MAI NHẬT THI
Ca dao Việt Nam có câu: “Mình với Ta tuy hai mà một,
Ta với Mình tuy một mà hai”. Tất nhiên, ai cũng có “thế giới riêng tư” của
mình.
Không ai sống trong cuộc đời này “chỉ một mình”. Bao giờ ta
cũng có sự liên đới với “nhịp sống quanh ta”. Chính vì có sự liên đới đó, mà ta
mới biết vị trí của mình, ta so sánh và đo lường được giá trị bản thân mình, và
nhận ra thế nào là ý nghĩ cao đẹp của cuộc sống?
Nếu là “số nhiều” - có hai - thì bắt đầu đời sống “xã hội”.
Gia đình, theo ý nghĩa hẹp là Hôn Nhân, theo nghĩa rộng là “đại gia
đình”, là “tập thể”, là đoàn thể, quốc gia, nhân loại…như cách nói: “trái đất
là mái nhà chung của nhân loại”.
Cách sống riêng tư của một người gắn liền với cuộc sống
chung, cái đẹp chung. Cái gọi là “ý riêng” vẫn nhắm tới “ý chung” để cách sống
riêng tư làm phong phú cuộc sống chung, và cuộc sống chung giúp mỗi người no đầy
hạnh phúc trong tâm hồn mình.
Ta thường nói: “mỗi người vì mọi người, và mọi người vì mỗi
người”. Trong đó, đan quyện vào nhau sự quan tâm, chăm sóc cho nhau và vì nhau.
“Cho nhau và vì nhau” tiềm ẩn trong đó “chuyện riêng”, “chuyện
chung” của cuộc sống chung, đặc biệt trong Hôn Nhân.
Nếu khi lo “chuyện chung”, mà bản thân ta luôn cảm thấy là một
gánh nặng, lẻ loi, đè nặng trong lòng ta bao nỗi sầu muộn âm thầm, lòng ta
không vui với công việc, “chuyện chung” đó không làm ta hạnh phúc, thì việc sống
chung làm sao bền vững được?
Một người chồng làm việc đầu tắt mặt tối để lo miếng cơm
manh áo cho gia đình, người vợ ngày đêm chăm sóc con cái, cả hai hao mòn vì việc
chung, nhưng khi vợ chồng bên nhau nhìn đứa con lớn lên ngày càng xinh đẹp và
khôn ngoan, cả hai đều cảm thấy lòng tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc riêng trong
lòng mỗi người, cũng là hạnh phúc chung của cả hai người.
Như nhà văn Saint Exupery nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một
hướng”.
Mỗi người khi nhìn về hạnh phúc chung, họ tìm thấy hạnh
phúc riêng mình. Đơn giản, vì họ yêu nhau, vì nhau và cho nhau.
Yêu nhau đến quên mình!
Nguồn : http://canhdongtruyengiao.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét