Ngọc Lan
|
David
Dunlap, chính là chủ nhân của Bồ Ðề từ hơn một năm qua |
WESTMINSTER (NV) – Bước chân vào tiệm bán thức ăn chay mang tên Bồ Ðề nằm bên hông Phước Lộc Thọ, gần bãi đậu xe, nhiều thực khách sẽ ngạc nhiên khi thấy có một người Mỹ trắng ngoài 50 tuổi, cao dong dỏng, làm “bồi bàn” ở đây.
Nghĩ ông là “bồi bàn” bởi vì người ta có thể gọi ông lại để
nhờ cho thêm cái tô, cái muỗng. Người ta có thể gọi ông lại để “order” món ăn.
Và người ta thường thấy nhất là hình ảnh ông khi thì đẩy xe đi dọn bàn, lau
bàn, khi thì cầm cây lau sàn nhà. Có lúc người ta lại thấy ông đứng cạnh quầy
tính tiền nói chuyện với khách. Rất nhiệt tình, rất niềm nở.
Thế nên hầu như ai cũng ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi biết ông
không phải người “working for food” - đi làm để kiếm bữa ăn qua ngày, mà ông,
David Dunlap, chính là chủ nhân của Bồ Ðề từ hơn một năm qua.
Anh Bình Vũ, một trong số những nhân viên của tiệm Bồ Ðề, từng
“rất ngạc nhiên” khi nghe tin “có một ông Mỹ mua lại nhà hàng này.”
“Ai cũng ngạc nhiên hết chứ không phải chỉ có mình tôi. Ai
cũng hỏi tại sao lại có một ông Mỹ vô đây làm chủ một nhà hàng Châu Á mà lại là
nhà hàng chay nữa!” Anh Bình cười nhớ lại.
Chính vì vậy nên thoạt đầu anh Bình cảm thấy “ông này mạo hiểm
quá vì ông có am hiểu gì về tập quán người Việt Nam của mình đâu mà lại nhào
vô?”
Thế nhưng, sau hơn một năm đổi chủ, anh Bình và những nhân
viên ở đây cho rằng “quyết định của David là đúng.”
Theo lời David thì ông “về hưu sớm” được vài năm, sau hơn 30
năm làm việc trong ngành cảnh sát.
“Thấy tôi sang lại nhà hàng chay này nhiều người tưởng tôi
là người tu hành. Nhưng không phải. Tôi không phải đạo Phật, tôi cũng không ăn
chay. Tôi là một người Mỹ, theo đạo Công Giáo. Nhưng tôi là người cởi mở và biết
mở lòng ra với mọi người,” ông nói.
|
Bún bò Huế chay, món được khách hàng yêu thích nhất của nhà hàng |
Ông kể đã đến Việt Nam 12 lần, đến Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng,
Hội An... nhiều lần. Ông không có những mối quan hệ ruột thịt với người Việt,
nhưng ông có nhiều kỷ niệm với họ.
Ông kể rằng 13 năm trước, lần đầu ông đến khu Little Saigon,
vào tiệm Lee's Sandwiches mua ly cà phê sữa đá. Người ta đưa cho ông tờ giấy
ghi số “11”. Ông cầm giấy và đứng chờ. Nhưng chờ mãi không thấy tới phiên mình,
bởi vì “họ đọc số toàn bằng tiếng Việt, 'mừ mót,' mừ mót.'” Ông không hiểu gì hết
cho đến khi có người nhìn số giúp ông.
“Tôi biết có người ở đây cả 25 năm nhưng họ không biết tiếng
Anh, bởi vì ở đây tất cả đều có thể dùng tiếng Việt, từ đi bác sĩ đến ra ngân
hàng, đâu đâu cũng tiếng Việt, rất tiện lợi. Ðó là một nét văn hóa của người Việt
nơi đây,” ông nhận xét.
Ông kể, có khi ông cầm tờ giấy liệt kê những món mà đầu bếp
yêu cầu ông đi chợ để mua, nào rau, nào tăm, nào đậu... “Khi có món nào không
tìm ra được, tôi hỏi nhân viên trong chợ thì ai cũng hỏi tôi rằng 'ông lấy vợ
Việt Nam à?'”
Cũng theo ông David, có lẽ không đâu lại có nhiều người Việt
từ khắp nơi đến hội ngộ như tại Little Saigon này.
“Trong cùng một nhóm đến nhà hàng ăn, đều là người Việt mà
có người đến từ Washington, Minnesota, Texas, Florida, Ohio, từ Ðức, từ Úc, từ
Canada... Tôi nhìn thấy được sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam,” ông nhận xét.
Với nhà hàng Bồ Ðề, sau hơn một năm làm chủ, ông David cũng
có nhiều chuyện vui ngộ nghĩnh.
Như đã nói, hầu như ai lần đầu đặt chân đến nhà hàng Bồ Ðề,
nhìn thấy ông Mỹ trắng, cũng nghĩ ngay ông là người giúp việc tại đây. Và tâm
lý của người Việt dường như cũng có điều gì đó hào phóng, rộng rãi đối với người
Mỹ (không biết có phải xuất phát từ suy nghĩ đất nước này đã mở rộng vòng tay
cưu mang dân tị nạn Việt Nam, nên khi nhìn thấy người Mỹ “làm việc cho người Việt”
như thế thì cảm thấy có gì “tội nghiệp”?) Thế nên, ông David kể, một lần, có một
nhà sư đến tiệm dùng bữa. Trông thấy ông, nhà sư ngoắc lại theo kiểu Việt Nam
“hey, you.” Ông bước tới hỏi: “Ông có cần giúp gì không?” Nhà sư đưa cho ông
David $5.
“Có lẽ nhà sư nghĩ tôi vào phụ việc để kiếm bữa ăn trưa nên
thương tình cho tôi tiền. Ðến khi nghe những nhân viên trong tiệm nói 'ông là
chủ mới ở đây đó!' thì nhà sư lấy lại $5, không cho nữa.” Chủ nhân nhà hàng Bồ
Ðề cười sảng khoái khi kể lại câu chuyện này.
Không chỉ có nhà sư tốt bụng đó, mà còn nhiều khách hàng
khác, có người trông rất sang trọng, lịch sự, cũng “động lòng trắc ẩn” cố nhét
thêm vào tay cho “ông bồi bàn người Mỹ” ít tiền. “Tôi từ chối thì họ cứ ra hiệu
cho tôi lấy đi, cuối cùng tôi cám ơn và cho tiền vào trong hộp tiền tip của
nhân viên,” ông kể tiếp.
Những câu chuyện tương tự khiến ông David cảm thấy vui và
thêm yêu thích những người khách nơi đây.
Dĩ nhiên, khách đến tiệm Bồ Ðề và còn muốn quay trở lại là
vì sự nhiệt tình, vui vẻ của chủ nhân, của nhân viên, và hơn hết còn vì món ăn ở
đây ngon. Nhiều người thích món bún bò Huế, bún riêu, chả giò ở đây, nhưng với
tôi thì món bún Thái lại là món ngon tuyệt (có điều ai không thể ăn cay thì nên
tránh). Bò bía chay ở đây cũng khó mà chê được.
Thấy trên trang web nổi tiếng Yelp có rất nhiều lời nhận xét
tốt về Bồ Ðề, trong đó có khách hàng tên Kenzie K. viết rằng cô vô cùng cảm
kích khi thấy ông Mỹ ra giới thiệu với cô từng món ăn khi cô nói cho ông biết
đó là lần đầu cô đến nhà hàng chay này.
“Tôi chưa có ăn hết các món trong menu của nhà hàng, nhưng
tôi có thử nhiều, thích nhất là bún bò, bún riêu. Lần đầu tiên tôi nhìn đĩa đậu
que xào trong menu tôi hết hồn, vì tôi chưa từng nhìn thấy món ăn như vậy bao
giờ. Nghe khách hay gọi món gì tôi cũng muốn ăn thử xem nó như thế nào để khi
người khác hỏi tôi biết giải thích.” David trả lời câu hỏi “làm sao để có thể
giới thiệu món ăn đến cho thực khách?”
Ðến Bồ Ðề, người ta thường thấy ông Mỹ lên tiếng chào khách
mới đến, hay hỏi thăm xem thức ăn có ngon không khi họ đến trả tiền. Những lúc
không quá bận rộn, ông lại đến chuyện trò với những khách hàng có thể nói tiếng
Anh với ông, dù ông cũng đang học nói tiếng Việt để có thể gọi tên một vài món
ăn như “bún riêu, bún bò Huế, phở áp chảo” hay đếm số “một, hai, ba, bốn, năm,
sáu...” để “có cơ hội tiếp xúc gần hơn với khách hàng hơn,” như ông nói.
Một điều đặc biệt nữa, như anh Bình Vũ nhìn nhận là “chưa có
nhà hàng Việt nào thực hiện”, đó là: những em học sinh, sinh viên nào mang đến
bảng điểm toàn điểm A đến thì sẽ được ăn miễn phí!
|
Tôi
đến hỏi thăm và nói cho khách biết nếu các em học sinh có toàn điểm A thì sẽ được
ăn miễn phí. Có em hỏi thế thì có 1 điểm B thì sao, tôi bảo thì uống nước lạnh
thôi, còn nếu có điểm C thì ra xe ngồi chơi |
David nói một cách khôi hài, “Tôi đến hỏi thăm và nói cho
khách biết nếu các em học sinh có toàn điểm A thì sẽ được ăn miễn phí. Có em hỏi
thế thì có 1 điểm B thì sao, tôi bảo thì uống nước lạnh thôi, còn nếu có điểm C
thì ra xe ngồi chơi!'”
Là khách hàng đến Bồ Ðề vào mỗi Thứ Tư, ông Chồng Sum Nguyễn,
nhà ở tận Victorville, thuộc San Bernardino County, chia sẻ: “Khoảng 5 năm trước
tôi có đến đây một lần nhưng mà sau đó thì không đến nữa vì không thích. Hơn nữa
khi đó chúng tôi vẫn còn ăn mặn chứ chưa ăn chay trường như bây giờ. Khoảng 1
năm trước đây chúng tôi quay trở lại đây thì thấy có sự thay đổi, sạch sẽ hơn,
ông chủ và nhân viên đều rất tử tế, tiệm sạch sẽ hơn.”
Tuy nhiên, có một lý do khiến cho vợ chồng ông Sum chọn nơi
đây để trở lại hàng tuần là vì, “có lần vợ chồng tôi kêu cái lẩu nhưng mà cay
quá nên bà xã tôi ăn không nổi nhưng đó là do lỗi mình không nói trước chứ
không phải lỗi do tiệm. Chúng tôi định mang về, nhưng khi đứng lên trả tiền thì
cô dọn bàn nhanh tay quá đổ mất.”
“Ông chủ này nghe thấy chạy đến xin lỗi, rồi mang cái bánh
chưng chạy ra tặng nữa, trong khi mình đã de xe chạy rồi.” Ông Sum kể.
Bà Thúy Anh Nguyễn, vợ ông Sum, tiếp lời, “Ông chủ tử tế, thức
ăn ở đây ngon mà cũng rẻ nữa nên Thứ Tư nào chúng tôi cũng đến, dù tụi tôi ở tận
Victorville, lái xe đến đây cả tiếng rưỡi lận.”
Nếu muốn thử một lần làm quen với thức ăn chay, muốn quan
sát, chuyện trò với “ông Mỹ trắng” làm việc ngay trung tâm Little Saigon thì
nên “né” các ngày Mùng Một và Rằm, vì nếu không, bạn sẽ phải chờ đó!