Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

BÀ NĂM LẲNG

NGUYỄN HỮU TÀI

Mấy đứa trẻ xóm trên kêu bà là mụ Năm khùng; chị Lan, chị Liễu gọi là cô Năm, dì Năm; tụi tôi hay gọi bằng cái tên chẳng biết từ đâu mà có- bà Năm Lẳng.
Ủa mà sao họ gọi là bà Năm Lẳng vậy Năm? Chắc họ nghĩ tao khùng nên gọi vậy. Mà tao đâu có khùng. Tao biết làm việc, biết giữ tiền không tiêu xài hoang phí thì khùng sao đặng. Bà thọc vào trong mấy lớp áo, rút cái ruột tượng, lôi ra mớ tiền mới tinh xếp ngay ngắn khoe với tụi tôi. Bây coi đó, tao giàu không? Cả bon trố mắt nhìn đống tiền mà thán phục.
"Nhà" bà là chái bếp phía sau hậu liêu của đình Vĩnh Phú. Không cửa không nẻo, chỉ là gian phòng tro bụi bám đầy qua bao năm tháng thời gian. Trường cấp một của tôi nằm gọn trong khuôn viên đình. Người ta mượn ba gian phòng cũ, sơn sửa lại, đóng bàn ghế làm nơi dạy bọn trẻ nít trong thôn. Trường có sáu lớp, chia làm hai buổi học suốt tuần. Nhỏ xíu chẳng biết tên trường, nhưng khi có ai hỏi "Bây học ở đâu?", tôi ưỡn ngực nói chen lẫn chút tự hào: "Dạ con học trường Đình đó chú!"
Bà Năm là em gái của ông từ giữ đình. Thuở xưa là một nhan sắc có tiếng của làng của xóm. Rồi bà có chồng, sanh một lèo mấy đứa con. Chiến tranh tàn khốc đi qua, chồng mất, con thơ thất lạc tứ phương, bà phát điên từ dạo đó. Từ sáng tới tối, bà lê lết đầu trên xóm dưới, mặt mũi lem luốt, áo quần nhàu nát, tóc tai bù xù đầy chí mẹ chí con. Bà đứng giữa đường chửi trời chửi đất, chửi tổ tiên cha đứa nào đã thả bom cho chồng tao chết, con tao trốn biệt không về. Chửi mệt thì xin thức ăn nước uống lót dạ lấy hơi rồi...chống nạnh chửi tiếp. Mấy đứa cháu lúc đầu còn chạy kéo về, sau đó mệt quá lại để yên vì theo hoài không khắp.
Lũ con thơ của bà, nghe đâu có người sang tới Mỹ, có đứa sống ở miền núi cao nguyên. Mà cũng nghe thôi chứ chưa thấy bao giờ về thăm mẹ. Bà ở với anh con trai thứ hai. Mắt to, mũi cao thừa hưởng nét đẹp của mẹ. Đắng cay thay, anh cũng hưởng luôn cái bệnh nửa điên nửa tỉnh. Anh mặc áo quần chắp vá, lấy mền cột phía sau làm khăn choàng, tô son điểm phấn, tay cầm khúc gỗ, đứng giữa sân ứ ự tam quân điều binh khiển tướng rồi vô luôn một câu vọng cổ "Trời...ơi...bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu...Hà..." Bà Năm nhảy tưng tưng, vỗ tay như sấm, cười hớn hở. Nhiều lúc hứng quá, bà đứng dậy, ra bộ múa may, nức nở như Bạch Thu Hà khóc vĩnh biệt chàng Võ Đông Sơ. Ở nhà vài hôm, anh lại xông áo xông quần bỏ đi biệt tích chẳng biết đâu lần. Ông từ thương em gái, lôi bà về cho ở phía sau hậu liêu đình để nương nhờ phước đức của đấng tiền hiền linh hiển. Mà hay thật, bà tỉnh táo, không la hét quậy phá dù đôi lúc cũng nổi cơn điên.
Ngày nào cũng thế, tờ mờ sáng, bà thức dậy chắp tay vái hai ông Thiện Ác, ra trước đường ăn tô bún cho no bụng rồi cầm chổi cau quét mớ lá vú sữa, mãng cầu rơi đầy sân, dồn vô một góc rồi châm lửa đốt. Khói bay mù đất mù trời. Bà bỏ chổi, ngồi trước sân, bỏm bẻm nhai trầu nhổ bèn bẹt. Tụi tôi đi ngang qua, vòng tay, dạ tụi con chào bà Năm. Ừa tụi bây ráng đi học cho giỏi, ăn nhiều cho mau lớn. Mà nhớ không được xả rác đầy sân nhen, tao quét mệt lù. Rồi không được đi đái bậy. Mắc thì ra sông mà đái chớ không được xỉa vô nhà tao. Hôi rình sao tao chịu nổi? Đứa nào không nghe để tao bắt gặp lần nữa là xẻo chim nhen. Tụi tôi le lưỡi cười khúc khích.
Mặt trời qua khỏi mái ngói, bà xắn quấn xắn áo, nhảy ùm xuống sông ngụp lặn bắt ốc mò cua mãi tới trưa. Bà leo lên bờ, bày mấy con hến, con nghêu và những con ốc bươu đen thui nung núc thịt trên tấm nhựa bên vệ đường bán kiếm vài đồng bạc. Bà không bán lẻ, chỉ bán luôn mớ. Mà tính toàn tiền...triệu, mỗi triệu là một ngàn. Ngày nào kiếm cũng được vài...triệu đủ mua cá gạo, thêm mấy liễn trầu, phây phây không sợ đói.
Lúc ra chơi, tụi tôi hay ghé lại "nhà", đứng ngoài chỉ trỏ đống tam phủ bùi nhùi bà nhặt nhạnh mấy chục năm qua. Áo quần treo như mắc cửi, nồi niêu xoong chảo móc tứ lung tung, mớ khoai lang sùng, mấy cái chổi chà dựng ở góc sân. Bà ngồi trong bếp, miệng móm mém nhai hột mít luộc. Ăn hông bây? Bùi ghê. Vô đây tao cho một mớ. Tụi tôi lắc đầu, dạ thôi Năm ăn đi, tụi con ghé thăm Năm tí rồi vô học. Đôi khi có đứa vô tình chọc giận, bà nổi cơn điên, cầm chổi rượt chạy có cờ. Chừa nhé!
Bà ở trong cái xó bếp ấy tới mấy mươi năm dâu bể. Ngày nắng cũng như mưa, nhiêu việc làm hoài thành một thói quen không bỏ được. Mỗi khi trái gió trở trời, bà không dậy nổi, sân đình lá rụng bay đầy trong gió. Tụi con nít ngó quẩn ngó quanh rồi rồng rắn kéo vào coi thử bà Năm Lẳng hôm nay bị gì mà không...quét rác!
Lên lớp bốn, trường chuyển tụi tôi về khu Đức Trí tít bên thôn ba. Lắm lúc nhớ trường cũ, cả bọn kéo lên thăm bà. Nhìn mặt bọn trẻ, nửa lạ nửa quen, lờ mờ hổng nhớ đã gặp ở đâu rồi, bà chỉ cười, moi tiền ra đếm, lôi hột mít ra mời ăn lấy thảo.
Xa nhà, đi cùng trời cuối đất, thỉnh thoảng nhớ về những năm tháng tuổi thơ ngòn ngọt, chợt nhận ra trong một góc nhỏ của mình, bà Năm đã là một phần kí ức buồn vui.
Chị nói bà mất rồi. Trong một đêm tối trời mưa bão, bà ngủ say và chẳng bao giờ dậy nữa.
Chái bếp cũ, lâu rồi không ghé, chẳng biết người ta dẹp dọn sạch chưa hay vẫn còn vương vãi những manh áo quần treo ngổn ngang hỗn độn, mấy phòng học cũ đã bị đập nát trả lại mảnh sân đình tôn nghiêm êm ả. Rồi mỗi sáng lá vàng bay trong gió, hổng biết có ai làm việc không công như bà, gom góp lá đốt cho qua hết mùa đông?
Nguồn: http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào: