Vương Hồng
Sển
Ngày nay
nếu các bạn có dịp ghé chợ Sốc-Trăng, tôi xin các bạn, nếu gặp nơi đường giữa
châu thành danh gọi đường Hai Bà Trưng, trước kia gọi đường Hàng Me rồi đổi lại
đường Đại Ngãi, nếu các bạn gặp nơi đây hai căn phố lầu một căn làm tiệm uốn
tóc, một căn làm cửa vô một rạp chiếu bóng, hai căn nhà ấy là nơi nhau rún của
kẻ viết bài nầy. Và tôi xin giới thiệu: chợ Sốc-Trăng vẫn y như cũ, tuy chợ thấp
và cũ mèm, nhưng chứa biết bao kỷ niệm êm đềm của thời buổi xa xưa, và nhứt là
còn giữ được nhiều thức ăn lạ miệng. Sáng điểm tâm có bánh bò mặn ăn với thịt
xá-xíu nóng hổi, và có thứ bánh chiên nhưn đậu trên mặt có thả một con tép để
nguyên con, bánh nầy tên gọi nhiều thứ tùy nơi sản xuất: ở Sài-Gòn thì đó là
"bánh tôm khô chiên", xuống chợ Rạch-Gía thì đó là "bánh
giá" (vì nhưn giá) hoặc "bánh đậu" (nhưn đậu), không nữa là bánh
"Xà-Tún" (theo tôi có lẽ do tiếng Xà Tón nói trại, và xét theo đó phải
chăng bánh nầy đầu tiên ở Xà-Tón hay Tri-Tôn (Châu-Đốc) có trước? Tại chợ Sốc-Trăng
và Bạc-Liêu, thì đó là cái "bánh xầy" tên nầy tôi nghe từ tôi còn nhỏ
và đã xưa trên sáu bẩy chục năm. Theo tôi không bánh xầy đâu ngon bằng làm tại
chợ Sốc-Trăng, và mới đây tôi khám phá ra bánh làm tại chợ làng Đại-Tâm (Xoài-Cả-Nả
cũ), lại là ngon nhứt. Sốc-Trăng là xứ tôm tép nhiều và giá rẻ, cho nên bánh
chiên được ngon. Tôi có hỏi kỹ, đậu xanh phải đãi xảo lựa lấy hết những hột đậu
sượng, tép phải cho thật tươi, còn nhẩy soi sói và để nguyên và râu cà chưn cẳng,
hột gạo phải xay cho nhiễn nhưng nếu để gạo không thì cái bánh cứng và chai, bí
quyết gia truyền của một gia đình chuyên môn chiên bánh ở chợ Xoài-Cả-Nả (Sốc-Trăng)
là có để một mớ cơm nguội pha với bột trong lúc xay, thì bánh mới mềm và ngon.
Bí quyết nầy nay tôi viết ra đây thì đã hết bí mật, chớ gia đình nầy giấu nghề
không chịu chỉ cho ai, và người đàn bà nầy, mỗi sáng chỉ ra chợ ngồi chiên vài
trăm bánh, bán đến trưa trưa thì dẹp về ngồi sòng, ai đến trưa thì nhịn.Cái
bánh ở Xoài-Cả-Nả, hôm tháng rồi (tháng sáu năm 1974) giá cũng như ở chợ Sốc-Trăng
là ba chục đồng bạc, nhưng đối với tôi vẫn không ngon bì cái bánh hồi trước bán
một đồng xu (0$01) mỗi cái. Bánh xầy ngon, khi cắn, chiếc bánh thau trong miệng,
nhai vửa giòn khướu vừa thơm thơm mùi tép và thơm mùi mỡ mới, khi nuốt vào khỏi
cổ, bánh còn để lại một dư vị mặn mặn cay cay của chén nước mắm ớt rẻ tiền, khi
bánh đã nuốt vô tới bụng tới bao tử mà chưa thấy no và còn muốn ăn nữa nhưng
bánh đã thôi chiên, thì khi ấy dư vị kia thật là thần sầu quỉ khốc. Còn nhớ năm
học lớp tư (cours élémentaire) trường Sốc-Trăng, vào giờ ra chơi, lối chín giờ
rưỡi sáng, trời đang mưa lâm râm, chạy mua giành mua giựt được một cái bánh
nóng hổi, thả vô tô nước mắm ớt, bánh ngập nước mắm và dính ớt đỏ lòm, cắn vô
miệng mấy miếng, ngon lành, ăn nhín nhín giáp vòng cái bánh, không dám cắn nhiều
sợ hết, chừa con tép định để chót sẽ xơi cho khoái khẩu, bỗng thằng ba5nngo62i
kế bên tên là Chín lại xin ăn một miếng, nếu không cho thì lát nữa ra về nó sẽ
kiếm chuyện đánh đập lôi thôi, đưa bánh cho nó không dè nó lủm một cái một và
nuốt luôn con tép. Trong túi tôi còn một đồng xu, định chạy mua cái khác thì chị
bán bánh đã dẹp và có tiếng trống thúc vô lớp. Từ ngày ấy, tôi thù cái kiểu
"ăn lót" của học trò lớn ăn hiếp học trò nhỏ, nhưng nhớ lại, nhờ thằng
Chín ăn lót như vậy mà hôm ấy tôi hiểu được chữ "ngon" đến tột nghĩa.
Đến nay đã mấy chục năm, gần xuống lỗ, tiền bạc săn có mà nào mua được một b7a4
khoái khẩu như hồi đó. Bánh chiên ở Sài-Gòn mới là dở tệ. Muốn làm bánh lớn bán
rẻ tiền, nên đậu không đãi, bột không liu7a5, thêm chiên bằng dầu cũ: cái bánh
chai như lốp cao-su, rán nhai cho nhừ bỗng gặp một hột đậu sượng dội vào răng đau thấu mây xanh, chém cha cái
bánh.
Trích: Ba Thắc Hậu
Giang 30 năm về trước - tên bài do blog tự đặt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét