Độ Ngạn
Ở một khoảnh sân đất trong cái quán bình dân, dưới
tàng cây xà cừ lá xanh xào xạc, bữa cơm cuối năm được dọn ra trên
bàn tròn nhỏ. Liếc quanh, Trúc hài hước hô to: Điểm danh nè, nhân số
đủ chưa? – Cu Quẳng rối rít đưa cánh tay gầy lên, ngọng nghịu : - Có
ủ, có ủ ! Sâm và Trúc bật cười. Ông Mười miệng móm mém cũng hà hà
theo cu Quẳng.
Ba hôm trước, lúc chạy xe ngang qua đoạn chợ Mới,
Trúc nghe có tiếng kêu tên mình gấp gáp nên dừng lại. Sâm chạy tới
thở ào ào “Chị ơi, em muốn nói cái này”. Nghiêng đầu lắng nghe, qua
lời ấp úng, biết Sâm muốn mời cô một bữa cơm cuối năm. Ngạc nhiên
rồi cảm động vì Trúc nhận ra ẩn kín sau lời mời “giàu sang”
đột ngột đó, là mối chân tình mà người đàn bà nhỏ bé này muốn
dành cho cô. Nhiều năm trước, giữa những buổi dạy có tiết rơi, Trúc
hay ghé đến cái quán nhỏ yên tĩnh quen thuộc gần trường, uống tách
café đọc tờ báo cho qua thời gian, chờ đến tiết dạy tiếp. Như vậy là
tình cờ quen với người phụ nữ mặt mũi xinh xắn dáng gầy guộc, vẫn
thường ghé quán mời khách mua vé số. Sau, biết tên là Sâm, có ba con
nhỏ, chồng say xỉn tối ngày. Mòn vẹt chân trên khắp ngã đường, bán
vé số nuôi chồng nuôi con. Hôm nào mặt mày bầm tím, là biết bị ăn
đòn chồng mê tơi ! Đi chợ thỉnh thoảng gặp nhau, Trúc gửi thêm bó rau
miếng cá cho lũ nhỏ… Vậy là dần dần không có sự cách biệt nữa.
Gặp nhau cười vui vẻ, buồn thì vẫn có thể vừa rướm lệ vừa kể lể
khúc nhôi cho Trúc nghe. Ngẫm ra cũng gần sáu năm rồi cho một
tình thân nhè nhẹ thấm thía như vậy.
Lúc đó, nhìn nét mặt của Trúc, Sâm cười hi hi “Có
gì đâu chị, thằng Sáu làm ở Sài Gòn dìa, nó nói em thấy mấy người
khác, sáng bán rau, làm thuê, cực nhọc đủ việc, nhưng chiều tối thì
son phấn ngầu lên, đi uống nước, hát nhạc sống nhảy nhót không kém
ai. Chị lấm lem cả đời, cuối năm phải đi chơi một bữa xả xui, em cho
tiền.”. Thấy Trúc vẫn ngơ ngác, Sâm níu tay cô : “ Em mang ơn chị lâu.
Không đi thì thằng em không cho tiền, rồi gái cũng ăn của nó hết uổng
lắm. Qua Tết hổng chừng em cũng vô luôn Sài Gòn với thằng Sáu. Em
mời chị bữa cơm nhỏ cuối năm, kêu ông Mười nữa. Ba chú cháu gặp cho
vui nghen chị”. Làm mất niềm vui của người khác cũng là một tội lỗi
! Nhất là với những người cùng cảnh như mình. Trúc cười hiền hòa gật
đầu, thấy vẻ sung sướng của Sâm mà lòng vui lây theo.
Vậy là hôm sau, Trúc đến hàng giày dép. Còn mấy
ngày nữa là hết năm, hàng hóa mọi thứ nào áo quần, mũ nón bán xổ
xả tràn cả vỉa hè… Người đi lại tấp nập. Trời vẫn lạnh mà Trúc
đã túa mồ hôi, chợt vạt áo có ai giật nhẹ. Quay lại, cu Quẳng nhe
hàm răng vàng xỉn cười nhìn Trúc. Trúc mỉm cười đưa ra ba ngàn “Nè,
nhiêu đây thôi, hôm nào cô lì xì thêm”. Rồi trực nhớ, Trúc giữ tay Quẳng
“Ăn tất niên với dì Sâm và ông Mười nghen Quẳng?” Thằng bé hỏi “Có cô
hông?”- Ừ, có cô. Vậy là gật đầu lia lịa. Trúc dặn “Hai bữa nữa, cô
dẫn đi, nhớ mặc quần áo cho sạch”. Cu Quẳng là cháu ngoại bà Năm
làm thuê ở chợ. Con gái bà bị lừa tình, sinh đứa bé rồi định bỏ
rơi ở bệnh viện, mong có ai nhặt về nuôi dùm. Bà khóc với con gái
“Cháu tao, tao nuôi mày không được quăng nó”. Thế là gọi luôn tên
Quẳng. Rồi con gái mất sau vài năm. Hai bà cháu côi cút bên nhau. Bây
giờ Quẳng đã gần hai mươi tuổi rồi mà vẫn ngây ngô thấy thương. Lần
đầu biết nhau là khi cô trượt chân ở một vũng nước, nơi góc chợ. Cu
Quẳng chạy đến, lượm giùm mớ đồ bị rơi vãi, ngọng nghịu hỏi “Có au
hông? Có au hông?”. Thật là đáng quý, nhất là trong cuộc sống mà mọi
giá trị đạo đức đang bị đảo lộn và dần xuống cấp, lòng tử tế
dường đã cạn kiệt, trở thành một thứ xa xỉ ! Từ đó, thỉnh thoảng
đi chợ, gặp Quẳng, cô nhét túi mấy đồng “Con nhớ mua bánh cho ngoại”.
Ừ nhỉ, ba năm rồi đó.
Cơm, bún và cái lẩu thập cẩm nóng hổi, thơm lừng
lựng được dọn ra. Trúc nhìn mấy cánh mũi phập phồng mà thấy vừa
thương vừa muốn cười chết được. Chén lẩu đầu tiên là mời ông Mười.
Ông già hôm nay mặc chiếc áo kaki xám, khoác ngoài cái áo len xanh nên
dẫu răng rụng, tóc bạc lơ phơ trông vẫn… bảnh trai thiệt. Ông gần
tám mươi. Sau 75, phải đi “cải tạo” mấy năm, về hành nghề xe thồ, rồi
già yếu dần, chuyển bán vé số, già hơn nữa, đại lý không dám giao
vé số cho ông đi bán. Không còn sức lại phải nuôi đứa cháu bệnh tật
rề rề… Đành lang thang làm nghề hành khất !
Cô gặp ông cách đây hơn 5 năm, ở một hàng cơm bụi,
Trúc ngạc nhiên thấy một ông già cao lòng khòng, mặt buồn nghiêm, bán
vé số mà không chèo kéo khách, ngồi kiên nhẫn dưới tán cây bằng
lăng, chờ khách dùng xong cơm mới lịch sự mời mua. Hỏi Châu, chủ hàng
cơm, Trúc biết rõ hơn hoàn cảnh, lúc đó vừa lãnh lương nên có chút
hào phóng, cô trả tiền dĩa cơm cho ông và gửi trước cho Châu 5 dĩa cơm
nữa để mỗi ngày sau ông đến ăn. Vậy là thành bác cháu luôn… Sau này,
thỉnh thoảng mỏi chân, ông ghé lại nhà Trúc, uống miếng nước, kể
chuyện, đọc Kinh cho Trúc nghe.
Bốn người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Ông Mười
nói cái vụ ông già hành khất nào đó bị lấy trộm hai mươi mấy lượng
vàng, báo chí đăng tùm lum làm dân đi xin như ông cũng bị … họa theo.
Nhi kể chuyện một cô gái bán dạo ở miền Tây trả lại cho khách tờ
vé số bạc tỉ… Trúc cười tủm tỉm, thời đại “cuộc sống số” ghê gớm
thật ! Một bà hàng rau ngồi tại chỗ vẫn có thể kể vanh vách những
Kỳ án Đại Việt, hoặc sôi nổi với Huyền Anh bà Tưng, Huyền Chíp vác
ba lô, mới nhất là Huyền Như 4000 tỷ! (ấy là chưa nói đến Huyền Cát
Tường). Những chữ Huyền bí hiểm khuấy đảo luật pháp giang hồ kinh
hoàng tá lả… Cứ vừa ăn vừa xuýt xoa đủ chuyện trên trời dưới đất.
Loáng cái đã xong mấy chén cơm, cái lẩu và dĩa bún to. Trúc hỏi cu
Quẳng: Ngon không? Quẳng cười hì hì ưỡn cái bụng ra : Dạ, no quá cô
ơi, dì Sâm ơi, ông Mừ ơi ! Sâm bảo “Phải gói về cho ngoại nữa chớ”.
Dạ, dạ, dì Sâm tốt thiệt. - Sâm lè lưỡi nháy mắt với Trúc và ông
Mười. Ông già vừa thong thả uống ngụm nước vừa nhướng đôi mắt đùng
đục nhìn ra xa… Bên kia đường đang rộn ràng người xe qua lại. Những
chậu hoa tươi xếp hàng chạy dài rực rỡ sắc màu khởi từ ngã tư thị
xã chạy đến tận cuối giáp với cải lộ tuyến…Trúc nhìn ngọn Hòn
Hèo in bóng giữa trời cao, nắng đã xế ngọn trên hàng cây xanh phía
Lăng. Phải về sớm vì nhà ông Mười ở xa.
Trúc ngập ngừng “Bác Mười, Sâm và Quẳng này, cuối
năm, nhận chút quà Tết cho vui nghe..”. Trúc rút trong cái giỏ ra ba
đôi dép mới ! Nhìn những bàn chân trước mặt, nhìn lại đôi bàn chân
mình. Giống nhau ở điểm, những đôi chân tần tảo vượt ngàn dặm qua
cuộc đời mong manh, chưa một lần biết cái gọi là “lên xe xuống ngựa”.
Rảo bước mỏi mòn, gánh trên vai những sinh mệnh khác, và vẫn đi, vẫn
đi ! Nhìn những con mắt sáng lên nhìn chằm chằm món quà trên tay, Trúc
rộn nỗi vui, cô pha trò thêm : “Quà nhỏ thôi, nhưng có ý nghĩa lớn
lắm. Chiêm bao mà thấy thay dép giày là đổi được địa vị, nghèo hóa
giàu đó.” Sâm hít hà ngắm nghía đôi dép mới vừa mang vào “Thích
quá, thích quá. Chị giỏi thiệt, vừa chân em”. Ông Mười ý nhị hơn “Cứ
tốn tiền cô hoài”. Cu Quẳng giành lấy đôi dép xỏ ngay vào chân. Mấy
ngón chân nứt nẻ ngọ nguậy trông thật buồn cười. Rồi bất ngờ hỏi
“Có dép mới cho ngoại Quẳng không?”. Trúc đưa ra cái gói, chân người
già nhỏ lại, nên đôi dép như của trẻ lên mười “Ừ, của ngoại
Quẳng nè”.
Đại tiệc cuối năm tạm dừng. Cu Quẳng về theo Sâm. Ông
Mười chuẩn bị ngược Ngã Ba Trong. Chợt ông bật cười : Cô ơi, già cả
lẩm cẩm quá. Tui cũng chuẩn bị quà Tết cho cô mà suýt quên …. Ông
cẩn thận rút ra từ túi áo một tờ giấy vở gấp tư ngay ngắn: - Đây cô,
tui nhờ đứa trẻ ở xóm, chép mất một ngày đó. Bài Kinh Đại Bi
cầu cho cô phước lớn mạng lớn tai qua nạn khỏi…
* * *
Trúc đứng lại dưới gốc cây xà cừ lộng gió, nâng niu
cảm động món quà tặng cho mình. Rồi nhìn những bàn chân đang xa dần
kia mà lòng ấm áp niềm vui. Ơn đời, trong chốn thiên-đường-mù này,
vẫn còn sót lại đâu đó góc địa đàng của tình người tử tế tìm
nhau… Dường như trên tờ giấy học trò với những hàng chữ nắn nót
nguyện vẹn bài Kinh Phật, có cánh sen hồng lung linh nở ngát, nâng đỡ
những đôi chân mòn vẹt phận người đang lướt nhẹ nhàng như mây trôi
trong chiều sương lạnh cuối năm…
2 nhận xét:
Thật tuyệt
Viết hay quá !
Đăng nhận xét