Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

MƯỜI NĂM ĐI VÀ SỐNG VỚI SƠN NAM: SIÊU ĐẠO ĐỨC

ĐT


Từ năm 1998 trở đi, chân dung, ngòi bút của Sơn Nam ngày càng phổ biến trong mọi tầng lớp quần chúng gần xa. "Khi vui thì vỗ tay vào".
Đầu hẻm nghèo nơi sống của chúng tôi, mọi người thường thấy có những chiếc ô tô quý tộc lộng lẫy đến đậu. Họ là doanh nhân, đại gia tư sản ... "ngoại đạo". Họ trịnh trọng vào nhà mời mọc chúng tôi đi vui chơi ăn uống. Họ đưa về các dinh thự đồ sộ, nguy nga tráng lệ của họ ở Lái Thiêu, Thủ Đức ... Nơi đó có gia đình có lắm vai vế thân nhân bạn bè của họ, chiêu đãi linh đình, sơn hào hải vị.
Họ lễ mễ đem ra hàng khối sách đồ sộ của Sơn Nam vừa được tái bản thơm phức, cũng vừa mới mua, khoe khoang và trịnh trọng đưa cây bút vàng xin tác giả ký tặng. Dưới những ánh đèn chớp lóe chói chang, các đại gia dan díu hôn ông, tay choàng vai, tay nâng ly sâm banh chúc tụng nhà văn sang giàu hạnh phúc, bách niên giai lão ... quay phim, chụp hình liên tục.
Họ cho biết những tác phẩm, mọi hình ảnh của nhà văn họ sẽ đặt để lên ngai vàng, cạnh tượng điêu khắc chân dung Sơn Nam bằng quí kim trong các cơ ngơi của họ tại Việt Nam và các chi nhánh làm ăn của họ ở các nước trên khắp thế giới.

* * *
Quay về cảnh cũ tại nhà, lúc ngồi gặm bánh mì chấm nước tương, Sơn Nam lục những tấm hình và các danh thiếp cao cấp của họ ném vào sọt giấy.
Thấy thế tiếc quá tôi lượm lên và còn giữ kỹ đến ngày nay. Tôi còn phản đối:
- Ông phụ lòng tốt của họ.
Sơn Nam làm thinh.
Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi cần chừng hai triệu bạc để có dằn túi về đồng bằng sông Cửu Long chụp ảnh viết bài theo đơn đặt hàng của các báo.
Tôi hí hửng lấy số điện thoại theo các danh thiếp họ đã trao, hồi hộp gọi đến và trình bày hỏi tạm mượn. các đầu giây nói bên kia đều trả lời:
-Để xem. Hoặc cúp máy cái rụp.
Sơn Nam mắng tôi:
- Anh là đồ đội quần!

Không có nhận xét nào: