Bình Yên
Sinh viên ngành điều dưỡng đang đi thực tế ở một bệnh viện. |
SGTT.VN - Một lần nữa công luận lại lên tiếng về đào tạo
nhân lực y tế. Có lẽ chưa nơi nào trên thế giới việc đào tạo nhân lực ngành y lại
kỳ lạ như ở nước ta: người người đào tạo, nhà nhà đào tạo, gần như không cần
chuẩn mực đầu vào, không cần chất lượng đầu ra.
1.Một bác sĩ chủ nhiệm bộ môn của một trường đại học y khoa ở
TP.HCM có lần than thở với chúng tôi: “Đào tạo nghề y bây giờ không khác gì đào
tạo nghề sửa máy tính, ống nước, đồng hồ. Người ta thấy đào tạo ngành y “có
ăn”, nên ai cũng lao vào đào tạo, chẳng cần biết y khoa là một ngành nghề đặc
biệt”.
Nhận định này có cơ sở. Có dịp ghé thăm một trường trung cấp
y dược tư nhân ở TP.HCM, chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến cái gọi là phòng thực
tập của trường chỉ rộng độ 16m2 với hai bộ hình nộm cơ thể người và dăm bức
tranh trên tường mô tả đường đi hệ thống mạch máu, thần kinh. Cạnh phòng này là
phòng thực hành hoá phân tích, kiểm nghiệm, bào chế, hoá dược, cũng không khá
hơn: ngoài vài chiếc tủ đựng hoá chất trên tường, trên bàn học chỉ là chục chiếc
kính hiển vi. Thế mà trường này hàng năm vẫn cho ra trường hàng trăm y sĩ, điều
dưỡng và dược sĩ trung cấp!
Theo thống kê, đến cuối năm qua cả nước ta có 26 cơ sở đào tạo
nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy
nghề. Nhưng nghịch lý thay, dù hiện nay các trường nhận vào và cho ra ồ ạt một
lượng lớn nhân lực ngành y, lực lượng nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện lớn vẫn
thiếu. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, từng
phát biểu: “Sinh viên ra trường ngày nay chất lượng khá thấp. Nhận về phải đào
tạo bổ sung rất mất công, có khi đào tạo 6 – 7 tháng mà vẫn không làm được. Bệnh
viện tham gia đào tạo sinh viên cho các trường tư nhân, nhưng thú thật chúng
tôi không dám tuyển dụng”.
2.Lẽ ra không phải bây giờ, mà cần phải báo động về chuyện đào
tạo nhân lực ngành y từ lâu. Trước đây, chỉ có trường công lập mới được đào tạo,
nhưng từ khi có chủ trương xã hội hoá giáo dục, nhiều trường tư nhân cũng tham
gia, kết quả là chuẩn mực nhận vào mỗi nơi mỗi khác, chương trình giảng dạy
không ai kiểm định, chất lượng đầu ra khó đoán. Sinh viên ra trường cầm mảnh bằng
tốt nghiệp như nhau đi xin việc, nhưng nhiều nơi lắc đầu không nhận, làm mất bao
công sức học hành.
Nhưng nói đến đào tạo nhân lực ngành y mà chỉ đề cập đến trường
tư nhân thì cũng chưa sòng phẳng. Dư luận đã nhiều lần đề cập đến tình trạng xuống
cấp đào tạo trong các trường công lập khi sinh viên đi thực tập như “cưỡi ngựa
xem hoa” vì thiếu thầy dạy. Và kể cả khi có thầy cũng không còn mấy người còn
tâm huyết giảng dạy vì cuộc sống khó khăn, đồng lương eo hẹp khiến giảng viên
phải bươn chải làm thêm để kiếm sống. Rồi ngay cả sinh viên của cùng một trường,
nhưng sự phân biệt hệ đào tạo cũng dẫn đến chất lượng học tập khác nhau. Một
sinh viên y khoa hệ chuyên tu từng tâm sự: “Nhiều người cứ khe khắt hệ chuyên
tu, nhưng thực tế nhiều người trong chúng tôi rất nỗ lực học tập. Tuy nhiên, muốn
học mà có được đâu. Đi thực tập bệnh viện, có giảng viên nói thẳng: “Tôi không
dạy sinh viên chuyên tu, mời các anh chị đi chỗ khác học”. Vậy người ta nhận
đào tạo chúng tôi để làm gì?”
Chất lượng đào tạo sinh viên y khoa có vấn đề, nhưng chất lượng
đào tạo sau đại học cũng không hơn bao nhiêu. Tại TP.HCM, dù tồn tại đại học Y
dược với bề dày giảng dạy hơn nửa thế kỷ, nhưng nhiều bác sĩ của thành phố khi
làm nghiên cứu sinh không chọn trường này mà lặn lội ra tận Hà Nội, tốn tiền bạc
và công sức hơn, nhưng một vài cơ sở đào tạo dễ dãi ở đây lại giúp họ mau chóng
thành tiến sĩ. Nếu quan sát kỹ, một số lĩnh vực đào tạo y khoa ở nước ta cũng
xa lạ với thế giới. Điển hình là tim mạch can thiệp, lĩnh vực rất phát triển hiện
nay, nhưng từ thầy đến trò đều không theo bài bản nào. Một bác sĩ tim mạch can
thiệp của Đức cho biết, ở nước ngoài, để học tim mạch can thiệp, người học phải
là bác sĩ nội tim mạch, đầu tiên học trên mô hình, rồi làm trên thú vật, sau đó
mới dần dà làm trên người. Ở nước ta không như thế, cứ học và làm trên người, học
viên học xong thành “thợ” chứ không thể thành “thầy”. Thật nguy hiểm, không biết
có bao nhiêu ca tai biến đã xảy ra do kiểu đào tạo “tay ngang” như thế này?
3.Thật lạ khi một ngành nghề liên quan đến việc chăm sóc sức
khoẻ con người lại không được kiểm soát và thẩm định chặt chẽ, sau một thời
gian dài buông lỏng, giờ đây người ta mới báo động và tính đến việc siết chặt.
Thiếu nhân lực ngành y là có thật, và bổ sung bằng gia tăng đào tạo là hợp lý.
Nhưng tại sao ngay từ đầu những ngành chức năng không lường trước được mọi việc,
cùng ngồi lại để tìm giải pháp để hạn chế bất cập? Tư duy thiển cận và lợi ích
riêng tư đã chi phối chính sách, gây lãng phí bao nguồn lực của xã hội. Nhưng
cái giá phải trả đâu chỉ như thế. Hàng loạt ca tai biến y khoa, khiến bệnh nhân
tàn phế và tử vong khi vào bệnh viện, được giới truyền thông nêu lên thời gian
qua có mối liên hệ nào với việc đào tạo nhân lực y khoa dễ dãi hay không?
2 nhận xét:
Việc đào tạo sinh viên y dược lúc trước là của Bộ Y tế nhưng chậm cải tiến, xã hội kêu thiếu cán bộ. Thiếu thì phải đào tạo, vậy là chuyển sang cho Bộ Giáo dục. Bộ giáo dục thì không hiểu đây là ngành đặc thù mà chỉ quan tâm ... giáo dục là chính thôi, còn thành cái j thì có ... trời và bệnh nhân mới biết. Chưa bao giờ học y dược dễ như mua ổ bánh mỳ lúc này.
Tôi nghĩ, trường nào cũng có con sâu, thời nào cũng có người khùng kẻ điên. Trước khi tuyển dụng nên đánh giá test năng lực thực tế chứ đừng như bj chỉ quen biết mới được làm trong ngành. Haiz. Rõ khổ!
Đúng rồi, nhưng quan trọng vẫn là khả năng của mỗi người, có ng học chuyên tu nhưng rất giỏi chuyên môn và sáng ngời Y đức nhưng có kẻ chỉ là kẻ giết người có bằng cấp...
Đăng nhận xét