Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

THẦY MỒI CHIM

Mạc Can

Đi gánh hát vườn, tức là các gánh hát nhỏ, nhiều khi tủi thân, nhưng cũng có chuyện vui. Ban đêm mới hát, còn ban ngày hát cho ai coi. Cho nên anh em "nghệ sĩ" thường dạo trong vườn bắn chim hay mồi chim cho đỡ buồn (sẵn dịp o mèo luôn).Vì vậy mà tôi biết thêm cái nghề là lạ. Đó là nghề bẫy chim cu, nghề nầy sống được hơn đi hát nhiều. Người đi mồi chim cũng gần giống như người dùng vợt bắt cào cào, nghề không phải bỏ vốn, và nói riêng về chim thì "giá thành" một con chim cu cườm biết gáy lên xuống ... theo giá vàng. Cu cườm phải biết gáy mới có giá, nếu không thì cũng chỉ là chim thường. Chim ở ngoài chợ giờ khác với chim do các nghệ nhân tập luyện. Một con chim cu mồi có nghề, không biết trước được giá là bao nhiêu, vì đó là thú vui, nhiều khi còn là một nghệ thuật. Người chơi thấy thích là mua, ít khi trả giá, thường là người già rảnh rang có tiền mới chơi.
Một thời lưu linh theo các gánh hát vườn, tôi có nhiều kỷ niệm. Về Sài Gòn rồi tôi cũng có lúc đi bán bồ câu, chim kiểng, nhưng chưa rành về cách mồi chim cu.
Tôi có quen một người, chuyên dùng chim mồi, đã tập luyện, chọc cho nó gáy để bẫy một con chim khác vào lồng. Người nầy tướng tá bậm trợn, trước kia làm kép độc, cũng trong một gánh hát vườn, tiếng nói ồ ề cà lăm, nhưng khi ông ta bắt chước tiếng chim cu gáy thì nghe êm tai, êm tới nỗi chính con người là tôi cũng mê tơi. Trời cho vậy đó, mấy ai có được.
Tôi kêu ông thầy bẫy chim nầy là ông Năm Kép. Ông nói:
- Chuyện đời cũng ngộ. Qua đâu phải kép hát, chỉ vì mê một cô đào hát mà theo gánh hát vườn. Mất hết hồn vía, tiêu tan chì với chài, rồi trở thành kép độc. Chuyện đó cho qua, mà nhờ vậy mới học được cái nghề mồi chim cu, bây giờ thì nói nào ngay cũng có nhà cửa, sống được.
Sự tích của thầy Năm và nghề bẫy chim nghe thú vị lắm. Có lúc người ta nuôi cá kiểng, rồi nuôi bồ câu, sau đó dẫn tới việc nuôi chim. Chim khoen, chim hoàng yến, sáo, két, chích chòe và chim cu ... Cho nên, đúng là thầy Năm sống khỏe, tiền bạc thảnh thơi, thầy nói có nhà cửa là nói khiêm tốn. Thiệt ra thầy còn có một tiệm trao đổi và buôn bán chim, lồng mây tre nuôi chim và thức ăn cho chim. Thầy nói:
- Nghề nầy hay một cái là được đi đây đi đó. Vừa là nghề kiếm cơm mà vừa vui chơi.
Khi nghe thầy Năm nói, tôi chỉ quan tâm đến một việc. Không thể hình dung nổi người ta mà gáy được tiếng chim cu. Tôi hỏi thầy Năm:
- Có khó gáy không thầy Năm?
- Khó thì không khó nhưng phải gáy cho giống. Hôm nào chú em mình đi theo tôi vô vườn cho biết.
Lại vô vườn, câu nói nầy khiến cho tôi nhớ lúc theo gánh hát dưới quê. Lúc đó tôi cũng mê tít cô nàng chuyên môn đóng vai tì nữ. Tôi nói đùa cho vui:
- Gáy hay, con gái trong vười xách gói đi theo nhiều lắm hả thầy?
- Cũng có, nhưng đi mồi chim cu gáy khác.
- Gáy như gà gáy ò ó o vậy phải không thần Năm?
Thầy Năm cười lớn:
- Gà gáy khác còn đi mồi chim cu thì gáy khác.
Thầy Năm vui vẻ mời, còn tôi ham vui, nóng ruột muốn đi liền, với lại cũng muốn đi theo để thấy, để biết cách thức mồi một con chim đang bay trên trời bỗng dưng bay vô cái lồng nhốt mình. Lạ chưa, nghe không bằng thấy, thấy mới tin.
Hứa là làm. Một hôm, thầy Năm tới nhà tôi, chở tôi sau yên chiếc xe Honda của thầy. Thầy để trước bụng một cái lồng, nhờ tôi cầm cái lồng khác, cả hai cái lồng đều phủ vải kín. Chúng tôi trực chỉ tới vùng Hóc Môn.
Nơi nầy không cách xa thành phố cho lắm, cái hay là quang cảnh vẫn giữ được vẻ nông thôn với những vườn cây ăn trái xum xuê, cây cao bóng mát và chim chóc đủ hết ráo.
Con đường lộ nhỏ qua nhiều cây cầu. Cho tới lúc thầy Năm quẹo vô đường làng thì không khí mát rượi vì nhiều bóng cây:
- Đi mồi chim hả thầy Năm?
- Ờ, mồi chim.
Tiến người trong nhà kêu, hỏi thăm thầy Năm, thầy cười tươi trả lời lởi xởi. Đồng thời cũng có tiếng chim cu cườm gáy lớn cúc cu trên các cành tre hay các cành cây khác chung quanh. Thầy Năm dẫn xe vô một cái sân gạch có ngôi nhà thấp:
- Cho gởi chiếc xe, ông Sáu ơi.
Ông Sáu chủ nhà bước ra vui vẻ mời khách vô nhà uống trả. Hồi trước ông cũng theo gánh hát mà không phải kép hát. Ông là nan nhạc cổ, ngồi trong cánh gà đờn kìm. Ông Sáu cũng nói chuyện bẫy chim. Ngoài sau vườn nhà ông treo một hàng lồng chim cu, có con gáy có con thì chưa. Chủ với khách nói chuyện về việc bẫy chim thật hào hứng, vui vẻ.
Rồi tôi với thầy Năm đi bộ trên con đường nhỏ quanh co thơm mùi bông lài, loại bông trăng trắng dùng ướp trà. Qua khỏi khu vườn trồng bông lài là vườn cây ăn trái xum xuê. Thầy Năm nói:
- Tới rồi, ngồi nghỉ một chút nha chú em. Ở đây nói chuyện được. Chút nữa vô sâu nín thinh nha chú.
Một hồi sau, tôi cầm cái lồng chui theo thầy Năm qua một nhánh cây sà xuống gần sát mặt đất. Nhìn lại thấy ông Sáu chủ nhà cũng đang nín thinh chui qua. Vậy là có ba người đi mồi chim cu, hai ông kia có nghề còn tôi không biết gì ráo. Chuyện đời cũng vui. Nhiều khi không biết trước chuyện gì sẽ diễn ra, bất ngờ mới khoái.
Sau đây là hoạt cảnh "mồi chim": Thầy Năm ngồi dưới gốc cây, sau lưng là ông Sáu chủ nhà. Hai cái lồng tre đã tháo vải trùm. Thầy Năm đưa một cái ra trước, cách thân cây chừng một thước hơn. Tôi ngồi sau lưng ông Sáu. Tất cả núp sau gốc cây im lặng nhìn lên ngọn tre trước mặt. Tò mò, hồi hộp ...
Thấp thoáng một con cu cườm bay tới, nhún nhẩy. Thầy Năm chụm hai bàn tay như cái loa, đưa lên miệng ... gáy. Các ngón tay khi kín khi hở cho nên tiếng thoát ra ngoài khi thì trong lúc thì đục, khàn khàn nghe lạ tai:
- Cúc cu ruuuuuu cúc cu ruuuuuuu ...
Còn nhiều âm khác. Nếu không nhìn thấy hay là ở xa thì khó biết đó là do người gáy. Không thể diễn tả được bằng chữ gì! Nó quá siêu, như một bài hát nhiều nốt do ca sĩ ... thầy Năm trình bày. Có cái gì hấp dẫn các chú chim qua bản nhạc nầy, cho nên chung quanh bỗng rộ lên khá nhiều tiếng chim hót, không chỉ là cu cườm. Thầy Năm lại bụm miệng gáy còn mắt thì theo dõi con cu cườm mầu xam xám, đang lẩn trong lá xanh xanh của cành cây mận. Song nó chỉ ở đó một lúc rồi bay đi.
Ông Sàu chỉ lên ngọn cây trước mắt. Trên đó thấp thoáng con cu cườm khác, nó bay từ cành nầy qua cành kia, rồi xuống thấp hơn đậu vào cành cây ổi.
Lúc nầy, con chim cu mồi trong lồng của thầy Năm mới cất tiếng gáy. Liền khi đó bỗng nhiên cả một vườn cây đang im lặng náo động hẳn lên, tiếng chim xa gần tò mò háo hức.
Chim mồi trong lồng cứ gáy, nhiều khi nó còn đi ra cửa lồng như đón khách. Rồi thì từ trên cành ổi, con chim cu cườm bay thẳng xuống cửa chiếc lồng đã mở sẵn, chui vào đó gây sự. Lúc nầy, thầy Năm bước ra đậy nắp lồng rồi đem chiếc lồng vào gốc cây. Thầy thò tay vào đó bắt con chim cu mới bỏ vô cái lồng trống.
Từ đó tới chiều tôi theo thầy Năm coi thầy mồi chim. Cũng có khi sự việc diễn ra khác, có khó hơn, nhiều khi con chim kia bay ra khỏi lồng. Nhưng lúc nào thầy Năm cũng mồi được khá nhiều chim mà toàn là những con chim đã biết gáy.
Nghề chơi cũng lắm công phu và bất ngờ. Nó còn một thú khác là được đi đó đi đây, gặp gỡ và trò chuyện vui vẻ với nhiều người. Rồi trong khi chờ đợi con chim kia bay vô chiếc lồng, người đi mồi chim có đủ thứ cảm giác. Nó khác nhiều với việc câu cá, câu cá thì đâu có cần phải ... gáy.
Câu chuyện của anh kép độc trở thành thầy Năm mồi chim là như vậy. Điều lạ lùng là tôi không thể học được tiếng gáy của thầy!


Không có nhận xét nào: