Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Đàn trâu về đâu?

Độ Ngạn


1.
Chính ngọ. Nắng như đổ lửa. Đường phố dài hút, bốc hơi.
Đối diện cổng bệnh viện thành phố, ở bên này lề đường, mấy cái quán cốc lúc nào cũng đông khách. Dưới tấm bạt che tạm của hàng café-cơm bụi quen thuộc, hơi nóng hừng hực bốc lên, ông Hiển ngồi trên cái ghế nhựa, mắt chăm chăm nhìn về phía dãy lầu bệnh xá. Hai ngày nay ế khách quá, ông không đón được cuốc nào. Cu Hải ngồi bên, nút áo mở phanh cầm tờ báo quạt phành phạch. Vừa quạt lấy quạt để vừa ái ngại liếc nhìn ông, rồi khèo hỏi : “Bố Hiển này, lại nhớ cái võng đào mắc ở hai gốc cau vườn rồi phải không?”. Trong đám người đang ngồi thản nhiên vừa gặm bánh mì vừa bày cờ tướng ra đánh để “giết” thời gian trong lúc đợi khách, một người nghe vậy, ngẩng đầu lên hỏi theo: “Thiếm ở nhà bớt đau chưa, chú Hiển ?”. Ông Hiển cười méo xẹo. Nghĩ đến bà vợ và hai đứa con. Chắc giờ này đang chịu trận trước cái quạt máy xoành xoạch ồn ào chạy hết công suất. Cái phòng vỏn vẹn mười mấy thước vuông nên càng quạt càng nóng, mà không quạt cũng…không được ! Gió điện tử thì chắc chắn thua xa những ngọn gió thiên nhiên mát rượi lướt êm trên đám rau lang mọc bò tràn nơi mảnh vườn xưa…Nóng lửa thế này, ước gì trở lại bốn năm trước, uống mấy trái dừa nhà đỡ khát, nằm đong đưa trên cái võng sợi, có tàng cây xanh lả ngọn che mát trên đầu, thiu thiu ngủ …
Nhà ông vốn truyền đời nông dân chính hiệu. Với ba sào ruộng, cấy cày chăm chỉ làm ăn, sau ông mua thêm được cái máy cày nhỏ vừa đỡ công cày bừa vừa để làm thuê giúp bà con cô bác quanh xóm. Cuộc sống tạm đủ, yên lành. Vợ chồng ông chỉ nức lòng trông mong hai đứa con học hành giỏi giang để nở nang mày mặt với bà con họ tộc. Năm 2009, thành phố có chủ trương qui hoạch đất nông nghiệp để mở rộng khu công nghiệp cùng mấy cái...dự án gì đó ! Ông và bao người trong xóm được đền bù một khoản tiền rồi chuyển ra vùng tái định cư. Mới đầu, bà con chòm xóm hớn hở, vì dưng không mà có vài mươi triệu cầm tay, có người được cả trăm hơn, tiền cứ tự nhiên ở đâu như từ trên trời rớt xuống, số tiền mà cả đời người nông dân – chỉ quen thầm lặng một nắng hai sương với ngọn cỏ, cọng rau – biết đến khi nào mơ tới ! Những ngày đó, đi đâu cũng chỉ nghe chào rào chuyện tái định cư ! Ông Bảy Vọng Cổ bên nhà, chưa chi đã tính mua cho thằng con chiếc tay ga, một dàn karaoke để anh em nó luyện giọng. Chỉ có ông Hiển là thẫn thờ, ông hỏi vợ :
- Nghe trăm trăm triệu triệu tưởng ngon lắm, nhưng không khéo là hết. Rồi làm gì để sống? Tui hồi nào chỉ quen cuốc cày. Bà hồi nào cũng chỉ quen với con gà con vịt. Vả lại đây là đất ông cha mình, có tổ tiên phù hộ cháu con…
Bà vợ ông có lẽ là người kinh nghiệm xương máu hơn cả trong mấy cái vụ đô thị hoá, dự án sân gôn, sinh thái…Đất gia đình ông bác Út của bà ở quê xa ngoài kia cũng thuộc vùng quy hoạch giải toả, nông dân cũng được đền bù. Giai đoạn đầu là hớn hở đổi đời. Cũng mua xe máy, mua ti-vi, đầu đĩa, dàn karraoke cho bằng chị bằng em. Nhưng sau đó, lấy gì mà sống? Mấy đứa nhỏ bỏ học hết. Con trai con gái lớn phải tha hương. Con gái vào thành phố làm công nhân. Bạn nó về kể, ba đến bốn người ở trọ trong căn phòng khoảng 9m5 nhà cấp 4 lợp mái tôn. Công nhân lương thấp dù làm đến 12 giờ một ngày cũng không đủ chi phí, lấy thời gian đâu giải trí? Cũng chẳng có thời gian về thăm nhà. Con bé khóc suốt, nhưng giấu nhẹm sợ cha mẹ buồn. Con trai lớn theo người anh họ đi lên DakLak, rồi không tin tức gì... Ông bác buồn quá. Mất đất, người nông dân dường như mất cái rễ tốt, rễ khoẻ bám vào cuộc đời. Ông sinh nghiện ngập, vài năm sau mắc bệnh xơ gan rồi chết ! Ông bác Út chết đã chục giỗ rồi, mà vùng đất giải toả xưa vẫn chưa thành khu công nghiệp, người ta chạy dự án, chia lô, bán với giá …khủng. Vàng từ đất đã chui tọt hết vào túi của một nhúm người !
Nhưng không đi cũng không được. Nghe đến hai tiếng “cưỡng chế” là lạnh sống lưng. Người làm ruộng vốn hiền hoà chỉ một đời muốn sống an lành hợp pháp. Vả lại, Nhà Nước nào mà chẳng lo cho-dân, vì-dân? So với người nông dân chân chất như ông, những ông to bà lớn, vốn sinh ra là để lo chuyện…quốc gia đại sự, chuyện…quốc thái dân an, chắc còn mệt gấp cả tỉ lần ! Nhưng rồi lại nghe truyền hình nói, có nhiều nơi thu hồi đất của nông dân giá rất rẻ, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng, cho doanh nghiệp chia lô, bán nền là giá tăng gấp 10- 15 lần ! Cái chất vàng trong “tấc đất tấc vàng” nếu được từ bàn tay người nông dân khai thác sẽ không bao giờ cạn, bởi với người làm ruộng, đất đai là mẹ, là anh em. Nhưng đến những tay tham nhũng, đầu cơ (loại sống ồn ào và huỷ diệt, sẵn sàng vét hết từ lòng đất những gì họ cần), họ chỉ coi đất là những vật mua rồi bán đi, thì sau mớ lợi nhuận khổng lồ đã chui tọt vào túi một nhúm người, đất sẽ khô kiệt héo chết dần. Có nhiều vùng, lùa nông dân đi rồi, chia chác không đều sao đó, đất lại bị bỏ hoang 40% đến 50% có nơi kéo dài đến 10 năm. Và đất cứ hoang hoá cằn khô, trong khi những người nông dân như bao bà con chòm xóm, như vợ chồng ông, thèm chết được về lại đất quê, lấy mồ hôi và trái tim mình phục hồi cho đất. Phục hồi đất là phục hồi cả sinh mệnh cho mình.
Ấy là nói bao đồng thế, nhưng vẫn phải tin rằng Nhà Nước nào mà chẳng lo cho dân, vì dân? Vậy là ngoan ngoãn rời đất mà đi !
Ở nơi tái định cư này, ông Hiển đâm ra mất ngủ. Cũng là làng quê, nhưng làng quê pha tạp hết rồi. Làng quê xưa thơm hương đồng lúa chín, giăng giăng lũy tre xanh, đàn trâu hiền lành nằm nhai cỏ ngắm cò trắng chao cánh đứng trên lưng mình tỉ tê trò chuyện! Rồi tiếng gà gáy ban mai, tiếng chào hỏi nhau kính trọng, thân thương, nghĩa tình đùm bọc, tối lửa tắt đèn có nhau. …Còn nơi đây ? Đàn trâu hiền lành nằm nhai cỏ ngày xưa giờ chỉ có con đường vào lò mổ thịt ! Làng không phải là làng, phố cũng không phải là phố. Nên người ta cũng không dám bảo ban nhắc nhở lẫn nhau. Giá cả thì đắt đỏ. Ớt chanh rau hành vườn nhà lúc trước, thoải mái cho nhau khi cần. Ở đây một cọng hành cũng phải bỏ lên cân, nói gì đến các thứ khác. Bà vợ ông phát rầu. Rồi…bệnh thật !
Nước sinh hoạt ăn uống, nhà nào cũng phải khoan sâu vào lớp đất đá hai ba lần, tận hàng chục mét vẫn không đủ dùng, thì nói chi tới chuyện canh tác, mùa màng. Cuộc mưu sinh đã chuyển hoá thành kiểu sống ăn xổi ở thì, nhập nhằng gạo chợ nước sông! Suốt ngày tiếng nhạc xập xình inh tai nhức óc. Nơi chơi điện tử lũ học trò trốn học xô đẩy tranh nhau. Buổi tối đèn xanh đỏ nhấp nháy hoa mắt, cùng tiếng chó sủa, tiếng rượt trộm chó, tiếng xe máy hú gào. Người lúc nào cũng chen chúc ồn ào, chỗ nào cũng là chợ, không lấy một giây yên tĩnh. Gia đình ông, nhiều cư dân khác nữa, không thể nào chịu nổi. Nhưng nghe cu Hải đọc báo, thấy viết là làng Đồng Tâm (T.H), hơn 10 năm tái định cư, giờ đã trở thành làng AIDS, thì ông Hiển thấy khu tái định cư này vẫn còn may mắn lắm (?) !
Ông bàn với vợ, quyết không thể để cuộc sống lấm láp như vậy được. Còn tương lai con cái nữa. Nhưng cũng không biết làm gì để sống và nuôi từng ấy con người trong gia đình. Đứa em họ đang là tài xế taxi vấn kế. Ông Hiển đi học lái xe. Lại mất một khoản tiền, mất một khoảng thời gian. Rồi bán đi chiếc máy cày, cộng với tiền đền bù, vay thêm bạn bè, ông mua một chiếc ô tô cũ để chở khách thuê. Nhưng xe cũ thì khách sang họ không đi nên ông toàn phải đứng đón khách ở cổng bệnh viện Tỉnh để đưa đón bệnh nhân và phụ nữ đi đẻ. Những khách hàng này chủ yếu là người lao động chân tay nên ông cũng đành giá cả rất phải chăng. Dẫu sao đây cũng là miếng ván cuối cùng duy nhất gia đình ông phải bám vào để tồn tại.
Cu Hải xe thồ là bạn mới quen, tuổi bằng thằng em trai út ở nhà, nhưng thâm niên tái định cư thì hơn ông ba năm ! Trán cao mũi thẳng, có học, lại là tay đáo để. Lúc nào trên tay hắn cũng kè kè tờ báo. Hắn đọc đủ thứ thông tin từ dưới đất lên đến trên trời. Lần đầu gặp ông, nhìn cái dáng cao lớn vạm vỡ đen chắc, bàn tay mạnh mẽ gân guốc nhưng đôi mắt tư lự buồn buồn, cu Hải thấy quý mến ngay. Bữa nào thấy ông Hiển buồn quá, hắn khôi hài thế sự cho ông khuây khoả : “Bố biết không, ở Chư Sê, có hai hòn đá đào trong vườn nhà dân, mà đích thân phó chủ tịch huyện đến cưỡng chế, thì ba sào ruộng với cái nhà to đùng của bố vác giấu được nơi mô?” Rồi chuyển giọng đắng chát thì thầm chuyện chị Ba Sương nào đó, “Bố ơi đừng buồn, người ta từng là anh hùng lao động, từng điều hành một nông trường rộng 7000 ha đất và mang lại cơm no áo ấm cho hàng nghìn người, mà nay không một tấc đất cắm dùi, không một túp lều che mưa nắng, chỉ với mấy đồng lương hưu còm cõi, phải đi thuê nhà để ở và muối dưa chua bán để có tiền sống qua ngày.” Ông Hiển chỉ biết chặc lưỡi, nhớ câu lè nhè muôn thuở của gã say gần nhà “ Đời là thế, là thế…” !

2.
Nhưng tin sét đánh nhất là lúc buổi sáng cu Hải cầm tờ báo, mặt mũi tím rịm ứ hự với ông: - “Nhà Nước sẽ thu phí ô tô, kể cả xe gắn máy!”. Buổi trưa đó, đám tài xế đủ chủng loại, không bình chân ăn bánh mì chơi cờ tướng chờ khách nữa. Ai cũng nuốt không trôi. Nghe nói Bộ trưởng giao thông vận tải phấn khởi ra một cái thông báo thu phí giao thông mấy chục triệu /1 năm đối với xe ôtô. Và có một bác đồng chí đồng minh nào đó ủng hộ nói rằng những người có xe ô tô là những người có thu nhập cao, họ cần thể hiện lòng yêu nước qua mấy cái phí ô tô này..
Trong xôn xao bàn tán, ông Hải muốn điếc tai vì quá nhiều tiếng chửi thề của đám anh em lái xe. Cu Hải dõng dạc thông báo, có thể từ ngày 1/6 tới, nếu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực, thì cứ y án thi hành !
Ông Hiển nghĩ tới món nợ từ lúc mua xe chưa trả hết, chuyện học hành của hai đứa con. Giá cọng hành trái chanh mới lên một chút, bà vợ ông đã lăn ra bệnh. Giờ mà nghe chuyện thu phí ô tô như thế này.. ông mường tượng đến số phận đàn trâu và số phận dân tái định cư như ông, vừa tức cười mà nước mắt cứ muốn ứa ra !
Mấy tháng trời, đám tài xế đâm ra mất ăn mất ngủ !…Rồi đùng một cái, chủ nhật vừa rồi, cu Hải lại giở tờ báo mới, sau những phản ứng gay gắt ồn ào đình đám, Bộ trưởng tuyên bố rằng chỉ đánh thuế vào ô tô cá nhân thôi. Cánh lái xe lại thở phào. Nhưng có ai đó bật thốt : - Làm gì để chắc chắn đó là sự thật ? Lại còn bao nhiêu phí khác? Luật cứ đổi xoành xoạch đó thôi ! Lại vang rân tiếng chửi thề !
Trở về làm người nông dân chân chất cũng không được, rán tẩy cho hết chất phèn ruộng để hoàn toàn trở thành một thị-dân chính cống cũng không xong ! Mà cũng không dễ ai người ta cho nhập cư vào thành phố ! Ngày xưa, cũng một thời cải cách đất đai, một tầng lớp “dân kinh tế mới” hình thành với đủ cung bậc hỉ nộ ái ố bi hài. Nay lại tiếp nối, xuất hiện “dân tái định cư” vừa mới toanh, đường bệ, vừa … tang thương ngẫu lục gấp bội phần !

3.
Bây giờ cứ chập tối lại đâm ra thèm ly rượu ! Có nó, mới yên giấc một chút !
Trong giấc mơ hàng đêm, ông Hiển sẽ lang thang trở về cái sân gạch ngày xưa, mặc sức hít thở căng lồng ngực mùi rạ rơm quen thuộc. Rồi trong lừng lừng hương đồng gió nội ấy, lại nhập nhoà hình ảnh …đàn trâu sừng cong da bóng quê ông, lũ lượt đứng dậy, rời bỏ bờ xôi ruộng mật, đủng đỉnh xếp hàng đi vào lò mổ thịt giữa làn khói sương bay !
 Nguồn: http://www.ninhhoatoday.net

Không có nhận xét nào: