Tác giả: Ayya Khema
Trích từ cuốn sách: “Be an Island” - Chuyển ngữ: HT. Thích
Trí Chơn
Giới thiệu tác giả: Ni Sư
Ayya Khema sinh tại Bá Linh (Berlin) nước Ðức (Germany) năm 1923, cha mẹ theo đạo
Do Thái (Jewish). Năm 1938, Ni Sư trốn thoát khỏi Ðức quốc qua Glasgow,
Scotland (Tô Cách Lan). Sau bà và gia đình qua Trung Hoa sống ở Thượng Hải
(Shanghai). Khi thế chiến thứ Hai bùng nổ (1939 - 1945) gia đình bà bị quân đội
Nhật bắt cầm tù. Cha bà đã mất trong trại giam. Sau chiến tranh bà di cư sang
Hoa Kỳ cùng chồng và hai con. Giữa năm 1960 và 1964, bà cùng gia đình chu du khắp
nơi ở Châu Á, nhất là các nước vùng Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas). Trong thời
gian này bà chuyên tu Thiền. Mười năm sau, bà bắt đầu dạy Thiền tại Âu Châu,
Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi (Australia). Năm 1979 bà thọ giới xuất gia với ngài Narada
Mahathera tại Colombo, Sri Lanka (Tích Lan). Năm 1987, Ni Sư là thành viên
trong ban tổ chức Hội Thảo Quốc Tế đầu tiên cho Ni giới tại Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh
Gaya) - Ấn Ðộ, nơi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đọc bài diễn văn chủ yếu. Tháng 5 năm
1987 Ni Sư được mời phát biểu về Phật Giáo tại Liên Hiệp Quốc ở Nửu Ước (New
York). Tháng 6 năm 1997, Ni Sư thành lập Tu Viện Phật Giáo Nam Tông (Theravada)
đầu tiên tại Ðức. Ni Sư qua đời vào ngày 2 tháng 11 năm 1997 tại Ðức (Germany),
hưởng thọ 74 tuổi. Ni Sư là tác giả của khoảng 25 đầu sách về Thiền và giáo lý
đức Phật, nhiều cuốn được dịch ra hơn bảy thứ tiếng, gồm có: 1. “Be An Island”
(Ốc Ðảo Tự Thân); 2. Being Nobody, Going Nowhere (Vô Ngã, Vô Ưu) và 3. Who is
Myself? (Ta Là Ai?) v.v... [Ghi chú của người dịch]
Hạnh phúc có nghĩa là bình an, nhưng thường người ta thực sự
không muốn nghĩ đến điều đó. Trái lại, sự an lạc được xem như là “điều không
thích thú” hay “không có việc gì xảy ra”, là sự vắng bóng của phát triển và
sinh động. Nhưng sự bình an không dễ tìm thấy ở khắp mọi nơi. Nó rất khó thành
đạt và cũng ít người thực tâm muốn tìm kiếm. Có lẽ vì sự an lạc tựa hồ như sống
cuộc đời tiêu cực hay chối bỏ cái bản ngã tối thượng của con người. Cho nên, chỉ
có các hành giả ham chuộng đời sống tâm linh mới quan tâm mong cầu sự an lạc.
Khuynh hướng tự nhiên của con người là tìm cách tự đề cao
mình, trái ngược với một cực đoan khác là tánh mặc cảm tự ti. Người nào có tánh
tự cao thì không thể tìm thấy sự an lạc. Lúc nào họ cũng tìm cách tranh chấp
hơn thua với những kẻ khác. Họ thường nghĩ: “Ðiều gì người ta làm được thì tôi
cũng làm được tốt hơn thế nữa”. Nhưng khi nhìn thực tế không phải vậy thì sự
suy nghĩ của họ lại thay đổi là: “Bất cứ việc gì bạn làm, tôi không thể làm tốt
bằng”. Trong cuộc sống, có lúc bạn phải nhận thấy rõ là có những việc mà mình
phải thua kém người ta, dù đó là việc làm quét đường hay viết sách.
Ý nghĩ tự tôn hay mặc cảm tự ti đều không mang lại cho bạn sự
an lạc. Sự khoe khoang tài năng hay mặc cảm thua kém người khác đều khiến tâm
ta bất an. Ta luôn luôn mong chờ một kết quả qua sự khen ngợi hay chê trách của
bạn bè xung quanh. Khi bị chê bai, trong lòng ta như xảy ra một cuộc chiến
tranh, nhưng khi được khen ngợi thì ta lại nghĩ như một kẻ thắng trận.
Trong chiến tranh không bao giờ có ai chiến thắng mà chỉ có
những kẻ thất bại. Chẳng cần biết ai là người đã ký trước bản hòa ước, nhưng điều
rõ ràng là cả hai phe đều thua trận. Cũng vậy, nếu ai cảm thấy mình là người
chiến thắng, kẻ hiểu biết hơn, mạnh hơn hay khôn lanh, thông minh hơn, bạn cũng
không thể có được sự an lạc, vì chiến tranh và hòa bình không bao giờ cùng đi với
nhau.
Cuối cùng, người ta tự hỏi rằng: Có ai thực lòng muốn tìm sự
an lạc? Có ai thực sự cố gắng để tìm được nó không? Chúng ta cần phải quay vào
trong tâm mới mong tìm thấy được sự bình an. Hành động tự thẩm vấn này rất khó
làm. Bởi lẽ phần đông nhiều người ai cũng có một cánh cổng sắt dày đóng kín cửa
vào tâm. Bạn không thể biết được điều gì đang xảy ra bên trong. Nhưng tất cả mọi
người đều cần phải cố gắng quán sát tâm để biết rõ thực sự mình muốn gì.
Trong lúc gặp khó khăn, khi chúng ta không nghĩ gì đến mặc cảm
tự tôn hay tự ti, những lúc ấy tất cả mọi điều chúng ta mong cầu là sự bình an.
Khi lòng xao động hay ý nghĩ tự ti đã biến mất thì điều gì sẽ xảy ra? Phải
chăng lúc đó chúng ta thực sự chỉ mong ước có được cái tâm an lạc? Hay chúng ta
muốn trở thành một nhân vật đặc biệt, một người quan trọng hay được tôn kính?
Là một “nhân vật” thì chẳng bao giờ có an lạc. Có một câu
chuyện thú vị về cây xoài như sau. Một đức vua khi cưỡi ngựa qua khu rừng, ngài
đã trông thấy một cây xoài trĩu nặng những quả. Ngài liền ra lệnh cho quân hầu:
“Tối nay hãy trở lại đây hái hết tất cả những trái xoài đó cho ta”, vì nhà vua
muốn dùng chúng để dọn tiệc trong hoàng cung. Quân lính đi vào rừng và trở về
tay không. Họ thưa: “Tâu bệ hạ, tất cả những trái xoài trên cây đã bị hái, chẳng
còn quả nào cả”.
Ðức vua nghĩ rằng quân hầu lười biếng không muốn trở lại khu
rừng nên ngài tự thân hành cưỡi ngựa trở lại đó. Thay vì một cây xoài xinh đẹp
nặng trĩu những quả, giờ đây chỉ còn là một thân cây tàn tạ và xác xơ, trông rõ
tội nghiệp! Người ta đã bẻ hết các cành cây để hái trái. Khi nhà vua cưỡi ngựa
đi xa hơn chút nữa, ngài đã gặp thấy một cây xoài khác xanh tươi đẹp đẽ với
cành lá sum sê nhưng trên cành không có một trái nào. Chẳng ai muốn đến gần cây
xoài này. Vì không có trái nên cây xoài được sống yên thân. Nhà vua trở về cung
điện, trao ngai vàng, áo mũ cân đai cho các triều thần và nói: “Giờ đây các người
hãy gìn giữ vương quốc này, còn ta sẽ vào sống ẩn dật ở trong rừng”.
Khi bạn không là ai cả và cũng chẳng có gì cả, bạn sẽ không
lo sợ chiến tranh hoặc bị tấn công, và bạn được sống bình an. Cây xoài nặng
trĩu nhiều trái nên chẳng có được một phút yên thân, vì mọi người ai cũng muốn
hái trái của nó. Cho nên, nếu thực sự muốn có an lạc thì bạn hãy không là ai cả.
Chẳng phải là nhân vật quan trọng, cũng không là người tài giỏi, đẹp đẽ, nổi tiếng,
có thế lực hay giữ chức quyền gì hết. Mà chúng ta nên biết khiêm cung, hạ mình,
càng ít đưa cái ta của bạn ra càng tốt.
Nên nhớ cây xoài nhờ không có trái mà được đứng bình yên với
vẽ đẹp xinh tươi rực rỡ của nó để tỏa bóng mát cho mọi người. Không là ai cả
không có nghĩa là không làm gì và không giúp được gì cho ai hết. Mà chúng ta vẫn
hành động những không phô trương bản ngã và không mong cầu lợi danh. Cây xoài
cho bóng mát nhưng không ồn ào khoe khoang và cũng chẳng gây phiền muộn cho bất
cứ ai muốn được bao che dưới bóng mát của nó. Ðó là một đức tính cần thiết để
giúp cho tâm ta tĩnh lặng. Nhưng hiếm có được, vì phần đông các bạn đều thích
theo cực đoan này hay ở cực đoan khác hoặc không muốn làm gì cả với ý nghĩ tự
phụ rằng: “Không có tôi, đố xem quý vị làm được trò trống gì” hay bạn phải nắm
quyền lãnh đạo để phát biểu ý kiến này nọ.
Là một ai đó, điều ấy có vẻ quan trọng và đã ăn sâu vào tâm
trí của ta hơn là có được sự bình an. Do đó, chúng ta cần phải quán sát cẩn thận
tâm mình để biết thực sự điều ta đang tìm kiếm. Trong cuộc sống hiện tại, ta
mong ước điều gì? Nếu chúng ta muốn trở thành nhân vật quan trọng, muốn được
tôn vinh và kính mến thì bạn nên vui lòng nhận lãnh cái giá phải trả. Mọi việc ở
đời đều có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó giống như mặt trời chiếu ra cái
bóng. Nếu chúng ta muốn được cái này thì phải chấp nhận cái kia, khỏi cần than
thở.
Nếu bạn thực sự muốn có tâm an lạc, một sự yên ổn, vững chãi
trong lòng thì chúng ta nên từ bỏ tham vọng muốn trở thành một nhân vật hay một
ai đó. Nhưng không phải vì thế mà thân tâm ta bị đánh mất, cái bạn mất là lòng
ham muốn xác nhận sự quan trọng, ưu thế vượt bực của con người đặc biệt mà ta gọi
là “cái tôi”.
Mọi người ai cũng tự coi mình là quan trọng. Nhưng có hàng tỷ
người trên trái đất này, vậy thì có bao nhiêu người sẽ nghĩ đến chúng ta? Hãy đếm
thử xem. Sáu hoặc tám, mười hai hay mười lăm trong những con số tỷ này. Có thể
bạn đã quá phóng đại sự quan trọng của cá nhân mình. Càng hiểu rõ như thế,
chúng ta thấy cuộc đời càng dễ sống hơn.
Muốn được làm ai đó là điều rất nguy hiểm. Chẳng khác gì
chơi với lửa, có ngày bạn sẽ bị phỏng tay. Người khác không phải lúc nào cũng ủng
hộ ta. Có người đã thành công khi trở thành một ai đó, chẳng hạn những nguyên
thủ quốc gia, nhưng họ phải nhờ đến các vệ binh bảo vệ, vì mạng sống của họ thường
xuyên bị đe dọa.
Giữa bao nhiêu thứ trên đời - con người, cầm thú, vật dụng
thiên nhiên hay nhân tạo - chỉ có một thứ bạn có thể làm chủ được là tâm của
mình. Nếu chúng ta thực sự muốn trở thành ai đó, hãy cố gắng trở thành con người
hiếm có là người có thể làm chủ được tâm của mình. Trở thành một người như vậy
không chỉ là đặc biệt mà còn mang lại cho ta nhiều lợi lạc nhất. Một người như
thế không thể rơi vào cạm bẫy của ô nhiễm và tội lỗi.
Có câu chuyện về ngài Ajahn Chah, một vị đại lão thiền sư nổi
tiếng ở miền đông bắc Thái Lan. Có lần ngài bị chỉ trích là tính tình hay nóng
nảy và sân hận. Ngài đã trả lời: “Có thể đúng, nhưng tôi ít khi dùng chúng lắm”.
Một câu trả lời như thế chỉ có thể phát xuất ra từ một con người hiểu rất rõ về
cá tính của mình. Ðó là một người hiếm có, không để cho ý nghĩ, lời nói và hành
động của mình trở nên bất thiện. Một người như thế mới thực đúng là một ai đó.
Ngài chẳng cần phải chứng tỏ hay thanh minh với bất cứ ai, nếu không muốn nói
là ngài không cần phải chứng minh điều gì, vì điều ấy đã quá rõ ràng. Ngài chỉ
có một ước muốn duy nhất không thay đổi, đó là tâm an lạc.
Khi chúng ta đặt sự bình an của tâm lên hàng đầu thì tất cả
mọi ý nghĩ, lời nói hay việc làm đều hướng về đó. Bất cứ điều gì không giúp cho
tâm an lạc đều bị loại bỏ. Tuy nhiên, người khác có thể không đồng ý với ta.
Nhưng tâm an lạc là của riêng bạn. Ta sẽ đạt được điều đó nếu ta nỗ lực tinh tấn
tu tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét