ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Tình cờ đọc một bản thống kê thăm dò
ý kiến, tôi mới biết là một phần lớn người Mỹ cho rằng họ rất khổ đau vì cô
đơn. Gần đây, một phần tư số người trưởng thành thú nhận là họ cảm thấy rất lẻ
loi và thực trạng này dường như rất thông thường
Trên các đường phố đô thị có hàng
ngàn người đi lại nhưng họ không buồn nhìn nhau. Nếu bất chợt hướng mắt của họ
có vô tình gặp nhau thì họ cũng chẳng nở một nụ cười, trừ trường hợp đã
hò hẹn từ trước. Trong các toa xe lửa, họ ngồi sát bên nhau hàng giờ nhưng
không hề nói với nhau một lời. Quả thật lạ lùng!
Tôi có cảm giác là những xúc cảm cô
đơn bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là hiện nay chúng ta quá đông
đúc. Ngày xưa khi thế giới còn ít người, mỗi cá nhân ý thức sâu sắc hơn là họ
đều thuộc vào một gia đình chung của nhân loại, con người hiểu nhau nhiều hơn
và sự tương trợ giữa người này với kẻ khác cũng rõ rệt hơn. Ngay cả thời buổi
hiện đại, trong các làng nhỏ nơi thôn quê, mọi người đều quen biết nhau, cho
nhau mượn dụng cụ và máy móc để làm ruộng và nếu công việc có tầm vóc rộng lớn
thì họ hợp lực để cùng nhau làm. Ngày xưa thì người ta hội họp thường xuyên
hơn, đi nhà thờ, cầu nguyện chung với nhau. Họ có nhiều dịp để hàn huyên với
nhau hơn.
Ngày nay địa cầu quá đông đúc, hàng
triệu người sống chen chúc trong các thành phố lớn. Người ta có cảm giác mối
bận tâm duy nhất của họ là làm việc và lãnh lương thế thôi. Mỗi người có một
đời sống độc lập. Máy móc hiện đại giúp cho đời sống thường nhật ít bị ràng
buộc hơn, vì thế người ta thường có cái cảm giác thật sai lầm là những kẻ chung
quanh chỉ giữ một vai trò thứ yếu, không liên quan gì đến sự an vui của chính
họ. Tình trạng đó đã đưa đến sự thờ ơ và cảm giác lẻ loi.
Nguyên nhân thứ hai của sự cô đơn,
theo ý tôi, là do lối sống trong các xã hội tân tiến mà lúc nào con người cũng
bận rộn một cách kinh khủng. Nếu ta mở lời nói với ai, dù chỉ để hỏi một câu «
Thế nào, có khoẻ không ? » ta cũng có cảm giác đánh mất vài giây đồng hồ quý
báu trong cuộc đời mình. Vừa đi làm về ta đã nhào vào tờ báo : « Nào, xem có
tin tức gì mới lạ không ? ». Đàm luận với một người bạn có nghĩa là một cách
đánh mất thì giờ.
Trong một thành phố, ta quen biết
nhiều người thì hãy cố chào nhau một lời. Người ta vẫn cứ nghĩ rằng gợi chuyện
với nhau là một việc vừa nguy hiểm lại vừa không thiết thực. Do đó người ta
tránh né mọi sự giao tiếp và mỗi lần nếu có ai cất lời muốn nói chuyện với ta
thì ta lại có cảm giác như là họ muốn tấn công ta vậy.
Tình trạng đó làm cho xã hội mất hết
tính cách nhân bản và cuộc sống trở thành máy móc. Sáng sớm dậy, ta đi làm. Hết
ngày, ta giải trí trong một hộp đêm hay một nơi nào khác. Ta về trễ, cảm thấy
ngầy ngật trong người, lăn vào giường ngủ được vài giờ. Sáng hôm sau, tuy vẫn
còn ngái ngủ, đầu óc thẫn thờ, nhưng vẫn phải đi làm. Có đúng là những người
trong thành phố sống theo cách ấy suốt một phần lớn đời họ chăng ? Mỗi con
người trở thành một bộ phận cơ khí, dù muốn hay không thì cũng phải chuyển động
theo một sự vận hành chung. Đến một lúc nào đó, lối sống ấy sẽ trở thành quá
nặng nề và rồi người ta sẽ thu mình trong sự thờ ơ.
Tôi đoán chắc rằng nếu tôi sống
trong một thành phố lớn, ở Hoa kỳ chẳng hạn, và nếu như tôi chỉ tiếp xúc với
những người địa phương thì dần dần tôi cũng sẽ trở thành giống như họ. Chẳng có
cách gì để lựa chọn khác hơn. Có thể tôi cũng sẽ tìm đến các hộp đêm, về nhà
trễ, sáng hôm sau còn ngái ngủ nhưng cũng vẫn phải đi làm. Rồi đến một lúc nào
đó, tôi cũng sẽ hoàn toàn quen với lối sống như thế! (Ngài bật cười).
Đừng tìm cách để giải trí mỗi đêm.
Tan sở thì nên về nhà. Dùng cơm tối trong thanh thản, uống một tách trà hay một
thức uống khác, đọc một quyển sách, nghỉ ngơi và đi ngủ trong thư giãn. Buổi
sáng thức dậy sớm. Tôi nghĩ rằng nếu đi làm với một tâm hồn tươi mát và sảng
khoái thì cuộc sống sẽ khác hơn nhiều (1).
Bất cứ ai cũng có thể nhận thấy dễ
dàng là cảm tính cô đơn thật không ích lợi và cũng chẳng thú vị gì cả. Mỗi
người trong chúng ta nên tìm cách loại bỏ cảm tính ấy. Nó lệ thuộc vào rất
nhiều nguyên nhân và điều kiện, vì thế hãy nên tìm cách ngăn chận nó càng sớm
thì càng dễ hơn. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội do đó gia đình phải là
một nơi mà người ta cảm thấy hạnh phúc, sống trong yêu thương và trìu mến. Nếu
trong gia đình và cả ở trường học mà trẻ nhỏ được dạy dỗ và lớn lên trong bầu
không khí như thế, thì sau này khi lớn lên và ra đời chúng sẽ có đủ khả năng để
giúp đỡ kẻ khác. Khi gặp một người nào đó lần đầu tiên, chúng vẫn giữ được
phong cách thoải mái và ngỏ lời với người ấy mà không sợ sệt gì cả. Chúng sẽ
tiếp tục tạo ra một bầu không khí như thế chung quanh chúng và rồi cảm tính cô
đơn sẽ bớt đi, không còn như ngày nay nữa.
Ghi chú :
1- Xin hiểu rằng Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma hướng lời khuyên này vào người Tây phương nhiều hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét