Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Tản mạn cùng thú chơi đá


Ngoạn Thạch
Trong văn chương Việt có hai danh sĩ tỏ lòng ngưỡng mộ sự vật gây ấn tượng lớn là cụ Cao Bá Quát từng cúi đầu bái lạy trước vẻ đẹp của hoa Mai (Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa) và cụ Phan Bội Châu với bài phú Bái Thạch vi Huynh (Thạch vất năng ngôn tín khả nhân).
Về hoa - Sắc hương và chủng loại đa dạng, quyến rũ và làm rung cảm lòng người là lẽ tự nhiên. Còn đá? Ta không luận bàn về tâm trạng, tư tưởng cụ Phan khi lạy đá làm anh mà nhìn theo hướng khác. Có gì trong vẻ sần sùi, rắn chắc trơ trụi ấy làm mềm lòng kẻ sĩ?
Đất nước phát triển, kinh tế phồn vinh, nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật ngày càng cao. Những năm gần đây tại Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng rộ lên phong trào chơi đá cảnh.
Thoạt đầu đá chỉ là một loại phụ liệu cho các bồn cảnh, tiểu cảnh, về sau được kết hợp với các bộ môn khác trở thành những dạng thức văn - hóa phong phú như Thạch Thư (Viết chữ và đề thơ trên đá) của Hồ Công Khanh, Phạm Tấn Dũng, Đồng Ngộ v.v... Thạch Ảnh (in hình ảnh người, vật, cây cỏ trên đá) của Lê Nguyên Vỹ.
Nhưng những người nầy chỉ mới thể hiện được vẻ đẹp trên bề mặt của đá, còn cái thần vận nội hàm ẩn tàng trong đá thì chưa.
Thú chơi đá (Ngoạn Thạch) là thứ thưởng ngoạn nghệ thuật được ghi chép trong thư tịch cổ ở Trung Quốc khoảng 2000 năm trước công nguyên.
Vào đời Tống một kỳ nhân tên là Mễ Phí tác giả sách Thạch Tướng Pháp đã đưa ra bốn chuẩn gọi là thứ tự quyết cho thú chơi nầy đó là: - SẤU - THUÂN - LẬU - THẤU.
SẤU: gầy, dáng vẻ gầy guộc, góc cạnh nhiều đường ngang dọc ứng biến cùng nhau tạo sự sinh động trong cảm nhận.
THUÂN: Đá nổi hằn gân sớ nhăn nheo nhiều vết xói mòn do mưa nắng, nứt nẻ do nóng lạnh biểu lộ tính cổ lão già nua.
LẬU: lồi lõm không đều, nhiều lỗ cạn sâu tạo cảm nhận ẩn tàng trong chiều sâu tâm cảm.
THẤU: (Triệt không) Nhiều lổ hang thủng xuyên từ mặt này qua mặt kia của đá tạo khoảng không hun hút mênh mông trong tâm tình.
Sau thứ tự quyết do Mễ Phí đưa ra thì Tô Đông Pha (cũng thuộc đời Tống )có đưa thêm một chuẩn nữa gọi là: SỬU
SỬU: Xú, có nghĩa là xấu xí đá hình dạng cổ quái xấu xí, lựa chọn nầy cho thấy trong cái xấu to lớn của đá ẩn tàng nhiều cái đẹp, chi tiết phong phú là kết quả tự tầm nhìn.
Điều cốt lõi của thú chơi đá là tuyệt đối tôn trọng tính tự nhiên của đá, cắt tỉa, mài dũa, đẽo gọt là biến đá thành sản phẩm nhân tạo, đánh mất nhiên tính đá không còn giá trị.
- Về màu sắc:
Kết tầng đa dạng và phân bố khu vực khác nhau nên đá có nhiều màu sắc khác nhau dù cùng chủng loại, qua các tác phẩm, sản phẩm thường thấy của thú chơi nầy tại Quảng Nam và Đà Nẵng ta có thể phân được nhiều thứ, nhiều màu như sau:
- Đá kính: Màu trắng, tím, hồng, vàng có nhiều ở Hòa Bắc Hòa Vang Đà Nẵng, Tịnh Giang Sơn Tịnh Quảng Ngãi
- Đá trắng: đá hoa Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, đá hoa cương núi Sập An Giang, đá vôi Lạng Sơn.
- Đá vàng: Đá mỡ gà (vàng nhạt) đá sáp (vàng sẫm) ở Thanh Hóa.
- Đá nâu: Đá Hòa Sơn Hòa Minh Đà Nẵng, đá nước Duy Trung Duy Xuyên Quảng Nam.
- Đá xanh: Đá Biên Hòa, đá Phước Sơn Quảng Nam.
- Đá đỏ: Màu máu gà, gan gà, loại nầy tương đối hiếm.
Về hình dáng:
Chưa kể đến màu sắc, việc đầu tiên của người chơi đá là chọn đá căn cứ theo hình dạng của đá. Có 6 dạng thức tổng quát cho việc lựa chọn này:
1- CÔ THUÂN THẠCH: đá gầy guộc nhăn nheo
2- THẦN LẬU THẠCH: đá nhiều lỗ hang, lồi lõm
3- TƯỢNG HÌNH THẠCH: đá có hình nhân vật, con vật, đồ vật
4- VIÊN HƯỢC THẠCH: đá tròn lẳn
5- THANH TÚ THẠCH: đá có vân sớ nổi rõ, mạch lạc, màu sắc nhu hòa
6- QUÁI THẠCH: đá có hình dạng xấu xí, kỳ quái
Chơi đá là một kỳ thú, ngoài lòng đam mê cần có mắt nhìn và cảm nhận tốt, người chơi còn phải có tính quyết đoán để có cơ hội sở hữu một viên đá vừa ý. Thú chơi nầy đang thịnh hành và thu lại lợi nhuận kinh tế cao.
Nếu quan niệm triết lý là đường vân trong kẻ đá, mạch nước ngầm dưới đất, nhựa sống trong thân cây, thì nhìn ngắm và phát hiện vẻ đẹp ẩn tàng trong đá từ lổ sâu hun hút thủng xuyên mặt đá tương cảm với thẳm sâu nội tại, hang lổ thài lài, lồi lõm, gân sớ gầy guộc nhăn nheo làm liên tưởng biết bao triết lý đời người...
Trong sự cuồng quay của đời sống cơ chế thị trường, có giờ phút ngồi lại an nhiên, tự tại trước một thế giới đá ẩn tàng biết bao triết lý đời người để quân bình sinh hoạt tinh thần.
Thạch thư
Thạch thư, tức nghệ thuật viết thư pháp...trên đá. Nếu đã từng say mê, suy ngẫm với những bức thư pháp viết trên giấy, tranh tre, gỗ...thì chắc chắn bạn sẽ thích thú và ngạc nhiên với những nét vẽ mềm mại uốn lượn trên những viên đá tưởng như vô hồn...
nghệ nhân Hồ Công Khanh 
Thạch thư-thư pháp trên đá dù mới ra đời nhưng được rất nhiều nhà thư pháp say mê, đầu tư, nghiên cứu và hoàn thiện. Theo ông Huỳnh Quang Linh-chủ một xưởng sản xuất thư pháp đá-thì viết thư pháp trên giấy đã khó, viết trên đá còn khó gấp nhiều lần vì bề mặt đá thô ráp và không bao giờ có khuôn mẫu nhất định. Để tạo những bức thạch thư lạ và ấn tượng, nghệ nhân thư pháp phải tìm những viên đá đẹp, hợp với nét vẽ mà đôi khi phải tìm kiếm rất công phu. Sau đó đá còn phải qua công đoạn tạo hình, xử lý tạo dáng đứng rồi mới vẽ hình và viết thư pháp lên đá. Cái khó nhất là làm sao để thể hiện bố cục của bức thạch thư cho hài hòa. Những nét chữ ghi dấu ấn lúc trọng (nét đậm), lúc khinh (nét nhẹ nhàng), chuyển tải cả tính cach và tình cảm của nghệ nhân, biến những viên đá bình thường trở nên sinh động và có hồn!
Hiện nay các nhà thư pháp cũng như nhiều người say mê thạch thư đều cho rằng nghệ thuật thư pháp trên đá không dừng lại là một nghệ thuật thư pháp đơn thuần mà  thạch thư còn có tâm hồn hòa nhập vào cộng đồng, tạo phúc và niềm vui cho cuộc đời. Khuynh hướng thạch thư hôm nay luôn mang nội dung là những câu thơ, câu danh ngôn về tình yêu quê hương, đất nước, con nguời và là những lời tâm tình của người viết về cuộc sống , về tình cảm và nếp văn hóa truyền thống của người Việt...
Trong bộ sưu tập thạch thư nổi tiếng của nghệ nhân Hồ Công Khanh có rất nhiều tác phẩm thể hiện trên loại đá cuội nhiều màu sắc khác nhau với đa phần lấy từ bãi đá con thuộc vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận). Đá cuội vừa tròn, nhẵn, lại nhiều màu nên vừa tạo cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, vừa thuận lợi trong sáng tác và bố cục...bức thư pháp đá. Còn theo nghệ nhân Huỳnh Quang Linh, ngoài bãi đá cuội Tuy Phong, Bình Thuận với đặc điểm địa hình đặc trưng còn có nhiều loại đá khác nhau rất phù hợp cho nghệ thuật thạch thư. Có rất nhiều câu lạc bộ thư pháp đá, nhiều nhà thư pháp nổi tiếng thường xuyên tìm đến Bình Thuận để tìm kiếm những mẫu đá thích hợp cho những tác phẩm thư pháp đang ấp ủ, nhiều cảm xúc về thiên nhiên và con người Việt hôm nay...
Ngoài ra, bộ sưu tập đá nổi tiếng của họa sĩ Quang Lộc, ở Phan Thiết-Bình Thuận cũng tạo nhiều ấn tượng đẹp. Những bộ sưu tập thạch thư gắn với các nghệ nhân thư pháp Hồ Công Khanh, Huỳnh Quang Linh gần đây thường xuất hiện tại các nhà sách, hiệu sách, nhà trưng bày ở các thành phố du lịch như Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu ...
Nguồn: vannghedanang.org.vn & baobinhthuan.com.vn

3 nhận xét:

Unknown nói...

Kiến thức bạn share cực kỳ hưu ích, cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Xem tại website : Bán đá thạch anh

Unknown nói...

Bài post của tác giả rất hay, cám ơn bạn đã share.
Xem tại website : Đá thạch anh vụn

Unknown nói...

Kiến thức của tác giả thật cần thiết, cám ơn anh đã share.
Xem tại website : Tỳ hưu đá thạch anh