Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

TRẺ EM SÁU THÁNG ĐÃ BIẾT NHẬN RA NGƯỜI TỬ TẾ

BS Nguyễn Hoài Vân

Các quan hệ xã hội được nhận thức và đánh giá rất sớm trong cuộc đời, và có nhiều hy vọng là kết quả của quá trình tiến hóa, đã được ghi vào các gen của mỗi người chúng ta.


Trẻ em dưới tuổi biết nói có thể nhận ra những người có thái độ tử tế và bày tỏ cảm tình với những người này.
Một loạt thí nghiệm được thực hiện trên 12 em bé 6 tháng và 12 em bé khác vừa được 10 tháng bởi Kiley Hamlin và cộng sự thuộc Đại Học Yale. Người ta chú ý đến hai biểu hiện. Một là biểu hiện lựa chọn : em bé có những cử chỉ đi đến người mà em thích. Hai là biểu hiện chăm chú và ngạc nhiên : em bé chú ý nhìn lâu hơn một hiện tượng làm cho em bị bất ngờ.

Đầu tiên người ta để cho các em bé làm quen với một người gỗ đang cố gắng trèo lên một ngọn đồi. Sau đó, một người khác can thiệp giúp đỡ người gỗ, rồi một người thứ ba xuất hiện cản trở sự leo trèo ấy.

Thứ đến, người ta khuyến khích các em bé biểu lộ cảm tình của mình với nhân vật đã giúp đỡ hay đã khuấy phá, ngăn cản, người gỗ nọ. Các em bé chọn đi về phía người tử tế, đã giúp đỡ anh người gỗ, một cách rất rõ rệt (chỉ số thống kê : p = 0,002).

Mặt khác, các em bé 10 tháng bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy anh người gỗ đến gần nhân vật phá hoại, không tử tế, và dửng dưng trước việc anh ta đến gần người tử tế. Trong khi đó, bé 6 tháng không hề bày tỏ sự ngạc nhiên này. Như thể ở tuổi ấy, các em chưa biết tự đặt mình vào chỗ của người gỗ để dự đoán sự chọn lựa của anh ta trong việc thân thiện với người giúp đỡ mình hay người phá mình.

Tiếp theo đó người ta biến người gỗ thành một sự vật vô tri (người ta xóa mất hai con mắt của anh ta, và làm cho anh ta trở thành bất động). Sự kiện giúp hay ngăn trở người gỗ không còn diễn tả một tương quan xã hội nữa, mà chỉ như đẩy một khúc gỗ lên hay xuống một ngọn đồi. Khi ấy chỉ còn 6/12 bé 10 tháng và 4/12 bé 6 tháng « cảm tình » với người đẩy khúc gỗ lên đồi, ít hơn hẳn kết quả trong thí nghiệm trước. Điều này chứng tỏ sự cảm tình của em bé được dành cho một thái độ tương trợ « xã hội », giữa những nhân vật của một « xã hội », chứ không phải chỉ là chuyện « đẩy lện » hay « đẩy xuống » một sự vật.

Người ta cũng đưa vào câu chuyện nhưng nhân vật dửng dưng, không giúp, nhưng cũng không phá anh người gỗ trong việc trèo lên ngọn đồi. Các em bé vẫn bày tỏ cảm tình với những người tử tế, giúp đỡ « tha nhân », hơn là đối với người dửng dưng và người phá hoại.

Thí nghiệm này cho thấy các quan hệ xã hội được nhận thức và đánh giá rất sớm trong cuộc đời, và có nhiều hy vọng là kết quả của quá trình tiến hóa, đã được ghi vào các gen của mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong một quá khứ xa xôi, nơi những giống sinh vật bắt đầu sống thành đoàn nhóm, khả năng hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau nhất định đã là giá trị sinh tồn của các chủng loại sống còn được đến ngày nay, trong đó có con người.

Không có nhận xét nào: