ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Số người không tôn giáo rất đông. Đó là quyền của họ mà không ai có thể ép
buộc họ phải thay đổi. Điều quan trọng là cuộc đời họ cần có một ý nghĩa nào
đó, tức là từ trong thâm tâm, họ phải được sung sướng... Cứ đi tìm hạnh phúc
nhưng không được làm hại kẻ khác. Nếu như sự toại nguyện của họ lại phát xuất ?
đến ? từ những khổ đau của kẻ khác thì sớm muộn chính họ cũng sẽ gánh chịu khổ
đau.
Đời sống con người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm và nếu so sánh với
những kỷ nguyên địa chất thì thật là quá ngắn. Nếu trong khoảng thời gian ngắn
ngủi ấy mà ta làm những việc độc ác thì cuộc đời ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc nhưng không ai được phép phá
hoại hạnh phúc của người khác. Mục đích sự hiện hữu của con người là không được
làm cho bất cứ ai đau khổ. Dù cho ta đạt đến tột đỉnh của giàu sang và hiểu
biết nhưng nếu không có lòng từ bi và không biết kính trọng người khác thì sự
hiện hữu của ta cũng chẳng xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Cứ vui sống
trong hạnh phúc và tránh tối đa không làm thiệt hại cho người khác, đấy là
những gì mà con người có quyền và đây cũng là điều đáng mang ra để áp dụng cho
mình.
Phần đông chúng ta cho rằng hạnh phúc tùy thuộc vào sự chiếm hữu của cải vật
chất. Tuy nhiên thật hết sức rõ ràng là của cải vật chất không hội đủ điều kiện
để mang lại hạnh phúc. Chỉ cần nhìn chung quanh là ta cũng sẽ thấy ngay điều
này. Nhiều người có đầy đủ tiện nghi nhưng thường xuyên phải uống thuốc an
thần, hoặc rơi vào cảnh rượu chè say sưa cốt để làm nhẹ bớt âu lo. Ngược lại là
những người không có gì cả nhưng lại hạnh phúc, thư giãn, khoẻ mạnh và sống
lâu.
Tôi xin nhắc thêm một lần nữa rằng điều quan trọng hơn hết không phải là sự
thoả mãn thô thiển và nhất thời của các cơ quan giác cảm mà chính là sự thoả
mãn trong tâm thức. Vì thế muốn trở thành một người tốt thì phải giúp đỡ kẻ
khác, kềm bớt tham vọng và hài lòng với số phận của mình, và đây là những
điều không nhất thiết chỉ dành riêng cho những người có tôn giáo. Tôi nói ra
những điều đó không phải để làm vui lòng một vị Trời hay để bảo đảm sẽ được tái
sinh trong những điều kiện tốt đẹp. Tôi chỉ ngụ ý rằng nếu những ai muốn tìm
thấy sự an bình trong nội tâm thì không thể nào không nghĩ đến những điều vừa
nói trên đây.
Tiến bộ kinh tế và kỹ thuật càng gia tăng lại càng làm cho chúng ta ràng
buộc vào nhau nhiều hơn, tức là bị lệ thuộc giữa người này với người kia nhiều
hơn. Tất cả những gì ta làm đều tạo ra ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới
này và những ảnh hưởng ấy sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra mà thôi. Tình trạng chung
của thế giới lại phản hồi và ảnh hưởng đến hạnh phúc hay khổ đau của từng cá
nhân. Không như trong quá khứ, ngày nay khi phóng nhìn vào mọi sự vật thì tầm
nhìn của ta cũng cần phải mở rộng và vượt lên trên những quan điểm hẹp
hòi. Ta không thể chỉ nhìn thấy một yếu tố duy nhất hay một nguyên nhân
duy nhất là đủ mà phải quán xét mọi sự trên thật nhiều khía cạnh.
Tôi không có ý nói rằng ta phải chối bỏ hạnh phúc của mình và hy sinh tất cả
cho hạnh phúc của người khác. Tôi chỉ muốn nói là cả hai không thể tách rời
nhau. Nếu như ta cảm thấy liên hệ đến sự an bình và hạnh phúc của tất cả mọi
người trên địa cầu này thì hãy tập nhìn mọi sự một cách bao quát hơn và ý thức
được tầm quan trọng ở thái độ của mỗi cá nhân.
Có khoảng sáu tỉ người trên địa cầu. Trong số sáu tỉ người ấy thì một phần
lớn chỉ quan tâm đến những tiện nghi vật chất mà chẳng hề chú tâm gì đến tôn
giáo hay đời sống tâm linh. Những người không-tôn-giáo chiếm phần lớn nhân
loại, vì thế dĩ nhiên là cách suy nghĩ và hành vi của họ giữ một vai trò then
chốt trong sự tiến hóa của thế giới này. Dù sao thì cũng đáng mừng vì sự kiện
biết cư xử như một con người không cần phải dựa vào một tôn giáo nào cả mà chỉ
cần là một con người !
Ngay cả súc vật cũng thế, những con thú biết sống hợp đoàn sẽ thu hút các
con thú khác. Những con thú hung dữ sẽ làm cho các con thú khác bỏ chạy. Hãy
nhìn những con chó hung hăng cũng sẽ thấy, những con chó khác dù to lớn hơn
cũng tránh xa.
Điều đó cũng đáng để so sánh với cách cư xử của con người. Những ai tự chủ
được mình, có những ý tưởng nhân ái và ngôn từ nhã nhặn thì nhất định sẽ có
nhiều bạn hữu hơn. Người khác sẽ cảm thấy an lành bên cạnh họ và ngay cả súc
vật cũng muốn đến gần họ. Bất cứ trong hoàn cảnh nào họ cũng tạo ra được một bầu
không khí êm ái mà kẻ khác không muốn rời xa.
Ngược lại, khi ta có những ý tưởng bấn loạn không kiểm soát được, ngôn từ
khiêu khích và hành vi hung hăng, thì nhất định kẻ khác sẽ lánh xa và họ sẽ cảm
thấy khó chịu khi bị bắt buộc phải tiếp xúc với ta. Họ sẽ không quan tâm đến
những gì ta muốn nói, có thể ta chưa kịp cất lời thì họ đã tìm cách ngoảnh mặt
đi nơi khác. Họ không thể nào tìm thấy hạnh phúc hay vui đùa bên cạnh ta được.
Cuộc sống của ta sẽ trở nên khó khăn hơn, có đúng thế không ?
Dù rằng chúng ta quá đông đúc trên địa cầu này nhưng mỗi người trong chúng
ta chỉ biết nghĩ đến riêng mình mà thôi. Ta lệ thuộc vào kẻ khác để có thức ăn,
có áo mặc, có một chỗ đứng trong xã hội, để trở thành nổi tiếng, nhưng dù thế
ta lại xem những người liên hệ mật thiết với ta là kẻ thù. Có phải là hết sức
phi lý không ?
Tuy nhiên, chỉ cần quan tâm đến kẻ khác bằng hành vi và ý nghĩ trong đầu thì
ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và an vui ngay trong cuộc sống này, đấy là tôi chưa kể
đến những kiếp sống trong tương lai. Khi gặp phải khó khăn thì ta sẽ có người
bên cạnh để tâm sự và giúp đỡ, chưa kể trường hợp mà kẻ thù của ta có thể sẽ
trở thành bạn ta nữa.
Khi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và xem người khác là thù địch thì ta còn
sẽ phải đương đầu với những khó khăn hết sức phi lý mà chính ta là người
chịu trách nhiệm. Trong thế giới tân tiến ngày nay, nếu như sự sống bắt buộc
phải cạnh tranh thì ta vẫn có thể làm tốt hơn người khác nhưng không cần phải
đè bẹp họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét