Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Mẹ

Nguyễn Ngọc Tư

Con nhỏ mười lăm tuổi, nổi bật trong xóm hẻm bởi gương mặt dễ thương, hoàn cảnh éo le, cha chết, mẹ đi lấy chồng khác, con nhỏ sống cùng ngoại già. Mà không, chính xác thì một nửa ở với ngoại, một nửa ở ngoài đường. Con nhỏ đi chơi vô phương.

Có dạo thấy mình hơi mập, mặc đồ mất đẹp, con nhỏ đi mua vòng về lắc. Con nhỏ càng lắc eo càng to. Chạy bộ cũng không ăn thua. Người nhà nghi ngờ dẫn con nhỏ đi bác sỹ, vô phòng khám nó hỏi, chú ơi, có thuốc gì cho con ốm bớt hôn, mập quá, tụi bạn con nói con giống… heo.

Chẳng có phương thuốc nào cho vòng eo vượt trội nữa, con nhỏ có bầu. Xóm hẻm dậy động, bàn tán xem tác giả là thằng nào mà ác nhơn. Nhưng bó tay, bởi con nhỏ còn không biết. Mỗi chiều nhìn con nhỏ ểnh cái bụng đứng tựa bức tường đầu hẻm vô tư ăn cánh vịt chiên, dầu bết ra tèm lem trên khoé miệng, lòng tôi bỗng quặn đau, trời ơi, trẻ con như vầy mà phải làm mẹ rồi. Ai nỡ lòng…

Người lớn không nỡ lòng, tất nhiên, nên họ toan tính kỹ, chờ con nhỏ sinh xong là đem đứa bé cho người ta ngay. Gia thế nhà đó cũng khá, người coi bộ hiền. Cho, còn có thêm chút tiền. Con nhỏ gật đầu chịu liền, cho thì cho. Nó hết hồn khi nghe người lớn dọa, trẻ con sẽ trói tay trói chân mẹ ghê lắm, không mong gì còn được đi chơi. Gì chớ, không thể đi chơi thì chết còn sướng hơn. Bữa con nhỏ sinh, buổi sáng nó còn đi ngồi Karaoke với bạn, nửa chừng, nó xin dầu gió thoa bụng, cằn nhằn không biết hồi sáng này ăn cái gì mà bụng đau quá chừng. Vậy cũng xong. Mấy bà già trong bệnh viện nói nó đẻ như gà, dễ ợt. Người xanh lướt, đau đớn, nhưng con nhỏ vẫn cười lỏn lẻn khi thấy tôi vào thăm, “chế coi, cái chân nó nhỏ xíu mà hồi còn nằm trong bụng nó đạp mạnh dã man”. Nâng thằng bé trên tay, tôi buột miệng, “Chèn ơi, em bé thấy cưng quá hén, đẹp thiệt, đẹp quá chừng”. Người lớn đứng gần đó đá vào chân tôi. Người lớn sợ tôi khen rồi mẹ trẻ con nắm níu con, dù sự thực ràng ràng trước mắt, thằng bé đẹp như trong… lịch Tết. Ai đi qua đi lại cũng trầm trồ. Nhưng rủi thiệt, sau câu nói vô tình của tôi, con nhỏ bỗng năn nỉ, để cho em bé ở với con thêm một ngày nữa hén, rồi hãy kêu người ta lại bồng đi.

Sau này, người lớn tiếc nuối, nói vì một phút yếu lòng mà họ bị dụ. Để đứa bé lại, suốt đêm đó mẹ trẻ con không ngủ, cứ nắn tay, rờ chân, lật lưng ra săm soi từng bớt đen bớt đỏ của con. Đứa bé cũng chẳng ngủ yên vì mẹ cứ hôn hít khắp mình, hôn cả lên đuôi mày, cuối mắt, hôn từng lọn tóc mỏng, từng ngón tay non. Lặng lẽ. Sáng sau, người xin đứa bé hí hửng tới sớm mang theo chút tiền hậu tạ, con nhỏ quăng tiền ra cửa, vừa giãy khóc vừa chửi bới dậy động cả khoa Sản. Nó chồm lên choàng qua đứa bé, nước mũi chảy kéo dây kéo nhợ lòng thòng. Người trong căn phòng cũng quay mặt đi, quệt nước mắt. Chẳng ai còn có thể mang đứa bé ra khỏi vòng tay mẹ-mười-sáu-tuổi.

Cả xóm hẻm nín thở coi con nhỏ nuôi con. Ngộ, thằng nhỏ chắc nụi, cùi cụi, dù mẹ nó hay bỏ đi chơi. Mỗi chiều ngó qua đầu hẻm, tôi vẫn thấy con nhỏ ngỏn ngoẻn ăn vịt chiên nhưng tay kia đã cầm sẵn trái cóc muối, tôi lại quặn lòng, lại thắt thẻo gọi trời. Có lần gặp nhau trong quán nhậu, cố làm ra vẻ bâng quơ, tôi hỏi, “bỏ con cho ai mà lang thang ở đây ?”, con nhỏ cười toe, “Má tui giữ, tui đi tiếp thị bia để kiếm tiền mua sữa cho con tui uống. Nhưng mai tui chuyển qua làm ở tiệm mat xa rồi. Khách cho nhiều tiền lắm”. Hồn nhiên không chịu nổi. Tôi cười, lại tỏ ra bâng quơ, “làm mấy nghề đó người ta cười…”. Con nhỏ thản nhiên nhìn tôi, nhưng có tiếng khách gọi ở bàn bên kia, con nhỏ chạy đi, vồng ngực nhảy dựng, lúc quay trở lại, nó nói, “chuyện gì miễn là có tiền, tui làm tuốt, tui làm nuôi con mừ. Người ta cười đã đời rồi người ta cũng nín”.

Sau câu nói đó, gặp mẹ - mười - bảy vừa đi đường vừa ăn kem, không hiểu sao tôi chẳng kêu trời nữa, chẳng còn thắt thẻo lo lắng cho đứa bé con. Bỗng trong xóm hẻm đồn ầm ra, con nhỏ đang yêu, đang sống chung với một thằng nhỏ hớt tóc. Hai đứa hay giành ăn với nhau nên hục hặc suốt, nửa đêm nghe chửi bới lộn gan lộn ruột, sáng sau thấy chở nhau trên xe đạp, con nhỏ này ôm eo ếch thằng nhỏ tình tứ, sát vo, cười ỏn ẻn.

Xóm hẻm lại nín thở nhìn con nhỏ yêu. Xóm hẻm chật quá, đông đúc quá, nên phận người cứ bày ra, không quan tâm cũng không được. Thấy thằng bé con mới ba tuổi nói chưa rành mà đi ăn sáng một mình, hỏi ai không đau đáu. Một bữa gặp nhau ở gánh xôi đậu, hỏi bâng quơ, chừng nào lấy chồng đây, con nhỏ ngước lên, giọng lạnh lùng, “Xù rồi. Tui cho de rồi. Thằng mất dạy đó đánh con tui…”. Tôi lặng đi trong một thoáng, có sợi dây thần kinh nào đó bị tê đi, tôi quên luôn việc con nhỏ còn thích nhảy dây, ăn quà vặt, nói lớn, chạy tí tởn trước đám đông. Tôi quên nó mới tròn mười tám tuổi.

Con nhỏ trong mắt tôi bỗng lớn vút lên. Cao tới mức để nhìn thấy cái trán dồ bướng bỉnh lấm tấm mụn của nó tôi phải ngẩng đầu.

Không có nhận xét nào: