Bùi Văn Bồng
Đồng Tháp Mười mùa nước nổi |
Đồng Tháp Mười, xứ sở đã từng được đặc tả nét riêng "muỗi
kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh". Nơi đây, nông dân mới có thêm một
nghề tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Nhiều người đã bắt nhạy nghề này, đua
nhau hùn hạp làm ăn. Đó là nghề dựng chòi lá thốt nốt nuôi dơi để lấy phân.
Trong sách thuốc, phân dơi cũng là vị thuốc, gọi là "dạ
minh sa". Còn phân dơi do bà con nuôi bây giờ chủ yếu bán cho nhà vườn,
bón cho cây ăn trái đặc sản. Nghe vậy mà ham, muốn đến thăm các làng Dơi ở Đồng
Tháp Mười. Mới đây, tôi có dịp thăm các làng nuôi dơi. Chiếc xuồng máy đưa
chúng tôi lên với làng Dơi xuất phát từ cầu Cổ Cò, chạy riết ngược lên vùng Đồng
Tháp Mười. Một tay chèo, một tay bẻ lái cho chiếc xuồng ba lá ghếch mũi lên bờ
kênh, cô gái vui vẻ nói :
- Đến làng Dơi rồi đó. Mấy anh lên bờ, lội bộ qua bưng
trống là "dô" làng Dơi.
Chúng tôi cảm ơn cô gái chèo xuồng duyên dáng và vui tính ấy,
bước lên bờ kênh. Đã vào cữ cuối năm, nắng chiều vàng nhạt, gió Đồng Tháp Mười
se se lạnh. Chúng tôi đi vào buổi chiều, để "phục kích" lúc chập tối,
dễ gặp được chủ chòi dơi, để nghe chuyện về cái nghề mới - nghề nuôi dơi của
người dân xứ này.
Dọc theo con đê chống lũ của xã Tân Hòa Tây, chúng tôi lội bộ
ra cánh đồng, nơi có những chòi nuôi dơi của bà con nông dân ở ấp Đông. Vừa lúc
đó, chủ chòi dơi là anh Ba Vũ cũng bước tới. Anh Ba Vũ tâm sự :
- Gọi là nuôi dơi, nhưng đúng ra là làm chòi dụ dơi về làm tổ.
Có cái chòi "ngon lành" là bầy dơi tự rủ nhau đến làm nơi trú ngụ.
Dơi tự kiếm ăn. Tụi tui cũng phải bỏ ra số vốn không ít để làm chòi dơi. Phải
siêng năng, thận trọng và biết cách mới có nhiều dơi về chòi. Bà con ở đây làm
chòi cho dơi ở, rồi lấy phân dơi đem bán, nghề mới này hiện đang "phất"
lắm. ở huyện Tân Phước, một huyện đầu nguồn lũ, huyện vùng sâu của Đồng Tháp Mười
này cũng đang phát triển nghề làm chòi dơi. Đã có nhiều làng dơi ở Mỹ Phước,
Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hòa Tây...
Anh Ba Vũ còn nói với chúng tôi rằng, đến thăm chòi dơi vào
lúc mặt trời lặn thì chủ chòi dơi cho ghé thăm. Nếu như vào giờ khác, người gác
chòi dơi không cho khách đến sát chòi, sợ động, dơi bay hết. Thường là khoảng 6
giờ chiều, khi nắng tắt, dơi rời tổ đi ăn. Lúc đó, chòi dơi trống trơ. Chủ chòi
cũng tranh thủ lúc đó ra chòi thay lá, làm vệ sinh, thu lượm phân dơi. Phân dơi
từ mấy năm qua đã trở thành hàng hóa khá "ăn khách", có mấy hút nấy,
không bị ế . Bầy dơi bay ra không gian kiếm ăn lúc chập choạng tối chừng 30
phút, chúng sẽ bay về chòi " nghỉ cánh". Trong 30 phút đó, người thay
lá, làm vệ sinh, thu phân dơi phải nhanh. Nếu chậm, dơi về thấy động sẽ bỏ chòi
bayđi hết. Biết vậy, đợi Ba Vũ thoăn thoắt thay lá, dọn chuồng dơi xong, chúng
tôi mới theo Ba Vũ về nhà anh. Đúng như Ba Vũ nói, đến giờ đi kiếm ăn tối là bầy
dơi vù cánh bay đi hết, để lại một chòi trống trơ, không còn một chú dơi nào
canh chòi. Khoảng 30 phút sau, chúng lại phần phật bay về, rào rào cánh bay vào
chòi. Người ta nói rằng, đó cũng là "kỷ luật" giờ giấc của bầy dơi,
cùng bay đi kiếm ăn, cùng tụ về tổ, ít thấy những chú dơi lạc loài " phạm
kỷ luật".
Chúng tôi ngồi trên tấm chiếu bàng trước thềm, dưới ánh
trăng mờ của bầu trời Đồng Tháp Mười cuối mùa gió chướng. Nhăm nhi li rượu đế với
khô lóc, anh Ba Vũ kể về nghề nuôi dơi ở vùng này.
Dạo đó, một cái chòi giả bằng lá thốt nốt được dựng
lên trên cây sầu riêng để bẫy máy bay trực thăng. Lạ thay, cái chòi trên cây sầu
riêng ở cù lao Tân Phong ấy, sau nhiều lần bắn phá vẫn còn nguyên. Khi tiếng
súng tạm yên, bầy dơi đã về làm tổ.
Cây sầu riêng có chòi dơi lại xanh um, sum suê nhất vườn, cho nhiều trái, mà trái nào cũng to, nhiều múi, thơm ngon. Biết là giống sầu riêng rất "hạp" phân dơi, anh Ba Vũ đã đi lùng mua phân dơi để bón cho vườn sầu riêng. Cây sầu riêng ở miệt vườn cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp, và cả cù lao An Bình bên Vĩnh Long được bón phân dơi đã cho năng suất đậu trái gấp đôi so với bón phân hóa học và các loại phân hữu cơ khác. Mấy năm gần đây, các nhà vườn trồng dưa hấu ở Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và bên Long An, Vĩnh Long cũng chuộng phân dơi bón dưa hấu, vừa cho năng suất cao, ít sâu bệnh, thịt dưa chắc, đỏ au, ít hạt. Phân dơi không những đã trở thành hàng hóa phục vụ nông nghiệp, các nhà vườn ưa chuộng, mà còn được bán cho một số cơ sở dược mua về loại boe tạp chất, sơ chế ra một loại nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, làm thuốc thú y, và nhiều khi còn là nguyên liệu phụ gia để làm thuốc súng, làm pháo bông, cho nên nó còn có giá trị xuất khẩu.
Cây sầu riêng có chòi dơi lại xanh um, sum suê nhất vườn, cho nhiều trái, mà trái nào cũng to, nhiều múi, thơm ngon. Biết là giống sầu riêng rất "hạp" phân dơi, anh Ba Vũ đã đi lùng mua phân dơi để bón cho vườn sầu riêng. Cây sầu riêng ở miệt vườn cù lao Tân Phong, cù lao Ngũ Hiệp, và cả cù lao An Bình bên Vĩnh Long được bón phân dơi đã cho năng suất đậu trái gấp đôi so với bón phân hóa học và các loại phân hữu cơ khác. Mấy năm gần đây, các nhà vườn trồng dưa hấu ở Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước và bên Long An, Vĩnh Long cũng chuộng phân dơi bón dưa hấu, vừa cho năng suất cao, ít sâu bệnh, thịt dưa chắc, đỏ au, ít hạt. Phân dơi không những đã trở thành hàng hóa phục vụ nông nghiệp, các nhà vườn ưa chuộng, mà còn được bán cho một số cơ sở dược mua về loại boe tạp chất, sơ chế ra một loại nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, làm thuốc thú y, và nhiều khi còn là nguyên liệu phụ gia để làm thuốc súng, làm pháo bông, cho nên nó còn có giá trị xuất khẩu.
Nghe anh Ba Vũ nói về tác dụng của phân dơi, tôi mới nhớ ra:
Trong cuốn " Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", dược sĩ Đỗ Tất Lợi
đã viết rằng, phân dơi - dạ minh sa (còn gọi là thiên thử phẩn, biên bức phẩn).
Vì phân dơi ban đêm có ánh như lân tinh, trông nhấp nhánh như cát, nên gọi là dạ
minh sa. Tính chất ghi trong sách cổ là: Dạ minh sa vị cay, hàn, không có độc,
vào can kinh, có tác dụng hoạt huyết. Khi người ta đau mắt là do can (gan) nhiệt,
huyết xông lên mắt, cho nên dùng dạ minh sa để chữa gan. Dạ minh sa được bào chế
và hợp vị với thảo quyết minh, cốc tinh thảo, mật mông hoa, nhiều khi trộn với
cả mật lợn, dùng làm thuốc chữa bệnh thong manh, quáng gà, mắt khô, mắt mờ. Người
ta đã phân tích thành phần hóa học của phân dơi, có u rê, a- xít u ríc, vi -
ta- min A, vv.
Một chòi dơi cư trú xôm bầy, mỗi đêm cho từ 1- 1,5 giạ phân
dơi( một giạ bằng 20kg). Vào cuối mùa khô, muỗi Đồng Tháp Mười có nhiều, mùa no
căng của dơi, cũng là mùa sinh đẻ của dơi, mỗi đêm chòi dơi cũng cho thu tới
trên 2 giạ phân dơi. Bình quân mỗi giạ phân dơi bán được 50.000 đồng, một tháng
mỗi chòi dơi cũng cho thu nhập tới 1,5 triệu đồng. Cả ấp Đông của xã Tân Hòa
Tây hiện nay có 27 chòi dơi. Có nhà đã dựng tói 4 chòi dơi, thu nhập bình quân
5-6 triệu đồng/ tháng. Nhưng, cũng phải có vốn mới làm đựơc chòi dơi. Vì mỗi
chòi dơi chi phí nguyên vật liệu, mua lá thốt nốt để có lá thay liên tục, cũng
tới 5- 6 triệu đồng. Chỉ có lá thốt nốt mới "dụ" được dơi bầy vào
chòi. Các lọai lá khác, dơi không tụ bầy cư trú. Chòi cao 10 mét, có 6 trụ
thành hình lục giác đều, cạnh dài 10 mét, ngang 6 mét, mái có thể lợp bằng lá dừa
nước, nhưng lá treo trong chòi cho dơi đeo bám phải là lá thốt nốt. Phải đi tận
biên giới An Giang mới mua được lá thốt nốt, chi phí mua và vận chuyển lá thốt
nốt về Đồng Tháp Mười cũng tốn kém. Trên trần chòi người ta phải làm một cái
sàn bằng gỗ tốt, chắc chắn, còn gọi là dàn dơi bám, để có sức giữ được 500 tàu
lá thốt nốt và hàng nghìn con dơi đeo bám vào lá thốt nốt. Bốn bên chòi còn phải
che kín bằng lá chằm để che mưa, gió, tránh nắng. Chòi dơi nên dựng cạnh bờ
sông hoặc bờ kênh để dơi tiện uống nước, lại phải che chắn để giữ ấm vào mùa lạnh,
thoáng mát về mùa nóng, phải thường xuyên thay lá để tránh rệp và chống bệnh
cho dơi, nếu để bị bệnh thì bầy dơi sẽ bỏ chòi bay đi nơi khác. Chòi dơi phải
đón được nắng mai, che được nắng trưa và nắng chiều, tránh được hướng gió lạnh
lùa vào chỗ dơi cư trú. Rắn ráo và rắn lục coi dơi là món ăn khoái khẩu, vì thế,
thay lá cũng là chống rắn, thấy rắn là diệt ngay để bảo vệ đàn dơi. Nghề
"nuôi" dơi cũng lắm công phu.
Đến làng dơi vào dịp cuối năm và trò chuyện với các nhà nuôi
dơi ở vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi còn được các "nhà dơi học"
nguyên chất nông dân ở đây nói rằng, tạo ra nhiều chòi dơi nghĩa là tăng trưởng
đàn dơi nhanh, sẽ tăng nhiều thiên địch của loài muỗi, và như vậy cũng góp phần
phòng ngừa và giảm được bệnh sốt xuất huyết, một loại dịch bệnh thường mắc với
tỷ lệ khá cao ở vùng này. Chòi dơi cũng cần dựng cách xa khu dân cư khoảng 200-
3000 mét để giữ cho không khí ở khu dân cư được trong lành. Làm kinh tế bằng
khai thác nguồn lợi từ phân dơi, nhưng người làm chòi dơi cũng luôn luôn ý thức
điều đó, bảo vệ, làm phong phú thêm môi trường sinh thái thiên nhiên và bảo vệ
sức khỏe cộng đồng.
Uống rượu đế nếp với sản vật ngon lành của vùng Đồng Tháp Mười
thân thuộc, chúng tôi nằm ngay thềm nhà của anh Ba Vũ, đón gió mát từ đồng xa
thổi về. Cả chủ và khách đi dần vào giấc ngủ trong biết bao chuyện mới mẻ và
sinh động ở làng dơi. Mới mờ sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc, nhìn ra bầu trời đã
thấy đen đặc những đàn dơi. Vâng, đúng như anh Ba Vũ nói, chạng vạng và
tinh mơ là giờ bay đi kiếm ăn của bầy dơi ở Đồng Tháp Mười.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét