Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

ĐÌNH THẦN XÃ TRỊ AN THỜ AI ?


BS Nguyễn Văn Phúc – Đinh Văn Tuấn

(hình1)
Đình Thần Xã Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, hiện nay chỉ là ngôi đình được xây dựng hoàn toàn mới trên nền cũ của ngôi Miếu cổ, trước đây thường được dân xã Trị An gọi là  Miếu Ông Lớn. (hình1) Không biết từ bao giờ Đình Trị An  vẫn tôn thờ vị Thượng Đẳng Thần mang tên Lê Văn Lễ ngoài ra còn kéo theo một truyền thuyết bi thảm về cô Bóng Hiên liên quan đến Lê Văn Lễ?
 Người đầu tiên viết về Miếu Ông Lớn nay là Đình Thần Trị An chính là nhà nghiên cứu địa chí Lương Văn Lựu với Biên Hoà Sử Lược Toàn Biên, soạn giả viết như sau: “Tại miền Đông Giang, Man dân thưa thớt, nhưng Người Việt trú ngụ đông hơn, họp thành thôn ấp. Tín ngưỡng dân cư phần nhiều còn nhuộm màu đạo giáo, nhưng vẫn đầy lòng thành kính. Ở trong ấp, có một vài bà Bóng chuyên ngồi cốt lên đồng xin tiếp xúc với hồn người hoặc với Thần linh. Được tiếng ứng nghiệm, có cô Bóng Phạm Thị Hiên là đắt thân chủ nhất.
Tiếp tục cuộc Bình Man, vua Tự Đức phong tiền quân Lê Văn Lễ vào dẹp loạn Côn Man. Đại đội binh mã kéo đến cửa Rạch Đông, Vị Đại Thần nghe đồn cốt đồng Phạm Thị Hiên thường xủ quẻ tiên đoán việc hậu lai hung kiết, liền ghé vào vấn quẻ. Cốt thiên ứng cho biết : Tiền quân sẽ “ tiền thẳng hậu hung” Vị lão tướng có ý giận, nhưng không lộ ra ngoài và vẫn cho tiến quân. Đến vùng Tà Mô Liên có biến loạn. Cụ lãnh binh dẹp được đám giặc Lạp Man trong một thời gian ngắn. Nhớ lại lời tiên đoán của cốt bóng Hiên, Cụ đăm lo nghĩ rồi bỗng nổi cơn phẫn nộ liền lập “ Hổ Phủ Lịnh Tiển” (bằng tre) sai quân trở lại chém đầu cô Hiên. Cụ truyền lui quân…Chặn đường cụ về, đám tàn quân Thổ Man còn sống sót, phục kích bằng lối “ Băng Cung”. Cụ bị sa hầm bẫy. quan quân đã cố gáng nhưng không sao cứu nguy được. Thấy mình thọ nạn, đúng như lời bói ứng nghiệm, cụ truyền quân phi ngựa theo về Am Cô Hiên, để huỷ bó lệnh trảm, nhưng đến nơi đao quân đã thi hành, đầu cô Hiên đã rời khỏi cổ. Thừa quân đem thủ cấp lên trình báo. Cụ tỏ vẻ hối hận, và phần bị nạn không thể thoát nguy, nên cụ đành dùng dao tự sát. Triều đình được tấu cáo, vua Dực Tôn Tự Đức ban sác chỉ truy phong cho cụ chức “ Khai Nhựt Nguyệt Lê Văn Lễ Đại Thần - Nhứt thống Bình Man” (Cụ còn có tên tộc ngoài đời là Lê Chuẩn Lễ, nhưng ít được thông dụng.) Cụ Lê Văn Lễ và cô Bóng Hiên đều bị thiệt mạng trong hai trường hợp hết sức oan uổng. Hồn thiêng của vị Đại Thần và Cô Cốt Đồng bạc số, vì oan tình, nên về sau được Hiền Thánh, dân lập miếu tôn thờ: Miếu cụ Lê Văn Lễ tại Chánh Hưng, được gọi là “Miếu Ông Lớn” trở thành danh ấp. Trận lụt năm 1940 làm sập Miếu vị Đại Thần Lê Văn Lễ cất tại cận mé Đà Cẩm Vịnh (Bến Vịnh). Long đình thờ linh vị cụ bị trôi, nhưng không xuôi theo dòng nước, mà lại dạt tấp vào bờ bên kia, nơi vàm sông Bé, thuộc làng Chánh Hưng. Đồng bào vớt lên. Đến năm 1955, Ông Mai Văn Xuôi hiệp cùng Hương chức tạm dựng một miếu nơi đây, để vọng thờ cụ Lễ. Trên tấm biển đá để thờ, được ghi lại:“Thống lĩnh Bình Man Vương Lê giáp hiển trạch Thượng đẳng thần.” [6] Từ đó trở về sau, mọi người vẫn tự nhiên tin tưởng không một chút hoài nghi là vị đại thần được thờ phụng trong Đình Thần Trị An chính là Lê Văn Lễ. Thế nhưng, theo chúng tôi, dường như có điều gì đó bất ổn và mâu thuẫn. Trải qua chiến tranh, loạn lạc cũng như thiên tai, vật đổi sao dời bao đời qua, thật đáng tiếc là hiện nay những vết tích xưa của  ngôi Miếu chẳng còn lại gì, ngay cả các văn bản cổ, sắc phong Hán Nôm cũng thế! Tất cả chỉ còn lại là kí ức được truyền khẩu từ đời này sang đời kia, dĩ nhiên không sao tránh khỏi sự “tam sao thất bản”.  Những ghi chép của Lương Văn Lựu từ thập niên 70 tuy quý giá nhưng lại thiếu sót quan trọng về mặt cứ liệu lịch sử. Do đó chúng tôi bắt đầu cố gắng thử tìm hiểu lại vấn đề về nguồn gốc của ngôi Miếu Ông Lớn ngày xưa đã tôn thờ vị Thượng Đẳng Thần và tên gọi thực sự của vị quan ấy là ai?

I. Bối cảnh địa lý và lịch sử của Miếu Ông Lớn (Đình Thần Trị An)
1. Nhân vật Thánh Nữ họ Phạm và Miếu Bóng Hiên
Vùng Đông Nam bộ ngày xưa, trước khi  lưu dân người Việt đến nơi đây khai hoang lập ấp, đã có những cư dân sinh sống thưa thớt, vậy họ là những dân tộc nào? Đó là những dân tộc Lạp man (Chân Lạp), Xtiêng và Mạ đã chia nhau sống vùng đất này nhiều thế kỷ. Dân tộc Xtiêng đại đa số sống ở phía tây, tức vùng Tây Ninh, Sông Bé, dân tộc Châu Mạ, Châu Ro ở phía đông, tức Đồng Nai.[9],[11].Trước thế kỷ 17 có thể hai dân tộc này cư trú cả vùng sông Vàm Cỏ và Tiền Giang nữa. Cứ thế họ tồn tại nhiều thế kỷ. Khi lưu dân Việt đến sinh sống chưa phân biệt rõ sắc tộc nào, nên gọi chung là người Man (Mọi).[11],[12]. Ở vùng Đại An (Vĩnh Cửu) đã có trạm thu thuế đối với người Man và quan thu thuế cũng là người Man [4]. Khoảng đời Minh Mạng, Triệu Trị, tiết thứ sai người am hiểu tiếng Man, chia nhau đi chiêu dụ, từ đấy họ mới cùng nhau qui phục, được liệt vào sổ đinh, bèn đặt phủ sở để ràng buộc mà đánh thuế [15]. Như vậy các cuộc bình Man chỉ xảy ra vào thời Chúa Nguyễn, còn đến đời vua Minh Mạng thì đã yên ổn
Theo sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (HVNTDĐC) [4] của Lê Quang Định viết vào năm 1806 thời vua Gia Long có ghi chép địa chí đường thuỷ, đường bộ vùng Biên Hòa, sông Đồng Nai trong đó viết về vùng đất liên quan đến Miếu Bóng Hiên như sau:
“ Cửa Trúc Giang, thuộc tổng Tân Chính, sông rộng 52 tầm, tục gọi là sông Rạch Tre, khi nước sông sâu lên 4 tầm, nước xuống sâu 3 tầm. Từ bên bờ nam đi 110 tầm đến luỹ đất, tục gọi là luỹ Đổ Mang, tương truyền ngày xưa đắp luỹ này để chống Man.”
“350 tầm, phía bờ nam dân cư rất trù mật, bờ bắc thì thưa thớt, họ đều trồng dâu và mía, đến Rạch Đông ở cửa luỹ, rạch này ở bên bờ nam, rộng 3 tầm, chảy xuống hướng nam cho đến 1050 tầm là hết. Người xưa trồng tre bên bờ nam rạch này làm luỹ để ngăn phòng Man phì, đến nay tre ấy vẫn còn rậm tốt, bên trong dân cư rất thưa thớt, họ chuyên trồng chuối, mít, bên bờ có ruộng cấy lúa kéo dài đến hết rạch, có cái đầm cạn, tục gọi là Bàu Hạc, bốn phía bàu đều là ruộng cấy lúa.
“1580 tầm, hai bên đều có dân cư nhưng thưa thớt, ruộng vườn đều trồng nhiều dâu và mía, đến Miếu Bống Hiên, miếu ở bên bờ bắc, ngày xưa có bà đồng tên là Bống Hiên lập ngôi miếu ngói này để thờ thần linh, ngày nay vẫn còn.”
“72 tầm, hai bên đều là Rừng rậm, cây cối xanh tốt, đến ngã ba điểm Bến Cát, tục gọi là ngã ba Điếm Cát, điếm ở trước bờ đối diện với dòng giữa, dân cư rất đông đúc. Theo nhánh sông vòng hướng bắc, gọi là ngọn sông Đồng Nai, có nhiều đá ngầm làm úng tắc nên di chuyển rất khó, đi ngược lên trên vài ngàn vạn tầm thì đến các bộ lạc của dân Man. Mùa đông xuân nước chảy nghe như tiếng đàn, mùa hè thu có mưa lụt thì nước đầy chảy mạnh, những thân cây to hay những thú dữ như rắn, cá sấu đều bị cuốn trôi, người ta thường chờ ở hạ lưu để bắt. Phía trước điếm chừng 100 tầm có thác đá, tục gọi là Hàn Đại chắn ngang dòng sông, đi thuyền đến đây phải dừng lại để lên đi đường bộ vào chỗ giao dịch Cây Gạo. Phía nam điếm có nhánh sông, tên là Sông Bé, sông chảy uốn sang hướng tây, lên ngã thượng lưu thì thong đến các sách Man.”
(hình 2)
Đại khái địa dư hai bên sông Đồng Nai vào thời vua Gia Long đã có nhiều đồn trú và luỹ dọc hai bên sông để chống Man và có nhiều cư dân Việt đã sinh sống tại vùng  thượng nguồn. Trên sông Đồng Nai có nhiểu luỹ và đồn trú của quan binh nhà Nguyễn như: Đồn đạo Đường Sứ, luỹ Đỗ Mang, đồn đạo Tân Triều, luỹ Rạch Đông, đồn đạo Ba Can. Nhưng điều đáng chú ý nhất mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là Lê Quang Định đã xác nhận: “Miếu Bóng Hiên, miếu ở bên bờ bắc, ngày xưa có bà đồng tên là Bóng Hiên lập ngôi miếu ngói này để thờ thần linh, ngày nay vẫn còn.”. [4] Phát hiện này là một cứ liệu quý giá và xưa nhất về thời đại xuất hiện của cô Bóng Hiên, người đã liên quan đến  quan đại thần Lê Văn Lễ tương truyền được thờ tại Miếu Ông Lớn. Thời kỳ này là trước triều đại của Gia Long, thuộc về thời của Chúa Nguyễn.
Chúng tôi đã đến tận bản quán của Cô Bóng Hiên để tìm hiểu thêm về Miếu Bóng Hiên nay là Miễu Bà Cô (hình 2) và đã phát hiện ra ngôi mộ của bà nay vẫn còn (hình 3). Mộ hiện nay chỉ là mộ được trùng tu vào năm Canh Tuất (1970) do các hương chức và thiện nam thiện nữ xã Thạnh Hòa xây lại dựa vào ngôi mộ xưa đã hư hại. Trên bia mộ thấy khắc chữ Hán (hình 4) ghi mộ này là của bà Thánh Nương họ Phạm người bản xứ và bà sinh vào ngày 10 tháng 2 năm Giáp Tý, không thấy ghi năm qua đời (có lẽ bia mộ xưa bị hư mất phần ghi ngày tháng năm mất). Theo Can Chi, Giáp Ngọ thuộc những năm  1624, 1684, 1744, 1804. Vì từ năm 1806 Lê Quang Định trong HVNTDĐC đã nói về cô Bóng Hiên thuộc người ngày xưa, ít nhất phải qua một đời người có tuổi thọ là  70 tuổi nên chúng tôi chỉ giới hạn khoảng 1624, 1684, 1744. 
 Qua cứ liệu trên, có thể xác định thời đại của cô Bóng Hiên vào khoảng thế kỷ 17, 18. Phát hiện này quan trọng ở chỗ đã  dẫn đến hệ quả: Theo Lương Văn Lựu, quan đại thần Lê Văn Lễ thuộc thời Tự Đức và tất nhiên bà Thánh nương họ Phạm (cô Bóng Hiên) cũng ở thời kỳ này nhưng sự thật thì thời kỳ của cô Bóng Hiên lại ở thời kỳ trước Tự Đức đến 1, 2 thế kỷ!  Như thế, Lê Văn Lễ tất nhiên, nếu có chỉ thuộc thế kỷ 19 mà thôi và hoàn toàn không liên quan gì đến cô Bóng Hiên. Vấn đề nảy sinh: Ai liên quan đến bà Thánh Nương họ  Phạm? Lê Văn Lễ có phải là vị Thượng Đẳng Thần được thờ kính ở Miếu cổ được dân chúng xưng tụng là Miếu Ông Lớn?
(hình 3)
2. Nhân vật Lê Văn Lễ          
Theo Đại Nam Thực Lục [13], có viết về vị quan Án Sát Lê Văn Lễ vào thời Minh Mạng (1834): “Văn Lễ, trước làm án sát (*1) Biên Hoà, vì có tội, bị phạt vãng đi tiền khu trổ sức làm việc để chuộc tội, đến nay bị bệnh chết ở quân thứ. Vua nghe tin, thương tình, bèn cho khai phục chức ấy.” và trong Khâm định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ [15]cũng ghi chép: “Lại có Dụ rằng: Viên Án sát sứ tỉnh Biên Hoà đã bị cách chức là Lê Văn Lễ trước đã chẳng biết giữ tỉnh lỵ để đến nỗi bị giặc (Lê Văn Khôi) xâm chiếm, sau lại ôm giữ Biên, Long, phát trạm tâu báo tình hình về quân sự nhiều việc sơ xuất, đã xuống Dụ  cho cách chức và cho đi làm quân tiền khu, gắng sức chuộc tội, để đợi có công lao sẽ được khai phục. Nay việc đánh giặc chưa xong mà viên ấy đã ốm chết, tình thực đáng thương. Vậy gia ơn cho Lê Văn Lễ được trả lại chức hàm Viên Ngoại Lang Bộ Hộ chánh Ngũ Phẩm, và cho theo lệ chiếu phẩm, cấp tiền tuất để tỏ ý thương sót ”
 Như vậy  Lê Văn Lễ là nhân vật của thời vua Minh Mạng không liên quan gì về vị quan bình Man thời Chúa Nguyễn và như trên đã dẫn luận cũng không liên quan đến cô Bóng Hiên. Lê Văn Lễ chỉ làm tới chức Án Sát, tương đương chức phó tỉnh trưởng [1], được phong chức hàm Viên Ngoại Lang bộ Hộ Ngũ Phẩm do đó cũng không thể là vị Thượng Đẳng Thần mà người dân ở Miếu Ông Lớn bao đời qua xưng tụng.
Theo truyền thống, danh xưng Thượng Đẳng Thần chỉ dành cho các nhân vật hiển linh (thành thần) được nhân dân tôn thờ, lập Miếu có tên tuổi, công trạng rõ ràng và phải được sắc phong của vua. Ở vùng đất Trấn Biên (Biên Hòa) xưa nay chỉ có 2 quan đại thần được sắc phong Thượng Đẳng Thần đó là:
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Trần Thượng Xuyên
Dân gian cũng không bao giờ xưng tụng tự phát về một nhân vật được cho là hiển thánh và được lập miếu thờ dù là đang từ Hạ, Trung Thần lên đến Thượng Đẳng Thần vì như vậy là trái lẽ, phạm pháp. Hơn nữa ngay cả danh xưng “Ông Lớn” cũng khó mà dành tặng cho Lê Văn Lễ, một vị quan đã từng thua trận khi đánh Lê Văn Khôi. Ở miền Nam nói chung danh xưng Ông Lớn thường dành cho các bậc khai quốc công thần, đức cao vọng trọng được dân chúng kính mến, thờ kính như Đức Ông Lê Văn Duyệt có Dinh Ông Lớn. Vậy thì, ở Biên Hòa xưa, cũng không ra ngoài lẽ thường, danh xưng Ông Lớn hẳn nhiên không dành cho Lê Văn Lễ được. Trong 2 vị Thượng Đẳng Thần ở Biên Hòa, dĩ nhiên di thần nhà Minh Trần Thượng Xuyên người gốc Hoa không phù hợp với Miếu Ông Lớn của người Việt, vậy chỉ còn lại Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh nhưng liệu Nguyễn Hữu Cảnh có liên quan đến Miếu Ông Lớn hay có thể là một nhân vật nào khác chưa biết đến? Từ đó, cần phải kiểm thảo lại danh xưng Thượng Đẳng Thần, Ông Lớn của Đình Thần Trị An  thuộc về nhân vật nào?

3. Nhân vật lịch sử liên quan đến sự kiện bình man vào thời Chúa Nguyễn
Trong lịch sử, ngoài Lê Văn Lễ triều Minh Mạng ra không thấy nhân vật nào trùng  tên vào thời trước Minh Mạng cả. Nhưng xét về công cuộc bình Man ở Trấn Biên xưa, có thể nhắc đến hai vị:
 1. Nguyễn Diên 
 2. Nguyễn Hữu Cảnh.
         Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã ghi nhận Diên Phái Tử là Nguyễn Diên [5] và Gia Định Thành Thông Chí (GĐTTC) [19]của Trịnh Hoài Đức thì chép là Diên Phái Hầu, Diên Lộc hầu, Nguyễn Diên, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên [13], chép là Nguyễn Diên Phái, Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC)[12]chép là Nguyễn Diên, Diên Lộc hầu: “Diên sau khi chết nhiều lần hiển hiện linh ứng, người Chân Lạp lập đền ở cửa biển Mỹ Tho để thờ”. Chưa rõ ngôi đền thờ Nguyễn Diên này ở chỗ nào tại cửa biển Mỹ Tho, song GĐTTC, ĐNNTC đều có chép vể đền thờ Diên Công ở huyện Phước An thuộc Biên Hoà thờ Khai Biên công thần Chưởng cơ Diên Lộc hầu Nguyễn công, người Chân Lạp rất kính sợ.
  ĐNNTC có ghi chép Luỹ Phước Tứ (Trời ban): “Ở phía đông trạm Biên Phước thuộc địa phận huyện Phước An, nằm ngang đường cái. Xưa người Cao Mên là Bô Tâm đắp luỹ đất ở địa đầu Hưng Phước, trồng tre gai, thế rất kiên cố. Năm Giáp Dần (1674), Thái Tông (Chúa Hiền – Nguyễn Phước Tần) sai bọn Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân đánh. Diên đến trước, nhân lúc không phòng bị, tiến quân chiếm lấy luỹ, cách mấy hôm sau, quân Man bốn mặt họp lại, vây đánh rất hăng, Diên cố giữ không đánh. Dương Lâm kế đến hợp lực cùng đánh, quân Man vỡ tan, nhân dân gọi luỹ ấy là luỹ Phước Tứ, các đời vẫn theo như thế, lấy làm chỗ đóng đồn trọng yếu của đạo Hưng Phước, bờ tre và nền cũ nay hãy còn có thể nhận được dấu vết” Cần nói rõ thêm: vào ngày 29 tháng 11 âm lịch năm Tự Đức thứ 5 tức ngày 05/01/1853 Triều đình Nguyễn đã có ban 2 sắc phong: một sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh, một sắc phong Trung Đẳng Thần Chưởng Cơ họ Nguyễn.[7],[10]
Như vậy, Nguyễn Diên chỉ được sắc phong Trung Đẳng Thần chứ không phải là Thượng Đẳng thần. Nguyễn Diên vì chinh chiến vất vả mắc bệnh nặng trong lúc cầm quân; kế đó Văn Sùng cũng mắc bệnh chết. Dương Lâm đem việc tâu lên, triều đình truy tặng Diên là Câu Kê, Sùng là Cai Hợp. Nguyễn Diên được lập đền thờ Diên Công ở huyện Phước An thuộc tỉnh Biên Hòa (nay thuộc huyện Long Điền – tỉnh Bà rịa), thờ “Khai quốc công thần Chưởng cơ Diên Lộc hầu Nguyễn Công”. Vậy là Nguyễn Diên cũng không phải là Thượng Đẳng thần được tôn thờ ở Miếu Ông Lớn (Đình Thần Trị An).
Cuối cùng chúng tôi xin tìm hiểu về nhân vật Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Nguyễn Hữu Cảnh là một kiệt tướng đời Chúa Minh, Nguyễn Phúc Chu (Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng Đế 1691- 1725). Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thành huý Kính (Cảnh). Từ xưa, các sử liệu chưa ghi tên Thành bao giờ, ngay trong Đai Nam Liệt Truyện Tiền Biên hay Đại Nam Thực Lục Tiền Biên cũng chỉ viết tên Ông là Nguyễn Hữu Kính (Cảnh). Phần đông người Việt hay kiêng tên huý. Do đó Kính được gọi chếch ra là Cảnh [13],[ 14]. Về sau nhân dân miền nam quá trọng vọng Ông, họ đã tự động huý cả hai tên: Kính gọi là Kiến hoặc Kiếng, Cảnh gọi là Kiểng (chợ Tân Kiểng, chậu Kiểng). Mãi khi ông mất rồi, người đời sau chép tiểu sử mới dám viết rõ tên ông là Nguyễn Hữu Cảnh. Như bây giờ thường thấy tên ông được ghi trên các đền thờ Ông ở khắp miền nam là Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo truyền thống dân gian xưa ông cũng có một tộc danh là Lễ. Vì thế, khi ở chức Cai cơ. Ông được Chúa ban tước Hầu đặt là Lễ Tài Hầu, Lễ Thành Hầu. Đây là lần đầu tiên thấy tên Thành cùa Nguyễn Hữu Cảnh đã được Chúa lấy đặt tước là Lễ Thành Hầu, tước vị này có từ 1692 hay trước nữa. Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC cũng đã ghi nhận Nguyễn Hữu Cảnh có tên là Nguyễn Phước Lễ  hay Nguyễn Lễ. Nhân đó để tỏ lòng kính trọng Ông, dân chúng vùng Đàng Trong ngày ấy đều xưng tụng Ông là Lễ Công. Sau này danh tước Lễ lại được đại chúng hoá một cách vừa thân thương vừa tôn quí như : Chưởng Dinh Lễ, Ông Chưởng Lễ, Thượng Đẳng Lễ, Ông Lớn Lễ…
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại một nơi mà sau này gọi là thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Ông mất năm Canh Thìn (1700) tại Rạch Gầm, (Ngã Ba Tiền Giang) Đình cữu tại Cù lao phố Đồng Nai (Biên Hoà) thọ 51 tuổi được truy tặng Đặc Tấn Chưởng Dinh Tráng Hoàn Hầu, thuỵ là Trung Cần (gia phả ghi tước và thuỵ được truy tặng lần sau chót là Vĩnh An Hầu, thuỵ Cương Trực) [3] Mùa xuân năm Mậu dần (1689) Chúa sai làm Thống suất đem quân vào kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đông Phố đặt phủ Gia Định, chia vạch ranh giới, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (*2). Mở đất được ngàn dặm, dân hơn bốn vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ Bố Chính trở về nam tới ở, thiết lập xã thôn phường ấp, khẩn đất hoang, định tô thuế, lập sổ dinh. Kế trở về lãnh trấn như cũ.
Mùa thu năm Kỷ Mão (1699) vua nước Chân Lạp là Nặc Thu làm phản, bầy tôi trấn thủ Trấn Biên tâu về, lại sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Suất đi đánh dẹp. Mùa xuân năm Canh Thìn (1700) tới nơi, bày trận ở Rạch Cá (*3), đắp luỹ Hoa Phong (*4) sai người dò xem tình hình hư thực rồi chia đường tiến đánh, bức luỹ Nam Vang và Bích Đôi. Nặc Thu ra đòn đánh, Nguyễn Hữu Cảnh mặc giáp trụ đứng ở mũi thuyền, đốc suất các quân đánh gấp. Nặc Thu sợ hãi bỏ chạy, Nặc Niêm ra hàng. Nguyễn Hữu Cảnh vào thành, vỗ về chiêu an dân chúng. Nặc Thu cũng tới quân dinh xin hàng, Nguyễn Hữu Cảnh lấy lòng thành thực vỗ về yên uỷ, sai Nặc Thu về La Bích chiêu tập lưu dân rồi kéo quân về cù lao Cây Sao đem tin thắng trận báo về. Đến tiết Đoan Ngọ Nguyễn Hữu Cảnh gượng bệnh cùng các tướng ăn tiệc, chợt thổ ra một cục máu bèn lấy tay áo che đi, không cho mọi người biết để yên lòng quân. Kế bệnh nặng thêm, than rằng: “Ta muốn noi chí Ông cha ra sức báo nước, song số trời có hạn, há phải sức người mà làm được đâu!”. Bèn dẫn quân về, tới Rạch Gầm thì chết, năm ấy 51 tuổi. (*5) Chúa nghe tin rất thương tiếc, tặng là Hiệp tán công thần Đặc tiến Chưởng dinh, thuỵ là Trung cần, ban cho vàng lụa để hậu táng.[13],[14] Năm Túc tông hoàng đế thứ 12 (1737) được truy cấp 50 người dân làm ngụ lộc. Đầu thời trung hưng truy cấp 5 người phụ giữ đền, hàng năm cấp cho 10 quan tiền công để chi vào việc thờ cúng. Năm Gia Long thứ 4 (1805) tặng là Tuyển lực công thần Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, Đô đốc phủ chưởng phủ sư phó tướng Chưởng cơ, xếp vào hàng công thần bậc trên, cho tùng sự ở Thái miếu, phong cho một người cháu nối đời làm đội trưởng để giữ việc thờ cúng, cấp cho 15 mẫu ruộng thờ, 6 người phụ giữ mộ. Năm thứ 9 (1810) được đưa vào thờ ở miếu Khai quốc công thần. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) truy tặng là Khai quốc công thần Tráng vũ tướng quân Thần cơ doanh Đô thống, đổi tên thuỵ là Tráng hoàn, phong là Vĩnh An Hầu, vẫn cho tùng tự ở Thái miếu như cũ. Năm 1843 Triệu Trị  thứ 3 có Sắc tặng Thống suất  Lễ Thành Phủ Quan, người đã có công giúp nước yên dân và chuẩn y cho huyện  Phước Kính thôn Bình Kính tiếp tục thờ phụng công thần đã khai phá bờ cõi, ứng bậc Thượng Đẳng Thần. Năm 1852 Đời Tự Đức thứ 5 cũng ban sắc Thượng Đẳng Thần.
Về cái chết của Nguyễn Hữu Cảnh, nói chung các sử liệu đều cho là ông mất vì bạo bệnh nhưng trong HVNTDĐC của Lê Quang Định  lại ghi Nguyễn Hữu Cảnh tử trận (trận vong) chứ không phải là bị bệnh chết [4]. Vương Hồng Sển  trong Từ Vị tiếng nói miền nam ở mục từ Cù Hu,  đã viết: “Cù Hu, tên vùng đất thuộc làng Tân Thành, tỉnh An Giang, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây năm 1837 có xảy ra trận giao tranh dữ dội giữa binh nhà Nguyễn với binh Xiêm liên hiệp, trong trận ta thắng nhưng hai tướng tử trận, đó là Đốc Binh Vàng, có tên ghi vào kinh Đốc Vàng, và Chưởng binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh”[21].Trong Nói về Miền nam, Cá Tính Miền Nam, Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam, Sơn Nam cũng đã viết rằng: “Nguyễn Hữu Cảnh đã mang bệnh vì khí hậu ở vùng đất xa lạ (và có lẽ vì mang thương tích nhưng các sử gia đã che giấu)” [17]. Bỏ qua chi tiết sai lầm về niên đại và sự gắn kết Nguyễn Hữu Cảnh với Đốc Vàng, các thông tin của Vương Hồng Sển và Sơn Nam đã chứng tỏ một lưu truyền về Nguyễn Hữu Cảnh đã bị tử trận và phù hợp với ghi chép của Lê Quang Định. Vậy sự thật có thể là Lễ Thành Hầu sau khi thắng trận đã bị trọng thương và tử trận nhưng do công trạng to lớn và lòng dân kính mộ nên các sử gia triều Nguyễn đã nói thác là chết vì bệnh.

 Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nơi quê hương cũng như nơi ông đến an dân, nhân dân đều lập đền thờ hoặc lập bài vị ông sau khi mất nhiều nơi mà Nguyễn Hữu Cảnh đi qua.
        - Vị trí sông Đổng Nai  cũng là Nơi Nguyễn Hữu Cảnh đồn trú và lập hai huyện và dinh trấn. Người dân lập Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Đình Bình Kính và Lăng mộ kế bên. Tương truyền người dân khi mới xây dựng xong ngôi đền đã kính cẩn đặt tên là đền Lễ Công và tục xưng tụng ông là Đức Ông
- Lập Đền có đền Vĩnh Yên ở Quảng Bình do quan Nhất Phẩm Nguyễn Hữu Bài lập vị
- Đình Thới An ở Ô Môn - Cần thơ được vua Tự Đức ban sắc: “Thành hoàng Bốn Cảnh ”.
- Tại Rạch Gầm – Tiền Giang xưa có lập Miếu cổ Rạch Gầm bị soái lở dân làng đưa bài vị Miếu Rạch Gầm về Đình Trà Mứt đền thờ : “Thượng Đẳng Phúc Thần”.
- Ở Xã Bình Mỹ và Mỹ Đức, Tiền Giang tương truyền 1689, Thống binh Nguyễn Hữu Hào và mười năm sau 1699, đến em ông là Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, cả hai vị cho cơ đội thủy binh đóng đồn ở đây. Cách nhau một quãng ngắn không xa mà hai nơi Bình Mỹ và Mỹ Đức đều có đền thờ thượng Đẳng Thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và đều gọi là Đền Ông.
- Ở Thị xã Châu Đốc có một ngôi Đền Châu Phú thờ Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh do Tướng công trấn thủ Thoái Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại cho dựng vào khoảng năm 1817- 1820. Đến nay đã gần 200 năm, đền Châu Phú đồ sộ và lộng lẫy hơn các Đền Miếu thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở khắp miền nam.
- Dinh Phủ Thờ (Lê Phủ Từ Đường) Từ đường họ Lê vì được nhà vua  “ Thác Sắc” (giao sắc) của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh cho họ Lê đem về địa phương Châu Phú và được quyền thờ tại tư gia.
- Cồn Tiên có “Tứ Miếu Cồn Tiên” thờ Nguyễn Hữu Cảnh vì nhớ công lao khai phá gìn giữ biên cương (gần đất Miên).
- Vĩnh Ngươn  xã Vĩnh Ngươn thuộc Châu Đốc có đền Ông thờ Nguyễn Hữu Cảnh do hồi xưa đức Ông ghé nơi đây, khích lệ  quan địa phương yên vỗ chúng dân và chỉ bảo canh tác.
- Long Điền (thuộc Cù lao ông Chưởng) đi đến Vàm Nao rẽ vào sông Lòng Ông (sông Ông Chưởng). Ngày xưa  Lễ Thành Hầu cho đào rạch sông nhỏ rộng ra đặt tên Long Giang, sau khi Ông mất đổi thành Lòng Ông và có dựng đền thờ quan Chưởng Binh và quen gọi là đền Cù Lao Ông Chưởng.
- Kiến An (Cồn Cây Sao hay cù lao Tiêu Mộc) là nơi Ông lâm bệnh nặng có lập đền thờ Quan Ngài (dinh ông Cù Lao Vôi)
- Chưng Đùng tương truyền Ông cho quân dừng lại ở đây rất lâu để phủ dụ quân địa phương nên dễ dãi với dân cư. Sau này người dân lập đền thờ dinh Ông. Ngoài các nơi đã kể trên cũng còn nhiều nơi khác như : An Thạnh Trung, An Phú, Vàm Cái Hố.
- Ngôi Chùa Minh Hương người Hoa ở Chợ Lớn có thờ bài vị hai võ quan là Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) và Nguyện Hữu Cảnh là Thượng Đẳng Thần.
- Nam Vang  ở đầu Châu Nam Vinh có ngôi Miếu rất xưa, tục gọi là Miếu cổ Nam Vang. Bên trong thờ bài vị Thượng Đẳng Thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, do người Chân lạp lập nên với sắc phong “Đương Cảnh Thành hoàng”.
Ngoài ra, họ tên và chức tước của ông còn được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều địa phương...Vừa qua, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tôn tạo khu lăng mộ của ông tại Thác Ro. Lấy tên Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh để thay một số tện đường phố ở các tỉnh:
Ở Sài Gòn xưa, miệt Xóm Chùa Tận Định gần cầu Kiệu có một đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Ở Gia Định có một cư xá lấy tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Ở Biên Hoà, ngay đại lộ dọc bờ sông, đấy là đường Nguyễn Hữu Cảnh (Thay thế một tên Pháp trước là đường Palace de Champeaux).
  Đặt tên Phố và tên Trường học:
Tại Chấu Đốc có đường Nguyễn Hữu Cảnh và đường Thượng đẳng Lễ. Ngay thị trấn Châu Đốc còn có Trường trung học mang tên Nguyễn Hữu Cảnh.
Tại Thị xã Long Xuyên có đường Chưởng Binh Lễ và một trường trung học đồ sộ mang tên là trường Trung học Chưởng Binh Lễ
Tại Cái Dầu (Vĩnh Thạch Trung) có trường Trung học với biển đề là Nguyễn Hữu Cảnh
Đặt tên Ấp- Xã- Sông:
Ở Long Điền (Chợ Mới) có danh hiệu Cù Lao Ông Chưởng hay Châu Lễ Công.
Ở khúc sông trước đền Cù Lao Ông Chưởng gọi là Lòng Ông Chưởng hay “ Lòng Ông”
Năm 1989, Bộ Văn Hoá nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã ký quyết định xếp hạng Đền Châu Phú thuộc di tích lịch sử văn hoá nước  nhà, để nhớ lại công đức khai biên, mở cõi miền nam của Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Riêng ở Biên Hoà, theo xét duyệt văn bản đề nghị xin xếp hạng Mộ và Đền Thờ Bình Kính của các ông chủ tịch UBND cùng giám đốc Bảo Tồn Bảo Tàng Tỉnh Đồng Nai- Bộ đã ký quyết định số 457 ngày 25 – 03- 1991 với hàng chữ: “nhằm thực hiện quyền quản lý nhà Nước đối với di tích lịch sử, Đền Thờ và Mộ Nguyễn Hữu Cảnh, xã Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai được xếp hạng di tích Quốc Gia”[3]

II. Nguyễn Hữu Cảnh và Miếu Ông Lớn
         Sau khi tìm hiểu, khảo cứu về các nhân vật có khả năng là vị Thượng Đẳng Thần, Ông Lớn được thờ kính tại Đình Thần Trị An (Miếu Ông Lớn) thì nhân vật phù hợp nhất chính là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh chứ không phải là Lê Văn Lễ hay Nguyễn Diên.
         Thông qua truyền thuyết về mối liên quan cô Bóng Hiên và Miếu Ông Lớn, gạt ra ngoài câu chuyện về cái chết bi thảm của bà Bóng Hiên vì không có chứng cứ bảo đảm, chúng tôi nhận thấy lời Cốt thiên ứng của bà Thánh Nương họ Phạm cho biết “tiền thắng hậu hung” lại rất phù hợp, ứng nghiệm với hành trạng của Nguyễn Hữu Cảnh. Trước đó ông tuy thắng trận Chân Lạp vẻ vang (tiền thắng) nhưng sau lại chết rất đột ngột như Lê Quang Định cho biết là ông đã “tử trận” (hậu hung). Về năm mất của bà Thánh Nương họ Phạm hiện không ai biết nhưng giả sử vào năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh đánh Chân Lạp, chính vào thời điểm này có thể đã xảy ra cuộc diện kiến giữa Bóng Hiên với Nguyễn Hữu Cảnh thì căn cứ vào năm sinh ghi trên bia mộ của bà Bóng Hiên là năm 1624  lúc này bà khoảng tuổi 76, sau khi “lên đồng ứng cốt” bà có thể qua đời cùng năm hay sau đó không lâu. Hiện không có tài liệu nào xác nhận bà chết năm nào và vì lý do gì.
          Nguyễn Hữu Cảnh (1700) trước khi xuất binh đánh thẳng vào bức luỹ Nam Vang và Bích Đôi để dẹp loạn Chân Lạp, ông đã cho bày binh bố trận (có thể hiểu là tập trận) ở Rạch cá (Ngư Khê) rồi đắp lũy Hoa Phong để phòng ngự. Lũy Hoa Phong theo Trịnh Hoài Đức ở huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, Phiên Trấn giáp ranh với Trấn Biên cho nên ta có thể xác định (theo thời gian trước, sau) Rạch Cá ở  thôn Bình Thảo, huyện Phước Chánh thuộc Trấn Biên, theo HVNTDĐC và GĐTTC thì ở giữa cù lao Tân Triều và cù lao Ngô Châu là một dòng nước nhỏ chỉ đủ thuyền độc mộc qua lại, rạch này chảy về chợ sông Bến Cá. Từ Rạch Cá đến Miếu Bóng Hiên chẳng bao xa, điều nay càng chứng tỏ khả năng về mối liên quan giữa Nguyễn Hữu Cảnh và  cô Bóng Hiên là khả thi.
          Nhưng mấu chốt vấn đề không chỉ dừng lại ở truyền thuyết (khó kiểm chứng) về Bóng Hiên liên quan đến Nguyễn Hữu Cảnh mà thông qua nhân vật bà Thánh Nương họ Phạm cùng ngôi cổ miếu Bóng Hiên  chỉ xuất hiện vào thời đại Chúa Nguyễn như Lê Quang Định đã ghi chép sẽ là một bằng chứng quan trọng để phủ nhận nhân vật Lê Văn Lễ của thời Tự Đức có liên quan đến bà cũng như góp phần xác định thời đại ra đời của Miếu Ông Lớn chỉ ở vào khoảng những năm sau khi Nguyễn Hữu Cảnh qua đời (1700) và sau khi Tự Đức sắc phong cho ông là Thượng Đẳng Thần, người dân mới có thể xưng tụng ghi nhớ như tấm bia đá ở Miếu Ông Lớn đã khắc:“Thống lĩnh Bình Man Vương Lê giáp hiển trạch Thượng đẳng thần.”
         Sự hiện diện của Nguyễn Hữu Cảnh ở Trấn Biên với sự nghiệp bình Man, kinh lược Chân Lạp từ năm 1698 đến 1700 là một sự kiện lịch sử xác thật. Ông vào Nam theo lệnh chúa Nguyễn, Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù lao Phố, chắc hẳn ông đã đặt chân đến vùng đất Vĩnh Cửu còn hoang sơ, nơi người Man và người Kinh còn ở lẫn lộn, tranh giành đất đai, mưu sinh và ông đã bắt tay vào cuộc chấn chỉnh, dẹp yên Man Mọi, quy tụ người Việt lập hương ấp, đồn trú và sau thắng trận, bình Chân Lạp. Có thể danh hiệu “Thống lĩnh Bình Man Vương” do dân chúng đặt ra để ghi nhớ công trạng ấy.
         Tóm lại, qua những cố gắng tìm hiểu, khảo cứu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, ngôi Đình Thần Trị An hiện nay ở Vĩnh Cửu mà bao đời nay vẫn hằng tôn thờ quan Lê Văn Lễ triều Tự Đức rất có thể là một lầm lẫn lớn. Nguyên nhân chính là vì sự tàn phá, hủy hoại chiến tranh, thiên tai cùng sự tam sao thất bản của ký ức lưu truyền trong dân gian trải qua những thăng trầm lịch sử khiến cho ngôi Miếu cổ từng được xưng tụng là MIẾU ÔNG LỚN thờ THƯỢNG ĐẲNG THẦN chìm vào trong màn sương mù của quá khứ. Người ta chỉ còn biết đến một nhân vật tên là LỄ  được thờ kính tại đây và sự ngộ nhận bắt đầu xảy ra khi ai đó trong dân gian đã liên tưởng đến nhân vật Lê Văn Lễ rồi hư cấu nên một câu chuyện bi thảm oan khiên về số phận của Lê Văn Lễ và cô Bóng  Hiên sau này được Lương Văn Lựu ghi chép lại. Nhưng các tài liệu lịch sử đã cho thấy sự thật Lê Văn Lễ không bao giờ có cuộc bình Man nào, không là người cùng thời với Bóng Hiên và ông cũng không thể được xưng tụng là ÔNG LỚN cũng như tước hiệu sắc phong THƯỢNG ĐẲNG THẦN. Lê Văn Lễ chỉ là một viên quan Án sát Biên Hòa, hàm Ngũ phẩm từng là người bại trận dưới tay Lê Văn Khôi nhưng cũng có công lao ít nhiều nên người dân Biên Hòa vẫn tưởng nhớ và đặt tên đường vào thời trước năm 1975,  ngoài ra chưa hề thấy nhân dân lập miếu, đền để thờ kính như Thần Hoàng dù là  Hạ, Trung Đẳng Thần.
         Danh hiệu tôn kính, sắc Phong ÔNG LỚN và THƯỢNG ĐẲNG THẦN chỉ dành cho những nhân vật lịch sử vào hạng khai quốc công thần, công trạng hiển hách, lớn lao đối với đất nước, dân tộc và được ghi vào Tự điển, thờ ở Thái Miếu. Ở Trấn Biên, Biên Hòa người có đủ tư cách nhất chính là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Từ xưa đến nay, ở đất Trấn Biên không hiểu vì lẽ gì lại chỉ có duy nhất một ngôi đền thờ cùng là Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, khiến ta phải đặt dấu hỏi? Ở những vùng đất Lễ Thành Hầu đi qua, mọi nơi dân chúng đều đua nhau lập miếu thờ sau khi ông tạ thế, thậm chí là ở ngay tại Cao Miên. Lẽ tự nhiên, vùng đất Trấn Biên, Biên Hòa xưa chính là nơi ông đặt chân đầu tiên, kinh lược, khai phá, mở cõi tại sao lại không thấy một ngôi miếu, đền thờ nào khác? Đấy mới là một nghịch lý, khó hiểu. May thay, ngôi cổ Miếu ở Vĩnh Cửu dù chỉ còn lại nền móng phế tích, một ký ức tâm linh và một tấm lòng kính mộ nhưng vẫn bền bỉ, không phai mờ theo theo gian và những thăng trầm, đổi thay của lịch sử. Tuy nhiên, chính tên gọi và MIẾU ÔNG LỚN nơi tôn thờ vị THƯỢNG ĐẲNG THẦN có tên là LỄ đã hé lộ một tia sáng giữa bóng tối, sương mù quá khứ để hướng về một sự thật: ĐÌNH THẦN TRỊ AN (MIẾU ÔNG LỚN) xưa nay thờ kính THƯỢNG ĐẲNG THẦN mang tên một nhân vật kiệt xuất, chói sáng của lịch sử dân tộc nói chung và nói riêng là ở Biên Hòa, đó là NGUYỄN PHƯỚC LỄ, tục danh của NGUYỄN HỮU CẢNH. 

Biên Hòa ngày 16.tháng 11.năm 2012.

Chú thích
*1. Án sát: Đời nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 12 (1881) bỏ các chức Hiệp trấn, Tham hiệp, đặt chức An Phủ sứ các tỉnh. Án sát phải nghe lệnh Tổng đốc và Tuần phủ, tỉnh nào chỉ có các viên Bố án và Lãnh Binh thì tùy việc  châm chước mà làm. Ở những tỉnh nhỏ chỉ có Tuần Vũ thì Án sát giữ vị trí tỉnh phó, giữ việc hình. Thời Tự Đức Án sát coi như tỉnh phó của tỉnh nhỏ
*2. Dinh Trấn Biên khi mới lập gồm một huyện bốn tổng, lỵ sở tại địa thôn Phước Linh. Dinh Phiên Trấn gồm một huyện bốn tổng, lỵ sở ở thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương. Ngày 12 tháng giêng năm Gia Long thứ 7 (1808), cải cách thành Trấn Biên Hoà đem huyện làm phủ, đem tổng làm huyện, xét đất rộng hẹp, dân nhiều ít, cứ theo địa thế liên lạc nhau mà chia đều, lại đặt thêm tổng, đều lập giới hạn. Năm Gia Long thứ 15 (1818) tháng 2, dời lỵ sở đặt thôn Tân Lân huyện Phước Chánh ở trấn Biên Hoà. Ở Trấn Phiên An dời lỵ sở thôn Hoà Mỹ phía bắc thành Gia Định. Tổng Bình Dương thành huyện Bình Dương. 
*3. Bến Cá: (Ngư Khê)  nghĩa  là Rạch Cá, có lẽ là Rạch (Bến) cá tại thôn Bình Thảo ở huyện Phước Chánh thuộc trấn Biên Hoà
*4. Luỹ Hoa Phong: theo GĐTTC ở địa giới huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, Trấn Phiên An, cách tây trấn 26 dặm rưỡi, năm Canh Thìn đời  chúa Hiển Tôn (1700) Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Lễ bình định Cao Miên rồi đắp
*5. Theo Nguyễn Ngọc Hiền trong Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII thì:“Nguyễn Hữu Cảnh mất đúng ngày 9 tháng 5 âm lịch năm Canh Thìn tại Rạch Gầm. Cho nên từ Mỹ Tho trở xuống cù lao Ông Chưởng cho đến cả Nam Vang đều làm lễ giỗ ông vào ngày này”. Riêng Cù lao Phố làm lễ giỗ ngày 16 tháng 5 âm lịch, có thể do người xưa tính ngày đình cửu (nơi dừng quan tài) và quyền táng (nơi được quyền chôn tạm) thân xác ông tại đây”.
Tài liệu tham khảo
Đỗ Văn Ninh. Từ điển chức quan Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên. 2002.
Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng. Tìm hiểu những ngôi đình ở Đồng nai. Văn hoá Đồng Nai. Nhà xuất bản Đồng Nai.2005.
Như Hiền Nguyễn Ngọc Hiền. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII. Nhà xuất bản Văn Học.1997.
Lê quang Định. Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí. Nhà xuất bản Thuận Hoá.Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. 2002. trang 300
Lê Quý Đôn. Phủ Biên Tạp Lục, Lê xuân Giao (dịch). Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa saigon 1972.
Lương Văn Lựu. Biên Hòa Sử lược toàn biên. Tập 1,2 (1972-1973)
Nguyễn Đình Thống. Đền Diên Công làng Hắc Lăng xưa thờ Ai? Danh nhân văn hoá Bà-Rịa - Vũng Tàu. Bảo tàng Bà-Rịa –Vũng Tàu.
Phan Đình Dũng. Tìm hiểu về cộng đồng cư dân bản địa Châu Ro-Châu Mạ ở Đồng Nai. Văn hoá Đồng Nai. Nhà xuất bản Đồng Nai.2005.
Phan Khoang. Việt Sử Xứ Đàng Trong. Nhà xuất bản Khai Trí.1970.
Phạm Quang Minh. Các vị Thần thờ cúng tại đình Hải Lăng. Bảo tàng Bà-Rịa –Vũng Tàu.
 Phạm Văn Sơn. Việt Sử Toàn thư. Sài gòn.1960
 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Huế, 1992.
 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Viện sử học dịch. Nhà xuất bản Giáo dục. 2001.
 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Huế. 1997.
 Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tập 3). Nhà xuất bản Thuận Hoá  1993, , trang 233, 234, 235.
 Sơn nam. Lịch sử khẩn khoang miền nam. Nhà xuất bản Trẻ.
 Sơn Nam. Nói về Miền nam, Cá Tính Miền Nam, Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ
 Trần văn Giàu. Địa Chí Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh. 1987.
 Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí. Hậu học Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới (hiệu đính, giới thiệu). Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008.
 Trung tâm văn miếu Trấn Biên. Cơ sở tín ngưỡng và Lễ Hội truyền thống ở Biên Hòa. 2009
Vương Hồng Sển.Từ Vị tiếng nói miền nam. Nhà Xuất bản trẻ.1999. trang 291.

Không có nhận xét nào: