Hồ Anh
Thái
Lần đầu
tiên tôi nghe cái tên ấy. Đồng tay Mỹ. Thoạt nghe chẳng hiểu gì, tiếng Việt chứ
không phải tiếng Anh. Chẳng hiểu gì. Người nói phải giải thích ngay. Đống tay Mỹ
là cách đồng mang tên cánh tay Mỹ. Cánh tay của người Mỹ. Rồi, đã hiểu. Nhưng
còn một điều nữa lại gây thắc mắc. Cánh đồng ấy đâu phải ở Mỹ. Nó ở trong một
làng quê Việt Nam cơ mà.
Ông bạn
giáo sư người Mỹ sang Việt Nam lần đầu. Một ngày cuối tuần, tôi đưa ông đi lang
thang qua mấy cái làng không xa Hà Nội. Ông đã nhìn thấy phố phường đô thị, bây
giờ ông được nhìn thấy làng quê. Ông thuộc thế hệ chiến tranh Việt Nam, nhưng
không đi lính. Xuống đường biểu tình chống chiến tranh. Để tóc dài hippie là một
cách nổi loạn phản kháng. Bị cảnh sát quật dùi cui vào lưng, bắt nhốt hai ngày
trong đồn. Rồi anh hippie chạy sang Canada trốn lính. Đấy, ký ức chiến tranh Việt
Nam với ông là như thế. Mãi bây giờ ông mới đến Việt Nam. Không dính dáng gì đến
chiến trận ở xứ này. Nhưng trong lòng vẫn còn chút ngần ngại. Có chút thủ thế.
Nhỡ đâu cứ nghe đến người Mỹ, dân Việt Nam lại chẳng phát khùng lên, chẳng cần
phân biệt cựu binh hay là Mỹ trơn.
Chúng tôi
rẽ vào một cái làng bất kỳ, thấy hay hay thì rẽ vào chứ không định trước. Xem
người ta đang tát ao bắt cá. Ngày trước gầu sòng gầu dai tát nước ra khỏi ao.
Bây giờ thì chỉ cần cái máy bơm , sùng sục một lúc là ao cạn tận đáy. Tôi giải
thích cho ông giáo sư. Ký ức tát ao bắt cá ngày trước là nhờ có thời tôi đi sơ
tán về nông thôn, tránh bom Mỹ ném xuống thành phố. Xong cái ao, chúng tôi đi
tiếp vào làng, qua một cái đầm sen. Gio1 thơm lồng lộng. Ngồi bên đầm hương sen
mênh mông mà trò chuyện thì nhất. Không trò chuyện, chỉ ngồi im ai nghĩ chuyện
người ấy cũng nhất.
Chủ ngôi
nhà ở gần đầm sen đi qua hỏi han đôi câu. Tôi giới thiệu đây là một anh bạn Mỹ.
Mỹ à, Mỹ thì vào chơi. Ông chủ chạc ngoài năm mươi, tức là chiến tranh kết thúc
khi ông khoảng mười tám tuổi, cái tuổi vẫn còn lưu giữ ký ức từ các trận oanh tạc
từ trên không của máy bay Mỹ. Ông mời hai chúng tôi ăn trưa, mang cả rượu ra uống
tưng bừng. Vui chuyện, ông bảo làng ông cũng có một cánh đổng gọi là đồng tay Mỹ.
Nghe lạ nhỉ. Chỉ cần đi qua đầm sen khoảng tám trăm mét là đến đồng tay Mỹ. Bây
giờ là ruộng lúa. Ngày chiến tranh cũng là ruộng lúa. Máy bay Mỹ bị bắn rơi, một
viên phi công nhảy dù xuống đấy. Hắn rơi xuống trong tình trạng cánh tay trái đã
bị đứt lìa, chỉ còn lủng lẳng tí da bám vào. Dân quân và người làng đổ ra bắt sống
giặc lái. Người ta sơ cứu trong điều kiện thiếu thuốc men rồi xe bộ đội đến đưa
hắn đi ngay lên bệnh viện tỉnh. Xe đi rồi, lúc ấy mới phát hiện ra một thứ mà
ai nấy đều hoảng hồn. Cánh tay của tên Mỹ. Trong lúc cuống cuồng thu dọn trên
cánh đồng, đề phòng máy bay Mỹ quay lại giải cứu phi công và bắn phá, người ta đã
đánh rơi cánh tay đứt lìa của hắn.
Phản ứng
tức thời là đem chôn cánh tay. Giống như chôn một người vừa chết. Nhưng có người
chợt nhớ ra, nghe nói bên quân y có thể nối được tay chân gẫy rời. Ông chủ nhà
này, lúc ấy vừa đi học về ngang qua. Chú bé đó có xe đạp để đi học trên trường
huyện. Hai anh dân quân chạy ra, chặn chú lại. Này cu, cho chúng tớ tạm thời trưng
thu cái xe đạp. Họ gói ghém cánh tay tên Mỹ, quấn quanh một tấm ni lông, rồi cứ
thế đạp xe hộc tốc lên bệnh viện tỉnh, cách đó hơn mười cây số.
Bữa ăn thật
là rôm rả. Câu chuyện về cánh đồng Mỹ bây giờ không còn ghê sợ mà như một kỷ niệm
vui. Ônh chủ nhà không biết về sau quân y có nối được cánh tay cho viên phi
công Mỹ hay không. Nhưng cánh đồng mà hắn rơi xuống thì dân làng gọi là đồng
tay Mỹ.
Buổi chiều,
ông chủ nhà dẫn chúng tôi đi ra cánh đồng. Lúa đã vàng, sắp gặt. Không còn dấu
tích gì của nơi lúa bị giẫm nát khi viên phi công rơi xuống.
Ông chủ
bây giờ hành nghề một ông lang thuốc nam thuốc bắc. Chữa bệnh cho cả làng cả
huyện, danh tiếng lan ra cả mấy tỉnh đồng bằng. Ông còn dùng kiến thức y học để
lý giải tính cách người Việt mà tôi sẽ kể ở phần sau.
Trich
truyện ngắn Đồng Tay Mỹ (trang 216-219) - tập truyện NGƯỜI BÊN NÀY TRỜI BÊN ẤY.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét