ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Ganh tị khiến ta khổ sở và ngăn bước
ta trên con đường tu tập. Nếu nó lại được biểu lộ ra bằng những hành vi hung
hãn thì còn làm hại thêm cho người khác nữa. Ganh tị là một thứ cảm tính cực kỳ
tiêu cực.
Nói một cách tổng quát, ganh tị thật
hết sức vô lý. Ganh tị cũng không ngăn cản được những người bị ganh tị tìm được
nhiều tiền của hay đạt được nhiều phẩm tính hơn, mà chỉ mang lại khổ đau cho
chính mình. Nếu lòng ganh tị trở nên quá mạnh thì nó có thể thúc đẩy ta phá hại
sự thành công hay gia sản của kẻ khác và như thế thì còn gì đê hèn hơn không ?
Hậu quả của những hành vi ấy chắc chắn sẽ phản hồi lại để tác hại bản thân
mình.
Sự ganh tị còn phi lý trên một
phương diện khác nữa, bởi vì sự an vui chung của một xã hội tùy thuộc vào từng
thành phần đã tạo ra xã hội ấy. Nếu có một số người làm ăn phát đạt thì tất cả
xã hội cũng được lợi và đương nhiên ở một mức độ nào đó ta cũng được hưởng lây.
Khi thấy một người phát đạt và giàu có, thay vì cảm thấy tức bực thì ta nên
nghĩ rằng đó cũng là một điều tốt cho bản thân mình nữa.
Nếu đó là một người mà ta yêu mến
hoặc có liên hệ với ta thì nhất định ta nên lấy đó làm điều vui. Nếu người ấy
không liên quan gì nhiều đến ta thì sự thành công của họ cũng vẫn là một điều
lợi ích chung cho xã hội và ta lại càng phải nên xem đó là điều vui mừng. Nếu
đơn độc một mình thì ta sẽ không có cách gì để giúp cho xứ sở phồn vinh. Vì thế
cần phải có sự chung góp của thật nhiều người bằng những cố gắng và tài năng
của họ. Người giàu có mà ta mang ra làm thí dụ trên đây là một trong số những
người có đủ khả năng, vì vậy nhất định đấy phải là một niềm vui.
Ví như có một kẻ nào đó giàu có và
thông minh hơn ta nhưng người này chỉ biết hưởng lấy một mình thì dù có bực tức
và ganh tị đến mức nào đi nữa cũng chẳng đem lại được gì cho ta. Tại sao kẻ
khác lại không được quyền có những gì mà chính mình cũng đang mong muốn ?
Tuy nhiên có một thứ ganh tị có thể
bào chữa được, mặc dù cũng là một thứ xúc cảm không kém phần tiêu cực. Đấy là
sự ghen tương giữa một cặp vợ chồng mà một trong hai người bị phản bội. Cứ lấy
trường hợp hai người yêu nhau thật sự và quyết định sống chung với nhau, hoà
thuận với nhau, hoàn toàn tin tưởng vào nhau, sinh con đẻ cái, nhưng rồi một
hôm, một trong hai người có tình nhân. Người kia bất bình và đó cũng là một
điều dễ hiểu.
Người đã ghen tương thì chính họ
cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Có một người kể chuyện với tôi là anh ta
cưới vợ, đến khi hai vợ chồng dần dần trở nên thân mật và hiểu nhau hơn thì
chính lúc ấy anh ta lại cảm thấy ngày càng lo âu, mang nặng trong lòng một thứ
cảm tính như là ghét bỏ. Anh ta lo lắng vì nghĩ rằng hai người biết nhau
quá nhiều. Thế rồi giữa hai vợ chồng sinh ra một sự căng thẳng và người đàn bà
bỏ nhà ra đi để sống với một người đàn ông khác.
Theo tôi, phản ứng của anh chàng ấy
thật hết sức lạ lùng. Khi hai người đã sống chung với nhau thì cả hai sẽ cảm
thấy ngày càng gần gũi nhau hơn và đấy là một điều hiển nhiên. Càng sống
gần nhau thì càng cảm thấy không còn gì cần thiết để giữ bí mật riêng tư nữa.
Chẳng phải là một điều thú vị hay sao khi ta hoàn toàn tin tưởng vào người khác? Do đó quả thật là vô lý vì đã lấy nhau rồi mà lại không tin nhau ? Nếu
ngay từ lúc mới cưới mà lại ngờ vực nhau để người kia bỏ đi tìm ai khác thì ít
ra cũng còn hiểu được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét