Phạm Thị Hoài*
Nhà độc 1 phòng, 16 mét vuông gạch men nâu; phòng độc 1 cửa
sổ, lỗ thủng hình chữ nhật lúc thì màu xanh, lúc thì vàng óng, lắm khi xám xịt,
đóng khung lên thế giới men nâu của tôi. 400 ô vuông nâu và 1 khuôn chữ nhật biến
ảo, xoay như xoay rubic.
Cửa sổ không mở vào hoa, giá có hoa, bất kể loại hương nào, tôi đã thành một cô
gái lãng mạn. Tôi dị ứng kịch liệt trước các kiểu lãng mạn. Lỗi tại cái cửa sổ.
Nó cũng không mở lên các mái nhà, tốt nhất là mái nhà ngói cũ như trong tranh 1
họa sĩ nào đó mà chị tôi hâm mộ, thế, ắt tôi đã thành đứa tò mò, chuyên háo hức
tìm xem những chuyện xảy ra trong các căn phòng xa lạ có an nhập với lời rao
truyền trên mái. Tôi không tò mò, không giàu trí tưởng tượng, không lãng mạn. Bố
mẹ yên tâm về tôi là đúng.
Nó mở thẳng vào tim một con đường dẫn tới cổng nhà máy rượu bia, tên gọi căn cứ
theo biển đề trên cánh cửa sắt hoen rỉ xộc xệch mỗi ngày 2 lần loảng xoảng. 400
ô vuông nâu của tôi lần lượt lọt qua khuôn chữ nhật biến ảo, chỉ xếp hàng đến
cánh cửa ấy là hết, là phải lộn về, cuộc dạo chơi chớp nhoáng.
Ngày 2 lần tôi nghiên cứu những gương mặt, những dáng người ào đến, mất hút, hoặc
ào đi, mất hút, trong và ngoài cánh cửa ấy. Đến bây giờ, tôi vẫn trung thành với
bảng phân loại các giá trị của mình về loài người. Chỉ có 2 loại. Người có khả
năng âu yếm dịu dàng, và người không có khả năng ấy. Thời gian đầu, đám đông từ
nhà máy đổ ra giờ tan tầm làm tôi lóa mắt. Tôi phải chọn từng người, thận trọng
tìm bắt những dấu hiệu phân loại cần thiết. Này là 1 cô gái có đôi vai mảnh dẻ,
mảng dẻ đến mức như tan biến trong nỗi đợi chờ vô tận của cặp mắt, tôi thầm
khuyên tất cả đàn ông trên đời hãy mau mau đến nhận phần âu yếm mà cô có thể
ban phát chẳng bao giờ cạn. Này là 1 người đàn ông 40 tuổi tóc đen nhánh, bắp
thịt cuồn cuộn có nụ cười ấm lòng. Tôi hình dung 1 bàn tay nhỏ xíu mềm mại
trong bàn tay rộng của anh và thấy bụng mình thót lại vì quá dễ chịu. Còn đây 1
thanh niên trán phẳng lì và cặp môi mỏng cương quyết, hắn mạnh mẽ và tôi ghê sợ
sự mạnh mẽ ấy. Làm sao có thể hình dung hắn hôn 1 thiếu nữ mà không nghiền nát
cô như nghiền nát 1 con giun trong chán vạn giun dế ở đời.
Có những gương mặt trông như thể chưa bao giờ mỉm cười cùng ai.
15 năm trời, bao nhiêu người đã đi qua bảng phân loại của tôi? Họ là ai, nghề
nghiệp, tuổi tác, đẹp xấu, gầy béo, công dân hay ngoài vòng pháp luật, trinh tiết
hay đã qua đủ cám dỗ, sống vững vàng bằng 2 chân trên mặt đất hay phiêu diêu tận
đẩu đâu, đạo tặc hay hiền nhân, nhóm máu này hay nhóm máu khác... Tất cả không
đáng kể. Hoặc họ biết yêu đương, hoặc không, tiêu chuẩn duy nhất để họ đứng bên
trái, hay bên phải tôi. Vị trí của tôi là chiếc cửa sổ, quan tòa. Người ta có
thể nghiên cứu, sắp xếp và điều khiển nhân loại từ 1 lỗ thủng hình chữ nhật cực
kỳ biến ảo như thế, miễn sao tin ở bảng giá trị củamình. Tôi bỏ ngoài tai những
cuộc cãi vã vô tận của chị tôi và đám tình nhân về lẽ đúng, sai, tương đối hay
tuyệt đối, vô hạn hay hữu hạn của các hệ quy chiếu. Người ta sẽ còn cãi vã suốt
đời về những vấn đề không mấy liên quan tới chủ nghĩa dịu dàng và tình yêu.
Về sau, không đám đông nào còn khiến tôi bối rối. Những năm tháng ròng rã bên cửa
sổ với công việc duy nhất là phân loại loài người ra homo-A, những kẻ biết yêu,
và homo-Z, những kẻ không biết yêu, tạo cho tôi một hệ n—giác quan tinh tường
và nhạy bén, tới mức chỉ cần một giây cũng đủ thể thanh lọc cả đám người khổng
lồ tạp loạn. Đương nhiên những phần tử dao động giữa A và Z cũng thật đông đảo,
và không hiếm trường hợp tôi buộc lòng phải chờ đợi trước khi quyết định nhấc họ
sang trái, hoặc sang phải mình.
Hình như đó là công việc duy nhất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi làm việc ấy cẩn
thận, đầy tinh thần trách nhiệm, nhẫn nại như cung cách 1 nhân viên kế toán
không lãng mạn, không tò mò, không giàu óc tưởng tượng 15 năm ròng, bất kể vị
trí quan sát hình chữ nhật của tôi màu xanh, vàng óng hay xám xịt.
Chiều hôm qua, anh ta xuất hiện. Sát dưới cửa sổ, chỉ cần thò tay là chạm mái
tóc đen dày chưa quá 30 tuổi của anh. (Ước muốn sâu thẳm và thường trực trong
tôi: vuốt ve 1 mái đầu đàn ông, ghì chặt ngực mình, hít thở cái mùi lạ lùng...)
Tôi đã không đưa tay ra, mà cố thu mình vào 1 thể tích tối thiểu, tiêu diệt
toàn bộ những phương tiện biểu đạt, chân tay co rúm, ngực lõm, tóc dính bết vào
sọ não, và hơi thở chỉ đủ duy trì lượng Oxy cần thiết cho phổi. Bao nhiêu năm
ròng tôi đã luyện bài tập thu mình ấy. Lần này thành công xuất sắc. Anh ta hút
1 điếu thuốc quăn queo, mắt dõi về phía cổng nhà máy, không để ý tôi ốc nhỏ ôm
riết bậu cửa sổ.
Bất chợt, lỗ thủng hình chữ nhật của tôi biến thành một hình bình hành vàng xậm.
Còi tan ca tách mái tóc đen điềm báo khỏi tầm tay tôi. Anh ta có 1 chiếc bơm
xe, nếu là 1 cây vĩ cầm cũng chẳng lạ.
Chiều nay, thế nào anh cũng tới. Khả năng chờ đợi của tôi vô địch.
*Trích : chương 1 - Thiên Sứ - tác giả Phạm Thị Hoài sinh
trưởng tại Hải Dương, du học Đông Đức năm 1977, tốt nghiệp chuyên ngành Thư viện
và Văn khố tại Đại học Humboldt. Sau về nước, làm chuyên viên lưu trữ văn
thư tại Viện Sử học Việt Nam và bắt đầu thực sự viết văn từ năm 1983. Phạm Thị
Hoài được biết đến như một văn tài Việt khi tác phẩm đầu tay Thiên Sứ
xuất bản năm 1988 được dịch sang nhiều thứ tiếng và được ca ngợi trên văn
đàn quốc tế. Năm 2000, Phạm Thị Hoài sang Đức định cư, sau đó sáng lập và
làm tổng biên tập suốt 9 năm tờ báo mạng trực tuyến Talawas; một diễn đàn điện
tử có tầm vóc và ảnh hưởng lớn với những người làm Văn học Nghệ thuật Việt Nam
trong và ngoài nước. Ngoài viết văn và làm báo, Phạm Thị Hoài còn nổi danh là một
dịch giả văn chương Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét