Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Lời khuyên người bị tổn thương tinh thần

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT

Tìm kiếm người thân nạn nhân chế độ diệt chủng POL POT
Có một số người từng gánh chịu những thảm kịch nặng nề. Họ nhìn thấy cha mẹ hay những người khác bị tàn sát, hãm hiếp hay tra tấn. Sau một thời gian dài, họ vẫn còn bị ám ảnh bởi những cảnh tượng đó và thường thì lại không đủ can đảm nói ra những điều trong trí. Giúp đỡ những người ấy trút bỏ những ám ảnh của họ không phải là chuyện dễ dàng. Mức độ trầm trọng gây ra bởi sự chấn thương và thời gian chữa chạy tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh xã hội và văn hoá. Tôn giáo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Tôi nghĩ đến trường hợp những người dân Tây tạng, nhờ tu tập Phật giáo nên cứng cỏi hơn một số người khác trước những thảm cảnh mà họ phải gánh chịu.
Nếu một bên là nạn nhân có tâm hồn mở rộng để tha thứ, và một bên là kẻ hãm hiếp, tra tấn hay sát nhân, biết sửa đổi khi đã ý thức được tính cách nghiêm trọng của hành vi ác độc do mình gây ra, thì sự đối mặt giữa hai người sẽ đưa đến một kết quả hữu ích. Sự gặp gỡ đó sẽ mang đến cho kẻ tội phạm một cơ hội để nhìn thấy những sai lầm của mình, để bày tỏ sự hối tiếc một cách thành thật và đồng thời cũng là một dịp để giúp cho nạn nhân trút bỏ, ít ra cũng được một phần nào, mối hận thù trong lòng. Nếu cả hai tìm thấy sự hoà giải thì có phải là một điều tốt đẹp hay không?
Không những chỉ có nạn nhân là người duy nhất gánh chịu những rối loạn trầm trọng. Đôi khi chính người gây ra khổ đau cũng gánh chịu khổ đau. Một số chiến sĩ, tôi nghĩ đến những cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, vẫn còn bị ám ảnh bởi sự hung bạo hay tàn ác mà chính họ đã gây ra. Sau một thời gian dài, họ vẫn còn nằm mơ thấy những cơn ác mộng, thấy lại những cảnh thảm sát, bom nổ, những thây người mất đầu, và tâm thần họ tiếp tục bị giao động sâu xa.
Tình trạng trên đây thường xảy đến với họ chỉ vì họ thiếu tình nhân ái của những người chung quanh. Lòng tốt, vị tha và từ bi của người khác có thể làm vơi bớt những khổ đau của riêng họ. Tuy nhiên những phẩm tính ấy lại quá hiếm hoi trong xã hội ngày nay và vì thế có rất nhiều nạn nhân vẫn cảm thấy mình cô đơn.
Ta nên giúp đỡ họ, hàn huyên với họ, trao đổi với những nhóm đông hay trò chuyện với từng cá nhân, tìm mọi cách để làm vơi bớt những khổ đau đang ray rứt trong lòng họ. Hãy giúp cho họ hiểu rằng không phải chỉ có họ là những người duy nhất phải gánh chịu khổ đau mà còn có rất nhiều người cũng phải chịu cảnh như họ, nhưng trong số đó cũng có nhiều người đã thoát ra được. Hãy kể lại những khổ đau và những hoàn cảnh chấn thương tâm thần mà có thể chính ta đã từng trải qua và kể cho họ biết là mình đã vượt qua được những khó khăn ấy bằng cách nào.
Tuy nhiên ta cũng phải hiểu rằng vấn đề không đơn giản là chỉ biết áp dụng lý thuyết với những công thức sẵn có về tâm lý học. Điều quan trọng là tâm ta phải thật tinh khiết để nói lên những lời khuyên xuất phát từ đáy lòng mình. Phải kiên nhẫn và sẵn sàng hy sinh thật nhiều thì giờ nếu cần. Đối với một nạn nhân đã hoàn toàn bị bấn loạn tâm thần mà ta chỉ nói được vài lời an ủi thì thật cũng chẳng đi đến đâu.
Kinh nghiệm cho thấy những người trưởng thành trong một bầu không khí an bình có thể phát huy những phẩm tính nhân bản một cách vững bền hơn và đối đầu được với những chấn thương tâm thần hiệu quả hơn. Ngược lại, những người lớn lên từ một môi trường đầy xung đột và hung bạo thường phản ứng bằng những hành vi tiêu cực và đồng thời họ cũng mất nhiều thì giờ hơn để bình phục.
Tương tự như khi ta có một thể xác lực lưỡng thì dễ chống lại bệnh tật hơn và cũng chóng khỏi hơn.  Nếu có một tâm thức lành mạnh thì ta cũng sẽ chịu đựng giỏi hơn khi phải đối đầu với thảm trạng hay các tin buồn. Nếu tâm thức yếu đuối thì ta sẽ bị giao động nhiều hơn và lâu hơn.
Tuy nhiên điều đó nhất định không có nghĩa là ta không thể biến cải được bản tính sẵn có khi mới sinh ra đời. Biết tu tập sẽ mang đến cho ta một sức mạnh tinh thần tốt hơn. Giáo dục, bối cảnh gia đình, xã hội, tôn giáo, cơ quan truyền thông và còn rất nhiều yếu tố khác nữa sẽ đóng một vai trò quyết định.
Nếu chính ta phải trải qua một thảm trạng thì nên ý thức rằng lo âu và ray rứt chỉ đem thêm khổ đau vô ích mà thôi. Hãy thổ lộ những khó khăn của mình, tống khứ nó đi, không nên vì e thẹn và sợ xấu hổ mà giấu giếm. Hãy tự nhủ rằng thảm trạng đó đã đi vào quá khứ mà có vác nó theo thì cũng chẳng ích lợi gì khi bước vào tương lai. Hãy cố gắng hướng tâm thức vào những khía cạnh tích cực trong sự hiện hữu của mình.
Hãy quan sát xem khổ đau hiển hiện như thế nào ? Những kẻ tạo ra khổ đau cho người khác chẳng qua cũng vì họ vướng mắc trong sự kiềm tỏa của ba thứ nọc độc tâm thần – vô minh, hận thù và tham lam – và họ không còn chủ động được tâm trí của họ nữa. Tất cả chúng ta đều chất chứa ba thứ nọc độc đó trong tâm thức và chỉ cần chúng chi phối nhiều thêm một chút là ta có thể phạm vào những hành vi quá khích. Ngược lại, vẫn có thể hình dung một kẻ sát nhân, một ngày nào đó sẽ có thể kiểm soát được những xúc cảm tiêu cực của mình để trở thành một người nhân từ.  Không bao giờ nên áp đặt một sự phán đoán có tính cách vĩnh viễn lên một người nào cả.

Dưới sự khích động của những xu hướng sẵn có trong ta hoặc những tình huống nào đó từ bên ngoài, ta vẫn có thể phạm vào những việc mà bình thường ta không thể tưởng tượng được. Bị chi phối bởi những ảo giác phù phiếm như kỳ thị chủng tộc hay tinh thần quốc gia, một số người thoạt tiên không phải thuộc thành phần xấu, nhưng vẫn có thể phạm vào những hành vi cực kỳ hung bạo hay vô cùng độc ác. Hãy nghĩ đến điều này khi có ai làm hại ta. Phải hiểu rằng khổ đau của ta là sự kết hợp của thật nhiều yếu tố, không thể nào bắt một người duy nhất phải gánh chịu tất cả trách nhiệm, hay là đổ thừa cho một nguyên nhân duy nhất nào cả. Khi biết nghĩ như thế thì ta sẽ nhìn thấy vấn đề dưới một khía cạnh khác. 

Không có nhận xét nào: