Nguyễn Hữu Tài
1.
Mãn tang ngoại đâu được ít ngày, cậu Bảy đùng đùng kêu dì
Năm xuống nhà dì Ba ở tạm vài tháng cho người ta chở gạch ngói tới, đập nát căn
nhà từ đường, cất lại cho mướn. Cậu chống nạnh chỉ trỏ, “đường người ta nâng
lên cả thước, không cất lại trời lụt nước vô ngập tới bản họng. Chị một thân một
mình ở chi nhà bự. Để tui cho mướn lấy tiền làm đám giỗ ông bà”.
Dì Năm chưng hửng. Kêu trời không thấu. Căn nhà này, một tay
dì gầy dựng bấy nhiêu năm giờ đổ sông đổ bể. Nhưng thân đàn bà cô quạnh, đâu có
cãi lại ông em đích tôn lớn lệnh ấy. Cậu cất một gian phòng nhỏ trên nền kho chứa
bột rồi bảo dì dọn đi. Dì lủi thủi ôm cây thánh giá, tượng Đức Mẹ, nước mắt vắn
dài, quơ vội mớ áo quần vô đó lay lắt sống qua ngày.
2.
Tôi qua thăm những ngày về vội vã. Dì gần tám mươi, tóc bạc
trắng, gầy nhom, nhưng rất đẹp lão. Tuy yếu nhưng dì vẫn giữ thói quen sáng chủ
nhật nào cũng dậy thiệt sớm, thả gầu xách nước giếng, nấu một nồi bồ kết, gội đầu
thiệt kĩ, lấy dầu dừa vuốt tóc cho bóng, mặc áo dài trắng, quần lãnh đen, xách
dù tới nhà thờ đi lễ. Dì run run, rờ lên mặt tôi, xúc động:
Bữa giờ tao bịnh, khó chịu trong người. Cả ngày hôm nay cứ
nôn trong ruột, nghĩ chắc có khách nào tới thăm. Mà cả đời Năm có chơi với ai
đâu. Ai dè bây tới làm tao mừng hết sức.
Thấy Năm khỏe là con an tâm rồi. Năm ăn uống được hông?
Tao ở đây với cả đống người nhưng như ở một mình. Cơm nước tự
lo, bữa nào khỏe thì lần ra chợ mua ít thịt về nấu canh lua cơm cho dễ. Đi
không nổi thì ráng xách cà mèn ra quán trước ngõ mua cơm. Mà dạo này tụi nó nấu
khô quá, nuốt chả trôi.
Dì ở vậy cả đời với ngoại. Hai mẹ con tối lửa tắt đèn hủ hỉ
có nhau. Mấy năm trước, không ai ở nhà, ngoại trèo lên ghế, với tay lấy cây chổi
lông gà, trợt té gãy chân rồi nằm liệt giường hơn ba năm thì mất. Giờ dì không
chồng, chẳng con, nhờ người em ở Mỹ mỗi tháng gửi ít tiền xoay sở chi tiêu
trong căn phòng hơn chục mét vuông ẩm thấp.
3.
Hồi đó má bán đường tán, dì bán bột ở chợ Ninh Hòa. Tôi ra
chơi, thấy thằng nhỏ mới tí tuổi đầu mà nói năng rành rẽ, dì thương quá nên xin
về nuôi. Má cười, chị có thương thì ẵm nó về chơi vài bữa rồi trả lại, chứ con
em rứt ruột đẻ ra, cho sao đành hả chị?
Dì dẫn tôi về, sắm đồ cho mặc. Sáng nào cũng cho cả nắm tiền chạy ra ngõ ăn hàng. Dì đi chợ, tôi nằm trên võng với ngoại đong đưa nghe kể chuyện đời xưa. Những bà tiên, ông bụt, cô Tấm, nàng Cám…từ kho cổ tích của ngoại, cứ như thế đi vào thế giới tuổi thơ êm ả của tôi.
Dì dẫn tôi về, sắm đồ cho mặc. Sáng nào cũng cho cả nắm tiền chạy ra ngõ ăn hàng. Dì đi chợ, tôi nằm trên võng với ngoại đong đưa nghe kể chuyện đời xưa. Những bà tiên, ông bụt, cô Tấm, nàng Cám…từ kho cổ tích của ngoại, cứ như thế đi vào thế giới tuổi thơ êm ả của tôi.
Lớn lên, tôi ít qua chơi vì nghe người ta to nhỏ là nghe đâu
có đứa muốn dì nhận làm con nuôi, mai sau giành gia tài. Dì nhắn năm tin bảy
tin kêu qua vì ngoại nhớ. Má bắt đi, tôi dùng dằng, cằn nhằn cử nhử nhưng cũng
quai ngồi chưa nóng đít đã xin phép về, chẳng bao giờ ngủ lại như ngày xưa nữa.
4.
Dì với tay lấy rổ trầu. Tôi nhanh nhảu, “Để con têm cho Năm
một lá nhen”. Tôi lựa lá thiệt tươi, ngắt cuống, quệt vôi, xé dún, cắt miếng
cau khô, bỏ vào trong ống đạn giã nhuyễn. Dì trầm trồ:
Mấy chục năm rồi mà bây hổng quên heng.
Quên sao được hả Năm?
Dì nhai nhóp nhép. Trầu quyện với vôi, đỏ thắm, dính hai bên
mép. Dì đưa hai ngón tay lên chùi, rồi quẹt vô ống quần. Tự nhiên tôi thấy dì
giống ngoại y chang. Giống cái kiểu ngồi trên võng đong đưa, nhai trầu từ tốn,
lấy thuốc rê chà răng, rồi quẹt tay vào quần. Răng ngoại yếu nên trầu phải giã
cho nát. Ngoại chỉ tôi têm trầu, bảo không được bỏ nhiều vôi ăn phồng miệng. Cực
chẳng đã, nhà hết cau tươi mới xài cau khô ngâm nước chứ hổng ngon lành gì. Cứ
hai ba bữa, dì Năm đi chợ, mua về một xấp trầu bà tươi xanh, còn nguyên cuống,
lau thiệt sạch, xếp vô túi ny lông, bỏ vô rổ. Cau tươi nguyên trái bổ làm đôi,
cái mùi hăng hăng, khó chịu. Trầu đắng nghét, chả ngon lành gì mà hổng biết sao
ngoại nhai cả ngày hổng chán, nhiều bữa quên ăn cơm. Ngoại nói tại ăn sáu bảy
chục năm nay, thành ghiền rồi, bữa nào thiếu lạt miệng chịu không nổi. Có lần
tôi thử têm cho mình một lá, bỏ vô miệng nhai, lật đật nhổ ra không kịp vì cay
xé họng.
5.
Mỗi lần nhắc chuyện chồng con, dì hay cười bẽn lẽn. Nói nào
ngay hồi đó tao cũng thương một ông ở bên mé kia sông. Quen nhau gần hai năm chứ
ít ỏi chi bây. Hai đứa hứa hẹn đủ điều, định qua nhà hỏi xin cưới. Ai dè ổng bị
bắt quân dịch, cố trốn hoài mà đâu có được. Lúc đi, ổng hứa vài năm sẽ về để
mang trầu cau qua tính chuyện cưới xin. Nào ngờ ổng đi biệt tăm biệt tích mấy
chục năm nay hổng thấy về. Tao trách hoài, đi đâu dữ không biết, hứa cho đã rồi
hổng dzìa, không thương thì cũng ghé nhà nói giùm một tiếng để tui an tâm đi lấy
chồng, chớ im im kiểu này thì tội tui quá!
Nhiều khi nghe loáng thoáng có đơn vị nào hành quân qua, dì
cũng sấp ngửa chạy ra cầu Dinh đứng ngóng. Bao bận như thế mà người xưa cứ tăm
cá bóng chim. Đứng đó mỏi chân, chờ hổng được nữa thì quệt nước mắt lủi thủi lết
về. Đằng đẵng mấy chục năm, riết rồi ế lúc nào chả hay. Cũng có đám tới đánh tiếng
nhưng cứ so đo vì chẳng ai bằng ổng. Mà có hơn cũng hổng dám lấy. Lỡ yên bề gia
thất, ổng về bất tử, biết ăn nói làm sao?
- Dạo này khó ngủ lắm bây à, cứ ba bốn giờ sáng là tao dậy
đi lòng vòng cho khỏe rồi vô phòng đọc kinh tới sáng. Đôi lúc Năm nghĩ, tự
nhiên bữa nào Chúa thương, đưa đường dẫn lối, khiến ổng lù đù đi vô hỏi thăm
nhà con Năm bán bột. Chắc lúc đó tao chết vì mừng quá. Mấy chục năm rồi, cảnh vật
thay đổi hết trơn, đường xá nâng lên cả thước, người ta đập nhà tranh, cất nhà
ngói, lên lầu đầy rẫy. Nhưng bây coi đó, miếng đất này chưa một lần đổi chủ. Ổng
có đi ngang qua chắc cũng lờ mờ nhớ. Nói vậy thôi, chớ ổng còn sống, cũng tám mấy
tuổi rồi. Già cả hết rồi, yêu đương gì nữa.
Dì đứng dậy, phủi đít quần, bây ra đây Năm chỉ cho coi cái
này.
6.
Dì nắm tay tôi, chầm chậm ra phía bờ sông, băng qua đám ruộng,
chỗ hồi nhỏ sáng nào tôi cũng hay coi mấy anh chị trong nhà be bờ, tát nước. Họ
không trồng lúa, chỉ trồng đậu phộng, đậu xanh, thỉnh thoảng đổi qua trồng mía,
khoai lang. Làm ra cũng chẳng bán, để trong kho ăn dần.
Bây thấy gốc sầu đâu hông? Hồi xưa tao với ổng hẹn hò ở đó
đó. Bữa nào Năm bưng thau đồ ra giặt, ổng cũng bơi ghe qua ngồi nói dóc cả buổi
mới chịu về. Lúc ổng đi, cứ chiều chiều tao ra đó ngồi thẫn thờ ngó qua nhà ổng.
Hổng biết để làm gì, ngó cái chi cũng không rõ. Nhiều bữa nhớ quá, ngồi khóc tại
chỗ luôn. Đâu cỡ bốn chục năm trước, họ bán nhà đi đâu không ai biết. Tao giờ
hơi hám hổng còn, bưng thau đồ không nổi, toàn mướn người ta giặt. Nhiều lúc nhớ
ổng, buồn buồn, lại ra đây đứng ngó cho…buồn hơn.
Cây sầu đâu già cỗi, chớm đông, cành trơ không còn chiếc lá,
rễ bám sâu vào lòng đất, lặng lẽ nghiêng mình, soi bóng trên bến sông Dinh. Tới
tháng hai, tháng ba, bắt đầu ra bông phơn phớt tím cành. Bao mùa sầu đâu đi qua
hờ hững, dì cứ trông hoài, ngóng mãi, mà chẳng thấy người trở lại hả người ơi?
Mà dì cũng kì, hẹn đâu không hẹn, lại hẹn ngay gốc sầu đâu. Nội cái tên nghe đã
buồn thảm não.
7.
Bữa nay bây bao nhiêu tuổi rồi?
Dạ con ba mươi rồi đó Năm.
Nhanh ghê nơi, mới hồi nào lũn đũn chạy theo tao xin tiền ăn
sáng mà giờ đã nửa đời người. Thôi lấy vợ đi. Có con cháu ẵm bồng, mai sau già
cả có người bưng cơm vừa nước. Đừng như Năm...
Dì bỏ dở câu nói, thở dài, chắc lại muốn khóc.
Chuyện nhà cửa giờ tính sao hả Năm?
Bây coi, tao già rồi, sống nay chết mai, có chỗ chui ra chui
vô là may phước lắm rồi. Giành giựt chi nữa. Nhưng buồn lắm, nằm đêm nghĩ cứ
khóc hoài. Dù gì cũng là chị em ruột thịt mà ổng nỡ đối xử với tao như vậy. Hồi
nhỏ, tao thương ổng, cái gì cũng nhường nhịn hết. Lớn lên, một tay dựng vợ gả
chồng cho ổng. Vậy mà…
Thôi Năm đừng khóc nữa, hổng có tốt cho sức khỏe đâu. Con
nghĩ chuyện gì cũng đều có trời đất chứng hết. Ai làm ác mai hậu sẽ lãnh thôi
mà. Bữa nào giỗ má con, dì qua chơi nhen.
Ừa, để tao ráng qua. Dạo này cứ trở trời là tao thấy yêu yếu
trong người. Xương cốt mỏi nhừ. Lần cuối đi ăn giỗ má bây cũng hổng chừng. Chắc
tao sắp theo chỉ. Hai bà già hẹn nhau ở trển, mở sap bán đường bán bột kiếm lời.
Tôi về, dì tiễn ra cổng, nắm tay, áp vào má mình mà khóc
thút thít. Dì luôn nói tôi là con trai mà có bàn tay dài, thon thả, thiệt đẹp,
mai sau chắc thành nghệ sỹ nổi tiếng lắm đây. Vậy mà lớn lên, tôi long đong đủ
nghề trên xứ người, vất vả kiếm sống, có làm được như những gì dì hồi xưa từng
mong ước.
Thôi Năm vô nghỉ cho khỏe đi. Lần sau về con lại ghé thăm.
Năm ráng uống thuốc sống tới trăm tuổi nhen.
Thôi, sống chi cho lâu cực lắm. Vài bữa có về nhớ ghé thăm
Năm nhen con. Tao ở đây nhiều bữa buồn quá, chẳng có người nói chuyện tầm phào
cho qua ngày đoạn tháng…
8.
Tháng tư năm ấy, người ta rầm rộ xây bờ kè bê tông cốt thép
dọc sông Dinh chống lở đất, luôn tiện lập thành tích mừng thị trấn lên thị xã.
Miếng ruộng phía sau bị vô một khúc, cây sầu đâu bị bứng gốc quăng đi. Nghe đâu
dì buồn quá, nằm liệt hết mấy ngày. Lúc tỉnh hồn, dì lần ra bến, lượm mớ hoa cuối
mùa rơi vãi trên nền đất, phơi khô, bỏ vô bịch nylon treo lủng lẳng trên đầu
giường ngủ.
Hổng biết từ rày đổ lại, mỗi chiều buồn nhớ người tình cũ,
dì có còn ra bờ sông, ngó qua bến vắng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét