Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

SƠN NAM VỚI XE ÔM, XE ÔM VỚI SƠN NAM

Đ.T

nhà văn Sơn Nam
Năm 1995 lúc lên ở cùng phường 7 của chúng tôi tại Gò Vấp, TP HCM, tháng 8 năm 2005 bị tai nạn giao thông về lại nhà ở Bình Thạnh nằm một chỗ. Ngày 13 - 8 - 2008 thì anh lìa đời, chúng tôi đến nhà tang lễ thành phố cúng bái và tiễn đưa linh cửu đến nơi an nghỉ cuối cùng tại công viên nghĩa trang Bình Dương. Mọi người không còn được gặp Sơn Nam bằng xương bằng thịt nữa.
Những năm sống ở Gò Vấp cũng là lúc cây cổ thụ Sơn Nam nở rộ nhiều tác phẩm và mọi hoạt động văn hóa nổi tiếng, ấn tượng sâu đậm nhất.
Ngày đi, đêm viết, nhưng ông già Nam Bộ không chỉ dùng đôi chân vì thành phố thì rộng lớn mà giao thông thì ngày càng ùn tắc. Chính vì thế mà "xe ôm" là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp văn học của Sơn Nam.
Đôi khi trông Sơn Nam giống như một người hành khất.
Đến cái "kết" đội trên đầu cũng lúc có lúc không. Thực ra, ông không thiếu. Nào các công ty du lịch Saigon tourist, nào hãng phim Gia3i Phóng, nhà xuất bản Trẻ, nhà sách Fahasa ... biếu tặng ông dài dài, thế mà ông nói:
- Đội xong tao ghé nhiều chỗ quá, bỏ đâu mất!
Còn có lẽ giữa phố phường hoa lệ hiện đại này, chẳng một ai có cái túi vải "nhau mèo ngàn năm văn vật" như của Sơn Nam. Rất oải, nó chẳng giống ai, dẫu có ném giữa chợ cũng chẳng có ai để mắt tới.
Thập niên qua, cái túi ấy vẫn kè kè sau lưng và những bó hoa tươi thắm của bạn đọc ái mộ tặng nhà văn, ông cầm trên tay đằng sau xe chúng tôi, ngoài tầm ngắm của bọn cướp giật.
Mấy ai biết trong cái túi dị hợm ấy chính là những xấp bản thảo dầy cộm sách đã viết xong. Là những biên soạn khảo cứu dầy công của ông về mọi lãnh vực văn học nghệ thuật ... Tác giả đem đến cho các nhà xuất bản. Sau đó văn chương khuôn vàng thước ngọc sẽ được in ấn, phát hành, đặt để bệ vệ trên tủ kính các nhà sách, các thư viện.
Sơn Nam còn đến các hội trường lớn, các trung tâm văn hóa, các trường đại học, các hội nghị ... bước lên bục khán đường tọa đàm, tham luận, thuyết trình. Trước đông quan chức, trước các bậc khoa cử và đủ thành phần trí thức, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Có đài truyền hình thành phố đến tham dự quay phim phát sóng.
* * *
Ông là khách mời thường xuyên tại các lễ hội, là giám khảo chấm các cuộc thi văn hóa dân tộc cổ truyền, như múa lân, kéo co, hô bài chòi, đấu cờ tướng ...
Khi trân trọng đem giấy mời đến trao tận tay, các tổ chức đều hẹn giờ có xe hơi đưa đón bác. Nhưng bác từ chối:
- Thôi được rồi, để tôi tự lo.
Sau đ1o rủ tôi cùng đi.
Chở ông đến nơi, từ cổng ngoài các bảo vệ và công an đang làm nhiệm vụ , liếc thấy nhà văn Sơn Nam , liến phất tay ra hiệu cho chúng tôi chạy tuốt vào bên trong. Khi đến chỗ các quan chức và ban giám đốc, liền có các cô tiếp tân xinh đẹp trong tá áo dài tha thướt tiến lại đỡ bác xuống xe, bước chậm rãi đi sát hai bên bác. Tất cả quan chức bước ra tay bắt mặt mừng.
Lúc xong việc, bác ra về, chúng tôi thường bị "giựt mối". Các vị bấy nay mà chúng tôi thấy đã từng làm việc nhiều lần với Sơn Nam ấy là ông Dương Trung Quốc - nhà sử học. ông Nguyên Hạnh, phó tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay chạy lại bốc bác lên ô tô đi mất. Họ chở Sơn Nam đi chiêu đãi hiệp hai và còn bàn thảo nhiều sự kiện văn hóa đang rất cần sự đóng góp nhiệt tình của nhà văn lão thành này.
* * *
Nhưng cuối cùng ông cũng trở về xóm lao động.
Nơi nhà trọ, nhà văn thường được chủ nhà sắp xếp trên thượng đỉnh lắt lẻo hai ba bậc thang. Trong cái chuồng cu khách sạn nhiều sao này, ôi thôi thảm thiết. Sàn gác, cầu thang gỗ leo lên leo xuống, đi qua bước lại, đung đưa tiếng kêu cót két, chưa kể cái nóng bức của nó và các tiện nghi khác đều vắng mặt.
Nhưng giá thuê thì hạp túi tiền đời văn đời báo, lại quanh tháng ngày "nhất hô bá ứng". Linh tinh từ nhỏ đến lớn, cần mua ly cà phê, gói thuốc lá, tờ báo, cây bút bi, xấp gai61y trắng ...Hoặc lúc trái trời trở giá, ngọc thể bất an, ho hen cảm cúm ...báo hiệu một tiếng là có đủ bà con lối xóm đáp ứng vô tư. Lý tưởng thay với kẻ xa lìa mái ấm gia đình.
* * *
Đả lắm lần, từ cảnh nhà trọ này, Sơn Nam đi xe ôm đến cụm khách sạn cao cấp đường Hoàng Việt, quận Tân Bình thành phố HCM.
Ông đến đó theo lời mời của ban giám đốc để thuyết trình về đề tài "Văn hóa ẩm thực dân gian và cung đình" cho các nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài được tổ chức tại Đệ Nhất khách sạn.
Chiếc xe ôm nghèo nàn ngừng sát tiền sảnh liền có mấy ông Tây tiến đến bắt tay bác Sơn Nam, hai bên nói chuyện với nhau. Bác Sơn Nam nói tiếng Pháp như gió. Tất cả họ nở nụ cười thiện cảm, chỉ tay về phía chúng tôi.
Rõ ràng là Sơn Nam giống hệt cô bé lọ lem, từ khu ổ chuột, trong nháy mắt đã đến cung điện để khiêu vũ với hoàng tử.
Nhưng đối với Sơn Nam, điều đó thật vô nghĩa.
Lúc Sơn Nam ra về, mấy ông Tây cao đẹp tiễn ra tận xe ôm. Họ bắt tay những người lao động nghèo và tặng chai rượu ngoại Whisky đắt giá, kèm bao thơ tiền đô.
Trở về lại lối xóm, những người chạy xe ôm khoe khoang rối rít.

Không có nhận xét nào: