiếm đoạt như vật sở hữu. Cuộc tranh đua chiếm đoạt như thế ắt cũng phải dẫn đến một thái độ giống như thái độ trong tranh đoạt của cải vật chất mà E. Fromm (1900-1980) đã nhận xét:" Tôi phải đố kỵ với những kẻ sở hữu nhiều hơn tôi và tôi phải e ngại những kẻ sở hữu ít hơn tôi".
Tình trạng này khiến cho giới trí thức trong xã hội chia rẽ, xung đột, luôn đấu đá với nhau. Để có sức mạnh tranh đoạt thì phải tập hợp nhau thành những phe nhóm có bản chất không khác gì các "nhóm lợi ích" trong kinh tế. Vì vậy mà có hiện tượng như Lê Quý Đôn đã nhận xét:" rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau". Đây chính là tình trạng mà giới quyền uy chính trị chuyên chế trong mọi thời đại đều hết sức mong muốn duy trì và khuyến khích.                                                                               

[1] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, NXB VHTT (2006), tr. 299-300.
[2] Nguyễn Văn Trọng, Tìm kiếm danh phận, Tia Sáng, số 15 ra ngày 05.08.2011, tr. 26-33

Không có nhận xét nào: