Lệ Hoa Wilson
Cuộc đời tôi đi đến giai đoạn mà tôi cần phải hẹn và đi ra
ngoài tiêu xài một ít thời giờ với một người đàn bà khác không phải là vợ tôi.
Và vợ tôi cũng hoàn toàn đồng ý, lại còn nhấn mạnh rằng nàng biết tôi rất yêu
thưong người đàn bà kia và những cuộc gặp gỡ đó sẽ làm cho tôi thành một người
tốt hơn, sẽ giảm đi những nỗi ray rức mà tôi đang mang nặng trong lòng và hạnh
phúc gia đình sẽ vì đó mà tăng thêm.
Thì ra nàng đã biết. Vì một ngày kia tôi nhận được một cái
email và nó như một tiếng sét đánh vào cánh cửa tâm hồn tôi. Tôi là một người xử
sự công bình, lý trí vững chắc. Tôi cũng có vui buồn nhưng tôi không lãng mạn
thương vay khóc mướn. Là nhà toán học, tôi nhìn cuộc đời như một bài toán, hai
cộng hai là bốn, không thêm bớt, không sai trật. Tôi sống lương thiện và thành
công trong một xã hội văn minh. Và thảnh thơi cho đến khi tôi nhận được cái
email đó. Tôi thấy mình như Thạch Sùng giàu nhất nước nhưng không có cái chén mẻ
để uống trà. Tôi thấy mình như vị đại đế La Mã, xâm lăng vạn quốc nhưng không
có một người hầu cận trung thành. Tôi bỗng nhận thấy tôi còn thiếu. Có phải tôi
bị cái gì gọi là “mid life crisis” không? Sao tôi lại cảm thấy trong tôi những
tình cảm, những ý nghỉ mà tôi chưa từng có?
Tôi nghe lời vợ và làm cái hẹn đầu tiên. Đến ngày hẹn tôi đi
làm về sớm hơn một chút để chuẩn bị. Tôi tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo thoải
mái, hôn vợ và các con rồi lái xe ra đi.
Trên đường đi, tôi bâng khuâng suy nghĩ không biết sẽ nói gì
trong suốt buổi gặp mặt. Tôi lại tự giận mình đã đâm đầu vào sự rắc rối nầy. Cuộc
đời sẽ giản dị hơn nếu chiều nay tôi ngồi ăn cơm với vợ con và xem trận banh
chung kết. Đó là những người thân cận có cùng một tầm hiểu biết, vui cùng một nếp
sống, thích cùng một kiểu cách. Người đàn bà tôi hẹn sẽ không hiểu gì về thị
trường chứng khoán, không có một ý niệm nhỏ nhoi nào về sự huyền diệu của bộ
máy điện toán, không biết ai là Julia Roberts, ai là Kobe Bryant, ai là Bill
Gates! Tôi làm sao có thể chia sẻ với người đàn bà đó như tôi đã chia xẻ với vợ
tôi trong mười tám năm qua? Đồng ý là giữa
chúng tôi đã từng có sự yêu thương thắm thiết nhưng thời gian đã làm cho tôi trở
nên một ngưòi có học, có địa vị. Tôi bận rộn với những thăng tiến nghề nghiệp,
với chuẩn bị nghỉ hè, với thị trưòng lên xuống, với thù tiếp bạn bè, với gia
đình vợ con. Còn người đó thì hình như đứng yên một chỗ nếu không nói rằng càng
ngày càng đi vào quên lãng!
Sau cùng tôi cũng đến. Tôi bấm chuông. Cửa mở. Người đàn bà
đứng đó, quần tây nâu, áo sơ mi kem điểm vài cành hoa nhỏ nhã nhặn, khăn choàng
rêu quanh cổ, tóc bạc trắng, nụ cười rạng rỡ trên mặt. Tôi ngắm nghía bà, MẸ
TÔI, và lòng tôi bỗng rung động. Như một tia chớp trong cơn bão làm sáng choang
bầu trời mưa u ám, óc tôi bỗng hiện ra hình ảnh thân thương rực rỡ của một thuở
nào, khi mẹ phải về quê hai tuần để săn sóc cho bà ngoại bị ốm đau. Khi mẹ về,
tôi mở cửa thấy mẹ đứng đó tay xách giỏ trái cây từ quê lên, bà giang tay ra và
tôi ríu rít nhào vào lòng mẹ. Nỗi vui mừng của tôi khi thấy người mẹ thân yêu
trở về cũng như nõi vui mừng của mẹ khi thấy đứa con hạnh phúc đón chào làm hai
mẹ con ôm nhau mà nước mắt rưng rưng. Có bút mực nào tả nổi sự tin cậy, thương
yêu, cảm thông của hai mẹ con trong giây phút đó!
Và Tôi Đã Tìm Thấy Ánh Mắt Đứa Con Nhỏ Ngày Nào Trong Ánh Mắt
Của Người Mẹ Già Hiện Tại!
Một đứa con nhỏ mà thời gian và ích kỷ đã làm cho nó tìm đủ
mọi lý do, mọi viện dẫn để xa mẹ, để khỏi buộc ràng vào một người mẹ đang đi
vào tàn tạ, lãng quên.
Sau khi ba tôi mất, mẹ cùng hai người bạn chung nhau muớn một
căn nhà, tạo thành nơi tu niệm. Vợ chồng tôi thỉnh thoảng đem con tới thăm mẹ
và vì sự rộn ràng của nhiều người nên tôi và mẹ không bao giờ có một phút riêng
tư nào để tâm sự. Vả lại tôi không biết phải nói gì với mẹ. Sự trưởng thành đã
làm cho tôi thành người xa lạ.
Tôi thương mẹ nhưng hình như sự hiện hữu của mẹ nơi tôi
không còn là một chuyện tối cần thiết nữa. Nói đúng ra nếu tôi xa vợ con trong
một tuần lòng tôi day dứt buồn rầu, tôi thật là ăn không ngon, ngủ không yên,
chỉ mong ngóng xong việc để trở về. Nhưng với mẹ thì không. Tôi tới thăm mẹ vì
bổn phận hơn là tự nguyện. Khi viếng thăm biết mẹ khỏe mạnh, tu học đều đặn thì
tôi yên lòng. Một thùng xoài, vài hộp sầu riêng, năm ba gói trà xanh, cái áo lạnh
vào dịp tết tây, bình hoa tươi ngày Lễ Mẹ, gói lì xì vài trăm mùng một tết… tôi
hãnh diện đã làm tròn đầy bổn phận một đứa con hiếu thảo. Còn mẹ vui hay buồn,
có nhớ quê hương đến ngẩn ngơ, có sầu cuộc đời lẻ bóng đến não ruột, có lo xót
dạ vì thân nhân ở quê nhà.. thì chẳng phải là vấn đề của tôi. Tôi chẳng phải đã
điên đầu đối phó với hàng trăm vần đề của riêng tôi hay sao. Tôi làm gì còn có
thời giờ để mà lo cho ai nữa, dù đó là mẹ! Vả chăng tôi đã cung cấp đầy đủ vật
chất để mẹ sống một cuộc đời thoải mái.
Cho đến ngày hôm nay, khi nhìn ánh mắt của mẹ, hình như mẹ
còn cần thiết một chút gì, hình như tôi còn thiếu sót một chút gì.
Thấy tôi ngơ ngẩn, mẹ mỉm cười hỏi: "Sao vậy con? Bộ
con không được khoẻ à? Mấy bà bạn nghe mẹ có hẹn đi ăn tối với con, mấy bả phục
lăn mẹ."
Tôi tiến lên nắm lấy tay mẹ và lần đầu tiên kể từ khi xa quê
hương, kể từ khi tôi trưởng thành, tôi NHÌN và THẤY mẹ.
Tôi đã nhìn mẹ lau nước mắt khi lạy mồ mả ông bà trước khi
qua đây, tôi đã nhìn mẹ mệt mỏi ngồi dựa đầu vào ghế xe chờ tôi ra khỏi lớp học,
tôi đã nhìn mẹ vui mừng dơ tay vẫy lia lịa khi tôi tiến lên bục nhận bằng đại học,
tôi đã nhìn mẹ xuýt xoa bàn tay phỏng khi nấu những bữa ăn chiều, tôi đã nhìn mẹ
vấn lại vành khăn tang trong ngày đưa tiễn ba ra mộ...
Ôi, tôi đã NHÌN mẹ qua bao nhiêu nụ cười và nước mắt, qua
bao nhiêu thăng và trầm của gia đình, của cuộc đời, nhưng tôi chưa bao giờ THẤY
mẹ, người mẹ tuyệt vời của tôi! Tôi nhìn mọi chuyện mẹ làm như một sự tự nhiên,
như một bài toán giản dị, như một đáp số phải có. Tôi chưa từng bỏ ra một phút
để nhìn sâu vào linh hồn mẹ, để thấy giọt nước mắt trong tim mẹ khi ba bất chợt
ra đi, tôi chưa từng dừng lại một bước chân để ngậm ngùi san sẻ với mẹ ánh mắt
nhẫn nhịn trên đường đời khi mẹ vất vả nuôi con, tôi chưa từng nghĩ tới một lúc
nào đó tôi sẽ âu yếm sờ vào bàn chân nhỏ nhắn đã bước những bước cương quyết
trên chông gai để bảo vệ gia đình huyết nhục…
Hai mẹ con chọn một nhà hàng nhỏ, ấm cúng và cùng ăn tối với
nhau. Trước khi gặp mẹ, tôi bồn chồn không biết phải nói gì với mẹ cho qua một
buổi chiều. Vậy mà khi chúng tôi ngồi xuống bàn thì hai mẹ con nói không dứt
chuyện. Mẹ kể cho tôi nghe những ngày còn con gái, những kỷ niệm thân thương
khi mẹ gặp ba, những bất hạnh mẹ trải qua trong những năm chiến tranh, những
xót xa khi làm dâu, những hạnh phúc khi có đứa con đầu, những dòng nước mắt khi
anh tôi ra đi…
Tôi bỗng quên hết mọi chức vị tôi đang có, mọi quyền lực tôi
cố tạo, mọi tranh chấp tôi toan tính. Trước mặt tôi là một người đàn bà tầm thường,
giản dị, không khoe khoang, không tranh giành, không hơn thiệt. Mẹ duyên dáng dắt
tôi vào thời thơ ấu, vào tuổi trăng tròn, vào lúc lớn khôn. Mẹ hiền từ thêm vào
bài học của từ bi và trí tuệ. Tôi tìm thấy nơi mẹ lòng can đảm, óc sáng suốt và
một tình yêu thương đồng loại không phân biệt chủng tộc, không gián đoạn dù cho
mẹ ở trong hoàn cảnh nào.
Hơn hết mọi sự, tôi bỗng nhận thấy tôi không tỏa rộng ra
trong không gian vì học vấn của tôi, tôi không cao lớn lên với thời gian vì chức
vị của tôi. Trái lại tôi trầm lắng xuống, mọc rễ khắng khít với những ông chú,
bà dì, những đứa cháu họ gần xa, những người hàng xóm tôi đã quên mặt, những
dành giựt rộn rịp của bến xe đò miền tây, những khói bụi mù bay của chiếc xích
lô máy, những mồ hôi nhễ nhại của chị hàng rong, những hàng dừa nặng trái ven
sông, những hoa quả ngọt tươi của Lái Thiêu trù phú, nhũng sóng vỗ rầm rì của
bãi biển Nha Trang... Tôi nặng lòng gắn chặt vào Quê Hương và Nguồn Cội.
Mầu nhiệm hơn tôi lại thấy biết ơn mọi chuyện nhỏ nhoi quanh
tôi mà tôi chưa từng để mắt đến, ly cà phê sửa nóng từ tay người hầu bàn buổi
sáng, trái dâu tươi được hái bởi người Mễ còng lưng trên luống đất nâu vàng, tiếng
còi hụ rền vang của xe chữa lửa, ánh mắt nghiêm nghị vô tình của người cảnh sát
khi viết tờ giấy phạt, tiếng trẻ con vô tư cười đùa trong sân trường, tiếng búa
gõ chan chát của quan toà khi tuyên án, tiếng súng đì đùng trên đường phố
Libya, dòng lệ chứa chan của người vợ trẻ… Trong phút chốc mọi chuyện tốt xấu,
đúng sai, mọi người với đủ màu da, mọi tôn giáo với nhiều niềm tin khác nhau, mọi
hạnh phúc, mọi khổ đau… hoà trộn lại, thâm nhập vào nhau, xô đẩy nhau, nương tựa
nhau làm thành một dòng sông triền miên tuôn chảy trong tôi. Và tôi đón nhận nó
với một nụ cười.
Mẹ đã cho con cuộc đời và bây giờ mẹ cho con tình yêu. Yêu đời.
Yêu người. Yêu điều thiện. Yêu mọi vật. Tôi cầm tay mẹ. Nhìn và Thấy mẹ. Tôi dịu
dàng nói: "Con cám ơn Mẹ" và tôi bỗng ngạc nhiên nhận ra rằng bốn tiếng
đó không phát ra từ miệng tôi mà lại phát ra từ tim tôi.
Vợ tôi có lý. Tôi cần phải đi ra ngoài một mình, tiêu xài một
ít thời gian với một người đàn bà không phải là nàng, biết chắc rằng điều đó sẽ
làm cho tình yêu giữa vợ chồng tôi khắng khít hơn, làm cho sự liên lạc giữa cha
con tôi đậm đà hơn và làm cho tôi trở thảnh một con người tốt hơn.
Tôi cám ơn bạn tôi đã gởi cho tôi cái email trong đó có bài
thơ dịch ra từ một tờ báo Mỹ nói về cha mẹ và con cái, một bài thơ giản dị
nhưng đã thay đổi cả cuộc đời tôi.
Tôi cám ơn hai người đàn bà đã mang đến cho tôi Tình Yêu Mầu
Nhiệm khiến tôi đi thảnh thơi giữa cuộc đời đầy những lên xuống, đầy những khổ
đau và hạnh phúc này.
Happy Mother's Day, Mẹ Yêu Dấu!
Happy Mother's Day, Em Yêu Dấu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét